CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về nguồn cát biển
trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nói chung và nguồn cát biển nói riêng có nhiều chuyển biến, các cơ quan, đơn vị chức năng và chính quyền các cấp đã phối hợp quản lý chặt chẽ, không để các tổ chức, cá nhân khai thác trái phép, từ đó bờ biển tỉnh Bạc Liêu luôn được bảo vệ ổn định, hạn chế hiện tượng làm thay đổi dòng chảy, xói lở bờ, gia tăng gây bồi, tạo bãi, giữ vững hệ sinh thái và đa dạng sinh học trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như: Việc điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nguồn cát biển chưa được tiến hành, chưa lập quy hoạch vùng cấm, vùng hạn chế khai thác; hiện tượng khai thác cát biển trái phép vẫn còn xảy ra ở một vài nơi, làm thay đổi dòng chảy, gây xói lở bờ, gây ô nhiễm môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, phá vỡ cấu trúc địa chất và hệ sinh thái, gây tác động nhiều mặt đến vùng ven bờ biển của tỉnh. Nguyên nhân là do công tác quản lý nhà nước về tài nguyên cát biển chưa được quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc bảo vệ nguồn cát biển chưa được chặt chẽ; chính quyền địa phương một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của tài nguyên khoáng sản, còn quan niệm trách nhiệm thuộc về cơ quan chuyên môn; ý thức của một bộ phận doanh nghiệp và nhân dân về Luật Khoáng sản còn thấp; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật khoáng sản chưa được thường xuyên; việc thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm chưa được kịp thời…
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ tài nguyên cát biển, bảo vệ ổn định, bền vững đới ven bờ để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị cho các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện một số nội dung sau đây:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong nhân dân, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, về công tác thanh tra, kiểm tra khoáng sản.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển tăng cường quản lý các hoạt động khai thác, vận chuyển cát biển; cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát biển trái phép làm cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông thủy, gây sạt lở bờ biển, bờ sông, kênh; xử lý triệt để các trường hợp kinh doanh bến bãi, vận chuyển, tập kết cát trái phép hoặc không có nguồn gốc hợp pháp.
- Tổ chức điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nguồn cát biển làm cơ sở lập quy hoạch vùng cấm, vùng hạn chế khai thác.
- Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc phối hợp với các tỉnh lân cận như: Tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cà Mau kiểm tra việc khai thác cát biển, nguồn cát, sỏi lòng sông khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc cấp phép cho các tổ chức, cá nhân đăng ký nạo, vét luồng lạch, lòng sông, cửa sông thông ra biển phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng cơ chế thực hiện giám sát của nhân dân trên địa bàn các xã, phường ven biển, cửa biển.
- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về khai thác cát biển trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm: Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển giám sát, kiểm tra các hành vi khai thác, vận chuyển cát, sỏi đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến kênh, cửa biển trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Công Thương chịu trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Cục Thuế tỉnh tiến hành kiểm tra các công trình xây dựng, các hợp tác xã, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh có hoạt động kinh doanh, sử dụng cát, sỏi lòng sông, nếu tại thời điểm kiểm tra mà không xuất trình được chứng từ, hóa đơn hợp pháp về nguồn gốc khoáng sản cát, sỏi lòng sông thì tiến hành truy thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chịu trách nhiệm: Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khoáng sản của nhân dân và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản nhất là nguồn cát biển.
6. Công an tỉnh chịu trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra trên các tuyến sông, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông, trật tự an toàn giao thông đường thủy; tăng cường công tác kiểm soát và có biện pháp xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân khai thác cát trái phép theo quy định.
- Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ kiểm tra các phương tiện vận chuyển cát, các bãi tập kết vật liệu xây dựng về chứng từ, hóa đơn hợp pháp về nguồn gốc cát, kiên quyết đấu tranh làm rõ các hành vi vận chuyển cát, kinh doanh cát (nhất là cát cùng loại với cát biển Bạc Liêu) không rõ nguồn gốc.
7. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chịu trách nhiệm: Tăng cường công tác tuần tra các khu vực ven biển; phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển và các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển cát biển trái phép tại các khu vực ven biển, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản theo quy định pháp luật.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển chịu trách nhiệm:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật khoáng sản, nhất là nguồn cát biển nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân, cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo vệ nguồn cát biển, không khai thác trái phép.
- Đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp luật về khoáng sản trên địa bàn quản lý; xây dựng cơ chế thực hiện giám sát của nhân dân trên địa bàn các xã, phường ven biển, cửa biển góp phần phát hiện sớm những vi phạm trong khai thác cát biển.
- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về khoáng sản, có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về khai thác cát biển trên địa bàn quản lý.
9. Đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan:
- Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, pháp luật về khoáng sản và các pháp luật khác có liên quan; tuyên truyền, giáo dục trong gia đình, cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên khoáng sản nói chung và nguồn cát biển nói riêng.
- Tham gia giám sát việc thực hiện của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và thông báo cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương những trường hợp khai thác nguồn cát biển trái phép.
10. Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển: Theo chức năng, nhiệm vụ và nội dung Chỉ thị này thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân về tình hình khai thác cát biển trái phép và tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đề nghị Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị này; định kỳ tháng, quý, 6 tháng, năm báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.