Sign In

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường công tác quản lý khai thác và hành nghề

khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

 

Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, nhất là nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có nhiều chuyển biến, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho nhân dân ngày càng tốt hơn. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 96.168 giếng nước của cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hộ gia đình, 72 trạm cấp nước sinh hoạt tập trung đô thị và nông thôn, với gần 100 cơ sở hành nghề khoan nước dưới đất. Tổng lượng nước dưới đất tiêu thụ khoảng trên 400.000m3/ngày đêm, từ đó dẫn đến tình trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất và hành nghề khoan nước dưới đất tràn lan làm cho nguồn nước có nguy cơ bị cạn kiệt, nhiễm bẩn, xâm nhập mặn, gây sụt lún mặt đất… ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước dưới đất.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước dưới đất còn nhiều hạn chế, công tác tuyên truyền, giáo dục trong cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về việc khai thác, sử dụng nước dưới đất chưa được thường xuyên, chính quyền các cấp chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc bảo vệ nguồn nước dưới đất chưa được chặt chẽ, một bộ phận nhân dân chưa hiểu đầy đủ về tầm quan trọng và nguy cơ ô nhiễm nên ý thức bảo vệ nguồn nước dưới đất chưa cao, sử dụng còn nhiều lãng phí, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, kịp thời…

Để tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất nhằm bảo đảm khai thác lâu dài, bền vững nguồn tài nguyên này. Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu chỉ thị các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị và xã, phường, thị trấn tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình quản lý tài nguyên nước dưới đất, tình hình khai thác, sử dụng và việc quản lý hành nghề khoan nước dưới đất trong thời gian qua, xây dựng kế hoạch và tiến hành rà soát các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan, khai thác nước dưới đất chưa có giấy phép, giấy phép đã hết hạn sử dụng, tiến hành làm thủ tục đăng ký cấp, gia hạn giấy phép theo đúng quy định.

Đối với hộ gia đình khai thác nước phục vụ sinh hoạt không phải xin phép (theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2005/TT-BTNMT ngày 24 tháng 6 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 149/2004/NĐ-CP) nhưng khoan nước dưới đất trong khu vực nội ô thị xã, thị trấn, phải đăng ký với Ủy ban nhân dân phường, thị trấn và phải được sự đồng ý của Phòng Tài nguyên và Môi trường, các cơ sở hành nghề không được khoan khi người khai thác chưa đăng ký với chính quyền địa phương.

2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc khai thác, sử dụng và hành nghề khoan nước dưới đất. Kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm, nhất là những trường hợp cố tình vi phạm, theo quy định của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định số 34/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và Thông tư số 05/2005/TT-BTNMT ngày 22 tháng 7 năm 2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thi hành Nghị định số 34/2005/NĐ-CP. Nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ xử lý bằng biện pháp hình sự.

3. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị và xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể phổ biến, vận động nhân dân quán triệt Luật Tài nguyên nước, các quy định của Nhà nước về quản lý khai thác và hành nghề khoan nước dưới đất và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này. Thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức để tạo nhận thức, có hành vi đúng và chấp hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước.

4. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy hoạch quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị tổ chức triển khai thực hiện. 

Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị và các đơn vị, cơ sở có liên quan triển khai thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc để Ủy ban nhân dân tỉnh có biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Hoàng Bê