• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 12/10/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 01/11/2020
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 31/2004/QĐ-BGD&ĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bạc Liêu, ngày 16 tháng 9 năm 2004

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 31/2004/QĐ-BGD&ĐT

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BỘ CHƯƠNG TRÌNH KHUNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC KHỐI NGÀNH KHOA HỌC TỰ NHIÊN TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ và cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18/07/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 43/2000/NĐ-CP ngày 30/08/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ báo cáo kết quả kỳ họp thẩm định tại Công văn số 104/ĐT ngày 18/5/2004 của Hội đồng tư vấn xây dựng Chương trình khung giáo dục đại học khối ngành Khoa học Tự nhiên trình độ đại học họp tại Hà Nội;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau đại học,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bộ chương trình khung giáo dục đại học khối ngành Khoa học Tự nhiên trình độ đại học bao gồm 9 chương trình khung (của 9 ngành) sau:

1. Ngành Toán học, trình độ đại học;

2. Ngành Vật lý, trình độ đại học;

3. Ngành Hóa học, trình độ đại học;

4. Ngành Sinh học, trình độ đại học;

5. Ngành Công nghệ Sinh học, trình độ đại học;

6. Ngành Khoa học Môi trường, trình độ đại học;

7. Ngành Địa chất, trình độ đại học;

8. Ngành Địa lý, trình độ đại học;

9. Ngành Khí tượng học, trình độ đại học.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, Bộ chương trình khung kèm theo Quyết định này được dùng trong các đại học, học viện, trường đại học có nhiệm vụ đào tạo 9 ngành trên ở trình độ đại học và được áp dụng từ khóa tuyển sinh 2004

Điều 3. Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau đại học chịu trách nhiệm hướng dẫn Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học xây dựng các chương trình giáo dục cụ thể của trường, tổ chức biên soạn và duyệt các giáo trình sử dụng chung theo quy định.

Điều 4. Các Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau Đại học, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Các Ông/Bà Giám đốc các đại học, học viện và Hiệu trưởng các trường đại học chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban VHGD-TTN&NĐ của QH
- Hội đồng Quốc gia Giáo dục (để b/c)
- Văn phòng Chính phủ (để b/c)
- Ban Khoa giáo TW (để b/c)
- Bộ Tư pháp (để b/c)
- Công báo;
- Như điều 4 (để thực hiện)
- Lưu VP, Vụ PC, Vụ ĐH&SĐH.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Bành Tiến Long

 

CHƯƠNG TRÌNH KHUNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Trình độ đào tạo: Đại học

Ngành đào tạo: Toán học (Mathematics)

Mã ngành:

(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 16 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

1. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cử nhân Toán học có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt.

Trang bị những kiến thức đại cương về khoa học xã hội và nhân văn, về khoa học tự nhiên, cũng như những kiến thức cơ bản về toán học cho sinh viên nhằm đào tạo họ thành những nhà khoa học chuyên sâu về toán hoặc có khả năng ứng dụng toán vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội.

Chương trình hướng tới việc rèn luyện cho sinh viên tư duy chính xác của toán học, tư duy thuật toán, phương pháp tiếp cận khoa học tới các vấn đề thực tế.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm công tác giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và trung học phổ thông, hoặc làm việc tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất và kinh doanh có sử dụng kiến thức toán học, hoặc nếu có đủ điều kiện có thể được đào tạo tiếp ở các trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ.

2. Khung chương trình đào tạo

2.1. Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo theo thiết kế

200 đơn vị học trình, chưa kể phần nội dung về Giáo dục Thể chất (5 đvht) và Giáo dục Quốc phòng (165 tiết).

Thời gian đào tạo 4 năm.

2.2. Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo

đvht

2.2.1

Kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu

(chưa kể các phần nội dung Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng)

80

2.2.2

Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu

Trong đó tối thiểu:

120

 

- Kiến thức ngành (kể cả kiến thức chuyên ngành)

45

 

- Kiến thức bổ trợ

 

 

- Khóa luận (hoặc thi tốt nghiệp)

10

* Ghi chú: Khối lượng thí nghiệm, thực tập, thực tế của toàn chương trình không dưới 15 đvht.

3. Khối kiến thức bắt buộc

3.1. Danh mục các học phần bắt buộc

3.1.1. Kiến thức giáo dục đại cương

63 đvht*

1

Triết học Mác-Lênin

6

2

Kinh tế chính trị Mác-Lênin

5

3

Chủ nghĩa xã hội khoa học

4

4

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

4

5

Tư tưởng Hồ Chí Minh

3

6

Ngoại ngữ

10

7

Giáo dục Thể chất

5

8

Giáo dục Quốc phòng

165 tiết

9

Tin học cơ sở

4

10

Đại số và Hình học Giải tích 1

4

11

Đại số và Hình học Giải tích 2

4

12

Giải tích 1

6

13

Giải tích 2

5

14

Cơ học lý thuyết

3

15

Vật lý đại cương

5

* Chưa tính các học phần 7 & 8

3.1.2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp

Kiến thức ngành:

33 đvht

1

Giải tích 3

4

2

Giải tích số

4

3

Phương trình vi phân

3

4

Xác suất

4

5

Thống kê toán học

3

6

Đại số đại cương

4

7

Giải tích hàm

4

8

Lý thuyết độ đo và tích phân

3

9

Hàm biến phức

4

3.2. Mô tả nội dung các học phần bắt buộc

1. Triết học Mác-Lênin 6 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 29/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Kinh tế chính trị Mác-Lênin 5 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 29/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Chủ nghĩa xã hội khoa học 4 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 34/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 4 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 41/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 27/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Tư tưởng Hồ Chí Minh 3 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 35/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Ngoại ngữ (cơ bản) 10 đvht

Cung cấp những kiến thức và kĩ năng cơ bản nhất về một ngoại ngữ làm nền tảng vững chắc giúp sinh viên có thể tiếp thu thuận lợi những bài học ở cấp độ cao hơn. Yêu cầu đạt được trình độ trung cấp (Intermediate level), đối với những sinh viên đã hoàn tất chương trình ngoại ngữ 7 năm ở giáo dục phổ thông.

7. Giáo dục Thể chất 5 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 3244/GD-ĐT ngày 12/9/1995 và Quyết định số 1262/GD-ĐT ngày 12/4/1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

8. Giáo dục Quốc phòng 165 tiết

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 12/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 9/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

9. Tin học cơ sở 4 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về máy tính (thông tin và xử lý thông tin, đại cương về máy tính điện tử, ngôn ngữ của máy tính và hệ điều hành, thuật toán, ngôn ngữ lập trình và chương trình dịch, tổng quan về mạng máy tính và Internet); kĩ năng sử dụng máy tính (hệ điều hành MS DOS, hệ điều hành Windows); ngôn ngữ lập trình Pascal.

10. Đại số và Hình học Giải tích 1: 4 đvht

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về phép biểu diễn các đại lượng, các đường, mặt và mối liên hệ giữa chúng bằng các ký hiệu, ma trận, vectơ, phương trình. Nội dung bao gồm: tập hợp, quan hệ, trường số thực, đa thức, phân thức, không gian vectơ, ánh xạ tuyến tính và ma trận, định thức và hệ phương trình đại số tuyến tính.

11. Đại số và Hình học Giải tích 2: 4 đvht

Trang bị kiến thức về giá trị riêng, vectơ riêng của các đồng cấu, dạng song tuyến tính và dạng toàn phương, không gian vectơ Euclid, tenxơ, hình học giải tích (không gian afin, đường bậc hai, mặt bậc hai). Kiến thức hình giải tích được trình bày dưới dạng trực quan (không nhất thiết xếp riêng thành phần tiếp sau đại số tuyến tính).

12. Giải tích 1: 6 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về số thực, giới hạn, tính liên tục của hàm một biến, phép tính vi phân và tích phân của hàm một biến.

13. Giải tích 2: 5 đvht

Trang bị những kiến thức về giới hạn, tính liên tục và phép tính vi phân của hàm nhiều biến cũng như chuỗi số, dãy hàm, chuỗi hàm.

14. Cơ học lý thuyết 3 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản của Cơ học lý thuyết: Động học và động lực học của chất điểm; Hệ chất điểm và vật rắn; Nhập môn Cơ học giải tích: các nguyên lý độ dời khả dĩ, D’Alembert-Euler-Lagrange, Hamilton; Phép biến đổi chính tắc và phép biến đổi Legendre; Phương trình Hamilton-Jacobi.

15. Vật lý đại cương 5 đvht

Trang bị cho sinh viên các kiến thức về nhiệt học, điện học, quang học: các nguyên lý trong nhiệt động lực học; các khái niệm cơ bản như nhiệt độ, nội năng, công, năng lượng; điện trường trong chân không; vật dẫn trong điện trường; năng lượng của điện trường; dòng điện không đổi; dòng điện trong môi trường; từ trường trong chân không; chuyển động của hạt tích điện trong điện trường; từ trường; cảm ứng điện từ; cơ sở của lý thuyết Maxwell với trường điện từ.

16. Giải tích 3: 4 đvht

Cung cấp kiến thức về tích phân phụ thuộc tham số, tích phân bội, tích phân đường, tích phân mặt cũng như mối liên hệ giữa tích phân đường, tích phân mặt với tích phân bội.

Trong tổng số thời lượng bài tập của các học phần Giải tích 1, 2, 3 dành 10 tiết để giới thiệu một phần mềm tính toán (Mapple, Mathematica, v.v...).

17. Giải tích số 4 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về lý thuyết xấp xỉ hàm và giải gần đúng các phương trình, bao gồm các nội dung sau: phép nội suy, xấp xỉ đều, xấp xỉ trung bình phương, ứng dụng của lý thuyết xấp xỉ để tính gần đúng đạo hàm và tích phân, giải gần đúng phương trình siêu việt, giải hệ phương trình đại số tuyến tính, tìm giá trị riêng, vectơ riêng của ma trận, giải gần đúng bài toán giá trị ban đầu và bài toán biên hai điểm cho phương trình vi phân thường.

18. Phương trình vi phân 3 đvht

Cung cấp kiến thức về các phương pháp giải tích để tìm nghiệm cũng như các tính chất và dáng điệu nghiệm: Phương trình vi phân cấp 1, cấp 2, và cấp cao; Định thức Vronski, hệ nghiệm cơ bản, công thức Ostrogradski-Liouville, phương pháp biến thiên hằng số; Lý thuyết tổng quát về hệ phương trình tuyến tính; Sự ổn định nghiệm của hệ phương trình vi phân tuyến tính; Sự ổn định theo xấp xỉ thứ nhất.

19. Xác suất 4 đvht

Cung cấp các kiến thức cơ bản về xác suất: biến cố, xác suất của biến cố, các tính chất của xác suất; đại lượng ngẫu nhiên rời rạc và đại lượng ngẫu nhiên liên tục; các đặc trưng của đại lượng ngẫu nhiên: kỳ vọng, phương sai; các loại phân phối cơ bản: phân phối nhị thức, Poisson, mũ, chuẩn, đều,...; vectơ ngẫu nhiên và phân phối của vectơ ngẫu nhiên; luật số lớn và các định lý giới hạn.

20. Thống kê toán học 3 đvht

Trình bày mô hình thống kê, khái niệm và các ví dụ; lý thuyết ước lượng: ước lượng điểm, ước lượng khoảng không chệch cho các đặc trưng của đại lượng ngẫu nhiên; các phương pháp ước lượng cơ bản (phương pháp bình phương tối thiểu, phương pháp mômen, phương pháp hợp lý cực đại, phương pháp Bayes, lý thuyết kiểm định giả thiết).

21. Đại số đại cương 4 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về các cấu trúc quan trọng của đại số trừu tượng: nhóm, vành, trường, đa thức, môđun và đại số, đại số Bool.

22. Giải tích hàm 4 đvht

Cung cấp những kiến thức cơ bản về không gian và toán tử, bao gồm: không gian metric, không gian tuyến tính định chuẩn, không gian có tích vô hướng, toán tử tuyến tính, định lý ánh xạ mở, đồ thị đóng, nguyên lý bị chặn đều, phổ của toán tử compact tự liên hợp, định lý Fredholm. Sơ lược về phép tính vi phân trong không gian tuyến tính định chuẩn.

23. Lý thuyết độ đo và tích phân 3 đvht

Trình bày lý thuyết độ đo Lebesgue, tích phân Lebesgue, độ đo tích và định lý Fubini, độ đo suy rộng, định lý Radon-Nykodim, định lý phân tích Lebesgue.

24. Hàm biến phức 4 đvht

Trang bị cho sinh viên kiến thức cơ bản về: Hàm chỉnh hình và ánh xạ bảo giác (mặt phẳng phức và hàm biến phức, hàm chỉnh hình, ánh xạ bảo giác); Hàm chỉnh hình và thặng dư (các tính chất cơ bản của hàm chỉnh hình, thặng dư và ứng dụng).

4. Hướng dẫn sử dụng chương trình khung để thiết kế các chương trình đào tạo cụ thể

Chương trình khung giáo dục đại học là cơ sở giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chất lượng của quá trình đào tạo đại học, do đó được quy định bắt buộc cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học.

4.1. Chương trình khung trình độ đại học ngành Toán học được thiết kế theo hướng thuận lợi cho việc phát triển các chương trình cấu trúc kiểu đơn ngành (Single Major). Danh mục các học phần (môn học) và khối lượng của chúng được đưa ra tại mục 3 chỉ là những quy định bắt buộc tối thiểu. Căn cứ vào mục tiêu, thời gian đào tạo, khối lượng và cơ cấu kiến thức quy định tại các mục 1 và 2, các trường bổ sung những học phần cần thiết để xây dựng thành chương trình đào tạo cụ thể của trường mình với tổng khối lượng kiến thức không dưới 200 đvht (không kể các nội dung về Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng).

4.2. Phần kiến thức chuyên sâu thuộc ngành Toán học có thể được thiết kế theo từng lĩnh vực chuyên ngành hẹp của ngành Toán học như Đại số - Hình học, Giải tích, Xác suất - Thống kê, Toán học tính toán,... hoặc kết hợp một số chuyên ngành với nhau. Sự khác biệt về nội dung đào tạo giữa các chuyên ngành nằm trong giới hạn 20% kiến thức chung của ngành.

4.3. Phần kiến thức bổ trợ (nếu có) có thể được các trường thiết kế theo một trong hai hướng sau:

- Bố trí các nội dung được lựa chọn khá tự do, liên quan tới nhiều ngành đào tạo nhưng xét thấy có lợi trong việc mở rộng năng lực hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

- Bố trí các học phần có nội dung thuộc một ngành đào tạo thứ hai khác với ngành Toán học (ví dụ như: Cơ học, Khoa học máy tính,...) nhằm giúp mở rộng phạm vi hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trong trường hợp mảng kiến thức thuộc ngành thứ hai có khối lượng bằng hoặc vượt 25 đvht, chương trình mới được tạo ra sẽ cấu trúc kiểu ngành chính (Major) - ngành phụ (Minor), trong đó, ngành chính là Toán học.

Trường hợp đặc biệt khi chương trình mới tạo ra thỏa mãn đồng thời những quy định về chương trình khung tương ứng với hai ngành đào tạo khác nhau thì người tốt nghiệp sẽ được nhận hai văn bằng đại học. Đương nhiên trong trường hợp này, khối lượng kiến thức của toàn chương trình và thời gian đào tạo theo thiết kế sẽ lớn hơn nhiều so với hai kiểu cấu trúc chương trình trên.

4.4. Chương trình được biên soạn theo hướng tinh giản số giờ lý thuyết, dành nhiều thời gian cho sinh viên tự nghiên cứu, đọc tài liệu, thảo luận, làm các bài tập. Khối lượng kiến thức của chương trình đã được xác nhận phù hợp với khuôn khổ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cho một chương trình giáo dục đại học 4 năm. Chương trình cũng được biên soạn theo hướng đổi mới các phương pháp dạy và học đại học.

4.5. Hiệu trưởng các trường đại học ký quyết định ban hành các chương trình đào tạo ngành Toán học để triển khai thực hiện trong phạm vi trường mình./.

 

CHƯƠNG TRÌNH KHUNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Trình độ đào tạo: Đại học

Ngành đào tạo: Vật lý (Physics)

Mã ngành:

(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 16 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

1. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cử nhân Vật lý có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt.

Trang bị cho sinh viên những kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn, các kiến thức cơ bản về toán học, tin học, hóa học, cùng với những kiến thức ngành và chuyên sâu về Vật lý (từ Vật lý cổ điển đến Vật lý hiện đại), cũng như những kĩ năng thực hành cần thiết, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ trình độ để giảng dạy Vật lý ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc dạy nghề, hoặc làm công tác nghiên cứu tại các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp hoặc học tiếp lên các trình độ cao hơn.

Giúp sinh viên có phương pháp tư duy logic, sáng tạo để có thể áp dụng các thành tựu khoa học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn trong công nghệ, kỹ thuật và trong các hoạt động nghề nghiệp của họ.

2. Khung chương trình đào tạo

2.1. Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo theo thiết kế

200 đơn vị học trình (đvht), chưa kể phần nội dung về Giáo dục Thể chất (5 đvht) và Giáo dục Quốc phòng (165 tiết).

Thời gian đào tạo 4 năm.

2.2. Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo

đvht

2.2.1

Kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu

(chưa kể các phần nội dung Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng)

100

2.2.2

Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu

Trong đó tối thiểu:

100

 

- Kiến thức ngành (kể cả kiến thức chuyên ngành)

45

 

- Kiến thức bổ trợ

 

 

- Khóa luận (hoặc thi tốt nghiệp)

10

* Ghi chú: Khối lượng thí nghiệm, thực tập, thực tế của toàn chương trình không dưới 15 đvht

3. Khối kiến thức bắt buộc

3.1. Danh mục các học phần bắt buộc

3.1.1. Kiến thức giáo dục đại cương

90 đvht*

1

Triết học Mác - Lênin

6

2

Kinh tế chính trị Mác - Lênin

5

3

Chủ nghĩa xã hội khoa học

4

4

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

4

5

Tư tưởng Hồ Chí Minh

3

6

Ngoại ngữ

10

7

Giáo dục Thể chất

5

8

Giáo dục Quốc phòng

165 tiết

9

Tin học cơ sở

4

10

Đại số 1

4

11

Giải tích 1

4

12

Đại số 2

4

13

Giải tích 2

4

14

Giải tích 3

4

15

Hóa đại cương

5

16

Cơ học

5

17

Nhiệt động học và Vật lý phân tử

4

18

Điện từ học

5

19

Quang học

4

20

Vật lý nguyên tử

3

21

Các phương pháp tính

2

22

Xác suất – Thống kê

2

23

Thực hành vật lý đại cương 1 và 2

4

* Chưa tính các học phần 7 & 8

3.1.2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp

Kiến thức ngành

27 đvht

1

Cơ học lý thuyết

4

2

Điện động lực học

4

3

Vật lý thống kê

2

4

Cơ học lượng tử

4

5

Các phương pháp toán lý

5

6

Điện tử học

4

7

Vật lý chất rắn

4

3.2. Mô tả nội dung các học phần bắt buộc

1. Triết học Mác-Lênin 6 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 29/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Kinh tế chính trị Mác-Lênin 5 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 29/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Chủ nghĩa xã hội khoa học 4 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 34/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 4 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 41/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 27/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Tư tưởng Hồ Chí Minh 3 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 35/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Ngoại ngữ (cơ bản) 10 đvht

Cung cấp những kiến thức và kĩ năng cơ bản nhất về một ngoại ngữ làm nền tảng vững chắc giúp sinh viên có thể tiếp thu thuận lợi những bài học ở cấp độ cao hơn. Yêu cầu đạt được trình độ trung cấp (Intermediate level), đối với những sinh viên đã hoàn tất chương trình ngoại ngữ 7 năm ở giáo dục phổ thông.

7. Giáo dục Thể chất 5 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 3244/GD-ĐT ngày 12/9/1995 và Quyết định số 1262/GD-ĐT ngày 12/4/1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

8. Giáo dục Quốc phòng 165 tiết

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 12/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 9/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

9. Tin học cơ sở 4 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về máy tính (thông tin và xử lý thông tin, đại cương về máy tính điện tử, ngôn ngữ của máy tính và hệ điều hành, thuật toán, ngôn ngữ lập trình và chương trình dịch, tổng quan về mạng máy tính và Internet); kĩ năng sử dụng máy tính (hệ điều hành MS DOS, hệ điều hành Windows); ngôn ngữ lập trình Pascal.

10. Đại số 1: 4 đvht

Thông qua các kiến thức cơ bản về tập hợp, về các tập hợp số quen thuộc như số thực, số phức, đa thức, phân thức hữu tỷ, trình bày các cấu trúc đại số cơ bản cần dùng cho Vật lý, như cấu trúc nhóm, cấu trúc vành, cấu trúc trường, cấu trúc không gian vectơ, vành các ma trận, khái niệm định thức. Đồng thời, trang bị cho sinh viên những kĩ năng tính toán liên quan đến số phức, đến hệ phương trình tuyến tính, đến cách tính định thức, đến phân tích một phân thức hữu tỷ thành các phân thức đơn giản, cần dùng trong giải tích và trong thực tiễn tính toán Vật lý sau này.

11. Giải tích 1: 4 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về hàm số một biến số thực, khái niệm về giới hạn và về tính liên tục của chúng. Trình bày phép tính vi, tích phân, khái niệm nguyên hàm của hàm số. Trọng tâm của học phần là rèn luyện cho sinh viên kĩ năng tính toán đạo hàm và tích phân các dạng hàm số khác nhau, ứng dụng các khái niệm đó để giải quyết các bài toán khác nhau của vật lý học.

12. Đại số 2: 4 đvht

Triển khai những kiến thức trong học phần Đại số 1 vào nghiên cứu các đối tượng hình học, như dạng toàn phương mô tả các đường cong bậc hai, giải tích và đại số tensơ. Phần tiếp theo trình bày chi tiết cấu trúc nhóm, nhập môn về nhóm Lie.

13. Giải tích 2: 4 đvht

Học phần tập trung chủ yếu vào khái niệm hàm nhiều biến thực, phép tính vi phân đạo hàm riêng, định lý hàm ẩn và khái niệm cực trị của hàm nhiều biến, mặt cong và đường cong trong không gian.

Ngoài ra còn tập trung vào cách giải phương trình, hệ phương trình vi phân tuyến tính với đạo hàm thường bậc nhất hoặc bậc hai; nghiên cứu chuỗi số, chuỗi hàm, các điều kiện hội tụ của chúng, cách phân tích hàm số thành chuỗi; các phép biến đổi tích phân Fourier, Laplace.

14. Giải tích 3: 4 đvht

Phần đầu của học phần tập trung vào tích phân hàm nhiều biến. Trang bị cho sinh viên kĩ năng tính tích phân hai lớp, ba lớp trong các hệ toạ độ khác nhau.

Phần tiếp theo giới thiệu cách xây dựng phép tính vi, tích phân trên các đa tạp không gian Euclid, những đẳng cấu địa phương với các miền trong không gian Euclid. Đó là đường cong trong không gian 2 hoặc 3 chiều, mặt phẳng trong không gian 3 chiều. Giải tích vectơ. Thông qua các định lý Stockes và Ostrogradsky phép tính vi, tích phân trên các đa tạp đó được chuyển về tích phân trên các miền của không gian Euclid.

Phần cuối cùng giới thiệu lý thuyết hàm một biến phức. Nêu các điều kiện khả vi Cauchy-Rieman. Định lý Cauchy và tích phân Cauchy. Trình bày khái niệm tích phân hàm biến phức, mô tả cấu trúc dị thường của miền tích phân thông qua khái niệm thặng dư. Định lý thặng dư. Nêu lên cách thức phân tích một hàm giải tích thành chuỗi Taylor và chuỗi Laurent.

15. Hóa đại cương 5 đvht

Học phần cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về hóa cấu tạo, hóa đại cương, hóa vô cơ và hóa hữu cơ, bao gồm: bản chất của sự hình thành liên kết hóa học giữa các nguyên tử trong phân tử, các quy luật nhiệt động lực học và động học chi phối các phản ứng hóa học, các quá trình xảy ra trong dung dịch, các phản ứng ôxy hóa - khử và điện hóa học, tính chất hóa học của các đơn chất và hợp chất phổ biến và quan trọng, tính chất hóa học của các loại hợp chất hữu cơ chính (polymer, composite) và một số khái niệm về hóa học của sự sống (hóa sinh).

16. Cơ học 5 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về chuyển động cơ học như: các đặc trưng động học của chuyển động; mối quan hệ giữa lực và chuyển động; chuyển động trong hệ quy chiếu phi quán tính; các định luật biến thiên và bảo toàn động lượng, năng lượng; chuyển động của vật rắn, của chất lưu; chuyển động trong trường hấp dẫn; chuyển động dao động và sóng cơ học.

Nắm vững các kiến thức trên, sinh viên có thể hiểu được quy luật chuyển động của các vật thường gặp trong kỹ thuật và trong cuộc sống hàng ngày.

17. Nhiệt động học và Vật lý phân tử 4 đvht

Học phần cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về vật lý các hiện tượng nhiệt như: các nguyên lý 1 và 2 của nhiệt động lực học; các khái niệm về các đại lượng nhiệt động như: nhiệt độ, entropy, năng lượng tự do, các thế nhiệt động, sự cân bằng pha và chuyển pha; thuyết động học của các chất khí; các quá trình chuyển động của phân tử trong khí thực, hơi, trong chất lỏng và chất rắn và sự chuyển pha giữa các trạng thái.

Trên cơ sở những kiến thức này sinh viên có thể hiểu được quy luật chuyển động của các nguyên tử, phân tử bên trong các vật và nhờ đó giải thích được các hiện tượng nhiệt của vật chất.

18. Điện từ học 5 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về: điện trường, từ trường; chuyển động của các hạt tích điện trong điện trường, từ trường; dòng điện trong kim loại, trong bán dẫn, chất lỏng, chất khí; điện trường, từ trường trong vật chất; các hiện tượng cảm ứng điện từ; các cơ sở của lý thuyết Maxwell về điện từ trường; chuyển động dao động và sóng điện từ.

Trên cơ sở các kiến thức này, sinh viên hiểu được các hiện tượng điện từ, hiểu được nguyên tắc của việc ứng dụng các hiện tượng điện từ trong khoa học kỹ thuật.

19. Quang học 4 đvht

Học phần giới thiệu các hiện tượng đặc trưng cho tính chất sóng của ánh sáng như: hiện tượng giao thoa, nhiễu xạ; hiện tượng phân cực ánh sáng; hiện tượng tán sắc và hấp thụ ánh sáng; các hiệu ứng đặc trưng cho tính chất hạt của ánh sáng. Học phần cũng giới thiệu một số kiến thức quang học hiện đại như quang sợi, laser và quang học phi tuyến. Nắm được các kiến thức trên, sinh viên có thể hiểu được bản chất của các hiện tượng quang học và ứng dụng của chúng trong khoa học kỹ thuật.

20. Vật lý nguyên tử 3 đvht

Học phần trình bày các kiến thức cơ bản về cấu trúc nguyên tử như: mẫu Rutherford, mẫu Bohr và Sommerfield; phổ của các nguyên tử một điện tử và nhiều điện tử hóa trị. Học phần cũng trình bày nguyên tắc sắp xếp các nguyên tố trong bảng tuần hoàn; tác dụng của từ trường, điện trường lên phổ năng lượng của nguyên tử; quá trình hấp thụ và bức xạ của nguyên tử; cấu trúc phổ phân tử hay nguyên tử.

Trên cơ sở các kiến thức nói trên, sinh viên tiếp cận với những cơ sở của vật lý hiện đại, đi sâu tìm hiểu quy luật vận động của thế giới vi mô.

21. Các phương pháp tính 2 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên những phương pháp giải phương trình cũng như hệ các phương trình đại số siêu việt gần đúng, giải các phương trình vi phân gần đúng, hệ các phương trình đại số tuyến tính bằng số, tìm vectơ riêng trị riêng, giải gần đúng các phương trình đạo hàm riêng; tính các tích phân bằng số; xấp xỉ hàm số, nội suy hàm số. Sinh viên nắm được phương pháp đánh giá sai số tính toán, nắm được phần mềm Mathematica để thực hiện các tính toán trên máy tính.

22. Xác suất - Thống kê 2 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên các khái niệm cơ bản của lý thuyết xác suất như các hiện tượng ngẫu nhiên, tất nhiên, các loại phân bố gián đoạn, phân bố liên tục, phân bố xác suất các đại lượng ngẫu nhiên.

Học phần trình bày phương pháp thống kê xử lý các số liệu thực nghiệm và mối tương quan giữa các đại lượng vật lý.

23. Thực hành Vật lý đại cương 1,2: 4 đvht

Học phần giúp sinh viên củng cố và nghiệm lại một số kiến thức đã học trong các học phần vật lý đại cương như: cơ học, nhiệt học, điện từ học và quang học. Mặt khác học phần còn rèn luyện cho sinh viên kĩ năng sử dụng một số dụng cụ thí nghiệm, phương pháp đo đạc, xử lý số liệu thực nghiệm.

24. Cơ học lý thuyết 4 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên cách thức nghiên cứu một hệ vật lý dưới dạng tổng quát nhất thông qua các khái niệm hệ toạ độ tổng quát, hàm Lagrangian, hệ phương trình mô tả quy luật chuyển động của hệ vật lý (phương trình Lagrange), ứng dụng các quy luật cho các hệ vật lý đơn giản, sử dụng các quy luật này để nghiên cứu tương tác giữa các hệ đơn giản. áp dụng vào việc khảo sát kỹ lưỡng trường hợp chuyển động trong trường đối xứng xuyên tâm, chuyển động của vật rắn, các dao động nhỏ.

Phần cơ học tương đối khảo sát các hệ vật lý chuyển động với tốc độ cao. Mối liên hệ giữa các quy luật cơ học và các quy luật của điện động lực tạo nên bức tranh tổng thể của vật lý cổ điển.

25. Điện động lực học 4 đvht

Học phần trình bày các phương trình cơ bản của trường điện từ như hệ các phương trình Maxwell, phương pháp tính các đại lượng điện từ, đặc biệt là phương pháp thế. Đi sâu vào các vấn đề: trường điện từ trong các hệ vật chất, năng lượng, xung lượng, các lực của trường điện từ; các hệ vật chất trong trường điện từ; sóng điện từ trong môi trường; các hiệu ứng điện từ trong môi trường vi mô; các tính chất điện từ của môi trường. Xem xét các hiệu ứng điện từ trên cơ học không tương đối tính khi tốc độ chuyển động chậm và tương đối tính khi tốc độ chuyển động nhanh gần bằng tốc độ ánh sáng.

26. Vật lý thống kê 2 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên các kiến thức hiện đại của vật lý lý thuyết liên quan đến hệ nhiều hạt. Học phần trình bày các hàm phân bố Gibbs, phân bố Maxwell - Boltzmann, phân bố Fermi - Dirac; các áp dụng của phân bố này trong một số lý thuyết: nhiệt dung vật rắn, khí điện tử tự do trong kim loại, bức xạ nhiệt cân bằng. Khảo sát lý thuyết cổ điển về các quá trình không cân bằng.

27. Cơ học lượng tử 4 đvht

Học phần trình bày lý thuyết hiện đại về hệ vi hạt, các quá trình diễn ra trong khoảng cách nhỏ cỡ hạt nhân nguyên tử. Chỉ ra rằng khái niệm cơ bản của cơ học cổ điển là quỹ đạo của vật phải được thay bằng xác suất tìm thấy vật tại những điểm khác nhau trong không gian, mà khái niệm này lại được xây dựng thông qua khái niệm hàm sóng hay hàm trạng thái. Tiếp theo trình bày các nguyên lý cơ bản của cơ học lượng tử: nguyên lý chồng chất trạng thái, nguyên lý bất định, nguyên lý bổ sung. Từ đó chỉ ra rằng hàm sóng (hay hàm trạng thái) tạo thành một không gian Hilbert; sự biến đổi của các hàm sóng, tương ứng với sự chuyển động hay biến đổi của hệ vi hạt, được diễn tả thông qua phương trình Schodinger; các biến đổi động học như toạ độ, xung lượng, năng lượng là các toán tử tác động trong không gian các hàm trạng thái. Phần cuối của học phần trình bày áp dụng lý thuyết vào những trường hợp riêng như chuyển động một chiều trong hố thế, chuyển động trong trường xuyên tâm. Học phần cũng trình bày lý thuyết cho các vi hạt có spin, hệ nhiều hạt đồng nhất, nguyên lý loại trừ Pauli, phương pháp nhiễu loạn, lý thuyết về các hiện tượng tán xạ, lý thuyết biểu diễn.

Học phần giúp cho sinh viên hiểu được các quá trình vật lý năng lượng cao, các quá trình diễn ra trong các vật với kích thước nguyên tử và để tiếp thu kiến thức của các học phần khác như vật lý lý thuyết, vật lý nguyên tử, vật lý chất rắn và vật lý quang phổ.

28. Các phương pháp toán lý 5 đvht

Học phần gồm 5 phần: các phương trình toán lý, các hàm đặc biệt, biến đổi Fourier, các biến đổi tích phân, các hàm suy rộng, lý thuyết biểu diễn nhóm quay. Trong phần 1 trình bày các hiện tượng vật lý dẫn đến các phương trình vi phân đạo hàm riêng (phương trình dây rung, phương trình màng rung, phương trình truyền sóng, phương trình truyền nhiệt, phương trình Laplace và phương trình Poisson) và phương pháp giải các phương trình này. Trong phần 2 trình bày về hàm gamma, về đa thức Legendre, đa thức Hermite, đa thức Laguerre và hàm Bessel. Giới thiệu một số ứng dụng trong vật lý. Trong phần 3 trình bày về chuỗi Fuorier và mở rộng thành lý thuyết biến đổi Fuorier gián đoạn, tích phân Fuorier và biến đổi tích phân Fuorier, biến đổi Laplace và biến đổi ngược của biến đổi Laplace; giới thiệu một số ứng dụng trong vật lý. Trong phần thứ 4 trình bày khái niệm và định nghĩa hàm suy rộng, đạo hàm của hàm suy rộng, một số thí dụ về hàm suy rộng, một số công thức về các hàm suy rộng thường được dùng trong vật lý. Trong phần thứ 5 giới thiệu lý thuyết biểu diễn nhóm quay và những ứng dụng trong vật lý lượng tử.

29. Điện tử học 4 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên kiến thức về các mạch điện tử cơ bản như các mạch tuyến tính, mạch phi tuyến, các mạch khuếch đại, máy phát dao động, mạch logic cơ sở, mạch DC, AC, các kiến thức cơ bản về điện tử học số hóa và các kỹ thuật đo tương tự và số hóa.

Nắm vững được nguyên tắc hoạt động của các mạch điện tử sử dụng các linh kiện bán dẫn như diot, transito, transito trường, các mạch tích hợp. Từ đó hiểu được nguyên tắc hoạt động của các máy đo điện tử.

30. Vật lý chất rắn 4 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về vật rắn tinh thể như: cấu trúc mạng tinh thể; các loại liên kết trong vật rắn; dao động của mạng tinh thể và tính chất nhiệt của vật rắn; điện tử tự do và tính chất dẫn điện của vật rắn; lý thuyết vùng năng lượng của vật rắn; các tính chất bán dẫn điện, tính chất điện môi, tính chất từ, tính chất quang và tính chất siêu dẫn của vật rắn.

Nắm vững các khái niệm cơ bản này sinh viên sẽ có điều kiện thuận lợi để học sâu hơn về các lĩnh vực vật lý bán dẫn, vật lý điện môi, từ học, quang học bán dẫn v.v..

4. Hướng dẫn sử dụng chương trình khung để thiết kế các chương trình đào tạo cụ thể

Chương trình khung giáo dục đại học là cơ sở giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chất lượng của quá trình đào tạo đại học, do đó được quy định bắt buộc cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học.

4.1. Chương trình khung trình độ đại học ngành Vật lý được thiết kế theo hướng thuận lợi cho việc phát triển các chương trình cấu trúc kiểu đơn ngành (Single Major). Danh mục các học phần (môn học) và khối lượng của chúng được đưa ra tại mục 3 chỉ là những quy định bắt buộc tối thiểu. Căn cứ vào mục tiêu, thời gian đào tạo, khối lượng và cơ cấu kiến thức quy định tại các mục 1 và 2, các trường bổ sung những học phần cần thiết để xây dựng thành chương trình đào tạo cụ thể của trường mình với tổng khối lượng kiến thức không dưới 200 đvht (không kể các nội dung về Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng)

4.2. Phần kiến thức chuyên sâu (nếu có) thuộc ngành Vật lý có thể được thiết kế theo từng lĩnh vực chuyên ngành hẹp của ngành Vật lý như Vật lý chất rắn, Vật lý ứng dụng, Khoa học vật liệu, Vật lý hạt nhân, Địa Vật lý..., hoặc kết hợp một số chuyên ngành với nhau, hoặc theo hướng xâm nhập qua một ngành khác (như Vật lý tính toán). Sự khác biệt về nội dung đào tạo giữa các chuyên ngành nằm trong giới hạn 20% kiến thức chung của ngành.

4.3. Phần kiến thức bổ trợ (nếu có) có thể được trường thiết kế theo một trong hai hướng sau:

- Bố trí các nội dung được lựa chọn khá tự do, liên quan tới nhiều ngành đào tạo nhưng xét thấy có lợi trong việc mở rộng năng lực hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

- Bố trí các học phần có nội dung thuộc một ngành đào tạo thứ hai khác với ngành Vật lý nhằm giúp mở rộng phạm vi hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trong trường hợp mảng kiến thức thuộc ngành thứ hai có khối lượng bằng hoặc vượt 25 đvht, chương trình mới được tạo ra sẽ cấu trúc kiểu ngành chính (Major) - ngành phụ (Minor), trong đó, ngành chính là Vật lý.

Trường hợp đặc biệt khi chương trình mới tạo ra thỏa mãn đồng thời những quy định về chương trình khung tương ứng với hai ngành đào tạo khác nhau thì người tốt nghiệp sẽ được nhận hai văn bằng đại học. Đương nhiên trong trường hợp này, khối lượng kiến thức của toàn chương trình và thời gian đào tạo theo thiết kế sẽ lớn hơn nhiều so với hai kiểu cấu trúc chương trình trên.

4.4. Chương trình được biên soạn theo hướng tinh giản số giờ lý thuyết, dành nhiều thời gian cho sinh viên tự nghiên cứu, đọc tài liệu, thảo luận, làm các bài tập. Khối lượng kiến thức của chương trình đã được xác nhận phù hợp với khuôn khổ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cho một chương trình giáo dục đại học 4 năm. Chương trình cũng được biên soạn theo hướng đổi mới các phương pháp dạy và học đại học.

4.5. Hiệu trưởng các trường đại học ký quyết định ban hành các chương trình đào tạo ngành Vật lý để triển khai thực hiện trong phạm vị trường mình./.

 

CHƯƠNG TRÌNH KHUNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Trình độ đào tạo: Đại học

Ngành đào tạo: Hóa học (Chemistry)

Mã ngành:

(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 16 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

1. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cử nhân Hóa học có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt.

Trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, nhân văn, khoa học tự nhiên (Toán học, Tin học, Vật lý) và các kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực hóa học, các kĩ năng thực hành thực nghiệm cần thiết, phương pháp nghiên cứu và khả năng tư duy sáng tạo trong nghề nghiệp.

Sau khi hoàn thành chương trình học tập, sinh viên có thể đảm đương công tác giảng dạy Hóa học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và trung học phổ thông, hoặc làm công tác nghiên cứu tại các viện, trung tâm, các doanh nghiệp hoặc tiếp tục học tập ở các trình độ cao hơn.

2. Khung chương trình đào tạo

2.1. Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo theo thiết kế

200 đơn vị học trình (đvht), chưa kể phần nội dung về Giáo dục Thể chất (5 đvht) và Giáo dục Quốc phòng (165 tiết).

Thời gian đào tạo 4 năm.

2.2. Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo

đvht

2.2.1

Kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu

(chưa kể các phần nội dung Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng)

80

2.2.2

Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu

Trong đó tối thiểu:

120

 

- Kiến thức ngành (kể cả kiến thức chuyên ngành)

45

 

- Kiến thức bổ trợ

 

 

- Khóa luận (hoặc thi tốt nghiệp)

10

* Ghi chú: Khối lượng thí nghiệm, thực tập, thực tế của toàn chương trình không dưới 15 đvht

3. Khối kiến thức bắt buộc

3.1. Danh mục các học phần bắt buộc

3.1.1. Kiến thức giáo dục đại cương

65 đvht*

1

Triết học Mác-Lênin

6

2

Kinh tế chính trị Mác-Lênin

5

3

Chủ nghĩa xã hội khoa học

4

4

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

4

5

Tư tưởng Hồ Chí Minh

3

6

Ngoại ngữ

10

7

Giáo dục Thể chất

5

8

Giáo dục Quốc phòng

165 tiết

9

Tin học cơ sở

4

10

Đại số và hình giải tích

4

11

Giải tích 1

2

12

Giải tích 2

5

13

Phương trình vi phân

3

14

Xác suất - Thống kê

4

15

Vật lý đại cương 1

4

16

Vật lý đại cương 2

6

17

Thực tập Vật lý đại cương

1

* Chưa tính các học phần 7 & 8

3.1.2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp

39 đvht

1

Hóa học đại cương 1

4

2

Hóa học đại cương 2

3

3

Thực tập Hóa học đại cương

2

4

Hóa học vô cơ

4

5

Hóa học hữu cơ 1

4

6

Hóa học hữu cơ 2

3

7

Hóa học phân tích 1

4

8

Hóa học phân tích 2

3

9

Hóa lý 1

4

10

Hóa lý 2

3

11

Hóa học các hợp chất cao phân tử

2

12

Cơ sở hóa lượng tử

3

3.2. Mô tả nội dung các học phần bắt buộc

1. Triết học Mác-Lênin 6 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 29/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Kinh tế chính trị Mác-Lênin 5 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 29/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Chủ nghĩa xã hội khoa học 4 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 34/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 4 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 41/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 27/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Tư tưởng Hồ Chí Minh 3 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 35/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Ngoại ngữ (cơ bản) 10 đvht

Cung cấp những kiến thức và kĩ năng cơ bản nhất về một ngoại ngữ làm nền tảng vững chắc giúp sinh viên có thể tiếp thu thuận lợi những bài học ở cấp độ cao hơn. Yêu cầu đạt được trình độ trung cấp (Intermediate level), đối với những sinh viên đã hoàn tất chương trình ngoại ngữ 7 năm ở giáo dục phổ thông.

7. Giáo dục Thể chất 5 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 3244/GD-ĐT ngày 12/9/1995 và Quyết định số 1262/GD-ĐT ngày 12/4/1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

8. Giáo dục Quốc phòng 165 tiết

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 12/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 9/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

9. Tin học cơ sở 4 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về máy tính (thông tin và xử lý thông tin, đại cương về máy tính điện tử, ngôn ngữ của máy tính và hệ điều hành, thuật toán, ngôn ngữ lập trình và chương trình dịch, tổng quan về mạng máy tính và Internet); kĩ năng sử dụng máy tính (hệ điều hành MS DOS, hệ điều hành Windows); ngôn ngữ lập trình Pascal.

10. Đại số và hình học giải tích 4 đvht

Giới thiệu khái niệm số thực và số phức; định lý cơ bản của đại số về nghiệm của đa thức và các thuật toán liên quan đến đa thức và hàm hữu tỷ; ma trận, định thức và hệ phương trình tuyến tính; không gian Euclide n - chiều: vectơ n - chiều, tích vô hướng, ánh xạ tuyến tính, dạng toàn phương; áp dụng lý thuyết dạng toàn phương để nhận dạng các đường bậc hai và mặt bậc hai.

11. Giải tích 1: 2 đvht

Học phần giới thiệu: phép tính vi phân các hàm một biến và nhiều biến (2 biến và 3 biến); bổ túc về giới hạn của hàm một biến (giới hạn dãy số và giới hạn liên tục của hàm một biến); một số khái niệm về tập hợp trên mặt phẳng toạ độ và khái niệm hàm hai biến; phép tính vi phân hàm nhiều biến; áp dụng vi phân để tính gần đúng và tìm cực trị.

12.Giải tích 2: 5đvht

Học phần giới thiệu toàn bộ lý thuyết tích phân hàm một biến và nhiều biến. Nội dung bao gồm: bổ túc về tích phân bất định và các phương pháp tính tích phân bất định; các phương pháp tính tích phân xác định (kể cả các công thức tính gần đúng); một số ứng dụng của tích phân xác định; mở rộng tự nhiên của tích phân xác định: tích phân 2 lớp, 3 lớp và ứng dụng; những khái quát của khái niệm tích phân xác định (tích phân suy rộng; tích phân đường, tích phân mặt); nghiên cứu sự hội tụ và phân kỳ của chuỗi số dương, chuỗi đan dấu, chuỗi lũy thừa và chuỗi Fourier.

13. Phương trình vi phân 3 đvht

Học phần trình bày các khái niệm cơ bản về phương trình vi phân. Nội dung bao gồm: Một số bài toán dẫn đến một số dạng phương trình vi phân, các khái niệm cơ bản về phương trình vi phân; Phương pháp giải một số phương trình vi phân cấp 1 đơn giản nhất; Phương trình vi phân cấp cao: một số dạng hạ thấp cấp được và đi sâu nghiên cứu phương trình vi phân tuyến tính cấp 2; Một số hệ phương trình vi phân tuyến tính cấp 1 với hệ số hằng;

Giới thiệu phương pháp giải các phương trình đạo hàm riêng tuyến tính cấp hai (phương trình truyền nhiệt, phương trình truyền sóng và phương trình Laplace).

14. Xác suất - Thống kê  4 đvht

Học phần trình bày: Bản chất của xác suất và các tính chất của nó; Đối tượng và phương pháp nghiên cứu của thống kê toán học; Các kết quả cơ bản của xác suất và thống kê; Tính xác suất của một số biến cố; Lập bảng phân phối (hàm mật độ) và hàm phân phối; Tìm các số đặc trưng của biến ngẫu nhiên và ý nghĩa thực tiễn của chúng; Các phân phối cơ bản: nhị thức, Poisson, mũ, đều, chuẩn, loga chuẩn; Ước lượng các tham ẩn chưa biết; So sánh hai trung bình, hai tỷ lệ, hai phương sai; Dùng tiêu chuẩn phù hợp 2; Kiểm tra tính độc lập; So sánh nhiều tỷ lệ, tìm tỷ lệ cao nhất, thấp nhất; Tính hệ số tương quan, tìm đường hồi quy tuyến tính thực nghiệm giữa hai biến.

15. Vật lý đại cương 1: 4 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về cơ học như: chuyển động của chất điểm; mối liên hệ giữa lực và chuyển động; công và năng lượng; chuyển động quay của vật rắn; chuyển động của chất khí; chuyển động dao động và những kiến thức cơ sở về thuyết tương đối hẹp. Học phần cũng cung cấp những khái niệm cơ bản của nhiệt động lực học, thuyết động học phân tử khí, trạng thái rắn của vật chất và sự chuyển pha.

Nắm vững các kiến thức trên, sinh viên có thể hiểu được các quy luật chuyển động của các vật thường gặp trong kỹ thuật và trong cuộc sống hàng ngày, có thể hiểu được sự vận động của các nguyên tử, phân tử cấu tạo nên các vật và tính chất nhiệt của chúng.

16. Vật lý đại cương 2: 6 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về điện trường, từ trường; tương tác điện, tương tác từ; các hiện tượng cảm ứng điện từ; chuyển động của các hạt tích điện trong điện trường và trong từ trường; chuyển động dao động và sóng điện từ; các hiện tượng đặc trưng của quá trình sóng như giao thoa, nhiễu xạ ánh sáng; các hiện tượng hấp thụ, tán sắc và phân cực ánh sáng, một số khái niệm cơ sở về cấu trúc nguyên tử và hạt nhân.

Nắm vững các kiến thức trên sinh viên có thể hiểu được các quy luật của các hiện tượng điện, từ, quang; bước đầu hiểu được mối quan hệ giữa chuyển động của các hạt thành phần cấu tạo nên vật và các tính chất vĩ mô của chúng.

17. Thực tập Vật lý đại cương 1 đvht

Học phần bao gồm các bài tập thực hành về một số hiện tượng, định luật trong các phần cơ học, vật lý phân tử và nhiệt, điện từ học, quang học. Sinh viên chọn 10/14 bài thực hành sau: đo độ dài, chuyển động của con lắc toán học, nghiên cứu một số định luật cơ bản của chuyển động trên máy Awood, xác định gia tốc trọng trường bằng con lắc thuận nghịch, xác định hệ số nhiệt của chất lỏng bằng phương pháp Stock, đo suất điện động và điện trở, xác định đương lượng nhiệt, xác định vận tốc truyền âm trong không khí, nghiên cứu chuyển động quay bằng con lắc chữ thập, xác định điện tích riêng của electron bằng phương pháp manheton, xác định nhiệt độ Curie sắt từ, quang hình học, nghiên cứu dao động ký điện tử, nghiên cứu hiện tượng nhiễu xạ qua khe hẹp hoặc cách tử.

18. Hóa học đại cương 1: 4 đvht

Học phần bao gồm 3 phần:

Phần 1: Trình bày cấu tạo nguyên tử, hệ thống tuần hoàn các nguyên tố, các khái niệm cơ bản về nguyên tử, làm sáng tỏ mối quan hệ giữa cấu trúc lớp vỏ electron và sự biến thiên tuần hoàn các tính chất các nguyên tố trong bảng hệ thống tuần hoàn.

Phần 2: Trình bày cấu tạo phân tử và liên kết hóa học trên cơ sở các phương pháp lượng tử (VB, MO, HMO). Khảo sát mối quan hệ liên kết hóa học và tính chất phân tử. Đại cương về phổ phân tử. Các loại phổ phân tử.

Phần 3: Hệ ngưng tụ. Mối quan hệ liên kết, cấu trúc và tính chất hệ ngưng tụ.

19. Hóa học đại cương 2: 3 đvht

Nghiên cứu các quy luật điều khiển các quá trình hóa học: nhiệt động học hóa học, động hóa học, điện hóa học. Xét các thông số nhiệt động, nội năng, entanpi, entropi, thế đẳng áp, đẳng nhiệt, khả năng và chiều hướng mức độ diễn ra quá trình hóa học.

Nghiên cứu tốc độ và cơ chế phản ứng hóa học: ảnh hưởng của nồng độ, nhiệt độ, chất xúc tác đến tốc độ phản ứng; phản ứng dây chuyền, quang hóa, xúc tác enzim. Xem xét sự phát sinh dòng điện nhờ phản ứng oxy hóa - khử, các loại điện cực, phương trình Nernst, chiều và hằng số cân bằng của phản ứng oxy hóa - khử, các định luật điện phân. Xem xét các cân bằng khác nhau xảy ra trong dung dịch: cân bằng axit bazơ, cân bằng hoà tan, sự điện ly, thủy phân, cân bằng tạo phức, dung dịch keo.

20. Thực tập Hóa học đại cương 2 đvht

Chương trình thực tập đi kèm với chương trình lý thuyết, nhằm minh họa một cách định lượng bằng thực nghiệm các kiến thức được đưa ra trong môn hóa học đại cương. Tương ứng với các vấn đề được nêu trong chương trình lý thuyết, chương trình thực tập cũng có các phần tương ứng. Chương trình thực tập hóa đại cương gồm 15 bài thực hành thuộc các phần:

- Phần mở đầu: 1 bài

- Phần khảo sát các định luật khí (Saclơ, Gay Luytsac, Boilơ Mariot): 1 bài

- Phần nguyên tử, phân tử và đương lượng: 2 bài

- Phần nhiệt động học: 2 bài

- Phần cân bằng hóa học: 1 bài

- Phần động hóa học: 2 bài

- Phần dung dịch: 4 bài

- Phần điện hóa học: 2 bài

21. Hóa học vô cơ 4 đvht

Học phần giới thiệu cấu tạo, thành phần và tính chất của tất cả các nguyên tố trong bảng hệ thống tuần hoàn và các hợp chất của chúng. Xem xét cấu tạo nguyên tử, phân tử theo quan điểm hiện đại, cấu tạo tinh thể của các chất rắn, mối quan hệ giữa cấu tạo, tính chất vật lý và tính chất hóa học. Các phương pháp điều chế trong phòng thí nghiệm, trong sản xuất công nghiệp một số nguyên tố và hợp chất quan trọng, điển hình. Hóa học phức chất, hóa học các hợp chất cơ kim và hóa sinh vô cơ.

22. Hóa học hữu cơ 1: 4 đvht

Khái niệm về hóa hữu cơ, phân loại, tinh chế hợp chất hữu cơ, các phương pháp vật lý và hóa học khảo sát hợp chất hữu cơ. Các loại đồng phân, các loại hiệu ứng, các loại phản ứng và tác nhân phản ứng. Phân biệt cấu tạo, cấu hình, cấu dạng. Hiđrocacbon: danh pháp, đặc tính phổ, phương pháp điều chế, hóa tính, ứng dụng của ankan, xicloankan, anken, ankin và aren. Cấu tạo của xiclohexan. Cấu tạo của benzen. Cơ chế phản ứng cộng electrophin vào nối đôi C = C, cơ chế phản ứng thế vào nhân thơm. Quy tắc Maccôpnhicôp, hiệu ứng Kharat. Khái niệm về dầu mỏ, khái niệm về tecpen và steroit. Dẫn xuất halogen: cơ chế phản ứng thế nucleophin, cơ chế phản ứng tách, quy tắc tách theo Zaixep. ứng dụng thực tiễn và tác hại của một số dẫn xuất halogen đối với môi trường. Hợp chất cơ nguyên tố. Dẫn xuất hidroxy của hiđrocacbon: ancol và phenol. Enol, thioancol (mecaptan), poliancol. Các dẫn xuất ở nhóm chức, chuyển vị Frizơ, chuyển vị Claisen, các ete vòng.

23. Hóa học hữu cơ 2: 3 đvht

Hợp chất cacbonyl: anđehit và xeton. Đặc điểm của nhóm cacbonyl, điều chế, hóa tính. Cơ chế phản ứng cộng nucleophin, quy tắc Cram. Hợp chất policacbonyl, hợp chất cacbonyl không no. Oxim. Axit cacboxylic no và thơm. axit đicacboxylic no và thơm, axit cacboxylic không no. Este, halogenua axit, anhiđit axit, amit, nitrin. Dẫn xuất của axit cacbonic. Chức chứa một nguyên tử nitơ: hợp chất nitro, hợp chất nitrozo, amin. Chức chứa hai nguyên tử nitơ: muối arenđiazoni, hợp chất azo, phẩm mầu azo. Hợp chất tạp chức: halogenaxit, hidroxiaxit, lacton, anđehitaxit, xetoaxit. Aminoaxit: cấu tạo, hóa lập thể, điều chế, tính chất. Peptit. Protein. Gluxit: monosaccarit, đisaccarit, polisaccarit. Hợp chất dị vòng: dị vòng 5 cạnh, dị vòng 6 cạnh (piridin, pirimidin, purin, axit nucleic), Ancaloit.

24. Hóa học phân tích 1: 4 đvht

Cung cấp một số khái niệm cơ bản và các định luật được ứng dụng trong hóa học phân tích: cân bằng - hoạt độ - các khái niệm cơ bản về phương pháp phân tích thể tích và phân tích khối lượng.

Xem xét cân bằng axit-bazơ - định nghĩa - cách tính pH dung dịch hệ đơn, đa axit, đơn, đa bazơ trong nước - pH hỗn hợp axit và bazơ liên hợp, không liên hợp.

Cân bằng axit và bazơ trong dung môi khác nước. Cân bằng tạo phức - hằng số bền - hằng số bền điều kiện - tính nồng độ cân bằng các dạng trong dung dịch. Cân bằng kết tủa - tích số tan - độ tan - tích số tan điều kiện - cộng kết, kết tủa sau, kết tủa phân đoạn, kết tủa keo.

Cân bằng oxy hóa khử - định nghĩa - thế oxy hóa khử tiêu chuẩn - phương trình Nernst, thế oxy hóa khử tiêu chuẩn điều kiện - thế oxy hóa khử của dung dịch chất oxy hóa và chất khử liên hợp, không liên hợp, chất oxy hóa và chất khử đa bậc - hằng số cân bằng phản ứng oxy hóa - khử.

Phân tích định lượng bằng phương pháp hóa học:

Chuẩn độ axit - bazơ; chuẩn độ tạo phức; chuẩn độ kết tủa; chuẩn độ oxy hóa- khử.

Các loại chỉ thị ứng dụng cho từng phép chuẩn độ, đường chuẩn độ, sai số chuẩn độ. Phương pháp phân tích khối lượng. Một số phương pháp phân tích định lượng được ứng dụng trong thực tế. Sai số trong hóa học phân tích. Xử lý số liệu thực nghiệm theo phương pháp thống kê.

25. Hóa học phân tích 2: 3 đvht

Học phần gồm có các nội dung: Phương pháp phân tích quang phổ hấp thụ phân tử. Định luật cơ bản về hấp thụ ánh sáng. Định luật Bughes-Lambest-Beer. Nguyên nhân làm sai lệch. Các phương pháp định lượng và ứng dụng.

Phương pháp hấp thụ nguyên tử: Nội dung cơ bản của định luật hấp thụ ánh sáng. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phép đo hấp thụ nguyên tử. Nguyên tắc các phương pháp phân tích định lượng bằng phép đo hấp thụ nguyên tử.

Phương pháp đo phát xạ nguyên tử: Nội dung cơ bản định luật phát xạ nguyên tử. Nguyên tắc phương pháp phân tích điện hóa, nguyên tắc các phương pháp phân tích điện thế, điện lượng, các loại điện cực, cực so sánh, cực chỉ thị, điện cực pH.

Phương pháp phân tích cực phổ và von-ampe. Nguyên tắc và ứng dụng. Nguyên tắc một số phương pháp phân tích cực phổ hiện đại. Cực phổ sóng vuông, cực phổ xung vi phân, cực phổ von-ampe dùng cực đĩa quay và von-ampe hoà tan.

Nguyên tắc phương pháp phân tích sắc ký. Các đại lượng đặc trưng. Phân loại các phương pháo phân tích sắc ký. Phương pháp sắc ký lỏng độ phân giải cao. Sắc ký trao đổi ion. Điện di mao quản và sắc ký điện di mao quản.

Chiết lỏng-lỏng, chiết pha rắn. Hệ số phân bố, phần trăm chiết, cơ chế chiết, phân loại hệ chiết.

26. Hóa lý 1: 4 đvht

Giới thiệu nội dung các nguyên lý của nhiệt động học và ứng dụng các nguyên lý đó vào các mục đích:

Tính toán các đại lượng nhiệt động của khí lý tưởng, khí thực. Xét hiệu ứng nhiệt, chiều hướng và giới hạn của phản ứng hóa học, ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài lên cân bằng hóa học, tính toán các đại lượng của phản ứng hóa học. Thiết lập điều kiện cân bằng pha và ứng dụng quy tắc pha xét các giản đồ trạng thái của hệ hai cấu tử và ba cấu tử. Nghiên cứu tính chất nhiệt động của dung dịch không điện ly (dung dịch lý tưởng, dung dịch thực, dung dịch vô cùng loãng). Nghiên cứu tính chất của dung dịch keo (các tính chất bề mặt, động học, điện, quang).

27. Hóa lý 2: 3 đvht

Bao gồm các kiến thức về động hóa học - xúc tác và điện hóa học:

Động học hình thức: phản ứng bậc 0, 1, 2, 3, n. Phản ứng thuận nghịch, song song, nối tiếp. Sự phụ thuộc của tốc độ phản ứng vào nhiệt độ. Phương trình Areniut. Các phương pháp xác định tốc độ phản ứng, bậc phản ứng, năng lượng hoạt hóa. Các thuyết về phản ứng cơ bản: thuyết va chạm lưỡng phân tử, thuyết phức chất hoạt động. Phản ứng dây chuyền, các giới hạn nổ. Phản ứng trong dung dịch. Phản ứng quang hóa. Xúc tác đồng thể: xúc tác axit bazơ, xúc tác phức, xúc tác enzim. Hấp phụ và xúc tác dị thể.

Nghiên cứu dung dịch chất điện ly, lý thuyết dung dịch chất điện ly yếu và ứng dụng, hoạt độ, hệ số hoạt độ, một số tính chất dung dịch chất điện ly. Độ dẫn điện riêng, độ dẫn điện đương lượng, số vận tải, linh độ ion.

Hiện tượng cân bằng xẩy ra trên bề mặt điện cực, lớp điện kép, thế điện cực, các loại thế, phương trình Nernst, phương pháp đo sức điện động. Xem xét động học điện hóa và một số ứng dụng trong công nghệ điện hóa.

28. Hóa học các hợp chất cao phân tử 2 đvht

Trình bày khái niệm chung về các hợp chất cao phân tử.

Cơ chế và động học phản ứng trùng hợp gốc, phản ứng đồng trùng hợp gốc. Ảnh hưởng của cấu tạo monome đến quá trình trùng hợp gốc và đồng trùng hợp. Phản ứng trùng hợp dưới tác dụng các hệ xúc tác.

Các quá trình trùng ngưng cân bằng và không cân bằng.

Các phản ứng hóa học xảy ra trong phân tử polime.

Dung dịch polime, tính chất cơ lý của polime.

29. Cơ sở hóa lượng tử 3 đvht

Hóa học lượng tử là áp dụng cơ học lượng tử vào nghiên cứu cấu trúc hóa học. Đây cũng là môn học cơ sở của hóa học hiện đại.

Học phần giới thiệu các cơ sở chủ yếu của cơ học lượng tử, các thuộc tính riêng biệt của hệ vi mô, các tiên đề, từ đó áp dụng cụ thể cho các hệ lượng tử đơn giản như nguyên tử hiđro và các ion giống hiđro. Các phương pháp VB, MO, các phương pháp tính phổ hiện đại.

4. Hướng dẫn sử dụng chương trình khung để thiết kế các chương trình đào tạo cụ thể

Chương trình khung giáo dục đại học là cơ sở giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chất lượng của quá trình đào tạo đại học, do đó được quy định bắt buộc cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học.

4.1. Chương trình khung trình độ đại học ngành Hóa học được thiết kế theo hướng thuận lợi cho việc phát triển các chương trình cấu trúc kiểu đơn ngành (Single Major). Danh mục các học phần (môn học) và khối lượng của chúng được đưa ra tại mục 3 chỉ là những quy định bắt buộc tối thiểu. Căn cứ vào mục tiêu, thời gian đào tạo, khối lượng và cơ cấu kiến thức quy định tại các mục 1 và 2, các trường bổ sung những học phần cần thiết để xây dựng thành chương trình đào tạo cụ thể của trường mình với tổng khối lượng kiến thức không dưới 200 đvht (không kể các nội dung về Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng).

4.2. Phần kiến thức chuyên sâu (nếu có) thuộc ngành Hóa học có thể được thiết kế theo từng lĩnh vực chuyên ngành hẹp của ngành Hóa học như: Hóa lý, Hóa phân tích, Hóa vô cơ, Hóa hữu cơ…, hoặc theo hướng liên chuyên ngành. Sự khác biệt về nội dung đào tạo giữa các chuyên ngành nằm trong giới hạn 20% kiến thức chung của ngành.

4.3. Phần kiến thức bổ trợ (nếu có) có thể được trường thiết kế theo một trong hai hướng sau:

- Bố trí các nội dung được lựa chọn khá tự do, liên quan tới nhiều ngành đào tạo nhưng xét thấy có lợi trong việc mở rộng năng lực hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

- Bố trí các học phần có nội dung thuộc một ngành đào tạo thứ hai khác với ngành Hóa học nhằm giúp mở rộng phạm vi hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trong trường hợp mảng kiến thức thuộc ngành thứ hai có khối lượng bằng hoặc vượt 25 đvht, chương trình mới được tạo ra sẽ cấu trúc kiểu ngành chính (Major) – ngành phụ (Minor), trong đó, ngành chính là Hóa học.

Trường hợp đặc biệt khi chương trình mới tạo ra thỏa mãn đồng thời những quy định về chương trình khung tương ứng với hai ngành đào tạo khác nhau thì người tốt nghiệp sẽ được nhận hai văn bằng đại học. Đương nhiên trong trường hợp này, khối lượng kiến thức của toàn chương trình và thời gian đào tạo theo thiết kế sẽ lớn hơn nhiều so với hai kiểu cấu trúc chương trình trên.

4.4. Chương trình được biên soạn theo hướng tinh giản số giờ lý thuyết, dành nhiều thời gian cho sinh viên tự nghiên cứu, đọc tài liệu, thảo luận, làm các bài tập. Khối lượng kiến thức của chương trình đã được xác nhận phù hợp với khuôn khổ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cho một chương trình giáo dục đại học 4 năm. Chương trình cũng được biên soạn theo hướng đổi mới các phương pháp dạy và học đại học.

4.5. Hiệu trưởng các trường đại học ký quyết định ban hành các chương trình đào tạo ngành Hóa học để triển khai thực hiện trong phạm vi trường mình.

 

CHƯƠNG TRÌNH KHUNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Trình độ đào tạo: Đại học

Ngành đào tạo: Sinh học (Biology)

Mã ngành:

(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 16 tháng năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

1. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cử nhân Sinh học có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt.

Trang bị cho sinh viên kiến thức về các nguyên lý cơ bản và các quá trình sinh học ở các mức độ khác nhau của khoa học sự sống (phân tử, tế bào, cơ quan, cơ thể, quần xã), mối quan hệ của chúng với nhau và với môi trường ngoài. Chương trình còn cung cấp những kiến thức khoa học và các phương pháp nghiên cứu về một trong các lĩnh vực: sinh học phân tử và tế bào, sinh học cơ thể thực vật, động vật và người, sinh học quần thể, quần xã, hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Chương trình cũng trang bị những kĩ năng thực hành nghề nghiệp cần thiết như điều tra thu thập mẫu, định loại, phân tích và tổng hợp các số liệu; giúp cho sinh viên khả năng tư duy sáng tạo, phương pháp tiếp cận khoa học để giải quyết các vấn đề thực tiễn của ngành học.

Sinh viên tốt nghiệp có thể giảng dạy Sinh học ở các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Dạy nghề và Trung học phổ thông; nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Sinh học thực nghiệm, Công nghệ Sinh học ở các cơ quan nghiên cứu; làm việc ở các cơ quan quản lý và doanh nghiệp có liên quan đến sinh học và môi trường.

2. Khung chương trình đào tạo

2.1. Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo theo thiết kế

200 đơn vị học trình, chưa kể phần nội dung về Giáo dục Thể chất (5 đvht) và Giáo dục Quốc phòng (165 tiết).

Thời gian đào tạo 4 năm.

2.2. Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo

đvht

2.2.1

Kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu

(chưa kể các phần nội dung Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng)

80

2.2.2

Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu

Trong đó tối thiểu:

120

 

- Kiến thức cơ sở của ngành

17

 

- Kiến thức ngành (kể cả kiến thức chuyên ngành)

45

 

- Kiến thức bổ trợ

 

 

- Khóa luận (hoặc thi tốt nghiệp)

10

* Ghi chú: Khối lượng thí nghiệm, thực tập, thực tế của toàn chương trình không dưới 15 đvht

3. Khối kiến thức bắt buộc

3.1. Danh mục các học phần bắt buộc

3.1.1. Kiến thức giáo dục đại cương

60 đvht*

1

Triết học Mác-Lênin

6

2

Kinh tế chính trị Mác-Lênin

5

3

Chủ nghĩa xã hội khoa học

4

4

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

4

5

Tư tưởng Hồ Chí Minh

3

6

Ngoại ngữ

10

7

Giáo dục Thể chất

5

8

Giáo dục Quốc phòng

165 tiết

9

Tin học cơ sở

4

10

Đại số tuyến tính

2

11

Giải tích

4

12

Xác suất – Thống kê

4

13

Vật lý đại cương 1

3

14

Vật lý đại cương 2

4

15

Thực tập vật lý đại cương

1

16

Hóa học đại cương

3

17

Khoa học trái đất

3

* Chưa tính các học phần 7 & 8

3.1.2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp

a. Kiến thức cơ sở ngành

17 đvht

1

Hóa hoc phân tích

3

2

Hóa học hữu cơ

3

3

Thực tập hóa học phân tích

1

4

Tế bào học

3

5

Sinh học phân tử

3

6

Tiến hóa và đa dạng sinh học

4

b. Kiến thức ngành

31 đvht

1

Thực vật học

5

2

Động vật học

5

3

Hóa sinh học

4

4

Di truyền học

4

5

Vi sinh vật học

4

6

Sinh thái học

4

7

Ứng dụng tin học trong sinh học

3

8

Thực tập thiên nhiên

2

 

 

 

 

3.2. Mô tả nội dung các học phần bắt buộc

1. Triết học Mác-Lênin 6 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 29/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Kinh tế chính trị Mác-Lênin 5 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 29/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Chủ nghĩa xã hội khoa học 4 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 34/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 4 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 41/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 27/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Tư tưởng Hồ Chí Minh 3 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 35/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Ngoại ngữ (cơ bản) 10 đvht

Cung cấp những kiến thức và kĩ năng cơ bản nhất về một ngoại ngữ làm nền tảng vững chắc giúp sinh viên có thể tiếp thu thuận lợi những bài học ở cấp độ cao hơn. Yêu cầu đạt được trình độ trung cấp (Intermediate level), đối với những sinh viên đã hoàn tất chương trình ngoại ngữ 7 năm ở giáo dục phổ thông.

7. Giáo dục Thể chất 5 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 3244/GD-ĐT ngày 12/9/1995 và Quyết định số 1262/GD-ĐT ngày 12/4/1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

8. Giáo dục Quốc phòng 165 tiết

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 12/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 9/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

9. Tin học cơ sở 4 đvht

Nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về máy tính (thông tin và xử lý thông tin, đại cương về máy tính điện tử, ngôn ngữ của máy tính và hệ điều hành, thuật toán, ngôn ngữ lập trình và chương trình dịch, tổng quan về mạng máy tính và Internet); kĩ năng sử dụng máy tính (hệ điều hành MS DOS, hệ điều hành Windows); ngôn ngữ lập trình Pascal.

10. Đại số tuyến tính 2 đvht

Nghiên cứu phép biểu diễn các đại lượng, các đường mặt và mối liên hệ giữa chúng bằng các kí hiệu, ma trận, vectơ, phương trình. Học phần gồm các nội dung: tập hợp, quan hệ, trường số thực, đa thức, phân thức, không gian vectơ, ánh xạ tuyến tính và ma trận, định thức và hệ phương trình đại số tuyến tính, giá trị riêng, vectơ riêng, dạng song tuyến tính và dạng toàn phương, không gian vectơ Euclid, tenxơ, hình học giải tích (không gian afin, đường bậc hai, mặt bậc hai).

11. Giải tích 4 đvht

Nghiên cứu tính chất và dáng điệu của hàm số gồm giới hạn, tính liên tục, phép tính vi phân, tích phân và ứng dụng. Học phần gồm các nội dung: số thực, giới hạn, tính liên tục và phép tính vi, tích phân hàm một biến; phép tính tích phân hàm một biến và giới hạn, tính liên tục của hàm nhiều biến; phép tính vi phân hàm nhiều biến, chuỗi số, dãy hàm, chuỗi hàm; tích phân phụ thuộc tham số, tích phân bội, tích phân đường, tích phân mặt.

12. Xác xuất - Thống kê 4 đvht

Giới thiệu những khái niệm cơ bản về xác suất: phép thử ngẫu nhiên, biến cố ngẫu nhiên, quan hệ giữa các biến cố, xác suất của biến cố, tính xác suất dạng cổ điển; tính xác suất bằng công thức cộng và nhân xác suất; xác suất có điều kiện; tính xác suất bằng công thức xác suất đầy đủ và Bayes; dãy Bernoulli; công thức Bernoulli; lập bảng phân phối xác suất; tìm hàm mật độ; biểu thức hàm phân phối; tìm kỳ vọng, phương sai, Mode; các phân phối cơ bản: nhị thức, siêu bội, Poisson, mũ, chuẩn.

Giới thiệu khái niệm cơ bản về thống kê ứng dụng: khái niệm mẫu; tính số quan sát cần thiết; kiểm định giả thiết về trung bình, về tỷ lệ; so sánh 2 giá trị trung bình, 2 tỷ lệ; kiểm định sự phù hợp giữa số liệu mẫu với các tỷ lệ đã cho; kiểm định sự phù hợp giữa số liệu mẫu với phân phối đã cho; kiểm tra được tính độc lập; so sánh nhiều tỷ lệ, nhiều trung bình; tính hệ số tương quan và tìm đường hồi quy thực nghiệm.

13. Vật lý đại cương 1: 3 đvht

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức về các đại lượng, đơn vị cơ bản của vật lý, thứ nguyên của đại lượng vật lý; các đại lượng mô tả các chuyển động đơn giản và nguyên nhân gây ra chuyển động của chất điểm, chất rắn, chất lưu; các định luật bảo toàn trong cơ học; nội dung của các nguyên lý trong nhiệt động lực học; các khái niệm cơ bản như nhiệt độ, nội năng, công, năng lượng.

Biết vận dụng các định luật để giải thích một số hiện tượng thường gặp và làm các bài tập theo nội dung trong chương trình dưới dạng áp dụng các công thức.

14. Vật lý đại cương 2: 4 đvht

Cung cấp cho sinh viên những khái niệm và các đại lượng cơ bản đặc trưng cho điện trường, từ trường như: lực từ tác dụng lên điện tích; xác định cường độ điện trường và cảm ứng từ; năng lượng điện từ trường; các hiện tượng giao thoa nhiễu xạ, phân cực ánh sáng; tán sắc và hấp thụ ánh sáng; các định luật về phóng xạ và ảnh hưởng của phóng xạ lên sinh vật.

Vận dụng các định luật để giải thích một số hiện tượng thường gặp về điện, từ, quang; giải được các bài toán theo nội dung chương trình.

15. Thực tập vật lý đại cương 1 đvht

Nghiệm lại một số hiện tượng, định luật vật lý trong các phần cơ học, vật lý phân tử và nhiệt học, điện - từ học, quang học.

Giúp cho sinh viên sử dụng thành thạo các thiết bị, máy móc liên quan đến các bài thực tập,

16. Hóa đại cương 3 đvht

Cung cấp những kiến thức cơ bản, tối thiểu về những quy luật cơ bản của hóa học, về cấu tạo chất và những đơn chất, hợp chất quan trọng của các nguyên tố trong bảng hệ thống tuần hoàn Đ.I Mendeleep. Học phần còn giúp sinh viên tiếp thu những kiến thức của các học phần hóa học phân tích và hóa học hữu cơ sẽ học sau này.

Nội dung bao gồm 2 phần:

Phần I: Lý thuyết đại cương về hóa học nhằm chuẩn bị những kiến thức cần thiết giúp cho sinh viên khảo sát các nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học của Đ.I Mendeleep.

Phần II: Giới thiệu các đơn chất và hợp chất của các nguyên tố điển hình gồm các nguyên tố không chuyển tiếp theo thứ tự từcác nguyên tố nhóm s đến các nguyên tố nhóm p và các nguyên tố chuyển tiếp nhóm d.

17. Hóa học phân tích 3 đvht

Cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về các loại phản ứng được ứng dụng trong hóa phân tích, cơ sở lý thuyết chung và các phương pháp định lượng hóa học.

Nội dung chính của học phần gồm: dung dịch chất điện ly và cân bằng hóa học, phản ứng axit-bazơ, phản ứng tạo phức, phản ứng kết tủa, phản ứng oxy hóa khử, phương pháp phân tích khối lượng và phương pháp phân tích thể tích, phương pháp chuẩn độ axit-bazơ, phương pháp chuẩn độ phức chất, phương pháp chuẩn độ kết tủa, phương pháp chuẩn độ oxy hóa khử, sai số trong phân tích và cách đánh giá.

Một số khái niệm cơ bản ban đầu về phương pháp phân tích công cụ: phương pháp phân tích quang học, điện hóa, phương pháp phân tích sắc ký, sắc ký khí, sắc ký lỏng độ phân giải cao, sắc ký điện di mao quản, phương pháp tách chiết lỏng, chất pha rắn.

18. Hóa học hữu cơ 3 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về hóa học hữu cơ, về cơ chế của các phản ứng chủ yếu giữa các chất hữu cơ, cấu tạo, cấu hình và cấu dạng của hợp chất hữu cơ. Nắm được các hiệu ứng chủ yếu để giải thích một số quy luật phản ứng. Giới thiệu về danh pháp hợp chất hữu cơ, phương pháp điều chế, tính chất và ứng dụng của các hợp chất hữu cơ.

19. Thực tập hóa học phân tích 1 đvht

Rèn luyện kĩ năng thực hành, thực nghiệm, củng cố kiến thức đã được học. Biết cách tiến hành phân tích các mẫu thực tế.

Nội dung của học phần bao gồm:

Phương pháp chuẩn bị dung dịch có nồng độ xác định; Phương pháp chuẩn độ axit-bazơ, chuẩn độ đơn axit- đơn bazơ, chuẩn độ đơn bazơ, đa bazơ;

Phương pháp chuẩn độ Complexon xác định các ion kim loại trong dung dịch, phương pháp đo bạc xác định các ion halogenua, phương pháp chuẩn độ oxy hóa khử: phương pháp permanganat, phương pháp đicromat, phương pháp iot- thiosunfat, phương pháp bromat.

20. Tế bào học 3 đvht

Cung cấp những kiến thức cơ bản và hiện đại về: cấu trúc và chức năng của tế bào; màng sinh chất (Plasma membrane); tế bào chất và mạng lưới nội sinh chất; ty thể (Mitochondria); lạp thể (Plastide); các bào quan khác; nhân tế bào (Nucleus); sự sinh trưởng và sinh sản của tế bào; phân bào nguyên nhiễm; phân bào giảm nhiễm.

21. Sinh học phân tử 3 đvht

Cung cấp những kiến thức cơ bản ở mức độ phân tử về các phản ứng sinh học đặc trưng cho sự sống, các quá trình điều khiển, kiểm soát chúng trong tế bào, trong quá trình phát triển, phân chia tế bào và hình thành cơ thể ở sinh vật prokaryot và eukaryot; những kiến thức cơ bản và cần thiết cho Công nghệ Gen (Công nghệ ADN); những phương pháp và kỹ thuật hiện đại để nghiên cứu và giải quyết những vấn đề thực tiễn của sinh học.

Giới thiệu về cấu trúc genome, hoạt động của gen trong tế bào; tổng hợp và sửa chữa ADN, ADN tái tổ hợp, kỹ thuật tách dòng và tái tổ hợp ADN và vận chuyển protein trong tế bào.

22. Tiến hóa và đa dạng sinh học 4 đvht

Trang bị cho sinh viên những lý thuyết cơ bản về các học thuyết tiến hóa nguồn gốc sự sống, sự tiến hóa xét ở mức độ gen-enzym, mức độ phân tử và mức độ nhiễm sắc thể; các nhân tố tiến hóa; sự phát sinh chủng loại và cơ chế hình thành loài trong quá trình tiến hóa của sinh vật trên trái đất.

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về đa dạng sinh học; tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với môi trường và cuộc sống của con người; các nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa của sự mất mát đa dạng sinh học; các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học.

23. Khoa học trái đất 3 đvht

Đề cập đến: Các khái niệm chung về Khoa học trái đất; Tổng quan về trái đất như vị trí của trái đất trong hệ mặt trời, hình dạng bên ngoài của trái đất, các tính chất vật lý và hóa học, cấu tạo, nguồn gốc và tuổi của trái đất; Khái niệm về thạch quyển, thành phần vật chất của thạch quyển, tuổi của các thành tạo địa chất và các quá trình địa chất nội sinh; Khái niệm về thủy quyển, các biển và các đại dương, hoạt động địa chất của thủy quyển và nguồn gốc của thủy quyển; Khí quyển, cấu trúc của khí quyển, các hoạt động địa chất của khí quyển, nguồn gốc của khí quyển; Sinh quyển, các khái niệm về sinh quyển, tác dụng địa chất của sinh quyển và tài nguyên sinh vật; Địa hình bề mặt trái đất và thổ nhưỡng, địa hình trên đại lục, địa hình đáy biển và đại dương; Khái niệm về thổ nhưỡng, quá trình hình thành đất và quy luật phân bố.

24. Thực vật học 5 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về: tế bào, mô và cấu trúc các cơ quan của thực vật (chủ yếu thực vật có mạch); phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu và khả năng mô tả cấu tạo của cơ thể thực vật ở các mức độ tế bào, mô và các cơ quan dinh dưỡng cũng như sinh sản của thực vật có mạch (chủ yếu là thực vật hạt kín); giải thích những biến đổi hình thái và cấu tạo đó trong các điều kiện khác nhau.

Trang bị những kiến thức về tính đa dạng của sinh giới, mối quan hệ phát sinh chủng loại, đặc biệt nhấn mạnh những đặc điểm quan trọng của các bộ và họ, nhất là các bộ và họ có ý nghĩa kinh tế nhằm giúp cho sinh viên nghiên cứu các công nghệ liên quan tới thực vật; giới thiệu cách làm mẫu, giải phẫu, quan sát hình thái, vẽ hình và mô tả, nhằm giúp sinh viên nắm được những kiến thức cần thiết để nhận dạng về hình thái ngoài cũng như một số đặc điểm cấu tạo hiển vi một số cây thường gặp, bổ sung cho học phần hệ thống học thực vật.

25. Động vật học 5 đvht

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về động vật bao gồm: các đặc điểm hình thái ngoài, cấu tạo nội quan bên trong, đặc điểm sinh học... quan hệ họ hàng và các bước tiến hóa của các ngành, các lớp động vật trong giới động vật; về sự phong phú và đa dạng của giới động vật, về ý nghĩa thực tiễn và lý luận, về mối quan hệ chặt chẽ giữa con người - thế giới sinh vật - môi trường; qua đó, nâng cao sự hiểu biết và ý thức bảo vệ môi sinh, ý nghĩa quan trọng của sự cân bằng sinh học trong thiên nhiên, sự cần thiết phải duy trì tính ổn định các hệ sinh thái.

Rèn luyện các kĩ năng và phương pháp quan sát động vật không xương sống cỡ nhỏ dưới kính hiển vi, kính lúp, kĩ năng giải phẫu, quan sát cấu tạo nội quan, vẽ hình; kĩ năng về giải phẫu động vật và các kiến thức thực hành cơ sở về hình thái ngoài, cấu tạo nội quan và bộ xương các đại diện điển hình của các lớp Động vật có xương sống, kể cả các đại diện có dây sống nguyên thủy.

26. Hóa sinh học 4 đvht

Cung cấp các kiến thức cơ bản về thành phần hóa học của hệ thống sống và quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể sống: protein và hoạt tính xúc tác; các chất cung cấp năng lượng cho cơ thể và quá trình chuyển hóa chúng trong cơ thể; axit nucleic và quá trình truyền thông tin di truyền trong hệ thống sống; hoocmon, cơ chế phân tử điều hòa các quá trình trao đổi chất.

Giới thiệu các kĩ năng thao tác cơ bản trong nghiên cứu hóa sinh; các phản ứng thường dùng để phát hiện, nhận biết một số thành phần hóa học cơ bản của hệ thống sống; một số phương pháp định lượng thông thường các chất này.

27. Di truyền học 4 đvht

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về di truyền học để có khái niệm về cơ sở vật chất của di truyền, các quy luật di truyền cơ bản như định luật Mendel, quy luật di truyền trên các đối tượng khác nhau như thực khuẩn thể, vi khuẩn, vi nấm. Di truyền nhiễm sắc thể và ngoài nhiễm sắc thể. Di truyền học loài người. Một số ứng dụng của di truyền học vào thực tiễn chọn giống, tạo giống vật nuôi, cây trồng.

28. Vi sinh vật học 4 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ sở về vị trí, vai trò của vi sinh vật trong tự nhiên và trong đời sống con người, để có thể dùng vi sinh vật như một công cụ phục vụ con người trong các lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học, y- dược học, sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường.

Nội dung bao gồm một số vấn đề chủ yếu sau đây: vị trí của vi sinh vật trong phân loại sinh giới, cấu trúc tế bào prokaryota và eukaryota, cấu trúc và sự nhân lên của virut, sinh trưởng và dinh dưỡng của vi sinh vật, các cơ chế cơ bản của trao đổi chất và năng lượng, các quá trình lên men có ý nghĩa công nghệ sinh học, sự phân hủy các chất tự nhiên và phi tự nhiên nhờ vi sinh vật, quan hệ của vi sinh vật với thực vật và động vật.

29. Sinh thái học 4 đvht

Trang bị cho sinh viên những khái niệm và những nguyên lý cơ bản về mối quan hệ giữa sinh vật với sinh vật và giữa sinh vật với môi trường ở các mức độ tổ chức khác nhau: cá thể, quần thể, quần xã và hệ sinh thái, trong đó bao gồm cả mối quan hệ của con người với tự nhiên trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và gìn giữ sự trong sạch của môi trường cho sự phát triển một xã hội văn minh và bền vững.

Phần thực tập nhằm củng cố và minh hoạ cho phần lý thuyết cơ sở sinh thái học, đồng thời rèn luyện kĩ năng thao tác trong phòng thí nghiệm, cách thu thật và sử lý số liệu cho sinh viên.

30. Ứng dụng tin học trong sinh học 3 đvht

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức về phương pháp giải bài toán sinh học, xử lý thống kê số liệu và quản lý, khai thác một cơ sở dữ liệu nghiên cứu sinh học bằng phần mềm Excel. Nội dung bao gồm: Giới thiệu về Microsoft Excel, với những khái niệm cơ bản, những thủ thuật và thao tác với bảng tính Excel; ứng dụng bảng tính và hàm để giải các bài toán sinh học; chế độ đồ thị và biểu đồ; chế độ in của Excel; các phương pháp xử lý thống kê số liệu nghiên cứu sinh học; phân tích thống kê nhiều biến số trong nghiên cứu sinh học hay phân tích tương quan hồi quy; quản lý và khai thác một cơ sở dữ liệu trong nghiên cứu sinh học.

31. Thực tập thiên nhiên 2 đvht

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức về phương pháp nghiên cứu sinh học trên thực địa: Phương pháp sưu tầm và làm tiêu bản sinh vật; phương pháp quan sát, ghi chép, thu thập các thông tin về phân bố, công dụng, sinh thái... của các loài sinh vật.

Rèn luyện kĩ năng thực hành; nâng cao hiểu biết thực tế về đa dạng sinh học và nhận biết các loài sinh vật thường gặp.

4. Hướng dẫn sử dụng chương trình khung để thiết kế các chương trình đào tạo cụ thể

Chương trình khung giáo dục đại học là cơ sở giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chất lượng của quá trình đào tạo đại học, do đó được quy định bắt buộc cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học.

4.1. Chương trình khung trình độ đại học ngành Sinh học được thiết kế theo hướng thuận lợi cho việc phát triển các chương trình cấu trúc kiểu đơn ngành (Single Major). Danh mục các học phần (môn học) và khối lượng của chúng được đưa ra tại mục 3 chỉ là những quy định bắt buộc tối thiểu. Căn cứ vào mục tiêu, thời gian đào tạo, khối lượng và cơ cấu kiến thức quy định tại các mục 1 và 2, các trường bổ sung những học phần cần thiết để xây dựng thành chương trình đào tạo cụ thể của trường mình với tổng khối lượng kiến thức không dưới 200 đvht (không kể các nội dung về Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng).

4.2. Phần kiến thức chuyên sâu (nếu có) thuộc ngành Sinh học có thể được thiết kế theo từng lĩnh vực chuyên ngành hẹp của ngành Sinh học như: thực vật học, động vật học, virus học, sinh học biển, sinh học phân tử... hoặc theo hướng liên chuyên ngành. Sự khác biệt về nội dung đào tạo giữa các chuyên ngành nằm trong giới hạn 20% kiến thức chung của ngành.

4.3. Phần kiến thức bổ trợ (nếu có) có thể được trường thiết kế theo một trong hai hướng sau:

- Bố trí các nội dung được lựa chọn, liên quan tới nhiều ngành đào tạo và xét thấy có lợi trong việc mở rộng năng lực hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

- Bố trí các học phần có nội dung thuộc một ngành đào tạo thứ hai khác với ngành Sinh học nhằm giúp mở rộng phạm vi hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trong trường hợp mảng kiến thức thuộc ngành thứ hai có khối lượng bằng hoặc vượt 25 đvht, chương trình mới được tạo ra sẽ cấu trúc kiểu ngành chính (Major) – ngành phụ (Minor), trong đó, ngành chính là Sinh học.

Trường hợp đặc biệt khi chương trình mới tạo ra thỏa mãn đồng thời những quy định về chương trình khung tương ứng với hai ngành đào tạo khác nhau thì người tốt nghiệp sẽ được nhận hai văn bằng đại học. Đương nhiên trong trường hợp này, khối lượng kiến thức của toàn chương trình và thời gian đào tạo theo thiết kế sẽ lớn hơn nhiều so với hai kiểu cấu trúc chương trình trên.

4.4. Chương trình được biên soạn theo hướng giảm số giờ lý thuyết, dành nhiều thời gian cho sinh viên tự nghiên cứu, đọc tài liệu, thảo luận, làm các bài tập. Khối lượng kiến thức của chương trình đã được xác nhận phù hợp với khuôn khổ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cho một chương trình giáo dục đại học 4 năm. Chương trình cũng được biên soạn theo hướng đổi mới các phương pháp dạy và học đại học.

4.5. Hiệu trưởng các trường đại học ký quyết định ban hành các chương trình đào tạo ngành Sinh học để triển khai thực hiện trong phạm vi trường mình.

 

CHƯƠNG TRÌNH KHUNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Trình độ đào tạo: Đại học

Ngành đào tạo: Công nghệ sinh học (Biotechnology)

Mã ngành:

(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 16 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

1. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cử nhân Công nghệ Sinh học có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt.

Trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về: nguyên lý và quá trình sinh học đại cương, lý thuyết cơ sở về sinh học thực nghiệm, nội dung cơ bản về công nghệ sinh học để ứng dụng vào các vấn đề trong sinh học và công nghệ sinh học.

Đồng thời còn trang bị cho sinh viên những kĩ năng thực hành nghề nghiệp cần thiết như thu thập mẫu, đo đạc và tổng hợp, phân tích các số liệu, sử dụng các phương pháp thí nghiệm hiện đại của Công nghệ sinh học.

Chương trình cũng cung cấp cho sinh viên khả năng tư duy sáng tạo, phương pháp tiếp cận khoa học để giải quyết các vấn đề thực tiễn của ngành học. Sau khi hoàn thành chương trình, Cử nhân Công nghệ Sinh học có thể đảm nhận các công việc:

1. Giảng dạy sinh học (một số môn sinh học thực nghiệm) và công nghệ sinh học ở các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Dạy nghề và các trường Trung học Phổ thông.

2. Nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực về sinh học, sinh học thực nghiệm và công nghệ sinh học ở các viện nghiên cứu, các trung tâm và cơ quan nghiên cứu của các bộ, ngành, các trường Đại học và Cao đẳng.

3. Làm việc ở các cơ quan quản lý có liên quan đến Sinh học và Công nghệ sinh học của các ngành hoặc các địa phương (bộ, sở, phòng,...), các trung tâm, tỉnh, thành phố, quận, huyện.

4. Làm các công việc kỹ thuật, quản lý chất lượng, kiểm nghiệm tại các đơn vị sản xuất trong lĩnh vực Công nghệ sinh học, nông, lâm, ngư, y dược, khoa học hình sự, công nghiệp nhẹ.

5. Tư vấn, tiếp thị tại các đơn vị thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, y dược.

2. Khung chương trình đào tạo

2.1. Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo theo thiết kế

200 đơn vị học trình (đvht), chưa kể phần nội dung về Giáo dục Thể chất (5 đvht) và Giáo dục Quốc phòng (165 tiết).

Thời gian đào tạo 4 năm.

2.2. Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo

đvht

2.2.1

Kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu

(chưa kể các phần nội dung Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng)

80

2.2.2

Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu

Trong đó tối thiểu:

120

 

- Kiến thức cơ sở của ngành

19

 

- Kiến thức ngành (kể cả kiến thức chuyên ngành)

45

 

- Kiến thức bổ trợ

 

 

- Khóa luận (hoặc thi tốt nghiệp)

10

* Ghi chú: Khối lượng thí nghiệm, thực tập, thực tế của toàn chương trình không dưới 15 đvht

3. Khối kiến thức bắt buộc

3.1. Danh mục các học phần bắt buộc

3.1.1. Kiến thức giáo dục đại cương

60 đvht*

1

Triết học Mác-Lênin

6

2

Kinh tế chính trị Mác-Lênin

5

3

Chủ nghĩa xã hội khoa học

4

4

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

4

5

Tư tưởng Hồ Chí Minh

3

6

Ngoại ngữ

10

7

Giáo dục Thể chất

5

8

Giáo dục Quốc phòng

165 tiết

9

Tin học cơ sở

4

10

Đại số tuyến tính

2

11

Giải tích

4

12

Xác suất-Thống kê

4

13

Vật lý đại cương 1

3

14

Vật lý đại cương 2

4

15

Thực tập Vật lý đại cương

1

16

Hóa học đại cương

3

17

Khoa học Trái đất

3

* Chưa tính các học phần 7 & 8

3.1.2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp

50 đvht

a. Kiến thức cơ sở của ngành

19 đvht

1

Hóa học phân tích

3

2

Thực tập Hóa học phân tích

1

3

Hóa học hữu cơ

3

4

Tế bào học

3

5

Sinh học phân tử

3

6

Tiến hóa và đa dạng sinh học

6

b. Kiến thức ngành

31 đvht

1

Nhập môn công nghệ sinh học

2

2

Vi sinh vật học

4

3

Hóa sinh học

4

4

Di truyền học

4

5

Sinh học chức năng thực vật

3

6

Sinh học chức năng động vật

3

7

Kỹ thuật di truyền

4

8

Quá trình và thiết bị công nghệ

4

9

Ứng dụng tin học trong sinh học

3

3.2. Mô tả nội dung các học phần bắt buộc

1. Triết học Mác-Lênin 6 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 29/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Kinh tế chính trị Mác-Lênin 5 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 29/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Chủ nghĩa xã hội khoa học 4 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 34/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam 4 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 41/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 27/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Tư tưởng Hồ Chí Minh 3 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 35/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Ngoại ngữ 10 đvht

Đây là nội dung ngoại ngữ cơ bản nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về ngữ pháp, các kĩ năng giao tiếp thông dụng cùng với vốn từ vựng cần thiết cho giao tiếp. Yêu cầu đạt trình độ trung cấp đối với những sinh viên đã hoàn tất chương trình ngoại ngữ 7 năm ở giáo dục phổ thông.

7. Giáo dục Thể chất 5 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 3244/GD-ĐT ngày 12/9/1995 và Quyết định số 1262/GD-ĐT ngày 12/4/1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

8. Giáo dục Quốc phòng 165 tiết

Nội dung ban hành tại Quyết định số 12/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 9/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

9. Tin học cơ sở 4 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về máy tính (thông tin và xử lý thông tin, đại cương về máy tính điện tử, ngôn ngữ của máy tính và hệ điều hành, thuật toán, ngôn ngữ lập trình và chương trình dịch, tổng quan về mạng máy tính và Internet); kĩ năng sử dụng máy tính (hệ điều hành MS DOS, hệ điều hành Windows); ngôn ngữ lập trình Pascal.

10. Đại số tuyến tính 2 đvht

Nghiên cứu phép biểu diễn các đại lượng, các đường mặt và mối liên hệ giữa chúng bằng các kí hiệu, ma trận, vectơ, phương trình. Học phần gồm các nội dung: tập hợp, quan hệ, trường số thực, đa thức, phân thức, không gian vectơ, ánh xạ tuyến tính và ma trận, định thức và hệ phương trình đại số tuyến tính, giá trị riêng, vectơ riêng, dạng song tuyến tính và dạng toàn phương, không gian vectơ Euclid, tenxơ, hình học giải tích (không gian afin, đường bậc hai, mặt bậc hai).

11. Giải tích 4 đvht

Nghiên cứu tính chất và dáng điệu của hàm số gồm: giới hạn, tính liên tục, phép tính vi phân, tích phân và ứng dụng. Học phần gồm các nội dung: số thực, giới hạn, tính liên tục và phép tính vi, tích phân hàm một biến; phép tính tích phân hàm một biến và giới hạn; tính liên tục của hàm nhiều biến; phép tính vi phân hàm nhiều biến, chuỗi số, dãy hàm, chuỗi hàm; tích phân phụ thuộc tham số, tích phân bội, tích phân đường, tích phân mặt.

12. Xác suất – Thống kê 4 đvht

Giới thiệu những khái niệm cơ bản về xác suất: phép thử ngẫu nhiên, biến cố ngẫu nhiên, quan hệ giữa các biến cố, xác suất của biến cố; tính xác suất dạng cổ điển; tính xác suất bằng công thức cộng và nhân xác suất; xác suất có điều kiện; tính xác suất bằng công thức xác suất đầy đủ và Bayes; dãy Bernoull; công thức Bernoulli; lập bảng phân phối xác suất; tìm hàm mật độ; biểu thức hàm phân phối; tìm kỳ vọng, phương sai, Mode; các phân phối cơ bản: nhị thức, siêu bội, Poisson, mũ, chuẩn.

Giới thiệu khái niệm cơ bản về thống kê ứng dụng: khái niệm mẫu; tính số quan sát cần thiết; kiểm định giả thiết về trung bình, về tỷ lệ; so sánh 2 giá trị trung bình, 2 tỷ lệ; kiểm định sự phù hợp giữa số liệu mẫu với các tỷ lệ đã cho; kiểm định sự phù hợp giữa số liệu mẫu với phân phối đã cho; kiểm tra tính độc lập; so sánh nhiều tỷ lệ, nhiều trung bình; tính hệ số tương quan và tìm đường hồi quy thực nghiệm.

13. Vật lý đại cương 1: 3 đvht

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức về các đại lượng, đơn vị cơ bản của vật lý, thứ nguyên của đại lượng vật lý; các đại lượng mô tả các chuyển động đơn giản và nguyên nhân gây ra chuyển động của chất điểm, chất rắn, chất lưu; các định luật bảo toàn trong cơ học; nội dung của các nguyên lý trong nhiệt động lực học; các khái niệm cơ bản như nhiệt độ, nội năng, công, năng lượng.

Vận dụng các định luật để giải thích một số hiện tượng thường gặp về cơ, nhiệt và giải các bài tập theo nội dung trong chương trình.

14. Vật lý đại cương 2: 4 đvht

Cung cấp cho sinh viên những khái niệm và các đại lượng cơ bản đặc trưng cho điện trường, từ trường như: lực từ tác dụng lên điện tích, xác định cường độ điện trường và cảm ứng từ, năng lượng điện từ trường; các hiện tượng giao thoa nhiễu xạ, phân cực ánh sáng, tán sắc và hấp thụ ánh sáng; các định luật về phóng xạ và ảnh hưởng của phóng xạ lên sinh vật.

Vận dụng các định luật để giải thích một số hiện tượng thường gặp về điện, từ, quang; giải được các bài toán theo nội dung chương trình.

15. Thực tập Vật lý đại cương 1 đvht

Nghiệm lại một số hiện tượng, định luật vật lý trong phần Cơ học, Vật lý phân tử và nhiệt học; Điện - Từ học, Quang học.

Giúp cho sinh viên sử dụng thành thạo các thiết bị, máy móc thường dùng khi nghiên cứu các vấn đề cơ bản về vật lý đại cương.

16. Hóa học đại cương 3 đvht

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về hóa học đại cương, cấu tạo chất và hóa học vô cơ, với các nội dung cụ thể sau: cấu tạo nguyên tử và hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học, cấu tạo phân tử và liên kết hóa học, nhiệt động học, cân bằng hóa học, tốc độ phản ứng hóa học, dung dịch các chất điện ly, phản ứng ô xi hóa - khử và điện hóa học, hóa học nguyên tố nhóm s và p, hóa học các nguyên tố chuyển tiếp nhóm d.

17. Khoa học Trái đất 3 đvht

Đề cập đến các khái niệm chung về Khoa học Trái đất; Tổng quan về Trái đất như: vị trí của Trái đất trong hệ mặt trời, hình dạng bên ngoài của Trái đất, các tính chất vật lý và hóa học, cấu tạo, nguồn gốc và tuổi của Trái đất; Khái niệm về thạch quyển, thành phần vật chất của thạch quyển, tuổi của các thành tạo địa chất và các quá trình địa chất nội sinh; Khái niệm về thủy quyển, các biển và các đại dương, hoạt động địa chất của thủy quyển và nguồn gốc của thủy quyển; Khí quyển, cấu trúc của khí quyển, các hoạt động địa chất của khí quyển, nguồn gốc của khí quyển; Sinh quyển, các khái niệm về sinh quyển, tác dụng địa chất của sinh quyển và tài nguyên sinh vật; Địa hình bề mặt Trái đất và thổ nhưỡng, địa hình trên đại lục, địa hình đáy biển và đại dương; Khái niệm về thổ nhưỡng, quá trình hình thành đất và quy luật phân bố.

18. Hóa học phân tích 3 đvht

Cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về các loại phản ứng được ứng dụng trong hóa phân tích, cơ sở lý thuyết chung và các phương pháp định lượng hóa học.

Nội dung chính của học phần gồm: dung dịch chất điện li và cân bằng hóa học, phản ứng axit-bazơ, phản ứng tạo phức, phản ứng kết tủa, phản ứng oxy hóa khử, phương pháp phân tích khối lượng và phương pháp phân tích thể tích, phương pháp chuẩn độ axit-bazơ, phương pháp chuẩn độ phức chất, phương pháp chuẩn độ kết tủa, phương pháp chuẩn độ oxy hóa khử, sai số trong phân tích và cách đánh giá.

Một số khái niệm cơ bản ban đầu về phương pháp phân tích công cụ: phương pháp phân tích quang học, điện hoá, phương pháp phân tích sắc ký, sắc ký khí, sắc ký lỏng độ phân giải cao, sắc ký điện di mao quản, phương pháp tách chiết lỏng, chất pha rắn.

19. Thực tập Hóa học phân tích 1đvht

Rèn luyện kĩ năng thực hành, thực nghiệm, củng cố kiến thức đã được học. Biết cách tiến hành phân tích các mẫu thực tế.

Nội dung của học phần bao gồm:

Phương pháp chuẩn bị dung dịch có nồng độ xác định; Phương pháp chuẩn độ axit-bazơ, chuẩn độ đơn axit- đơn bazơ, chuẩn độ đơn bazơ, đa ba zơ;

Phương pháp chuẩn độ Complexon xác định các ion kim loại trong dung dịch; Phương pháp đo bạc xác định các ion halogenua; Phương pháp chuẩn độ oxy hóa khử: phương pháp permanganat, phương pháp đicromat, phương pháp iot-thiosunfat, phương pháp bromat.

20. Hóa học hữu cơ 2 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về hóa học hữu cơ, về những cơ chế của các phản ứng chủ yếu giữa các chất hữu cơ, cấu tạo, cấu hình và cấu dạng của hợp chất hữu cơ. Nắm được các hiệu ứng chủ yếu để giải thích một số quy luật phản ứng. Giới thiệu về danh pháp hợp chất hữu cơ, phương pháp điều chế, tính chất và ứng dụng của các hợp chất hữu cơ.

21. Tế bào học 3 đvht

Cung cấp những kiến thức cơ bản và hiện đại về: cấu trúc và chức năng của tế bào; màng sinh chất (Plasma membrane); tế bào chất và mạng lưới nội sinh chất; ty thể (Mitochondria); lạp thể (Plastide); các bào quan khác; nhân tế bào (Nucleus); sự sinh trưởng và sinh sản của tế bào; phân bào nguyên nhiễm; phân bào giảm nhiễm.

Phân bố thời lượng: 2 đvht lý thuyết, 1 đvht thực hành.

22. Sinh học phân tử 3 đvht

Cung cấp những kiến thức cơ bản ở mức độ phân tử về các phản ứng sinh học đặc trưng cho sự sống, về các quá trình điều khiển, kiểm soát chúng trong tế bào, trong quá trình phát triển, phân chia tế bào và hình thành cơ thể ở sinh vật prokaryot và eukaryot. Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản và cần thiết cho Công nghệ Gen (Công nghệ ADN), những phương pháp và kỹ thuật hiện đại để nghiên cứu và giải quyết những vấn đề thực tiễn của sinh học.

Giới thiệu về cấu trúc genome, hoạt động của gen trong tế bào, tổng hợp và sửa chữa ADN, ADN tái tổ hợp, kỹ thuật tách dòng và tái tổ hợp ADN và vận chuyển protein trong tế bào.

23. Tiến hóa và đa dạng sinh học 6 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về các học thuyết tiến hóa nguồn gốc sự sống; sự tiến hóa xét ở mức độ gen-enzym, mức độ phân tử và mức độ nhiễm sắc thể; các nhân tố tiến hóa; sự phát sinh chủng loại và cơ chế hình thành loài trong quá trình tiến hóa của sinh vật trên trái đất.

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về đa dạng sinh học; tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với môi trường và cuộc sống của con người; các nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa của sự mất mát đa dạng sinh học; các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học.

Phần thực tập cung cấp cho sinh viên những kiến thức về phương pháp nghiên cứu sinh học trên thực địa: phương pháp sưu tầm và làm tiêu bản sinh vật, phương pháp quan sát, ghi chép, thu thập các thông tin về phân bố, công dụng, sinh thái... của các loài sinh vật; Rèn luyện kĩ năng thực hành; Nâng cao hiểu biết thực tế về đa dạng sinh học và nhận biết các loài sinh vật thường gặp.

Phân bố thời lượng: 4 đvht lý thuyết, 2 đvht thực hành.

24. Nhập môn công nghệ sinh học 2 đvht

Giúp sinh viên hiểu được Công nghệ Sinh học là gì? Hiểu được bản chất của sự sống và chuyển hóa của hệ thống sống tuân theo những nguyên lý và quy luật tự nhiên nhất định: hệ thống sống là hệ thống hở có trao đổi với môi trường xung quanh bằng các phản ứng tự điều hoà, phản ứng tự vệ nhằm thích ứng và thích nghi, để tồn tại, duy trì và phát triển bình thường.

Từ những điều được học, sinh viên có thể vận dụng các ưu thế của vật thể sống để sản xuất các hệ thống sống hàng loạt có năng suất và phẩm chất tiến bộ hơn, mang tính chất công nghiệp, phù hợp theo các nguyên lý của Công nghệ Sinh học.

25. Vi sinh vật học 4 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ sở về vị trí, vai trò của vi sinh vật trong tự nhiên và trong đời sống con người, để có thể dùng vi sinh vật như một công cụ phục vụ con người trong các lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học, y - dược học, sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường.

Nội dung bao gồm một số vấn đề chủ yếu sau đây: vị trí của vi sinh vật trong phân loại sinh giới, cấu trúc tế bào prokaryota và eukaryota, cấu trúc và sự nhân lên của virut, sinh trưởng và dinh dưỡng của vi sinh vật, các cơ chế cơ bản của trao đổi chất và năng lượng, các quá trình lên men có ý nghĩa công nghệ sinh học, sự phân hủy các chất tự nhiên và phi tự nhiên nhờ vi sinh vật, quan hệ của vi sinh vật với thực vật và động vật.

Phân bố thời lượng: 3 đvht lý thuyết, 1 đvht thực hành.

26. Hóa sinh học 4 đvht

Cung cấp các kiến thức cơ bản về thành phần hóa học của hệ thống sống và nguyên lý các quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể sống: protein và hoạt tính xúc tác; các chất cung cấp năng lượng cho cơ thể và quá trình chuyển hóa chúng trong cơ thể; axit nucleic và quá trình truyền thông tin di truyền trong hệ thống sống; hoocmon, cơ chế phân tử điều hòa các quá trình trao đổi chất.

Phần thực hành giới thiệu các kĩ năng thao tác cơ bản trong nghiên cứu hóa sinh; các phản ứng thường dùng để phát hiện, nhận biết một số thành phần hóa học cơ bản của hệ thống sống; một số phương pháp định lượng thông thường các chất này.

Phân bố thời lượng: 3 đvht lý thuyết, 1 đvht thực hành.

27. Di truyền học 4 đvht

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về di truyền học để có khái niệm về cơ sở vật chất của di truyền, các quy luật di truyền cơ bản như định luật Mendel, quy luật di truyền trên các đối tượng khác nhau như thực khuẩn thể, vi khuẩn, vi nấm. Di truyền nhiễm sắc thể và ngoài nhiễm sắc thể. Di truyền học loài người. Phần cuối của học phần nêu lên một số ứng dụng của di truyền học vào thực tiễn chọn giống, tạo giống vật nuôi, cây trồng.

Phân bố thời lượng: 3 đvht lý thuyết, 1 đvht thực hành.

28. Sinh học chức năng thực vật 3 đvht

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về các quá trình sống trong cơ thể thực vật. Quá trình trao đổi nước, dinh dưỡng khóang và nitơ, quang hợp, hô hấp, quá trình sinh trưởng và phát triển. Qua đó sinh viên có thể hiểu được thực vật đã nhận nguồn vật chất và năng lượng từ môi trường ngoài vào cơ thể như thế nào, đã chuyển hóa chúng ra sao, để tồn tại, phát triển và phản ứng với môi trường bất lợi xung quanh như thế nào. Đồng thời còn cung cấp những kiến thức và phương pháp về các ứng dụng thực tiễn của sinh lý học thực vật.

Phân bố thời lượng: 2 đvht lý thuyết, 1 đvht thực hành.

29. Sinh học chức năng động vật 3 đvht

Giúp sinh viên nắm được kiến thức đại cương về chức năng của các cơ quan trong cơ thể, nhằm tìm hiểu và giải thích những cơ chế điều hòa và tự điều hòa của các quá trình sống để duy trì sự cân bằng, thích nghi, tồn tại và phát triển của các hệ thống sống.

Phần thực hành giúp sinh viên chứng minh những tính chất, quy luật của các chức năng bằng thực nghiệm in vitro, in situ, in vivo. Qua đó sẽ hiểu sâu, nắm vững những vấn đề đã được học ở phần lý thuyết. Mặt khác giúp sinh viên rèn luyện tác phong làm việc khoa học trong phòng thí nghiệm, đồng thời tập viết các bản tường trình báo cáo kết quả khoa học sau khi đã tiến hành thực nghiệm.

Phân bố thời lượng: 2 đvht lý thuyết, 1 đvht thực hành.

30. Kỹ thuật di truyền 4 đvht

Nhằm trang bị cho sinh viên các cơ sở và nguyên lý của kỹ thuật di truyền hay của công nghệ ADN tái tổ hợp bao gồm: phần kiến thức chung về các đại phân tử sinh học, đặc biệt là ADN, về các enzym được sử dụng như những công cụ cho thao tác gen, các hệ thống vectơ nhân dòng và biểu hiện gen, các quá trình cơ bản để xây dựng thư viện gen, thư viện ADN bổ sung, các bước nhân dòng gen, thiết kế hệ thống vectơ biểu hiện, cải tiến định hướng gen quan tâm và chuyển gen vào cơ thể vật chủ (từ các cơ thể tiền nhân cho đến các cơ thể nhân chuẩn trong đó có cả con người). Học phần cũng sẽ đề cập đến các ứng dụng các kỹ thuật ADN tái tổ hợp trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xử lý môi trường và y học để phục vụ lợi ích của con người.

Phần thực hành sẽ trang bị cho sinh viên một số kỹ thuật và kĩ năng thực hành cơ bản nhất của kỹ thuật di truyền bao gồm kỹ thuật tách, tinh sạch và định lượng ADN, kỹ thuật điện di và nhuộm băng ADN, kỹ thuật biến nạp gen và phương pháp sàng lọc thể biến nạp, kỹ thuật nhân bản ADN bằng phản ứng chuỗi polymerase (PCR).

Phân bố thời lượng: 3 đvht lý thuyết, 1 đvht thực hành.

31. Quá trình và thiết bị công nghệ 4 đvht

Trang bị cho sinh viên các kiến thức về quá trình công nghệ và các nguyên lý, thiết bị cơ bản trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Tạo cho sinh viên khả năng nghiên cứu thiết kế công nghệ phân tích, đánh giá, một quy trình sản xuất công nghệ sinh học tối ưu. Đảm bảo được tính công nghệ, tính kinh tế và bảo vệ môi trường.

Giúp nhanh chóng triển khai các kết quả thử nghiệm nghiên cứu vào sản xuất công nghiệp, cũng như định hướng được các nội dung nghiên cứu ngay từ lúc đầu.

Phân bố thời lượng: 3 đvht lý thuyết, 1 đvht thực hành.

32. Ứng dụng tin học sinh học 3 đvht

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức về phương pháp giải bài toán sinh học, xử lý thống kê số liệu và quản lý, khai thác một cơ sở dữ liệu nghiên cứu sinh học bằng phần mềm Excel. Nội dung bao gồm: giới thiệu về Microsoft Excel, với những khái niệm cơ bản, những thủ thuật và thao tác với bảng tính Excel; ứng dụng bảng tính và hàm để giải các bài toán sinh học; chế độ đồ thị và biểu đồ; chế độ in của Excel; các phương pháp xử lý thống kê số liệu nghiên cứu sinh học; phân tích thống kê nhiều biến số trong nghiên cứu sinh học hay phân tích tương quan hồi quy; quản lý và khai thác một cơ sở dữ liệu trong nghiên cứu sinh học.

Phân bố thời lượng: 2 đvht lý thuyết, 1 đvht thực hành.

4. Hướng dẫn sử dụng chương trình khung để thiết kế các chương trình đào tạo cụ thể

Chương trình khung giáo dục đại học là cơ sở giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chất lượng của quá trình đào tạo đại học, do đó được quy định bắt buộc cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học.

4.1. Chương trình khung trình độ đại học ngành Công nghệ sinh học được thiết kế theo hướng thuận lợi cho việc phát triển các chương trình cấu trúc kiểu đơn ngành (Single Major). Danh mục các học phần (môn học) và khối lượng của chúng được đưa ra tại mục 3 chỉ là những quy định bắt buộc tối thiểu. Căn cứ vào mục tiêu, thời gian đào tạo, khối lượng và cơ cấu kiến thức quy định tại các mục 1 và 2, các trường bổ sung những học phần cần thiết để xây dựng thành chương trình đào tạo cụ thể của trường mình với tổng khối lượng kiến thức không dưới 200 đvht (không kể các nội dung về Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng)

4.2. Phần kiến thức chuyên sâu (nếu có) thuộc ngành Công nghệ sinh học có thể được thiết kế theo từng lĩnh vực chuyên ngành hẹp của ngành Công nghệ sinh học hoặc theo hướng liên chuyên ngành. Sự khác biệt về nội dung đào tạo giữa các chuyên ngành nằm trong giới hạn 20% kiến thức chung của ngành.

4.3. Phần kiến thức bổ trợ (nếu có) có thể được trường thiết kế theo một trong hai hướng sau:

- Bố trí các nội dung được lựa chọn khá tự do, liên quan tới nhiều ngành đào tạo nhưng xét thấy có lợi trong việc mở rộng năng lực hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

- Bố trí các học phần có nội dung thuộc một ngành đào tạo thứ hai khác với ngành Công nghệ sinh học nhằm giúp mở rộng phạm vi hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trong trường hợp mảng kiến thức thuộc ngành thứ hai có khối lượng bằng hoặc vượt 25 đvht, chương trình mới được tạo ra sẽ cấu trúc kiểu ngành chính (Major) - ngành phụ (Minor), trong đó ngành chính là Công nghệ sinh học.

Trường hợp đặc biệt khi chương trình mới tạo ra thỏa mãn đồng thời những quy định về chương trình khung tương ứng với hai ngành đào tạo khác nhau thì người tốt nghiệp sẽ được nhận hai văn bằng đại học. Đương nhiên trong trường hợp này, khối lượng kiến thức của toàn chương trình và thời gian đào tạo theo thiết kế sẽ lớn hơn nhiều so với hai kiểu cấu trúc chương trình trên.

4.4. Chương trình được biên soạn theo hướng tinh giản số giờ lý thuyết, dành nhiều thời gian cho sinh viên tự nghiên cứu, đọc tài liệu, thảo luận, làm các bài tập. Khối lượng kiến thức của chương trình đã được xác nhận phù hợp với khuôn khổ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cho một chương trình giáo dục đại học 4 năm. Chương trình cũng được biên soạn theo hướng đổi mới các phương pháp dạy và học đại học.

4.5. Hiệu trưởng các trường đại học ký quyết định ban hành các chương trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học để triển khai thực hiện trong phạm vi trường mình

 

CHƯƠNG TRÌNH KHUNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Trình độ đào tạo: Đại học

Ngành đào tạo: Khoa học môi trường (Environmental Sciences)

Mã ngành:

(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 16 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

1. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cử nhân Khoa học môi trường có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt.

Cung cấp cho sinh viên các kiến thức chung về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhân văn, ngoại ngữ, các kiến thức chuyên sâu đa dạng về khoa học môi trường và các kĩ năng quản lý, nghiên cứu và thực hiện các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường.

Trang bị các kĩ năng phân tích và đánh giá hiện trạng môi trường các vùng lãnh thổ; đo đạc và phân tích các thông số môi trường; sử dụng các công cụ tin học, hệ thông tin địa lý và viễn thám trong nghiên cứu môi trường; đánh giá tác động lên môi trường của các hoạt động kinh tế xã hội; quy hoạch môi trường, đề xuất các công cụ luật pháp, chính sách và kinh tế cho hoạt động bảo vệ môi trường;...

Các sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương, các dự án có liên quan tới quản lý, quy hoạch môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

2. Khung chương trình đào tạo

2.1. Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo theo thiết kế

200 đơn vị học trình, chưa kể phần nội dung về Giáo dục Thể chất (5 đvht) và Giáo dục Quốc phòng (165 tiết).

Thời gian đào tạo 4 năm.

2.2. Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo

đvht

2.2.1

Kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu

(chưa kể các phần nội dung Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng)

80

2.2.2

Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu

Trong đó tối thiểu:

120

 

- Kiến thức cơ sở của ngành

20

 

- Kiến thức ngành (kể cả kiến thức chuyên ngành)

45

 

- Kiến thức bổ trợ

9

 

- Khóa luận (hoặc thi tốt nghiệp)

10

* Ghi chú: Khối lượng thí nghiệm, thực tập, thực tế của toàn chương trình không dưới 15 đvht

3. Khối kiến thức bắt buộc

3.1. Danh mục các học phần bắt buộc

3.1.1. Kiến thức giáo dục đại cương

65 đvht*

1

Triết học Mác-Lênin

6

2

Kinh tế chính trị Mác-Lênin

5

3

Chủ nghĩa xã hội khoa học

4

4

Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam

4

5

Tư tưởng Hồ Chí Minh

3

6

Ngoại ngữ

10

7

Giáo dục Thể chất

5

8

Giáo dục Quốc phòng

165 tiết

9

Tin học cơ sở

4

10

Đại số tuyến tính và hình học giải tích

3

11

Giải tích 1

5

12

Giải tích 2

3

13

Xác suất – Thống kê

4

14

Vật lý đại cương 1

4

15

Vật lý đại cương 2

5

16

Thực tập vật lý đại cương

1

17

Hóa học đại cương

4

* Chưa tính các học phần 7 & 8

3.1.2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp

a. Kiến thức cơ sở ngành

20 đvht

1

Hóa học phân tích

3

2

Thực tập hóa học phân tích

1

3

Hóa học hữu cơ

2

4

Hóa học chất keo

2

5

Sinh học đại cương

3

6

Khoa học Trái đất

3

7

Đa dạng sinh học

3

8

Sinh thái học

3

b. Kiến thức ngành

21 đvht

1

Khoa học môi trường đại cương

3

2

Toán ứng dụng trong môi trường

3

3

Hóa môi trường

3

4

Công nghệ môi trường

3

5

Phân tích môi trường

4

6

Quy hoạch môi trường

3

7

Độc học môi trường

2

c. Kiến thức bổ trợ

9 đvht

1

Kinh tế môi trường

3

2

Đánh giá môi trường

3

3

Quản lý môi trường

3

3.2. Mô tả nội dung các học phần bắt buộc

1. Triết học Mác-Lênin 6 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 29/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Kinh tế chính trị Mác-Lênin 5 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 29/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Chủ nghĩa xã hội khoa học 4 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 34/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam 4 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 41/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 27/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Tư tưởng Hồ Chí Minh 3 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 35/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Ngoại ngữ (cơ bản) 10 đvht

Cung cấp những kiến thức và kĩ năng cơ bản nhất về một ngoại ngữ làm nền tảng vững chắc giúp sinh viên có thể tiếp thu thuận lợi những bài học ở cấp độ cao hơn. Yêu cầu đạt được trình độ trung cấp (Intermediate level), đối với những sinh viên đã hoàn tất chương trình ngoại ngữ 7 năm ở giáo dục phổ thông.

7. Giáo dục Thể chất 5 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 3244/GD-ĐT ngày 12/9/1995 và Quyết định số 1262/GD-ĐT ngày 12/4/1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

8. Giáo dục Quốc phòng 165 tiết

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 12/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 9/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

9. Tin học cơ sở 4 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về máy tính (thông tin và xử lý thông tin, đại cương về máy tính điện tử, ngôn ngữ của máy tính và hệ điều hành, thuật toán, ngôn ngữ lập trình và chương trình dịch, tổng quan về mạng máy tính và Internet); kĩ năng sử dụng máy tính (hệ điều hành MS DOS, hệ điều hành Windows), ngôn ngữ lập trình Pascal.

10. Đại số tuyến tính và hình học giải tích 3 đvht

Trang bị cho sinh viên những khái niệm cơ bản về đại số tuyến tính và hình học giải tích. Nội dung của học phần bao gồm:

Hình học vector (các phép tính toán và tính chất vector, Vector n chiều và không gian R''). Ma trận và các phép tính ma trận; Ma trận vuông cấp hai ba và các quy tắc tính toán; Ma trận vuông cấp n và các quy tắc tính toán; Ma trận nghịch đảo và cách tính toán; Hệ phương trình đại số tuyến tính; Dạng toàn phương trong không gian R3 và phương pháp đưa về dạng chính tắc; Phương trình tổng quát của các mặt và đường bậc hai.

11. Giải tích 1: 5 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản cần thiết để tính vi phân và tích phân của hàm số với nội dung chính bao gồm:

Phép tính vi phân của hàm số: hàm số một biến số, hàm liên tục, đạo hàm và vi phân của hàm một biến số, đạo hàm của hàm hợp và hàm ngược, ứng dụng vi phân để tính gần đúng, đạo hàm và vi phân cao cấp, hàm nhiều biến, đạo hàm riêng cấp một và cấp cao của hàm nhiều biến, cực trị của hàm hai biến, phương trình tiếp tuyến và phương trình mặt phẳng tiếp xúc.

Phép tính tích phân của hàm số: nguyên hàm và tích phân xác định, tính tích phân xác định, tích phân suy rộng với cận vô hạn, tính tích phân hai lớp và ba lớp, tích phân mặt và cách tính, các công thức: Green, Stokes, Gauss, Ostrogradski.

12. Giải tích 2: 3 đvht

Trang bị những kiến thức về chuỗi số, chuỗi lũy thừa và chuỗi Fourier: sự hội tụ và phân kỳ của một chuỗi số, chuỗi dương, chuỗi đan dấu, chuỗi lũy thừa, chuỗi Fourier.

Phương trình vi phân thường: phương trình vi phân cấp một, phương trình vi phân tuyến tính cấp hai, hệ phương trình vi phân tuyến tính cấp một với hệ số hằng số.

Phương trình đạo hàm riêng: phương trình đạo hàm riêng tuyến tính cấp một, cấp hai; phương pháp giải phương trình truyền sóng.

13. Xác suất - Thống kê  4 đvht

Học phần bao gồm các nội dung: Biến cố và xác suất của biến cố. Đại lượng ngẫu nhiên rời rạc. Vectơ ngẫu nhiên liên tục. Biến ngẫu nhiên tổng quát. Sự hội tụ của các biến ngẫu nhiên. Luật số lớn và các định lý giới hạn. Tổng các biến ngẫu nhiên độc lập.

14. Vật lý đại cương 1: 4 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về cơ học như: chuyển động của chất điểm; mối liên hệ giữa lực và chuyển động; công và năng lượng; chuyển động quay của vật rắn; chuyển động của chất khí; chuyển động dao động và những kiến thức cơ sở về thuyết tương đối hẹp.

Cung cấp cho sinh viên những khái niệm cơ bản của nhiệt động lực học; thuyết động học phân tử khí; trạng thái rắn của vật chất và sự chuyển pha.

Nắm vững các kiến thức trên, sinh viên có thể hiểu được các quy luật chuyển động của các vật thường gặp trong kỹ thuật và trong cuộc sống hàng ngày, có thể hiểu được sự vận động của các nguyên tử, phân tử cấu tạo nên các vật và tính chất nhiệt của chúng.

15. Vật lý đại cương 2: 5 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về điện trường, từ trường; tương tác điện, tương tác từ; các hiện tượng cảm ứng điện từ; chuyển động của các hạt tích điện trong điện trường và trong từ trường; chuyển động dao động và sóng điện từ; các hiện tượng đặc trưng của quá trình sóng như giao thoa, nhiễu xạ ánh sáng; các hiện tượng hấp thụ, tán sắc và phân cực ánh sáng; một số khái niệm cơ sở về cấu trúc nguyên tử và hạt nhân.

Nắm vững các kiến thức trên sinh viên có thể hiểu được các quy luật của các hiện tượng điện, từ, quang; bước đầu hiểu được mối quan hệ giữa chuyển động của các hạt thành phần cấu tạo nên vật và các tính chất vĩ mô của chúng.

16. Thực tập vật lý đại cương 1 đvht

Học phần bao gồm các bài tập thực hành về một số hiện tượng, định luật trong các phần cơ học, vật lý phân tử và nhiệt, điện từ học, quang học. Sinh viên chọn 10/14 bài thực hành sau: đo độ dài, chuyển động của con lắc toán học, nghiên cứu một số định luật cơ bản của chuyển động trên máy Awood, xác định gia tốc trọng trường bằng con lắc thuận nghịch, xác định hệ số nhiệt của chất lỏng bằng phương pháp Stock, đo suất điện động và điện trở, xác định đương lượng nhiệt, xác định vận tốc truyền âm trong không khí, nghiên cứu chuyển động quay bằng con lắc chữ thập, xác định điện tích riêng của electron bằng phương pháp manheton, xác định nhiệt độ Curie sắt từ, quang hình học, nghiên cứu dao động ký điện tử, nghiên cứu hiện tượng nhiễu xạ qua khe hẹp hoặc cách tử.

17. Hóa học đại cương 4 đvht

Học phần cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về hóa học đại cương, cấu tạo chất và hóa học vô cơ với các nội dung cụ thể sau: cấu tạo nguyên tử và hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học, cấu tạo phân tử và liên kết hóa học, nhiệt động học, cân bằng hóa học, tốc độ phản ứng hóa học, dung dịch các chất điện ly, phản ứng ô xi hóa - khử và điện hóa học, hóa học nguyên tố nhóm s và p, hóa học các nguyên tố chuyển tiếp nhóm d.

18. Hóa học phân tích 3 đvht

Cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về các loại phản ứng được ứng dụng trong hóa phân tích, cơ sở lý thuyết chung và các phương pháp định lượng hóa học.

Nội dung chính của học phần gồm: dung dịch chất điện li và cân bằng hóa học, phản ứng axit-bazơ, phản ứng tạo phức, phản ứng kết tủa, phản ứng oxy hóa khử, phương pháp phân tích khối lượng và phương pháp phân tích thể tích, phương pháp chuẩn độ axit-bazơ, phương pháp chuẩn độ phức chất, phương pháp chuẩn độ kết tủa, phương pháp chuẩn độ oxy hóa khử, sai số trong phân tích và cách đánh giá.

Một số khái niệm cơ bản ban đầu về phương pháp phân tích công cụ: phương pháp phân tích quang học, điện hóa, phương pháp phân tích sắc ký, sắc ký khí, sắc ký lỏng độ phân giải cao, sắc ký điện di mao quản, phương pháp tách chiết lỏng, chất pha rắn.

19. Thực tập hóa học phân tích 1 đvht

Rèn luyện kĩ năng thực hành, thực nghiệm, củng cố kiến thức đã được học. Biết cách tiến hành phân tích các mẫu thực tế.

Nội dung của học phần bao gồm:

Phương pháp chuẩn bị dung dịch có nồng độ xác định, phương pháp chuẩn độ axit-bazơ, chuẩn độ đơn axit- đơn bazơ, chuẩn độ đơn bazơ, đa ba zơ;

Phương pháp chuẩn độ Complexon xác định các ion kim loại trong dung dịch; Phương pháp đo bạc xác định các ion halogenua; Phương pháp chuẩn độ oxy hóa khử: phương pháp permanganat, phương pháp đicromat, phương pháp iot- thiosunfat, phương pháp bromat.

20. Hóa học hữu cơ 2 đvht

Trang bị cho sinh viên một số kiến thức cơ sở về hóa hữu cơ liên quan đến các lĩnh vực dầu khí, môi trường và thổ nhưỡng.

Nội dung chủ yếu của học phần gồm: những kiến thức đại cương về hóa hữu cơ (hóa học hữu cơ và chất hữu cơ, cấu trúc phân tử hợp chất hữu cơ, bản chất liên kết hóa học, đồng phân không gian, các hiệu ứng và phản ứng hữu cơ,...); hidrocacbon (hidrocacbon no, hidrocacbon không no); dẫn xuất của hidrocacbon (dẫn xuất halogen, hợp chất cơ magiê, Ancohol- Phenol, Anđehit - Xeton, Axít cacboxylic và dẫn xuất, Lipit, Amin).

21. Hóa học chất keo 2 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về hóa lý các hệ phân tán cao. Nội dung chủ yếu của học phần gồm: khái quát về đối tượng nghiên cứu của hóa keo, dung dịch keo và phân loại, điều chế dung dịch keo, các hiện tượng bề mặt, tính chất của các hệ keo, các hệ keo trong môi trường tự nhiên.

22. Sinh học đại cương 3 đvht

Cung cấp những kiến thức cơ bản cần thiết về sinh học để giúp sinh viên học tập các học phần về thiên nhiên. Nội dung chủ yếu của học phần gồm: các kiến thức về tế bào và cơ sở di truyền học, sinh học thực vật, sinh học động vật, nguồn gốc sự sống và các giới sinh vật, quan hệ sinh vật với môi trường.

23. Khoa học Trái đất 3 đvht

Học phần đề cập đến: Các khái niệm chung về Khoa học Trái đất; Tổng quan về Trái đất như: vị trí của Trái đất trong Hệ mặt trời, hình dạng bên ngoài của Trái đất, các tính chất vật lý và hóa học, cấu tạo nguồn gốc và tuổi của Trái Đất; Khái niệm về Thạch quyển, thành phần vật chất của Thạch quyển, tuổi của các thành tạo địa chất và các quá trình địa chất nội sinh; Khái niệm về Thuỷ quyển, các biển và các đại dương, hoạt động địa chất của Thuỷ quyển và nguồn gốc của Thuỷ quyển; Khí quyển, cấu trúc của Khí quyển, các hoạt động địa chất của Khí quyển, nguồn gốc của Khí quyển; Sinh quyển, các khái niệm về Sinh quyển, tác dụng địa chất của Sinh quyển và tài nguyên sinh vật; Địa hình bề mặt Trái đất và thổ nhưỡng, địa hình trên đại lục, địa hình đáy biển và đại dương; Khái niệm về thổ nhưỡng, quá trình hình thành đất và quy luật phân bố.

24. Đa dạng sinh học 3 đvht

Học phần trình bày một trong những đặc trưng cấu thành và duy trì chất lượng môi trường sống của Trái đất: đa dạng sinh học; cung cấp cho sinh viên kiến thức để hiểu biết về sự đa dạng và phức tạp của môi trường sống trên Trái đất, sự cần thiết duy trì đa dạng sinh học và các hành động của con người nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học của Trái đất. Nội dung chủ yếu của học phần bao gồm:

- Khái quát về đa dạng sinh học, gien và đa dạng gien, đa dạng loài..

- Hệ sinh thái và đa dạng hệ sinh thái.

- Giá trị đa dạng sinh học.

- Bảo tồn đa dạng sinh học.

- Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.

25. Sinh thái học 3 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên các kiến thức về quy luật sinh thái, mối quan hệ sinh vật và môi trường. Nội dung của học phần bao gồm: hệ sinh thái, các chu trình dinh dưỡng, năng suất sinh học của hệ sinh thái, diễn thế sinh thái, các nhân tố môi trường, sinh thái quần thể, tiến hóa sinh học, chiến lược cuộc sống của các loài, di cư và phân bố các loài sinh vật, các hệ sinh thái tự nhiên trên Trái đất, nhân tố sinh thái con người, các hệ sinh thái chọn lọc ở Việt Nam, hướng dẫn thực tập thực địa môn học.

26. Khoa học môi trường đại cương 3 đvht

Học phần mang ý nghĩa nhập môn của ngành, trình bày các khái niệm về môi trường, khoa học môi trường cũng như những kiến thức cơ sở của ngành khoa học môi trường như:

Các khái niệm cơ bản về môi trường và khoa học môi trường: khái niệm môi trường và thành phần môi trường, khoa học môi trường, các chức năng chủ yếu của môi trường, các vấn đề môi trường toàn cầu,...

Các thành phần cơ bản môi trường: Thạch quyển, Khí quyển, Thuỷ quyển, Sinh quyển và mối quan hệ giữa các quyển trên trong việc duy trì môi trường Trái đất.

Các dạng tài nguyên thiên nhiên: nước, đất, rừng, khóang sản, năng lượng, tài nguyên biển, khí hậu cảnh quan.

Các vấn đề nền tảng về môi trường và phát triển: dân số, năng lượng, lương thực-thực phẩm, phát triển bền vững.

27. Toán ứng dụng trong môi trường 3 đvht

Học phần trình bày những kiến thức về toán học và vật lý được ứng dụng trong nghiên cứu môi trường với các nội dung chính gồm:

Lý thuyết trường vectơ;

Các phương pháp vật lý- toán mô tả chuyển động tầng và rối trong môi trường làm cơ sở cho việc đánh giá, dự báo sự lan truyền và khuyếch tán các chất ô nhiễm;

Ứng dụng cơ sở lý thuyết hàm ngẫu nhiên trong đánh giá tính khả biến, nội ngoại suy không gian và thời gian, phân tích xử lý số liệu của các yếu tố môi trường.

28. Hóa môi trường 3 đvht

Học phần trình bày các đặc trưng hóa học của môi trường, sự phát sinh và hành vi của các chất ô nhiễm trong môi trường Trái đất, cũng như tác động của chất ô nhiễm và biện pháp xử lý. Nội dung cụ thể của học phần gồm: những khái niệm cơ bản về hóa môi trường, cấu trúc phân lớp môi trường và đặc tính của nó, các nguồn phát thải chất ô nhiễm và phân loại chất ô nhiễm, chất phóng xạ trong môi trường và ảnh hưởng của nó, độc chất học môi trường, một số phương pháp phân tích sử dụng trong nghiên cứu môi trường.

29. Kinh tế môi trường 3 đvht

Học phần trình bày các nguyên lý và phương pháp kinh tế thị trường áp dụng trong phân tích và đánh giá các giá trị tài nguyên thiên nhiên, dự án phát triển và các vấn đề môi trường. Nội dung chủ yếu của học phần gồm: đối tượng và nội dung nghiên cứu của kinh tế môi trường, các nguyên lý phát triển bền vững kinh tế xã hội, kinh tế ô nhiễm môi trường, kinh tế tài nguyên thiên nhiên, định giá hàng hóa và dịch vụ phi thị trường, phân tích chi phí lợi ích, kinh tế môi trường trong thực tiễn.

30. Công nghệ môi trường 3 đvht

Học phần trình bày các nguyên tắc và biện pháp công nghệ hóa học, vật lý, sinh học và các biện pháp khác để xử lý và giảm thiểu chất ô nhiễm rắn, lỏng, khí phát sinh trong hoạt động kinh tế và xã hội của con người. Nội dung chủ yếu của học phần gồm: công nghệ xử lý nước cấp và nước thải, công nghệ xử lý bụi và khí thải, công nghệ xử lý rác thải, sản xuất sạch hơn và hướng dẫn thực hiện các bài thực hành trên hiện trường.

31. Phân tích môi trường 4 đvht

Học phần trình bày các kỹ thuật và phương pháp đo đạc, phân tích định lượng chất lượng các thành phần môi trường, nồng độ chất ô nhiễm đang được áp dụng trong nghiên cứu môi trường ở các nước trên Thế giới. Nội dung chủ yếu của học phần gồm: khái quát về các nội dung phân tích môi trường, độ chính xác và độ tin cậy của phép phân tích, các phương pháp phân tích trắc quang, phương pháp điện hóa, các phương pháp phân tích sắc khí, phương pháp khối phổ, phân tích nước, phân tích khí, phân tích đất và trầm tích.

32. Đánh giá môi trường 3 đvht

Học phần trình bày các nguyên tắc, thủ tục, phương pháp đánh giá hiện trạng môi trường khu vực, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, đánh giá chiến lược môi trường đối với các kế hoạch và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Nội dung chủ yếu của học phần gồm: các vấn đề chung về đánh giá môi trường, các quan điểm và nguyên tắc tiến hành đánh giá môi trường, khuôn khổ thể chế và chính sách trong đánh giá môi trường, quá trình thực hiện đánh giá môi trường, các sử dụng trong đánh giá môi trường, một số hướng dẫn đánh giá môi trường mẫu.

33. Quản lý môi trường 3 đvht

Học phần trình bày các nguyên tắc, phương pháp và công cụ luật pháp, chính sách, kinh tế, xã hội, kỹ thuật, công nghệ quản lý chất lượng các thành phần cơ bản của môi trường, quản lý môi trường trong các ngành kinh tế và các hệ sinh thái, nhằm mục đích phát triển bền vững quốc gia và địa phương. Nội dung cụ thể của học phần gồm: khái niệm chung về quản lý môi trường, quản lý hành chính nhà nước về môi trường, các công cụ nghiên cứu và dự báo trong môi trường, các công cụ kinh tế môi trường, các công cụ luật pháp trong quản lý môi trường, các công cụ truyền thông và giáo dục môi trường, quản lý các thành phần môi trường, quản lý môi trường trong các ngành kinh tế, quản lý môi trường đối với các hệ sinh thái.

34. Quy hoạch môi trường 3 đvht

Học phần trình bày các khái niệm quy hoạch và quy hoạch môi trường, trình tự và các bước cơ bản trong quy hoạch môi trường; các phương pháp và công cụ thực hiện quy hoạch môi trường; các nội dung cơ bản trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch quản lý chất lượng môi trường, quy hoạch môi trường khu vực đô thị và các khu công nghiệp.

35. Độc học môi trường 2 đvht

Học phần trình bày các khái niệm về độc chất đối với môi trường và con người, các phương thức và cơ chế lan truyền độc chất trong các thành phần môi trường, sự thâm nhập độc chất vào cơ thể sinh vật và con người, ảnh hưởng và tác động của độc chất môi trường tới sức khỏe con người.

4. Hướng dẫn sử dụng chương trình khung để thiết kế các chương trình đào tạo cụ thể

Chương trình khung giáo dục đại học là cơ sở giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chất lượng của quá trình đào tạo đại học, do đó được quy định bắt buộc cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học.

4.1. Chương trình khung trình độ đại học ngành Khoa học môi trường được thiết kế theo hướng thuận lợi cho việc phát triển các chương trình cấu trúc kiểu đơn ngành (Single Major). Danh mục các học phần (môn học) và khối lượng của chúng được đưa ra tại mục 3 chỉ là những quy định bắt buộc tối thiểu. Căn cứ vào mục tiêu, thời gian đào tạo, khối lượng và cơ cấu kiến thức quy định tại các mục 1 và 2, các trường bổ sung những học phần cần thiết để xây dựng thành chương trình đào tạo cụ thể của trường mình với tổng khối lượng kiến thức không dưới 200 đvht (không kể các nội dung về Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng).

4.2. Phần kiến thức chuyên sâu (nếu có) thuộc ngành Khoa học môi trường có thể được thiết kế theo từng lĩnh vực chuyên ngành hẹp của ngành Khoa học môi trường như: Hóa học môi trường, Sinh học môi trường, Vật lý môi trường, Địa môi trường, Quản lý tài nguyên môi trường..., hoặc theo hướng liên chuyên ngành. Sự khác biệt về nội dung đào tạo giữa các chuyên ngành nằm trong giới hạn 20% kiến thức chung của ngành.

4.3. Phần kiến thức bổ trợ có thể được trường thiết kế nội dung bổ sung (nếu thấy cần thiết) theo một trong hai hướng sau:

- Bố trí các nội dung được lựa chọn khá tự do, liên quan tới nhiều ngành đào tạo nhưng xét thấy có lợi trong việc mở rộng năng lực hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

- Bố trí các học phần có nội dung thuộc một ngành đào tạo thứ hai khác với ngành Khoa học môi trường nhằm giúp mở rộng phạm vi hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trong trường hợp mảng kiến thức thuộc ngành thứ hai có khối lượng bằng hoặc vượt 25 đvht, chương trình mới được tạo ra sẽ có cấu trúc kiểu ngành chính (Major) – ngành phụ (Minor), trong đó ngành chính là Khoa học môi trường.

Trường hợp đặc biệt khi chương trình mới tạo ra thoả mãn đồng thời những quy định về chương trình khung tương ứng với hai ngành đào tạo khác nhau thì người tốt nghiệp sẽ được nhận hai văn bằng đại học. Đương nhiên trong trường hợp này, khối lượng kiến thức của toàn chương trình và thời gian đào tạo theo thiết kế sẽ lớn hơn nhiều so với hai kiểu cấu trúc chương trình trên.

4.4. Chương trình được biên soạn theo hướng tinh giản số giờ lý thuyết, dành nhiều thời gian cho sinh viên tự nghiên cứu, đọc tài liệu, thảo luận, làm các bài tập. Khối lượng kiến thức của chương trình đã được thiết lập phù hợp với khuôn khổ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cho một chương trình giáo dục đại học 4 năm. Chương trình cũng được biên soạn theo hướng đổi mới các phương pháp dạy và học đại học.

4.5. Hiệu trưởng các trường đại học ký quyết định ban hành các chương trình đào tạo ngành Khoa học môi trường để triển khai thực hiện trong phạm vi trường mình.

 

CHƯƠNG TRÌNH KHUNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Trình độ đào tạo: Đại học

Ngành đào tạo: Địa chất (Geology)

Mã ngành:

(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 16 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

1. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cử nhân Địa chất có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt.

Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học xã hội, nhân văn và những kiến thức cơ bản về toán, lý, hóa và sinh học để tạo cho sinh viên có một nền học vấn toàn diện ở trình độ đại học.

Trên nền kiến thức chung đó chương trình trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản và hiện đại về lý luận, kĩ năng và phương pháp nghiên cứu thuộc ngành Địa chất nhằm mục tiêu đào tạo cử nhân Địa chất có khả năng giảng dạy ở các nhà trường, có khả năng nghiên cứu, làm việc ở các trung tâm và viện nghiên cứu, các đơn vị tìm kiếm và thăm dò địa chất, cũng như các cơ quan quản lý, sản xuất kinh doanh thuộc trung ương hoặc địa phương.

2. Khung chương trình đào tạo

2.1. Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo theo thiết kế

200 đơn vị học trình (đvht), chưa kể phần nội dung về Giáo dục Thể chất (5 đvht) và Giáo dục Quốc phòng (165 tiết).

Thời gian đào tạo 4 năm.

2.2. Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo

đvht

2.2.1

Kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu

(chưa kể các phần nội dung Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng)

80

2.2.2

Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu

Trong đó tối thiểu:

120

 

- Kiến thức cơ sở của ngành

11

 

- Kiến thức ngành (kể cả kiến thức chuyên ngành)

45

 

- Kiến thức bổ trợ

 

 

- Khóa luận (hoặc thi tốt nghiệp)

10

* Ghi chú: Khối lượng thí nghiệm, thực tập, thực tế của toàn chương trình không dưới 15 đvht

3. Khối kiến thức bắt buộc

3.1. Danh mục các học phần bắt buộc

3.1.1. Kiến thức giáo dục đại cương

65 đvht*

1

Triết học Mác-Lênin

6

2

Kinh tế chính trị Mác-Lênin

5

3

Chủ nghĩa xã hội khoa học

4

4

Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam

4

5

Tư tưởng Hồ Chí Minh

3

6

Ngoại ngữ

10

7

Giáo dục Thể chất

5

8

Giáo dục Quốc phòng

165 tiết

9

Tin học cơ sở

4

10

Đại số tuyến tính và Hình học giải tích

3

11

Giải tích 1

5

12

Giải tích 2

3

13

Xác suất-Thống kê

4

14

Vật lý đại cương 1

4

15

Vật lý đại cương 2

5

16

Thực tập Vật lý đại cương

1

17

Hóa học đại cương

4

* Chưa tính các học phần 7 & 8

3.1.2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp

50 đvht

a. Kiến thức cơ sở của ngành

11 đvht

1

Hóa học phân tích

3

2

Thực tập Hóa học phân tích

1

3

Hóa học hữu cơ

2

4

Hóa học chất keo

2

5

Sinh học đại cương

3

b. Kiến thức ngành

39 đvht

1

Địa chất đại cương

5

2

Tinh thể học đại cương

2

3

Quang học tinh thể

3

4

Khoáng vật học

5

5

Cổ sinh vật học

3

6

Địa chất cấu tạo và vẽ bản đồ địa chất

5

7

Thạch học đá magma

3

8

Thạch học đá trầm tích

3

9

Thạch học đá biến chất

3

10

Địa hóa học

3

11

Khoáng sản học

4

3.2. Mô tả nội dung các học phần bắt buộc

1. Triết học Mác-Lênin 6 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 29/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Kinh tế chính trị Mác-Lênin 5 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 29/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Chủ nghĩa xã hội khoa học 4 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 34/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam 4 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 41/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 27/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Tư tưởng Hồ Chí Minh 3 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 35/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Ngoại ngữ 10 đvht

Đây là nội dung ngoại ngữ cơ bản nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về ngữ pháp, các kĩ năng giao tiếp thông dụng cùng với vốn từ vựng cần thiết cho giao tiếp. Yêu cầu đạt trình độ trung cấp đối với những sinh viên đã hoàn tất chương trình ngoại ngữ 7 năm ở giáo dục phổ thông.

7. Giáo dục Thể chất 5 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 3244/GD-ĐT ngày 12/9/1995 và Quyết định số 1262/GD-ĐT ngày 12/4/1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

8. Giáo dục Quốc phòng 165 tiết

Nội dung ban hành tại Quyết định số 12/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 9/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

9. Tin học cơ sở 4 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về máy tính (thông tin và xử lý thông tin, đại cương về máy tính điện tử, ngôn ngữ của máy tính và hệ điều hành, thuật toán, ngôn ngữ lập trình và chương trình dịch, tổng quan về mạng máy tính và Internet); kĩ năng sử dụng máy tính (hệ điều hành MS DOS, hệ điều hành Windows); ngôn ngữ lập trình Pascal.

10. Đại số tuyến tính và hình học giải tích 3 đvht

Trang bị cho sinh viên những khái niệm cơ bản về đại số tuyến tính và hình học giải tích. Nội dung bao gồm:

Hình học vector (các phép tính toán và tính chất vector, vector n chiều và không gian R’’); Ma trận và các phép tính ma trận; Ma trận vuông cấp hai, ba và các quy tắc tính toán; Ma trận vuông cấp cấp n và các quy tắc tính toán; Ma trận nghịch đảo và cách tính; Hệ phương trình đại số tuyến tính; Dạng toàn phương trong không gian R3 và phương pháp đưa về dạng chính tắc; Phương trình tổng quát của các mặt và đường bậc hai.

11. Giải tích 1: 5 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản cần thiết để tính vi phân và tích phân của hàm số. Nội dung bao gồm:

Phép tính vi phân của hàm số: hàm số một biến số, hàm liên tục, đạo hàm và vi phân của hàm một biến số, đạo hàm của hàm hợp và hàm ngược, ứng dụng vi phân để tính gần đúng, đạo hàm và vi phân cao cấp, hàm nhiều biến, đạo hàm riêng cấp một và cấp cao của hàm nhiều biến, cực trị của hàm hai biến, phương trình tiếp tuyến và phương trình mặt phẳng tiếp xúc.

Phép tính tích phân của hàm số: nguyên hàm và tích phân xác định, tính tích phân xác định, tích phân suy rộng với cận vô hạn, tính tích phân hai lớp và ba lớp, tích phân mặt và cách tính, các công thức: Green, Stokes, Gauss, Ostrogradski.

12. Giải tích 2: 3 đvht

Học phần trang bị những kiến thức về chuỗi số, chuỗi luỹ thừa và chuỗi Fourier: sự hội tụ và phân kỳ của một chuỗi số, chuỗi dương, chuỗi đan dấu, chuỗi luỹ thừa, chuỗi Fourier

Phương trình vi phân thường: phương trình vi phân cấp một, phương trình vi phân tuyến tính cấp hai, hệ phương trình vi phân tuyến tính cấp một với hệ số hằng số.

Phương trình đạo hàm riêng: phương trình đạo hàm riêng tuyến tính cấp một, cấp hai, phương pháp giải phương trình truyền sóng.

13. Xác suất – Thống kê 4 đvht

Học phần bao gồm các kiến thức: Biến cố và xác suất của biến cố. Đại lượng ngẫu nhiên rời rạc. Vectơ ngẫu nhiên liên tục. Biến ngẫu nhiên tổng quát. Sự hội tụ của các biến ngẫu nhiên. Luật số lớn và các định lý giới hạn. Tổng các biến ngẫu nhiên độc lập.

14. Vật lý đại cương 1: 4 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về cơ học như: chuyển động của chất điểm; mối liên hệ giữa lực và chuyển động; công và năng lượng; chuyển động quay của vật rắn; chuyển động của chất khí; chuyển động dao động và những kiến thức cơ sở về thuyết tương đối hẹp.

Học phần cũng cung cấp cho sinh viên những khái niệm cơ bản của nhiệt động lực học; thuyết động học phân tử khí; trạng thái rắn của vật chất và sự chuyển pha.

Nắm vững các kiến thức trên, sinh viên có thể hiểu được các quy luật chuyển động của các vật thường gặp trong kỹ thuật và trong cuộc sống hàng ngày, có thể hiểu được các vận động của các nguyên tử, phân tử cấu tạo nên các vật và tính chất nhiệt của chúng.

15. Vật lý đại cương 2: 5 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về điện trường, từ trường; tương tác điện, tương tác từ; các hiện tượng cảm ứng điện từ; chuyển động của các hạt tích điện trong điện trường và trong từ trường; chuyển động dao động và sóng điện từ; các hiện tượng đặc trưng của quá trình sóng như giao thoa, nhiễu xạ ánh sáng; các hiện tượng hấp thụ, tán sắc và phân cực ánh sáng, một số khái niệm cơ sở về cấu trúc nguyên tử và hạt nhân.

Nắm vững các kiến thức trên sinh viên có thể hiểu được các quy luật của các hiện tượng điện, từ, quang; bước đầu hiểu được mối quan hệ giữa chuyển động của các hạt thành phần cấu tạo nên vật và các tính chất vĩ mô của chúng.

16. Thực tập Vật lý đại cương 1 đvht

Học phần bao gồm các bài tập thực hành về một số hiện tượng, định luật trong các phần cơ học, vật lý phân tử và nhiệt, điện từ học, quang học. Sinh viên chọn 10/14 bài thực hành sau: đo độ dài, chuyển động của con lắc toán học, nghiên cứu một số định luật cơ bản của chuyển động trên máy Awood, xác định gia tốc trọng trường bằng con lắc thuận nghịch, xác định hệ số nhiệt của chất lỏng bằng phương pháp Stock, đo suất điện động và điện trở, xác định đương lượng nhiệt, xác định vận tốc truyền âm trong không khí, nghiên cứu chuyển động quay bằng con lắc chữ thập, xác định điện tích riêng của electron bằng phương pháp manheton, xác định nhiệt độ Curie sắt từ, quang hình học, nghiên cứu dao động ký điện tử, nghiên cứu hiện tượng nhiễu xạ qua khe hẹp hoặc cách tử.

17. Hóa học đại cương 4 đvht

Học phần trang bị những kiến thức cơ bản, tối thiểu về những quy luật cơ bản của hóa học, về cấu tạo chất và tính chất của những đơn chất, hợp chất quan trọng của các nguyên tố trong bảng hệ thống tuần hoàn Đ.I Mendeleep tạo cơ sở giúp sinh viên tiếp thu những kiến thức của các học phần hóa học phân tích và hóa học hữu cơ.

Nội dung của học phần gồm:

Phần I: Lý thuyết đại cương về hóa học nhằm chuẩn bị những kiến thức cần thiết giúp cho sinh viên khảo sát các nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học của Đ.I Mendeleep.

Phần II: Giới thiệu các đơn chất và hợp chất của các nguyên tố điển hình gồm các nguyên tố không chuyển tiếp theo thứ tự từ các nguyên tố nhóm s đến các nguyên tố nhóm p và các nguyên tố chuyển tiếp nhóm d.

18. Hóa học phân tích 3 đvht

Cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về các loại phản ứng được ứng dụng trong hóa phân tích, cơ sở lý thuyết chung và các phương pháp định lượng hóa học.

Nội dung chính của học phần gồm: dung dịch chất điện li và cân bằng hóa học, phản ứng axit-bazơ, phản ứng tạo phức, phản ứng kết tủa, phản ứng oxy hóa khử, phương pháp phân tích khối lượng và phương pháp phân tích thể tích, phương pháp chuẩn độ axit-bazơ, phương pháp chuẩn độ phức chất, phương pháp chuẩn độ kết tủa, phương pháp chuẩn độ oxy hóa khử, sai số trong phân tích và cách đánh giá.

Một số khái niệm cơ bản ban đầu về phương pháp phân tích công cụ: phương pháp phân tích quang học, điện hóa, phương pháp phân tích sắc ký, sắc ký khí, sắc ký lỏng độ phân giải cao, sắc ký điện di mao quản, phương pháp tách chiết lỏng, chất pha rắn.

19. Thực tập Hóa học phân tích 1đvht

Rèn luyện kĩ năng thực hành, thực nghiệm, củng cố kiến thức đã được học. Biết cách tiến hành phân tích các mẫu thực tế.

Nội dung của học phần bao gồm:

Phương pháp chuẩn bị dung dịch có nồng độ xác định; Phương pháo chuẩn độ axit-bazơ, chuẩn độ đơn axit- đơn bazơ, chuẩn độ đơn bazơ, đa ba zơ;

Phương pháp chuẩn độ Complexon xác định các ion kim loại trong dung dịch; Phương pháp đo bạc xác định các ion halogenua; Phương pháp chuẩn độ oxy hóa khử: phương pháp permanganat, phương pháp đicromat, phương pháp iot-thiosunfat, phương pháp bromat.

20. Hóa học hữu cơ 2 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên một số kiến thức cơ sở về hóa hữu cơ liên quan đến các lĩnh vực dầu khí, môi trường và thổ nhưỡng.

Nội dung chủ yếu của học phần gồm: những kiến thức đại cương về hóa hữu cơ (hóa học hữu cơ và chất hữu cơ, cấu trúc phân tử hợp chất hữu cơ, bản chất liên kết hóa học, đồng phân không gian, các hiệu ứng và phản ứng hữu cơ, v.v.); hidrocacbon (hidrocacbon no, hidrocacbon không no ); dẫn xuất của hidrocacbon (dẫn xuất halogen, hợp chất cơ magie, Ancohol- Phenol, Anđehit – Xeton, Axít cacboxylic và dẫn xuất, Lipit, Amin.).

21. Hóa học chất keo 2 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về hóa lý các hệ phân tán cao. Nội dung chủ yếu của học phần gồm: khái quát về đối tượng nghiên cứu của hóa keo, dung dịch keo và phân loại, điều chế dung dịch keo, các hiện tượng bề mặt, tính chất của các hệ keo, các hệ keo trong môi trường tự nhiên.

22. Sinh học đại cương 3 đvht

Học phần cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về sinh học để học tập các học phần về thiên nhiên. Nội dung chủ yếu của học phần gồm: các kiến thức về tế bào và cơ sở di truyền học, sinh học thực vật, sinh học động vật, nguồn gốc sự sống và các giới sinh vật, quan hệ sinh vật với môi trường.

23. Địa chất đại cương 5 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản và quan trọng về địa chất học, làm nền tảng cho việc học những học phần tiếp theo.

Học phần gồm 3 phần: 1 - Đại cương về Trái đất và vỏ Trái đất: vị trí của Trái đất trong hệ Mặt trời, hình dạng, cấu trúc, thành phần vật chất và tuổi của Trái đất; 2- Các quá trình Địa chất, bao gồm các quá trình địa chất ngoại sinh, quá trình phong hóa, tác dụng địa chất của khí quyển, sinh quyển, thuỷ quyển và các quá trình nội sinh (hoạt động macma, động đất, vận động kiến tạo); 3- Địa chất ứng dụng: những kiến thức cơ bản và khái quát về tai biến địa chất, vai trò của môi trường địa chất và về các loại bản đồ địa chất.

24. Tinh thể học đại cương 2 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ sở về tinh thể và chất kết tinh, về hình dạng, tính chất đối xứng, phép đo và định trục tinh thể. Học phần còn đề cập đến những khái niệm cơ bản về hình học cấu trúc tinh thể, xác định mạng không gian và ô mạng cơ sở, các yếu tố đối xứng trong mạng, hệ điểm quy tắc và số bội của nó, những khái niệm cơ bản của hóa học tinh thể, các yếu tố xác định cấu trúc tinh thể, phân loại cấu trúc tinh thể.

25. Quang học tinh thể 3 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về bản chất ánh sáng, nguyên lý Huyghen, lượng khúc xạ trong tinh thể, phân cực ánh sáng trong tinh thể, mặt sóng, mặt chiết suất và mặt quang suất. Giới thiệu cấu tạo kính hiển vi và nghiên cứu tinh thể bằng kính hiển vi phân cực dưới 1 nicon và dưới 2 nicon. Ngoài ra còn trang bị kiến thức nghiên cứu tinh thể bằng ánh sáng hình nón.

26. Khoáng vật học 5 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về trạng thái, mối liên kết của nguyên tử và phân tử, cấu trúc và tính không hoàn chỉnh cấu trúc trong khoáng vật; về đặc tính hóa học của khoáng vật, sự thay thế đồng hình và vai trò H2O và OH trong khoáng vật, về hình thái và tính chất vật lý của khoáng vật. Học phần còn đề cập đến quá trình địa chất tạo khoáng và các tổ hợp cộng sinh khoáng vật, nguyên tắc phân loại và mô tả khoáng vật, phương pháp nghiên cứu khoáng vật ở ngoài thực địa và trong phòng bằng các thiết bị máy móc hiện đại.

27. Cổ sinh vật học 3 đvht

Học phần gồm 3 phần: 1- Đối tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu, những vấn đề lý luận về tiến hóa sinh vật và phân loại cổ sinh vật học; 2- Sinh vật nhân nguyên thuỷ các giới vi khuẩn và sinh thể lam, thực vật bậc thấp và bậc cao, giới động vật, ngành Trùng roi, ngành Trùng thịt, ngành Trùng gai, ngành Bọt biển, ngành Chén cổ, ngành động vật Trích tế bào, ngành Giun, ngành Chân khớp, ngành Thân mềm, ngành động vật Dạng rêu, ngành Tay cuộn, ngành Da gai, ngành động vật Nửa dây sống và ngành động vật Có dây sống; 3- Lịch sử phát triển của sinh vật trong Criptozoi và trong Phanerozoi.

28. Địa chất cấu tạo và vẽ bản đồ địa chất 5 đvht

Học phần trang bị những kiến thức cơ bản cho sinh viên về Địa chất cấu tạo và vẽ bản đồ địa chất. Học phần gồm 3 phần: Phần 1 đề cập đến đối tượng, phương pháp nghiên cứu, khái niệm về lớp và cấu trúc tầng phân lớp, chỉnh hợp và bất chỉnh hợp, đặc điểm biến dạng của đá, các thế nằm của đá trầm tích, macma và biến chất, các phá huỷ kiến tạo. Phần 2 chủ yếu trang bị toàn bộ kiến thức về cách biểu diễn trên bình đồ và mặt cắt các dạng cấu tạo như thế nằm ngang, thế nằm nghiêng, uốn nếp, các phá huỷ kiến tạo. Cách tổ chức khảo sát thực địa thu thập tài liệu, tổng kết và viết báo cáo. Phần 3- Hướng dẫn thực tập trong phòng thực hiện vẽ mặt cắt địa chất qua các vùng đá có thế nằm khác nhau và thực hiện một số bài tập chuyên môn.

Học xong lý thuyết sinh viên được đi thực tập 2 tuần (2 đvht) ở một vùng quy định nhằm thực hiện khảo sát các hành trình dưới sự hướng dẫn của giảng viên, thu thập tài liệu, tổng hợp và viết báo cáo thực tập.

29. Thạch học đá magma 3 đvht

Học phần trang bị những kiến thức cơ bản cho sinh viên về môn học Thạch học magma. Nội dung của học phần gồm 2 phần: Phần 1 - những vấn đề về thạch học magma: khái niệm đá và khoáng vật, phân loại magma, quá trình kết tinh từ dung thể lỏng, bản chất hóa tinh thể của các khoáng vật tạo đá, các thể đá magma trong vỏ Trái đất, thành phần hóa học, kiến trúc và danh pháp các đá magma. Phần 2 - chủ yếu trình bày nguyên tắc mô tả đá magma và thực hành nhận dạng các loại đá magma.

30. Thạch học đá trầm tích 3 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên: Những nguyên lý cơ bản về thạch học đá trầm tích, mối quan hệ của nó với các khoa học khác, quá trình thành tạo vật liệu trầm tích, quá trình vận chuyển, phân dị và lắng đọng trầm tích, quá trình tạo thành đá và biến đổi đá trầm tích, kiến trúc và cấu tạo đá trầm tích, thành phần vật chất và nguyên tắc phân loại; Khái niệm, kiến trúc, cấu tạo, điều kiện thành tạo và vai trò của một số đá tiêu biểu như đá vụn cơ học, đá sét, nhóm đá sinh hóa: đá cacbonat, nhôm, sắt, mangan, silic, photphorit, nhóm đá muối (Evaporit) và đá sinh vật cháy; Tướng đá - cổ địa lý và tiến hóa trầm tích trong lịch sử phát triển vỏ Trái đất.

31. Thạch học đá biến chất 3 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về thạch học đá biến chất. Nội dung chủ yếu của học phần bao gồm: các thông số biến chất (nhiệt độ, áp suất, thành phần hóa học và thời gian), các cấu trúc nhiệt, các gradient P – T trong vỏ Trái đất và các dạng mô hình của quá trình biến chất. Giới thiệu quy tắc Gibbs trong hóa lý và trong các hệ biến chất, khái niệm tướng biến chất và biểu đồ P – T của các tướng biến chất, khoáng vật biến chất, kiến trúc và cấu tạo đá biến chất.

Học phần còn trang bị cho sinh viên phương pháp nghiên cứu đá biến chất dưới kính hiển vi, cách nhận dạng đá biến chất, xác định các tổ hợp khoáng vật cộng sinh và mô tả đá biến chất.

32. Địa hóa học 3 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản của Địa hóa học về khái niệm môn học, nhiệm vụ môn học, phương pháp nghiên cứu, thành phần hóa học của Mặt trời và các hành tinh trong hệ Mặt trời.

Nội dung cơ bản của học phần bao gồm: địa hóa Trái đất, thành phần hóa học của vỏ Trái đất, quy luật về độ phổ biến, địa hóa thuỷ quyển, địa hóa khí quyển và địa hóa sinh quyển.

Học phần còn trang bị cho sinh viên những kiến thức tổng hợp về điều kiện hóa lý của môi trường Trái đất (các nguyên lý nhiệt động học, quy tắc pha, các yếu tố môi trường Trái đất gây ra sự di chuyển nguyên tố), các kiến thức về địa hóa quá trình nội sinh (địa hóa quá trình phân dị magma, tiến hóa magma, đặc điểm địa hóa các mạch nhiệt dịch, môi trường tạo quặng nhiệt dịch) và địa hóa các quá trình ngoại sinh (đới ngoại sinh, trình tự biến đổi và phân huỷ các đá, khoáng vật, tính phân đới của vỏ phong hóa, địa hóa các quá trình trầm tích, hành vi các nguyên tố trong quá trình trầm tích) nhằm góp phần lý giải các vấn đề phức tạp của Địa chất học.

33. Khoáng sản học 4 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức về mỏ khoáng và các tiêu chuẩn xác định giá trị công nghiệp của chúng, thành phần hóa học của vỏ trái đất trong mối quan hệ với mỏ khoáng, tổ hợp cộng sinh khoáng vật, các giai đoạn tạo khoáng và các tiêu chuẩn phân loại mỏ khoáng. Trên cơ sở đó học phần đề cập đến các mỏ có nguồn gốc khác nhau như các mỏ magma thực sự, mỏ permatit, mỏ skarn, mỏ khí hóa nhiệt dịch, mỏ phong hóa, mỏ trầm tích và các mỏ biến chất.

4. Hướng dẫn sử dụng chương trình khung để thiết kế các chương trình đào tạo cụ thể

Chương trình khung giáo dục đại học là cơ sở giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chất lượng của quá trình đào tạo đại học, do đó được quy định bắt buộc cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học.

4.1. Chương trình khung trình độ đại học ngành Địa chất được thiết kế theo hướng thuận lợi cho việc phát triển các chương trình cấu trúc kiểu đơn ngành (Single Major). Danh mục các học phần (môn học) và khối lượng của chúng được đưa ra tại mục 3 chỉ là những quy định bắt buộc tối thiểu. Căn cứ vào mục tiêu, thời gian đào tạo, khối lượng và cơ cấu kiến thức quy định tại các mục 1 và 2, các trường bổ sung những học phần cần thiết để xây dựng thành chương trình đào tạo cụ thể của trường mình với tổng khối lượng kiến thức không dưới 200 đvht (không kể các nội dung về Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng).

4.2. Phần kiến thức chuyên sâu (nếu có) thuộc ngành Địa chất có thể được thiết kế theo từng lĩnh vực chuyên ngành hẹp của ngành Địa chất như: Cổ sinh, Địa hóa, Khoáng vật học....hoặc theo hướng liên chuyên ngành. Sự khác biệt về nội dung đào tạo giữa các chuyên ngành nằm trong giới hạn 20% kiến thức chung của ngành.

4.3. Phần kiến thức bổ trợ (nếu có) có thể được trường thiết kế theo một trong hai hướng sau:

- Bố trí các nội dung được lựa chọn khá tự do, liên quan tới nhiều ngành đào tạo nhưng xét thấy có lợi trong việc mở rộng năng lực hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

- Bố trí các học phần có nội dung thuộc một ngành đào tạo thứ hai khác với ngành Địa chất nhằm giúp mở rộng phạm vi hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trong trường hợp mảng kiến thức thuộc ngành thứ hai có khối lượng bằng hoặc vượt 25 đvht, chương trình mới được tạo ra sẽ cấu trúc kiểu ngành chính (Major) – ngành phụ (Minor), trong đó, ngành chính là Địa chất.

Trường hợp đặc biệt khi chương trình mới tạo ra thỏa mãn đồng thời những quy định về chương trình khung tương ứng với hai ngành đào tạo khác nhau thì người tốt nghiệp sẽ được nhận hai văn bằng đại học. Đương nhiên trong trường hợp này, khối lượng kiến thức của toàn chương trình và thời gian đào tạo theo thiết kế sẽ lớn hơn nhiều so với hai kiểu cấu trúc chương trình trên.

4.4. Chương trình được biên soạn theo hướng tinh giản số giờ lý thuyết, dành nhiều thời gian cho sinh viên tự nghiên cứu, đọc tài liệu, thảo luận, làm các bài tập. Khối lượng kiến thức của chương trình đã được xác nhận phù hợp với khuôn khổ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cho một chương trình giáo dục đại học 4 năm. Chương trình cũng được biên soạn theo hướng đổi mới các phương pháp dạy và học đại học.

4.5. Hiệu trưởng các trường đại học ký quyết định ban hành các chương trình đào tạo ngành Địa chất để triển khai thực hiện trong phạm vi trường mình

 

CHƯƠNG TRÌNH KHUNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Trình độ đào tạo: Đại học

Ngành đào tạo: Địa lý (Geography)

Mã ngành:

(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 16 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

1. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cử nhân Địa lý có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt.

Trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản và hiện đại về Địa lý học; Điạ lý nhiệt đới; diễn biến dân cư, tài nguyên, môi trường trên thế giới và ở Việt Nam.

Giới thiệu các quy luật thành tạo, phát triển và tác động lẫn nhau của các địa quyển, sự phân bố và diễn biến của các dạng tài nguyên, môi trường; trang bị kĩ năng thực hành các phương pháp nghiên cứu truyền thống và hiện đại, tổng hợp và chuyên ngành; kĩ năng thành lập bản đồ các hiện tượng và quá trình tự nhiên, các dạng hoạt động sản xuất; kĩ năng sử dụng các công cụ Viễn thám và Hệ thông tin Địa lý, mô hình hóa và sử dụng các phần mềm chuyên dụng nghiên cứu sự phân hóa lãnh thổ và diễn biến theo thời gian của các đối tượng địa lý ở các quy mô khác nhau.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tham gia nghiên cứu khoa học theo các chuyên ngành: Sinh thái Cảnh quan và Môi trường, Địa lý tự nhiên, Địa mạo, Địa lý và Môi trường biển, Địa Nhân văn và Kinh tế Sinh thái, Du lịch sinh thái, Bản đồ ư Viễn thám; giảng dạy Địa lý tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và Trung học phổ thông. Ngoài ra, sinh viên còn có thể đảm nhận công việc trong các lĩnh vực tổ chức và quy hoạch lãnh thổ, quản lý tài nguyên, môi trường và giảm thiểu tai biến thiên nhiên, xây dựng, quản lý và đánh giá các dự án phát triển đô thị, nông nghiệp, nông thôn.

2. Khung chương trình đào tạo

2.1. Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo theo thiết kế

200 đơn vị học trình (đvht), chưa kể phần nội dung về Giáo dục Thể chất (5 đvht) và Giáo dục Quốc phòng (165 tiết).

Thời gian đào tạo 4 năm.

2.2. Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo

đvht

2.2.1

Kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu

(chưa kể các phần nội dung Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng)

80

2.2.2

Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu

Trong đó tối thiểu:

120

 

- Kiến thức cơ sở của ngành

11

 

- Kiến thức ngành (kể cả kiến thức chuyên ngành)

45

 

- Kiến thức bổ trợ

 

 

- Khóa luận (hoặc thi tốt nghiệp)

10

* Ghi chú: Khối lượng thí nghiệm, thực tập, thực tế của toàn chương trình không dưới 15 đvht

3. Khối kiến thức bắt buộc

3.1. Danh mục các học phần bắt buộc

3.1.1. Kiến thức giáo dục đại cương

65 đvht*

1

Triết học Mác-Lênin

6

2

Kinh tế chính trị Mác - Lênin

5

3

Chủ nghĩa xã hội khoa học

4

4

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

4

5

Tư tưởng Hồ Chí Minh

3

6

Ngoại ngữ

10

7

Giáo dục Thể chất

5

8

Giáo dục Quốc phòng

165 tiết

9

Tin học cơ sở

4

10

Đại số tuyến tính và hình học giải tích

3

11

Giải tích 1

5

12

Giải tích 2

3

13

Xác suất - Thống kê

4

14

Vật lý đại cương 1

4

15

Vật lý đại cương 2

5

16

Thực tập Vật lý đại cương

1

17

Hóa học đại cương

4

* Chưa tính các học phần 7 & 8

3.1.2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp 48 đvht

a. Kiến thức cơ sở của ngành

11 đvht

1

Hóa học phân tích

3

2

Thực tập Hóa học phân tích

1

3

Hóa học hữu cơ

2

4

Hóa học chất keo

2

5

Sinh học đại cương

3

b. Kiến thức ngành

37 đvht

1

Địa lý tự nhiên đại cương

4

2

Địa chất đại cương

3

3

Khí tượng và khí hậu đại cương

3

4

Thủy văn đại cương

3

5

Địa mạo đại cương

3

6

Cơ sở thổ nhưỡng và địa lý thổ nhưỡng

3

7

Địa sinh vật đại cương

3

8

Cơ sở địa lý nhân văn

4

9

Trắc địa đại cương

3

10

Bản đồ đại cương

3

11

Địa lý Việt Nam

5

3.2. Mô tả nội dung các học phần bắt buộc

1. Triết học Mác- Lênin 6 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 29/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Kinh tế chính trị Mác – Lênin 5 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 29/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Chủ nghĩa xã hội khoa học 4 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 34/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 4 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 41/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 27/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Tư tưởng Hồ Chí Minh 3 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 35/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Ngoại ngữ 10 đvht

Đây là nội dung ngoại ngữ cơ bản nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về ngữ pháp, các kĩ năng giao tiếp thông dụng cùng với vốn từ vựng cần thiết cho giao tiếp. Yêu cầu đạt trình độ trung cấp đối với những sinh viên đã hoàn tất chương trình ngoại ngữ 7 năm ở giáo dục phổ thông.

7. Giáo dục Thể chất 5 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 3244/GD-ĐT ngày 12/9/1995 và Quyết định số 1262/GD-ĐT ngày 12/4/1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

8. Giáo dục Quốc phòng 165 tiết

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 12/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 9/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

9. Tin học cơ sở 4 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về máy tính (thông tin và xử lý thông tin, đại cương về máy tính điện tử, ngôn ngữ của máy tính và hệ điều hành, thuật toán, ngôn ngữ lập trình và chương trình dịch, tổng quan về mạng máy tính và Internet); kĩ năng sử dụng máy tính (hệ điều hành MS DOS, hệ điều hành Windows); ngôn ngữ lập trình Pascal.

10. Đại số tuyến tính và hình học giải tích 3 đvht

Trang bị cho sinh viên những khái niệm cơ bản về đại số tuyến tính và hình học giải tích. Nội dung của học phần bao gồm:

Hình học vector (các phép tính toán và tính chất vector, Vector n chiều và không gian R''). Ma trận và các phép tính ma trận; Ma trận vuông cấp hai ba và các quy tắc tính toán; Ma trận vuông cấp n và các quy tắc tính toán; Ma trận nghịch đảo và cách tính toán; Hệ phương trình đại số tuyến tính; Dạng toàn phương trong không gian R3 và phương pháp đưa về dạng chính tắc; Phương trình tổng quát của các mặt và đường bậc hai.

11. Giải tích 1: 5 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản cần thiết để ứng dụng tính vi phân và tích phân của hàm số. Nội dung bao gồm:

Phép tính vi phân của hàm số: hàm số một biến số, hàm liên tục, đạo hàm và vi phân của hàm một biến số, đạo hàm của hàm hợp và hàm ngược, ứng dụng vi phân để tính gần đúng, đạo hàm và vi phân cao cấp, hàm nhiều biến, đạo hàm riêng cấp một và cấp cao của hàm nhiều biến, cực trị của hàm hai biến, phương trình tiếp tuyến và phương trình mặt phẳng tiếp xúc.

Phép tính tích phân của hàm số: nguyên hàm và tích phân xác định, tính tích phân xác định, tích phân suy rộng với cận vô hạn, tính tích phân hai lớp và ba lớp, tích phân mặt và cách tính, các công thức: Green, Stokes, Gauss, Ostrogradski.

12. Giải tích 2: 3 đvht

Chuỗi số, chuỗi lũy thừa và chuỗi Fourier: sự hội tụ và phân kỳ của một chuỗi số, chuỗi dương, chuỗi đan dấu, chuỗi lũy thừa, chuỗi Fourier.

Phương trình vi phân thường: phương trình vi phân cấp một, phương trình vi phân tuyến tính cấp hai, hệ phương trình vi phân tuyến tính cấp một với hệ số hằng số.

Phương trình đạo hàm riêng: phương trình đạo hàm riêng tuyến tính cấp một, cấp hai; phương pháp giải phương trình truyền sóng.

13. Xác suất – Thống kê 4 đvht

Biến cố và xác suất của biến cố. Đại lượng ngẫu nhiên rời rạc. Vectơ ngẫu nhiên liên tục. Biến ngẫu nhiên tổng quát. Sự hội tụ của các biến ngẫu nhiên. Luật số lớn và các định lý giới hạn. Tổng các biến ngẫu nhiên độc lập.

14. Vật lý đại cương 1: 4 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về cơ học như: chuyển động của chất điểm; mối liên hệ giữa lực và chuyển động; công và năng lượng; chuyển động quay của vật rắn; chuyển động của chất khí; chuyển động dao động và những kiến thức cơ sở về thuyết tương đối hẹp. Học phần còn cung cấp cho sinh viên những khái niệm cơ bản của nhiệt động lực học, thuyết động học phân tử khí, trạng thái rắn của vật chất và sự chuyển pha.

Nắm vững các kiến thức trên, sinh viên có thể hiểu được các quy luật chuyển động của các vật thường gặp trong kỹ thuật và trong cuộc sống hàng ngày, có thể hiểu được sự vận động của các nguyên tử, phân tử cấu tạo nên các vật và tính chất nhiệt của chúng.

15. Vật lý đại cương 2: 5 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về điện trường, từ trường; tương tác điện, tương tác từ; các hiện tượng cảm ứng điện từ; chuyển động của các hạt tích điện trong điện trường và trong từ trường; chuyển động dao động và sóng điện từ; các hiện tượng đặc trưng của quá trình sóng như giao thoa, nhiễu xạ ánh sáng; các hiện tượng hấp thụ, tán sắc và phân cực ánh sáng; một số khái niệm cơ sở về cấu trúc nguyên tử và hạt nhân.

Nắm vững các kiến thức trên sinh viên có thể hiểu được các quy luật của các hiện tượng điện, từ, quang; bước đầu hiểu được mối quan hệ giữa chuyển động của các hạt thành phần cấu tạo nên vật và các tính chất vĩ mô của chúng.

16. Thực tập Vật lý đại cương 1 đvht

Học phần bao gồm các bài tập thực hành về một số hiện tượng, định luật trong các phần cơ học, vật lý phân tử và nhiệt, điện từ học, quang học. Sinh viên chọn 10/14 bài thực hành sau: đo độ dài, chuyển động của con lắc toán học, nghiên cứu một số định luật cơ bản của chuyển động trên máy Awood, xác định gia tốc trọng trường bằng con lắc thuận nghịch, xác định hệ số nhiệt của chất lỏng bằng phương pháp Stock, đo suất điện động và điện trở, xác định đương lượng nhiệt, xác định vận tốc truyền âm trong không khí, nghiên cứu chuyển động quay bằng con lắc chữ thập, xác định điện tích riêng của electron bằng phương pháp manheton, xác định nhiệt độ Curie sắt từ, quang hình học, nghiên cứu dao động ký điện tử, nghiên cứu hiện tượng nhiễu xạ qua khe hẹp hoặc cách tử.

17. Hóa học đại cương 4 đvht

Học phần cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về hóa học đại cương, cấu tạo chất và hóa học vô cơ với các nội dung cụ thể sau: cấu tạo nguyên tử và hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học, cấu tạo phân tử và liên kết hóa học, nhiệt động học, cân bằng hóa học, tốc độ phản ứng hóa học, dung dịch các chất điện ly, phản ứng ô xi hóa ư khử và điện hóa học, hóa học nguyên tố nhóm s và p, hóa học các nguyên tố chuyển tiếp nhóm d.

18. Hóa học phân tích 3 đvht

Cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về các loại phản ứng được ứng dụng trong hóa phân tích, cơ sở lý thuyết chung và các phương pháp định lượng hóa học.

Nội dung chính của học phần gồm: dung dịch chất điện li và cân bằng hóa học, phản ứng axitưbazơ, phản ứng tạo phức, phản ứng kết tủa, phản ứng oxy hóa khử, phương pháp phân tích khối lượng và phương pháp phân tích thể tích, phương pháp chuẩn độ axitưbazơ, phương pháp chuẩn độ phức chất, phương pháp chuẩn độ kết tủa, phương pháp chuẩn độ oxy hóa khử, sai số trong phân tích và cách đánh giá.

Một số khái niệm cơ bản ban đầu về phương pháp phân tích công cụ: phương pháp phân tích quang học, điện hoá, phương pháp phân tích sắc ký, sắc ký khí, sắc ký lỏng độ phân giải cao, sắc ký điện di mao quản, phương pháp tách chiết lỏng, chất pha rắn.

19. Thực tập Hóa học phân tích 1đvht

Rèn luyện kĩ năng thực hành, thực nghiệm, củng cố kiến thức đã được học. Biết cách tiến hành phân tích các mẫu thực tế.

Nội dung của học phần bao gồm:

Phương pháp chuẩn bị dung dịch có nồng độ xác định; Phương pháp chuẩn độ axitưbazơ, chuẩn độ đơn axitư đơn bazơ, chuẩn độ đơn bazơ, đa ba zơ;

Phương pháp chuẩn độ Complexon xác định các ion kim loại trong dung dịch; Phương pháp đo bạc xác định các ion halogenua; Phương pháp chuẩn độ oxy hóa khử: phương pháp permanganat, phương pháp đicromat, phương pháp iotư thiosunfat, phương pháp bromat.

20. Hóa học hữu cơ 2 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên một số kiến thức cơ sở về hóa hữu cơ liên quan đến các lĩnh vực dầu khí, môi trường và thổ nhưỡng.

Nội dung chủ yếu của học phần gồm: những kiến thức đại cương về hóa hữu cơ (hóa học hữu cơ và chất hữu cơ, cấu trúc phân tử hợp chất hữu cơ, bản chất liên kết hóa học, đồng phân không gian, các hiệu ứng và phản ứng hữu cơ, v.v…); hidrocacbon (hidrocacbon no, hidrocacbon không no); dẫn xuất của hidrocacbon (dẫn xuất halogen, hợp chất cơ magiê, Ancoholư Phenol, Anđehit ư Xeton, Axít cacboxylic và dẫn xuất, Lipit, Amin).

21. Hóa học chất keo 2 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về hóa lý các hệ phân tán cao. Nội dung chủ yếu của học phần gồm: khái quát về đối tượng nghiên cứu của hóa keo, dung dịch keo và phân loại, điều chế dung dịch keo, các hiện tượng bề mặt, tính chất của các hệ keo, các hệ keo trong môi trường tự nhiên.

22. Sinh học đại cương 3 đvht

Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản cần thiết về sinh học để giúp sinh viên học tập các học phần về thiên nhiên. Nội dung chủ yếu của học phần gồm: các kiến thức về tế bào và cơ sở di truyền học, sinh học thực vật, sinh học động vật, nguồn gốc sự sống và các giới sinh vật, quan hệ sinh vật với môi trường.

23. Địa lý tự nhiên đại cương 4 đvht

Những khái niệm chung về địa lý: những khái niệm địa lý, đối tượng và phương pháp nghiên cứu địa lý tự nhiên, lịch sử phát triển khoa học địa lý, Trái đất trong Vũ trụ; Cấu trúc lớp vỏ địa lý: thạch quyển, địa hình Trái đất, khí quyển, thủy quyển, lớp phủ thổ nhưỡng, sinh quyển; Những quy luật địa lý chung của Trái đất: tính hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lý, sự tuần hoàn vật chất và năng lượng, các hiện tượng nhịp điệu, quy luật địa đới và phi địa đới; Địa lý học với vấn đề sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

24. Địa chất đại cương 3 đvht

Nội dung chính của học phần gồm: Khái niệm chung về địa chất học. Tính chất lý - hóa của trái đất. Sơ đồ cấu trúc các quyển của trái đất. Khóang vật và đá: cácloại đá (đá macma, đá trầm tích, đá biến chất); thực tập về các loại khóang vật và đá. Khái niệm cơ bản về cấu trúc địa chất và địa tầng: cơ sở về địa chất cấu tạo; khái niệm cơ bản về địa tầng học và lịch sử địa chất. Hoạt động địa chất nội sinh: magma và hoạt động của macma; động đất và nguyên nhân của động đất. Các học thuyết về sự phát triển của vỏ trái đất. Hoạt động địa chất ngoại sinh: hoạt động địa chất của khí quyển, thủy quyển, sinh quyển. Khái niệm cơ bản về hoạt động phong hoá, vỏ phong hóa (các kiểu vỏ phong hóa ở Việt Nam, sự hình thành khóang sản trong vỏ phong hóa). Các quá trình địa chất ngoại sinh chỉ giới thiệu một cách khái quát vì sau này sẽ được nghiên cứu kĩ hơn trong các giáo trình tương ứng.

25. Khí tượng và khí hậu đại cương 3 đvht

Nội dung chính của học phần gồm: Khái niệm cơ bản về khí tượng và khí hậu học. Không khí và khí quyển. Bức xạ khí quyển. Chế độ nhiệt của khí quyển. Nước trong khí quyển. Trường áp và trường gió. Hoàn lưu khí quyển. Khí hậu và phân vùng khí hậu Trái đất. Biến đổi khí hậu.

Cùng với các học phần khác của địa lý tự nhiên, học phần này sẽ giúp sinh viên biết phân tích và tổng hợp các kiến thức, các hiện tượng địa lý trên Trái đất và trong từng khu vực nghiên cứu. Sau khi học xong, sinh viên sẽ nắm được những nét cơ bản về khí hậu và khí tượng học.

26. Thủy văn đại cương 3 đvht

Trang bị những kiến thức tổng quát nhất về nước trên trái đất gồm cả nước mặt (sông ngòi, hồ, đầm lầy, đại dương và biển) và nước ngầm, các hiện tượng và các quá trình xẩy ra trong thủy quyển, các quy luật chung liên quan với các hiện tượng và quá trình ấy cũng như các mối liên hệ qua lại giữa thủy quyển với khí quyển và thạch quyển. Nội dung chính của học phần gồm: Nước trên trái đất và khoa học về nước; Cơ sở vật lý của các hiện tượng và quá trình thủy văn; Những điều kiện khí tượng và ảnh hưởng của chúng tới chế độ nước đất liền; Nước dưới đất; sông ngòi; Hồ; Đầm lầy; Đại dương và biển.

Nắm vững các kiến thức trên, sinh viên có thể vận dụng để tiến hành một số nghiên cứu thuộc các lĩnh vực điều tra cơ bản nguồn nước, mô tả địa lý thủy văn các đối tượng nước, đánh giá trữ lượng nước của các đối tượng nước cụ thể cũng như tiến hành các nghiên cứu phục vụ công tác phân vùng, quy hoạch bảo vệ và sử dụng tổng hợp tài nguyên nước của một khu vực.

27. Địa mạo đại cương 3 đvht

Một số khái niệm cơ bản: khái niệm địa hình, hình thái địa hình, nguồn gốc địa hình, tuổi địa hình, niên biểu địa chất và lịch sử phát triển địa hình; Các nguyên tắc phân loại địa hình; Các nhân tố thành tạo địa hình; Các quá trình địa mạo và địa hình do chúng tạo thành; Địa hình do nước chảy trên mặt tạo thành; Hoạt động địa mạo của nước dưới đất; Địa hình cacxtơ; Hiện tượng trượt đất; Hoạt động địa mạo của gió; Địa mạo các miền núi lửa; Địa hình miền núi; Địa hình đồng bằng và cao nguyên; Các quá trình địa mạo và địa hình bờ biển; Khái niệm về bản đồ địa mạo.

28. Cơ sở thổ nhưỡng và địa lý thổ nhưỡng 3 đvht

Học phần gồm những nội dung cơ bản sau:

Các nhân tố hình thành đất: đá mẹ, khí hậu và thủy văn, yếu tố sinh vật, yếu tố địa hình, yếu tố thời gian, hoạt động sản xuất của con người; Các qúa trình hình thành đất và đặc điểm hình thái học của đất; Keo đất và khả năng hấp phụ của đất; Thành phần hóa học trong đất và dung dịch đất; Tính chất vật lý và cơ lý của đất; Nước, không khí và nhiệt trong đất; Phân loại đất và quy luật phân bố đất trên thế giới (phân loại đất theo phát sinh, phân loại đất của Mỹ (Soil Taxonomy), phân loại đất của FAO-UNESCO, phân loại đất ở Việt Nam); Quy luật phân bố và đặc điểm các loại đất trên thế giới.

29. Địa sinh vật đại cương 3 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về sinh quyển như: Nguồn gốc và sự phát triển của sự sống; Cấu trúc của sinh quyển; Môi trường và các nhân tố sinh thái trong sinh quyển; Môi trường địa lý và tính đa dạng sinh học; Sự phân bố sinh vật và sự hình thành quần xã; Vận động vật chất và tính động thái của quần xã sinh vật trong sinh quyển ở Việt Nam.

Với những kiến thức như trên, sinh viên sẽ nắm được mối quan hệ giữa sinh vật với môi trường địa lý cũng như cơ chế hình thành tài nguyên sinh vật trên một lãnh thổ nhất định. Đó là cơ sở cho việc sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

30. Cơ sở địa lý nhân văn 4 đvht

Học phần bao gồm những nội dung về lĩnh vực địa lý nhân văn như: Dân tộc - Dân cư và định cư (điều kiện địa lý và sinh thái lãnh thổ với phân bố dân tộc và chủng tộc; dân cư và không gian phân bố; vấn đề định cư và an cư). Di cư (nguyên nhân di cư; thuộc tính cơ bản của cộng đồng và cá nhân di cư; không gian nhập cư và sinh thái tộc người; thăm dò không gian di cư và quy hoạch tái định cư; tái định cư và sự phát triển cộng đồng). Văn hóa - Văn hóa dân gian (Folk) và văn hóa công cộng. Ngôn ngữ và địa lý. Địa lý tôn giáo. Vấn đề địa lý kinh tế. Địa lý chính trị. Đô thị hoá, đô thị nông thôn và địa lý học. Chiến lược phát triển lâu bền trên cơ sở địa lý.

31. Trắc địa đại cương 3 đvht

Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về bản đồ địa hình và đo đạc đại cương như: đo vẽ địa hình, sai số trong đo đạc; các nguyên lý và phương pháp đo góc, độ dài, độ cao; lưới khống chế đo vẽ bản đồ và phương pháp đo vẽ bản đồ; khái niệm về đo vẽ địa hình bằng ảnh hàng không; bản đồ địa hình; sử dụng bản đồ địa hình.

Sau khi học xong, sinh viên biết sử dụng thành thạo và khai thác các thông tin trên bản đồ địa hình, có hiểu biết cơ bản về quá trình đo vẽ, thành lập bản đồ địa hình và biết sử dụng một số thiết bị trắc địa phổ thông.

32. Bản đồ đại cương 3 đvht

Học phần cung cấp cho sinh viên những khái niệm cơ bản về bản đồ học như: những vấn đề chung của bản đồ học; cơ sở toán học của bản đồ; ngôn ngữ bản đồ và phương pháp thể hiện nội dung trên bản đồ; tổng quát hóa bản đồ; chú giải bản đồ và các phương pháp thành lập bản đồ; tập bản đồ (Atlas); các phương pháp phân tích, đánh giá bản đồ; ứng dụng bản đồ trong nghiên cứu địa lý; bản đồ hiện đại: khái niệm về bản đồ điện tử, so sánh giữa bản đồ điện tử và bản đồ truyền thống, khái niệm về Atlas điện tử.

33. Địa lý Việt Nam 4 đvht

Học phần cung cấp cho sinh viên những khái niệm cơ bản về địa lý Việt Nam bao gồm cả địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế – xã hội như: đặc điểm chung của thiên nhiên Việt Nam; các hợp phần tự nhiên Việt Nam; cấu trúc địa chất và khóang sản; địa hình, khí hậu, thủy văn, hải văn, thổ nhưỡng, sinh vật, đặc điểm và quy luật phân hóa của thiên nhiên Việt Nam, khái quát các miền địa lý tự nhiên; địa lý dân cư Việt Nam; địa lý các ngành kinh tế; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường Việt Nam.

4. Hướng dẫn sử dụng chương trình khung để thiết kế các chương trình đào tạo cụ thể

Chương trình khung giáo dục đại học là cơ sở giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chất lượng của quá trình đào tạo đại học, do đó được quy định bắt buộc cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học.

4.1. Chương trình khung trình độ đại học ngành Địa lý được thiết kế theo hướng thuận lợi cho việc phát triển các chương trình cấu trúc kiểu đơn ngành (Single Major). Danh mục các học phần (môn học) và khối lượng của chúng được đưa ra tại mục 3 chỉ là những quy định bắt buộc tối thiểu. Căn cứ vào mục tiêu, thời gian đào tạo, khối lượng và cơ cấu kiến thức quy định tại các mục 1 và 2, các trường bổ sung những học phần cần thiết để xây dựng thành chương trình đào tạo cụ thể của trường mình với tổng khối lượng kiến thức không dưới 200 đvht (không kể các nội dung về Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng)

4.2. Phần kiến thức chuyên sâu (nếu có) thuộc ngành Địa lý có thể được thiết kế theo từng lĩnh vực chuyên ngành hẹp của ngành Địa lý như: Địa lý tự nhiên, Địa mạo, Địa lý và môi trường biển, Bản đồưviễn thám… hoặc theo hướng liên chuyên ngành. Sự khác biệt về nội dung đào tạo giữa các chuyên ngành nằm trong giới hạn 20% kiến thức chung của ngành.

4.3. Phần kiến thức bổ trợ (nếu có) có thể được trường thiết kế theo một trong hai hướng sau:

- Bố trí các nội dung được lựa chọn khá tự do, liên quan tới nhiều ngành đào tạo nhưng xét thấy có lợi trong việc mở rộng năng lực hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

- Bố trí các học phần có nội dung thuộc một ngành đào tạo thứ hai khác với ngành Địa lý nhằm giúp mở rộng phạm vi hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trong trường hợp mảng kiến thức thuộc ngành thứ hai có khối lượng bằng hoặc vượt 25 đvht, chương trình mới được tạo ra sẽ cấu trúc kiểu ngành chính (Major) - ngành phụ (Minor), trong đó, ngành chính là Địa lý.

Trường hợp đặc biệt khi chương trình mới tạo ra thỏa mãn đồng thời những quy định về chương trình khung tương ứng với hai ngành đào tạo khác nhau thì người tốt nghiệp sẽ được nhận hai văn bằng đại học. Đương nhiên trong trường hợp này, khối lượng kiến thức của toàn chương trình và thời gian đào tạo theo thiết kế sẽ lớn hơn nhiều so với hai kiểu cấu trúc chương trình trên.

4.4. Chương trình được biên soạn theo hướng tinh giản số giờ lý thuyết, dành nhiều thời gian cho sinh viên tự nghiên cứu, đọc tài liệu, thảo luận, làm các bài tập. Khối lượng kiến thức của chương trình đã được xác nhận phù hợp với khuôn khổ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cho một chương trình giáo dục đại học 4 năm. Chương trình cũng được biên soạn theo hướng đổi mới các phương pháp dạy và học đại học.

4.5. Hiệu trưởng các trường đại học ký quyết định ban hành các chương trình đào tạo ngành Địa lý để triển khai thực hiện trong phạm vi trường mình./.

 

CHƯƠNG TRÌNH KHUNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Trình độ đào tạo: Đại học

Ngành đào tạo: Khí tượng học (Meteorology)

Mã ngành:

(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 16 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

1. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cử nhân Khí tượng có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên nắm được những kiến thức cơ bản cả về lý thuyết lẫn thực hành của khoa học khí tượng, khí hậu; có thể đảm nhận công tác trong các lĩnh vực điều tra, dự báo khí tượng, khí hậu và môi trường phục vụ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng và giảng dạy.

2. Khung chương trình đào tạo

2.1. Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo theo thiết kế

200 đơn vị học trình (đvht), chưa kể phần nội dung về Giáo dục Thể chất (5 đvht) và Giáo dục Quốc phòng (165 tiết).

Thời gian đào tạo 4 năm.

2.2. Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo đvht

2.2.1

Kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu

(chưa kể các phần nội dung Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng)

95

2.2.2

Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu

Trong đó tối thiểu:

105

 

- Kiến thức cơ sở của ngành

14

 

- Kiến thức ngành (kể cả kiến thức chuyên ngành)

45

 

- Kiến thức bổ trợ

 

 

- Khóa luận (hoặc thi tốt nghiệp)

10

* Ghi chú: Khối lượng thí nghiệm, thực tập, thực tế của toàn chương trình không dưới 10 đvht

3. Khối kiến thức bắt buộc

3.1. Danh mục các học phần bắt buộc

3.1.1. Kiến thức giáo dục đại cương

81 đvht*

 

1

Triết học Mác-Lênin

6

2

Kinh tế chính trị Mác-Lênin

5

3

Chủ nghĩa xã hội khoa học

4

4

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

4

5

Tư tưởng Hồ Chí Minh

3

6

Ngoại ngữ

10

7

Giáo dục Thể chất

5

8

Giáo dục Quốc phòng

165 tiết

9

Tin học cơ sở

4

10

Đại số 1

3

11

Đại số 2

4

12

Giải tích 1

4

13

Giải tích 2

5

14

Giải tích 3

5

15

Giải tích 4

4

16

Vật lý đại cương 1

3

17

Vật lý đại cương 2

3

18

Vật lý đại cương 3

4

19

Vật lý đại cương 4

5

20

Thực tập Vật lý đại cương

1

21

Hóa học đại cương

4

* Chưa tính các học phần 7 & 8

3.1.2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp 32 đvht

a. Kiến thức cơ sở của ngành

14 đvht

1

Phương trình toán lý

4

2

Phương pháp tính

3

3

Lý thuyết xác suất và thống kê toán học

3

4

Cơ học chất lỏng

4

b. Kiến thức ngành

18 đvht

1

Nhiệt động lực học khí quyển

4

2

Khí tượng vật lý

5

3

Khí tượng động lực 1

5

4

Khí tượng động lực 2

4

3.2. Mô tả nội dung các học phần bắt buộc

1. Triết học Mác-Lênin 6 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 29/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Kinh tế chính trị Mác-Lênin 5 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 29/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Chủ nghĩa xã hội khoa học 4 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 34/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 4 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 41/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 27/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Tư tưởng Hồ Chí Minh 3 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 35/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Ngoại ngữ 10 đvht

Đây là nội dung ngoại ngữ cơ bản nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về ngữ pháp, các kĩ năng giao tiếp thông dụng cùng với vốn từ vựng cần thiết cho giao tiếp. Yêu cầu đạt trình độ trung cấp đối với những sinh viên đã hoàn tất chương trình ngoại ngữ 7 năm ở giáo dục phổ thông.

7. Giáo dục Thể chất 5 đvht

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 3244/GD-ĐT ngày 12/9/1995 và Quyết định số 1262/GD-ĐT ngày 12/4/1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

8. Giáo dục Quốc phòng 165 tiết

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 12/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 9/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

9. Tin học cơ sở 4 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về máy tính (thông tin và xử lý thông tin, đại cương về máy tính điện tử, ngôn ngữ của máy tính và hệ điều hành, thuật toán, ngôn ngữ lập trình và chương trình dịch, tổng quan về mạng máy tính và Internet); kĩ năng sử dụng máy tính (hệ điều hành MS DOS, hệ điều hành Windows); ngôn ngữ lập trình Pascal.

10. Đại số 1: 3 đvht

Tập hợp và ánh xạ. Quan hệ: quan hệ thứ tự. inf, sup, min, max. Khái niệm nhóm, vành, trường, trường sắp thứ tự. Trường số thực sắp thứ tự. Trường số phức. Đa thức và phân thức. Ma trận và định thức. Hệ phương trình tuyến tính.

11. Đại số 2: 4 đvht

Không gian vectơ. Hệ vectơ độc lập tuyến tính, cơ sở và số chiều không gian. ánh xạ tuyến tính và ma trận của nó. Biến đổi tuyến tính, vectơ giá trị riêng. Không gian vectơ Euclide, ánh xạ trực giao và ma trận trực giao. Dạng toàn phương, luật quán tính.

Vectơ tự do. Đường cong bậc hai. Mặt cong bậc hai.

12. Giải tích 1: 4 đvht

Giới hạn dãy số thực. Giới hạn dãy đơn điệu. Giới hạn riêng. Giới hạn trên. Giới hạn dưới. Lân cận. Tập mở, tập đóng, điểm tụ. Bổ đề Bolzanô - Weierstrass. Nguyên lý Cantor. Giới hạn hàm số và các tính chất vô cùng bé, vô cùng lớn, ứng dụng. Hàm liên tục và các tính chất. Tính chất của hàm liên tục trên một đoạn. Tính liên tục của đơn điệu và hàm sơ cấp.

Đạo hàm. Các định lý về hàm khả vi Fermat, Rolle, Lagrange, Cauchy. Vi phân cấp I. Đạo hàm và vi phân cấp cao. Công thức Taylor. Quy tắc L’ Hospital. Khảo sát hàm số.

13. Giải tích 2: 5 đvht

Nguyên hàm. Nguyên hàm của các hàm sơ cấp cơ bản, các hàm hữu tỷ, hàm vô tỷ và hàm lượng giác.

Tích phân xác định. Bài toán dẫn đến tích phân xác định. Điều kiện cần để khả tích. Điều kiện cần và đủ thông qua tổng Darboux. Các tính chất của tích phân xác định và các phương pháp tính.

Tích phân suy rộng với cận vô hạn hoặc hàm không giới nội.

Không gian tuyến tính định chuẩn. Chuẩn trong Rn. Lân cận tập mở, tập đóng và sự hội tụ trong Rn.

Giới hạn hàm và các tính chất. Hàm liên tục và các tính chất. Hàm khả vi trên Rn. Đạo hàm riêng, đạo hàm theo hướng. Đạo hàm riêng cấp cao. Vi phân cấp cao. Công thức Taylor. Cực trị địa phương tự do và có điều kiện, ứng dụng.

14. Giải tích 3: 5 đvht

Chuỗi số. Sự hội tụ của chuỗi số dương. Chuỗi đan dấu và chuỗi tổng quát, sự hội tụ của chúng. Dãy hàm: miền hội tụ và hội tụ đều. Tính chất của giới hạn dãy hàm.

Chuỗi hàm: Miền hội tụ và hội tụ đều. Tính chất của tổng của chuỗi hàm. Chuỗi lũy thừa, bán kính hội tụ, tính chất của tổng. Khai triển hàm thành chuỗi lũy thừa. Chuỗi Fourier. Khai triển hàm thành chuỗi Fourier.

Tích phân phụ thuộc tham số với cận hữu hạn hoặc thay đổi, các tính chất. Tích phân phụ thuộc tham số cận vô hạn và các tính chất.

Tích phân hai lớp và cách tính. Tích phân ba lớp và cách tính. Ứng dụng.

15. Giải tích 4: 4 đvht

Tích phân đường loại I và cách tính. Tích phân đường loại II và cách tính.

Tích phân mặt loại I và cách tính. Mặt hai phía, cách xác định phía của mặt. Tích phân mặt loại II và cách tính.

Công thức liên hệ: Green, Stokes, Ostrograđsky.

Các đại lượng: Grad, Div, Rot. Trường vô hướng và các loại trường vectơ.

Định nghĩa phương trình vi phân. Sự tồn tại nghiệm. Các loại phương trình vi phân cấp I. Phương trình vi phân tuyến tính cấp cao thuần nhất và không thuần nhất. Khái niệm về hệ phương trình vi phân.

16. Vật lý đại cương 1: 3 đvht

Học phần cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về cơ học như: chuyển động của chất điểm; mối quan hệ giữa lực và chuyển động; chuyển động của vật trong hệ quy chiếu phi quán tính; công và năng lượng; chuyển động của vật rắn; trường hấp dẫn, chuyển động của vật trong trường xuyên tâm; chuyển động của các chất lưu như chất lỏng, chất khí; những cơ sở của thuyết tương đối hẹp.

Nắm vững các kiến thức trên, sinh viên có thể hiểu được các quy luật chuyển động của các vật thường gặp trong kỹ thuật và trong cuộc sống hàng ngày.

17. Vật lý đại cương 2: 3 đvht

Học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về nhiệt động lực học và vật lý phân tử như: nguyên lý 1, nguyên lý 2 của nhiệt động lực học; thuyết động học phân tử; các hiện tượng động học trong chất khí, chất lỏng.

Qua học phần này sinh viên hiểu được các quá trình chuyển động của các nguyên tử, phân tử cấu tạo nên các trạng thái vật chất, từ đó hiểu được các tính chất nhiệt của vật chất.

18. Vật lý đại cương 3: 4 đvht

Trang bị cho sinh viên những kiến thức về các hiện tượng điện từ như: điện trường, điện thế; vật dẫn trong điện trường; năng lượng của điện trường và của từ trường; chuyển động của hạt tích điện trong kim loại, trong các môi trường chất điện phân, chất khí; các hiện tượng cảm ứng điện từ và trường điện từ.

Qua học phần này sinh viên hiểu được các hiện tượng điện, từ, tương tác điện và từ, giải thích được những hiện tượng thường gặp trong tự nhiên và kỹ thuật.

19. Vật lý đại cương 4: 5 đvht

Học phần cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về dao động, sóng cơ học và sóng điện từ; các hiện tượng đặc trưng của quá trình sóng ánh sáng như giao thoa, nhiễu xạ; các tính chất lượng tử của bức xạ như hiệu ứng quang điện, hiệu ứng Compton; cấu trúc nguyên tử; các ảnh hưởng của điện trường, từ trường lên phổ nguyên tử và những kiến thức cơ bản về hạt nhân.

Các kiến thức của học phần này giúp sinh viên không những hiểu được các hiện tượng của thế giới vi mô mà còn tiệm cận đến những khái niệm hiện đại của vật lý.

20. Thực tập Vật lý đại cương 1 đvht

Thực hiện các thí nghiệm để nghiệm lại một số hiện tượng, định luật vật lý trong phần cơ học, vật lý phân tử và nhiệt học, điện - từ học, quang học. Giúp sinh viên luyện kĩ năng sử dụng các thiết bị, máy móc liên quan.

21. Hóa học đại cương   4 đvht

Học phần cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về hóa cấu tạo, hóa đại cương, hóa vô cơ và hóa hữu cơ gồm: bản chất của sự hình thành liên kết hóa học giữa các nguyên tử trong phân tử, các quy luật nhiệt động học và động học chi phối các phản ứng hóa học, các quá trình xảy ra trong dung dịch, các phản ứng oxy hóa - khử và điện hóa học, tính chất hóa học của các đơn chất và hợp chất phổ biến và quan trọng, tính chất hóa học của các loại hợp chất hữu cơ chính và một số khái niệm về hóa học của sự sống (hóa sinh).

22. Phương trình toán lý 4 đvht

Các phương trình thuộc các loại khác nhau. Bài toán biên. Phân loại các phương trình tuyến tính và chuyển về dạng chính tắc.

Các phương trình dao động, thủy động lực và âm học, truyền nhiệt và khuếch tán.

Điều kiện biên. Thiết lập các bài toán biên.

Phương pháp đặc trưng. Giải các bài toán dao động của sợi dây vô hạn. Công thức D'Alambert. Sự phụ thuộc liên tục của nghiệm bài toán Cauchy vào các dữ kiện ban đầu.

Phương pháp Fourier. Phương pháp hàm Green cho phương trình loại parabolic, hyperbolic. Phương pháp hàm Green cho phương trình loại elliptic.

Hàm gamma và các hàm trụ. Các hàm cầu. Hàm siêu bội.

23. Phương pháp tính 3 đvht

Lý thuyết về sai số. Các phương pháp nội suy. Tính gần đúng đạo hàm và tích phân. Sử dụng đa thức nội suy Largrange. Các công thức tích phân gần đúng. Phương pháp Monte - Carlo tính tích phân nhiều lớp. Giải phương trình đại số và siêu việt.

Phương pháp tính đại số tuyến tính. Phương pháp Gauss và các cải biên. Khai triển LU. Phương pháp căn bậc hai. Phương pháp lặp đơn. Phương pháp Jacobi. Phương pháp Seidel và phương pháp Gauss - Seidel. Một số phương pháp trực tiếp tìm giá trị riêng, vector riêng.

Giải gần đúng phương trình vi phân thường. Bài toán Cauchy, bài toán biên. Phương pháp sai phân giải phương trình đạo hàm riêng. Phương pháp sai phân giải bài toán Cauchy cho phương trình hyperbolic. Phương pháp sai phân giải bài toán Cauchy và bài toán biên hỗn hợp cho phương trình dạng parabolic. Lược đồ Crank - Nicolson và Duford - Frankel.

24. Lý thuyết xác suất và thống kê toán học 3 đvht

Phép thử và sự kiện. Định nghĩa xác suất. Quan hệ giữa các sự kiện. Xác suất của tổng và tích các sự kiện. Công thức cộng và nhân xác suất. Công thức xác suất toàn phần và công thức Bayes. Dãy phép thử độc lập.

Khái niệm về đại lượng ngẫu nhiên. Hàm phân bố xác suất. Các đặc trưng số của đại lượng ngẫu nhiên. Phân bố chuẩn. Quy tắc 3-xicma. Hệ các đại lượng ngẫu nhiên. Hàm đặc trưng. Luật số lớn. Không gian mẫu. Phân bố mẫu và các đặc trưng mẫu. Phân bố xác suất của các đại lượng thống kê (phân bố chuẩn, phân bố Student, phân bố 2, phân bố Fisher).

Ước lượng điểm. Ước lượng khoảng. Phương pháp bình phương tối thiểu.

Kiểm nghiệm giả thiết thống kê. Kiểm nghiệm tham số. Kiểm nghiệm phi tham số. Tiêu chuẩn phù hợp 2.

Sự phụ thuộc giữa các đại lượng ngẫu nhiên. Hệ số tương quan. Khái niệm về hồi quy. Hồi quy tuyến tính. Hồi quy phi tuyến.

25. Cơ học chất lỏng 4 đvht

Chất lỏng. Các tính chất chất lỏng. Phương trình trạng thái.

Tĩnh học chất lỏng. áp suất. Các phương trình tĩnh học và cân bằng chất lỏng.

Động học các chất lỏng. Các hệ toạ độ. Trường vận tốc. Phương trình liên tục.

Động lực học các chất lỏng lý tưởng. Phương trình biến đổi động lượng. Phương trình Bernoulli. Phương trình năng lượng. Định lý về động lượng.

Chuyển động của chất lỏng nhớt. Tốc độ biến dạng. Phương trình Navier - Stokes.

Thành phần Coriolis trong phương trình Navier - Stokes. Số Rossby và số Ekman.

Đồng dạng động lực học. Phân tích phương trình Navier - Stokes. Số Reynolds, số Froude.

Lý thuyết lớp biên. Những luận điểm về lớp biên. Các phương trình lớp biên lamina. Các phương trình tổng quát về động lượng.

Chuyển động rối, nguồn gốc, các phương pháp phân tích. Phương trình Reynolds. Quãng đường xáo trộn. Lớp biên rối. Các giả thiết khép kín rối.

26. Nhiệt động lực học khí quyển 4 đvht

Thành phần không khí gần mặt đất. Các khí đoàn và front. Các dòng chảy của không khí và hoàn lưu chung của khí quyển. Sự hình thành của khí quyển trái đất. Phương trình trạng thái của không khí khô, hơi nước, không khí ẩm và mối liên hệ giữa các đặc trưng của độ ẩm. Phương trình cơ bản của tĩnh học khí quyển. Các công thức khí áp, bậc khí áp và ứng dụng. Xoáy thuận và xoáy nghịch. Địa thế vị. Cơ sở lý thuyết của việc lập các bản đồ hình thế khí áp. Các phương trình biểu diễn nguyên lý thứ nhất của nhiệt động lực học đối với khí quyển. Quá trình biến đổi đa nguyên, đoạn nhiệt của không khí khô hoặc ẩm chưa bão hoà hơi nước. Nhiệt độ thế. Điều kiện ổn định và năng lượng bất ổn định. Nguyên lý thứ hai của nhiệt động lực học. Sự phụ thuộc của áp suất hơi nước bão hoà vào nhiệt độ. Sự biến đổi các đặc trưng của khối không khí dịch chuyển thẳng đứng. Quá trình đoạn nhiệt giả. Các giản đồ nhiệt động.

27. Khí tượng vật lý 5 đvht

Sự phát xạ của mặt trời và các dòng bức xạ trong khí quyển. Các đặc trưng bức xạ cơ bản. Các định luật bức xạ cơ bản. Sự phân bố của bức xạ mặt trời theo vĩ độ khi không có khí quyển. Sự suy yếu, hấp thụ, tán xạ và phản xạ trong khí quyển. Cách tính bức xạ sóng ngắn và sóng dài trong khí quyển.

Các đại lượng trắc quang. Các hiện tượng quang liên quan với sự khuếch tán, khúc xạ, phản xạ, nhiễu xạ ánh sáng trong khí quyển và với cảm giác sáng của mắt. Cơ sở lý thuyết xác định tầm nhìn ngang ban ngày, ban đêm, trong sương mù, mây và mưa.

Sự truyền nhiệt vào trong đất và nước. Phương trình nhập nhiệt của khí quyển. Chế độ nhiệt của mặt đất, lớp không khí sát đất, lớp biên và khí quyển tự do. Các dạng nghịch nhiệt. Phương trình cân bằng nhiệt.

Các nhân tố ảnh hưởng đến áp suất hơi bão hoà. Các nhân ngưng kết. Phân loại sương mù và giáng thuỷ. Cơ sở vật lý dự báo sương mù. Kích thước, tốc độ rơi, sự bốc hơi và lớn lên của các hạt mây. Tác động nhân tạo lên mây. Phân bố giáng thuỷ, chu trình ẩm và cân bằng ẩm trên bề mặt Trái Đất.

Sự ion hóa trong khí quyển. Độ linh động của ion. Độ dẫn điện của không khí. Phương trình cân bằng ion. Điện trường và các dòng điện trong khí quyển. Các hiện tượng điện ở mây dông. Lý thuyết bảo tồn điện tích của Trái Đất. Các hiện tượng điện trên cao.

Vận tốc và phương trình quỹ đạo âm. ảnh hưởng của sự phân bố nhiệt độ, gió theo độ cao, chuyển động của nguồn âm đến sự lan truyền âm và ứng dụng.

Sự phản xạ, khúc xạ và suy yếu của sóng âm.

28. Khí tượng động lực 1: 5 đvht

Môi trường liên tục. Hệ phương trình thủy nhiệt động lực học cho môi trường liên tục. Sự xuất hiện rối. Quan hệ giữa các thông lượng rối với trường trung bình. Hệ phương trình cho các đại lượng trung bình. Phương trình cân bằng cho các đại lượng xung rối. Đơn giản hóa hệ phương trình thủy nhiệt động lực học khí quyển. Phân loại chuyển động của khí quyển.

Chuyển động của không khí trong trường đường đẳng áp gần tròn và tròn. Gió địa chuyển. Gió nhiệt. Gió phi địa chuyển. Tính chất chung của các mặt phân cách. Độ nghiêng của các mặt phân cách.

Lớp biên khí quyển. Sự phân bố các yếu tố khí tượng trong lớp sát đất. Mô hình một tham số lớp biên khí quyển. Lớp biên trên biển. Biến trình ngày của các yếu tố khí tượng.

29. Khí tượng động lực 2: 4 đvht

Chuyển động sóng trong khí quyển. Các tham số sóng. Sóng trọng lực, sóng âm, sóng Rossby. Sóng trong khí quyển chuyển động.

Định lý hoàn lưu. Xoáy và phương trình xoáy. Phương trình xoáy thế chính áp, tà áp. Front và sự phát sinh của front. Đối lưu Cumulus. Bão nhiệt đới.

Giải hội tụ nhiệt đới. Gió mùa nhiệt đới. Hoàn lưu Walker. Elnino và Dao động Nam. Dao động Maden - Julian. Sóng Kelvin xích đạo. Hoàn lưu Hadley.

Hoàn lưu tầng khí quyển giữa. Sóng hành tinh lan truyền thẳng đứng. Sóng trong tầng bình lưu xích đạo. Dao động tựa hai năm.

4. Hướng dẫn sử dụng chương trình khung để thiết kế các chương trình đào tạo cụ thể

Chương trình khung giáo dục đại học là cơ sở giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chất lượng của quá trình đào tạo đại học, do đó được quy định bắt buộc cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học.

4.1. Chương trình khung trình độ đại học ngành Khí tượng học được thiết kế theo hướng thuận lợi cho việc phát triển các chương trình cấu trúc kiểu đơn ngành (Single Major). Danh mục các học phần (môn học) và khối lượng của chúng được đưa ra tại mục 3 chỉ là những quy định bắt buộc tối thiểu. Căn cứ vào mục tiêu, thời gian đào tạo, khối lượng và cơ cấu kiến thức quy định tại các mục 1 và 2, các trường bổ sung những học phần cần thiết để xây dựng thành chương trình đào tạo cụ thể của trường mình với tổng khối lượng kiến thức không dưới 200 đvht (không kể các nội dung về Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng).

4.2. Phần kiến thức chuyên sâu (nếu có) thuộc ngành Khí tượng học có thể được thiết kế theo từng lĩnh vực chuyên ngành hẹp của ngành Khí tượng học hoặc kết hợp một số chuyên ngành với nhau. Sự khác biệt về nội dung đào tạo giữa các chuyên ngành nằm trong giới hạn 20% kiến thức chung của ngành.

4.3. Phần kiến thức bổ trợ (nếu có) có thể được trường thiết kế theo một trong hai hướng sau:

- Bố trí các nội dung được lựa chọn khá tự do, liên quan tới nhiều ngành đào tạo nhưng xét thấy có lợi trong việc mở rộng năng lực hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

- Bố trí các học phần có nội dung thuộc một ngành đào tạo thứ hai khác với ngành Khí tượng học nhằm giúp mở rộng phạm vi hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trong trường hợp mảng kiến thức thuộc ngành thứ hai có khối lượng bằng hoặc vượt 25 đvht, chương trình mới được tạo ra sẽ cấu trúc kiểu ngành chính (Major) - ngành phụ (Minor), trong đó, ngành chính là Khí tượng học.

Trường hợp đặc biệt khi chương trình mới tạo ra thỏa mãn đồng thời những quy định về chương trình khung tương ứng với hai ngành đào tạo khác nhau thì người tốt nghiệp sẽ được nhận hai văn bằng đại học. Đương nhiên trong trường hợp này, khối lượng kiến thức của toàn chương trình và thời gian đào tạo theo thiết kế sẽ lớn hơn nhiều so với hai kiểu cấu trúc chương trình trên.

4.4. Chương trình được biên soạn theo hướng tinh giản số giờ lý thuyết, dành nhiều thời gian cho sinh viên tự nghiên cứu, đọc tài liệu, thảo luận, làm các bài tập. Khối lượng kiến thức của chương trình đã được xác nhận phù hợp với khuôn khổ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cho một chương trình giáo dục đại học 4 năm. Chương trình cũng được biên soạn theo hướng đổi mới các phương pháp dạy và học đại học.

4.5. Hiệu trưởng các trường đại học ký quyết định ban hành các chương trình đào tạo ngành Khí tượng học để triển khai thực hiện trong phạm vi trường mình./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Bành Tiến Long

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.