• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 19/12/2021
  • Ngày hết hiệu lực: 23/08/2024
HĐND TỈNH BẠC LIÊU
Số: 11/2021/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bạc Liêu, ngày 9 tháng 12 năm 2021

NGHỊ QUYẾT

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

                                                                            

          

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

KHÓA X, KỲ HỌP THỨ TƯ

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Xét Tờ trình số 163/TTr-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh “về việc ban hành nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022”; báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

 

QUYẾT NGHỊ:

 

Điều 1. Thống nhất ban hành nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 như sau:

I. VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021:

Năm 2021, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại với những diễn biến hết sức phức tạp, đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, đe dọa sự an toàn và sức khỏe của toàn bộ người dân trong tỉnh. Song, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương; sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của các doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân nên tỉnh nhà đã từng bước vượt qua khó khăn, thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân. Trong 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 5,05% (đứng thứ 01/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long); tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 58,67 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển và là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế; việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu cơ bản được đảm bảo. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có bước phát triển; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, nhất là việc hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt. Quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

II. MỤC TIÊU, CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022:

1. Mục tiêu:

Đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết và tập trung các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung thực hiện có hiệu quả 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh đã xác định. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển khoa học, công nghệ. Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân. Đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu:

(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9 - 10%/năm.

(2) Cơ cấu GRDP theo ngành kinh tế:

+ Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 39,69%.

+ Công nghiệp và xây dựng: 21,34%.

+ Dịch vụ: 34,20%.

+ Thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp: 4,77%.

(3) Thu nhập GRDP bình quân đầu người đạt: 65,72 triệu đồng/người/năm.

(4) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 34 ngàn 940 tỷ đồng.                     

(5) Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn (thu nội địa): 3.263 tỷ đồng.

(6) Số doanh nghiệp thành lập mới: 350 - 400 doanh nghiệp.

(7) Số hợp tác xã thành lập mới: 30 hợp tác xã.

(8) Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 34,9%.

(9) Sản lượng thủy sản 460.800 tấn, trong đó, sản lượng tôm 234.600 tấn.

(10) Sản lượng lúa 1.225.000 tấn.

(11) Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đạt 920 triệu USD; trong đó, xuất khẩu tôm đạt 893,8 triệu USD.

(12) Lũy kế số xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao: 22 xã; trong đó, có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

(13) Tỷ lệ lao động qua đào tạo 67,07%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 25,54%.

(14) Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 76,75%.

(15) Số bác sỹ trên vạn dân đạt 11 bác sỹ.

(16) Số giường bệnh trên vạn dân 27,5 giường.

(17) Tỷ lệ hộ nghèo trong năm giảm: 1 - 1,5%. 

(18) Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92%.

(19) Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt 81%.

(20) Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt 72,7%.

III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; rà soát, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

2. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, kinh tế biển. Từng bước xây dựng, phát triển Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của khu vực; chú trọng phát triển nuôi tôm công nghệ cao. Tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp, không để tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để đẩy giá lên cao, gây gián đoạn sản xuất.

Tập trung nâng cao chất lượng chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh việc xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Phát triển các sản phẩm OCOP, tạo thương hiệu riêng, đặc trưng cho từng địa phương.

3. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, nhất là dự án điện khí LNG; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh. Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu trong tỉnh tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của tỉnh.

4. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa. Phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Tăng cường quản lý thị trường, xử lý kịp thời các hành vi mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện.

 

5. Tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; tăng cường kết nối du lịch Bạc Liêu với các trung tâm du lịch tại các tỉnh thành nhằm tạo thương hiệu và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách để khôi phục và phát triển ngành du lịch của tỉnh theo hướng thích ứng, an toàn với dịch bệnh Covid-19.

6. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường quản lý Nhà nước về phát triển đô thị; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoạt động xây dựng; quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đô thị của thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai, huyện Hòa Bình và công nhận các đô thị loại V nhằm đạt tỷ lệ đô thị hóa.

7. Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai có hiệu quả các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước trong nuôi tôm công nghệ cao và các nhà máy chế biến nông thủy sản.

8. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đầu tư công; khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc để phấn đấu giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được bố trí trong năm 2022. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn, không để tình trạng dàn trải, lãng phí vốn đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thu hút đầu tư đã có chủ trương, được cấp phép đầu tư; xử lý nghiêm các dự án chưa hoặc chậm triển khai theo quy định.

9. Đẩy nhanh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: nông nghiệp, thương mại, du lịch, kết cấu hạ tầng; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế; tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động mở rộng quy mô, liên kết sản xuất.

10. Thực hiện tốt các biện pháp chống thất thu ngân sách; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi cố tình trốn thuế, nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế. Đồng thời, quan tâm thực hiện tốt chính sách miễn, giảm, giãn thời gian nộp thuế cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo quy định. Quản lý chặt chẽ các nguồn chi, phải triệt để tiết kiệm, đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương.

11. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Thực hiện đổi mới phương pháp và đa dạng hóa hình thức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh; phát triển khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, thích ứng với những thay đổi trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tiếp tục thực hiện đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025. Quan tâm đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất theo tiêu chí nông thôn mới.

12. Nâng cao chất lượng công tác khám và điều trị bệnh; tăng cường và chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là phải kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19 trên địa bàn. Tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số và các đối tượng bảo trợ xã hội.

13. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là việc cắt giảm thủ tục hành chính; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để cải thiện, nâng cao điểm số và thứ hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh.

14. Tăng cường các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại của công dân. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Ủy ban nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh; các cấp, các ngành, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả nghị quyết này.

Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận phối hợp giám sát và tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân triển khai thực hiện nghị quyết.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan căn cứ nghị quyết thực hiện.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu khóa X, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 19 tháng 12 năm 2021./.

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lữ Văn Hùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.