• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 22/01/2005
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 06/2005/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bạc Liêu, ngày 5 tháng 1 năm 2005

THÔNG TƯ

Hướng dẫn phương pháp xây dựng định mức lao động trong các công ty nhà nước

theo Nghị định số 206/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ

 

Thi hành Nghị định số 206/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định Quản lý lao động, tiền lương và thu nhập trong các công ty nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn phương pháp xây dựng định mức lao động như sau:

 

I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Phạm vi và đối tượng áp dụng các quy định tại Thông tư này là các công ty hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhà nước, bao gồm:

1. Công ty nhà nước:

a) Tổng công ty nhà nước:

- Tổng công ty nhà nước được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995 và Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003;

- Tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập (Tổng công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con);

- Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

b) Công ty nhà nước độc lập.

2. Công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập.

Các Tổng công ty, công ty nêu trên được gọi tắt là công ty.

II. NGUYÊN TẮC

1. Các sản phẩm, dịch vụ đều phải có định mức lao động. Khi thay đổi kỹ thuật, công nghệ sản xuất, kinh doanh thì phải điều chỉnh định mức lao động.

2. Định mức lao động tổng hợp cho đơn vị sản phẩm (kể cả sản phẩm quy đổi) hoặc theo định biên phải hình thành từ định mức nguyên công (nguyên công công nghệ, nguyên công phụ trợ, phục vụ), từ định biên của từng bộ phận và lao động quản lý.

Đối với định mức lao động tổng hợp cho đơn vị sản phẩm thì trong quá trình tình toán, xây dựng định mức phải căn cứ vào các thông số kỹ thuật quy định cho sản phẩm, quá trình công nghệ sản xuất sản phẩm, chế độ làm việc của thiết bị, kết hợp với những kinh nghiệm tiên tiến có điều kiện áp dụng rộng rãi và các yêu cầu về chấn chỉnh tổ chức sản xuất, tổ chức lao động và quản lý.

3. Khi xây dựng định mức lao động tổng hợp thì không được tính hao phí lao động làm sản phẩm phụ, sửa chữa lớn máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công trình xây dựng cơ bản, chế tạo, lắp đặt thiết bị. Những hao phí lao động cho các loại công việc này được xây dựng định mức lao động tổng hợp riêng.

4. Khi xây dựng định mức lao động tổng hợp, công ty đồng thời phải xác định độ phức tạp lao động và cấp bậc công việc bình quân theo phương pháp bình quân gia quyền.

III. PHƯƠNG PHÁP

Căn cứ vào kỹ thuật, quy trình công nghệ, tổ chức lao động và mặt hàng sản xuất, kinh doanh, công ty lựa chọn một trong hai phương pháp xây dựng định mức lao động tổng hợp sau:

1. Phương pháp định mức lao động tổng hợp cho đơn vị sản phẩm (hoặc sản phẩm quy đổi):

Mức lao động tổng hợp tính theo công thức sau:

Tsp = Tcn + Tpv + Tql

Trong đó:

Tsp: Mức lao động tổng hợp cho đơn vị sản phẩm (đơn vị tính là giờ - người/đơn vị sản phẩm);

- Tcn: Mức lao động công nghệ;

- Tpv: Mức lao động phụ trợ, phục vụ

- Tql: Mức lao động quản lý

Tcn, Tpv , và Tql xác định như sau:

a) Mức lao động công nghệ (Tcn): được tính bằng tổng thời gian lao động thực hiện các nguyên công công nghệ sản xuất sản phẩm trong điều kiện tổ chức, kỹ thuật xác định.

b) Mức lao động phụ trợ, phục vụ (Tpv): được tính bằng tổng thời gian thực hiện các nguyên công phụ trợ, phục vụ sản xuất sản phẩm trong điều kiện tổ chức, kỹ thuật xác định. Tpv tính từ mức thời gian phụ trợ, phục vụ theo từng nguyên công hoặc tính bằng tỷ lệ % so với Tcn.

c) Mức lao động quản lý (Tql): được tính bằng tổng thời gian lao động quản lý sản xuất sản phẩm. Tql tính từ quỹ thời gian lao động quản lý hoặc tính bằng tỷ lệ % so với mức lao động công nghệ cộng với mức lao động phụ trợ, phục vụ (Tcn + Tpv).

Cách tính cụ thể các thông số Tcn, Tpv, Tql và tính quy đổi sản phẩm theo hướng dẫn tại điểm 4, điểm 5, mục 1 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Phương pháp định mức lao động tổng hợp theo định biên:

Mức lao động tổng hợp tính theo công thức sau:

Ldb = Lch + Lpv + Lbs + Lql

Trong đó:

- Ldb: Lao động định biên của công ty (đơn vị tính là người).

- Lch: Lao động chính định biên;

- Lpv: Lao động phụ trợ, phục vụ định biên;

- Lbs: Lao động bổ sung định biên để thực hiện chế độ ngày, giờ nghỉ theo quy định của pháp luật lao động đối với lao động chính và lao động phụ trợ, phục vụ;

- Lql: Lao động quản lý định biên.

Lch, Lpv, Lbs, Lql xác định như sau:

a) Lao động chính định biên (Lch): được tính theo số lao động chính định biên hợp lý của từng bộ phận tổ, đội, phân xưởng, chi nhánh, cửa hàng hoặc tổ chức tương đương trong đơn vị thành viên của công ty. Lao động chính định biên của từng bộ phận được xác định trên cơ sở nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, khối lượng công việc cân đối với các điều kiện về tổ chức sản xuất và tổ chức lao động.

b) Lao động phụ trợ, phục vụ định biên (Lpv): được tính theo số lao động phụ trợ, phục vụ định biên của từng bộ phận tổ, đội, phân xưởng, chi nhánh, cửa hàng hoặc tổ chức tương đương trong đơn vị thành viên của công ty. Trên cơ sở khối lượng công việc phụ trợ, phục vụ, quy trình công nghệ sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động của từng bộ phận trong công ty, tính Lpv bằng định biên hoặc tỷ lệ (%) so với Lch.

c) Lao động bổ sung định biên (Lbs): được tính đối với công ty khi xác định lao động chính định biên và lao động phụ trợ, phục vụ định biên chưa tính đến số lao động bổ sung để thực hiện chế độ ngày, giờ nghỉ theo quy định của pháp luật lao động đối với lao động chính và lao động phụ trợ, phục vụ. Lbs được tính như sau:

- Đối với công ty không làm việc vào ngày lễ, tết và ngày nghỉ hàng tuần thì lao động bổ sung định biên tính như sau:

 

Lbs = (Lch + Lpv) x

Số ngày nghỉ chế độ theo quy định

-------------------------------------------

(365 - 60)

 

Số ngày nghỉ chế độ theo quy định của pháp luật lao động, bao gồm:

+ Số ngày nghỉ hàng năm được hưởng lương tính bình quân trong năm cho 1 lao động chính và phụ trợ, phục vụ định biên;

+ Số ngày nghỉ việc riêng được hưởng lương tính bình quân trong năm cho 1 lao động chính và phụ trợ, phục vụ định biên theo thống kê kinh nghiệm của năm trước liền kề;

+ Số giờ làm việc hàng ngày được rút ngắn đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (quy đổi ra ngày) tính bình quân trong năm cho 1 lao động chính và phụ trợ, phục vụ định biên;

+ Thời gian nghỉ thai sản tính bình quân trong năm cho 1 lao động chính và phụ trợ, phục vụ định biên.

- Đối với công ty có những nghề, công việc đòi hỏi phải làm việc liên tục các ngày trong năm thì lao động bổ sung định biên tính như sau:

 

Lbs

=

(Lch + Lpv)

x

Số ngày nghỉ chế độ

theo quy định

-------------------------

(365 - 60)

 

+

Số lao động định biên

làm nghề, công việc đòi hỏi phải làm việc vào ngày lễ, tết và nghỉ hàng tuần

x

60

------------

(365 - 60)

 

d) Lao động quản lý định biên (Lql): được tính bằng tổng số lao động quản lý định biên của công ty. Đối tượng lao động quản lý của công ty xác định theo tiết c, điểm 1, mục I của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của công ty:

a) Căn cứ hướng dẫn tại Thông tư này, công ty có trách nhiệm tổ chức xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung hệ thống mức lao động (mức chi tiết và mức tổng hợp) đang áp dụng cho phù hợp. Đối với những mức lao động chi tiết mới xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung công ty phải áp dụng thử tối đa không quá 3 tháng, sau đó mới đưa vào áp dụng chính thức.

b) Hàng năm, công ty phải đánh giá tình hình thực hiện hệ thống mức lao động để hoàn thiện nâng cao chất lượng mức. Nếu mức lao động thực tế thực hiện thấp hơn 5% hoặc cao hơn 15% so với mức được giao thì trong thời hạn 3 tháng, công ty phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

c) Khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung và áp dụng thử hệ thống mức lao động, công ty phải tham khảo ý kiến Ban Chấp hành công đoàn công ty và công bố công khai trong công ty.

2. Trách nhiệm của Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Hướng dẫn các công ty thuộc quyền quản lý xây dựng và hoàn thiện hệ thống mức lao động để đưa vào áp dụng phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động của công ty;

b) Kiểm tra việc xây dựng, thực hiện mức lao động trong các công ty theo quy định của pháp luật lao động.

3. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện phương pháp định mức lao động cho phù hợp với tình hình thực tế và quá trình hiện đại hóa công nghệ sản xuất, kinh doanh;

b) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc xây dựng, thực hiện mức lao động trong các công ty nhà nước theo quy định của pháp luật lao động.

V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 14/LĐTBXH-TT ngày 10 tháng 04 năm 1997 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn phương pháp xây dựng định mức lao động đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Các quy định tại Thông tư này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2005.

2. Quỹ Hỗ trợ phát triển, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang áp dụng chế độ tiền lương như đối với công ty nhà nước quy định tại Quyết định số 17/2000/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2000, Quyết định số 88/2001/QĐ-TTg ngày 05 tháng 06 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ áp dụng quy định tại Thông tư này.

3. Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác được vận dụng quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và công ty nhà nước phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Hằng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.