NGHỊ ĐỊNH
Về việc lập và hoạt động của văn phòng đại diện của các tổ chức hợp tác,
nghiên cứu của nước ngoài tại Việt Nam
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,
NGHỊ ĐỊNH:
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Nghị định này quy định việc lập và hoạt động của Văn phòng đại diện của các tổ chức hợp tác, nghiên cứu nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là Văn phòng đại diện).
Việc lập và hoạt động của văn phòng đại diện của tổ chức văn hoá, giáo dục nước ngoài tại Việt Nam không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này và được thực hiện theo các quy định của Nghị định số 18/2001/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ quy định về lập và hoạt động của các cơ sở văn hoá, giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 2. Tổ chức hợp tác, nghiên cứu nước ngoài quy định tại Nghị định này là đơn vị trực thuộc Bộ, ngành hoặc chính quyền địa phương của nước ngoài, tiến hành các hoạt động phi lợi nhuận tại Việt Nam nhằm hỗ trợ hợp tác, quản lý các chương trình, dự án và nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường, y tế, xã hội (sau đây gọi là tổ chức nước ngoài) với các đối tác là Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam (sau đây gọi là cơ quan chủ quản phía Việt Nam).
Điều 3. Văn phòng đại diện làm đại diện cho tổ chức nước ngoài trong quan hệ với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, trong việc xúc tiến xây dựng, đôn đốc và giám sát việc thực hiện các dự án, chương trình hợp tác về các lĩnh vực chuyên môn của Tổ chức nước ngoài ở Việt Nam. Tổ chức nước ngoài có thể lập một hoặc nhiều Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Điều 4. Văn phòng đại diện chỉ được hoạt động sau khi được Bộ Ngoại giao của Việt Nam cấp Giấy phép.
CHƯƠNG II
ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC CẤP, SỬA ĐỔI, GIA HẠN
VÀ THU HỒI GIẤY PHÉP LẬP VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
Điều 5. Tổ chức nước ngoài được cấp Giấy phép lập Văn phòng đại diện khi có đủ các điều kiện sau:
1. Có điều lệ, tôn chỉ, mục đích hoạt động rõ ràng, phù hợp với lĩnh vực hợp tác, nghiên cứu với Cơ quan chủ quản phía Việt Nam.
2. Có chương trình, dự án hợp tác, nghiên cứu dài hạn từ 5 năm trở lên tại Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt.
3. Có tư cách pháp nhân theo pháp luật của nước nơi Tổ chức nước ngoài đặt trụ sở chính.
4. Được Bộ, ngành hoặc chính quyền địa phương nước ngoài phụ trách cho phép lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Điều 6. Hồ sơ xin lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam gồm:
1. Văn bản đề nghị lập Văn phòng đại diện của Tổ chức nước ngoài tại Việt Nam với những nội dung chính sau:
a. Tên của Tổ chức nước ngoài, nơi đặt trụ sở chính; tên Bộ, ngành hoặc chính quyền địa phương phụ trách;
b. Sơ lược về lịch sử phát triển, chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức nước ngoài, những hoạt động hợp tác đã và đang triển khai ở các nước khác trong khu vực và trên thế giới;
c. Chương trình, dự án và kế hoạch hoạt động tại Việt Nam với thời hạn từ 5 năm trở lên;
d. Lý do lập Văn phòng đại diện, địa điểm đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam, dự kiến số người nước ngoài và người Việt Nam làm việc tại Văn phòng đại diện.
đ. Cam kết về việc Văn phòng đại diện và nhân viên Văn phòng đại diện phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, không có bất kỳ hoạt động sinh lợi nào hoặc bất kỳ hoạt động nào khác nằm ngoài chương trình dự án hợp tác đã được cơ quan chủ quản phía Việt Nam phê duyệt.
2. Điều lệ hoặc Quy chế hoạt động của Tổ chức nước ngoài.
3. Văn bản của Bộ, ngành hoặc chính quyền địa phương nước ngoài phụ trách cho phép Tổ chức nước ngoài lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam; văn bản xác nhận tư cách pháp nhân của Tổ chức nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi đặt trụ sở chính cấp.
4. Văn kiện chương trình, dự án đã được Cơ quan chủ quản phía Việt Nam phê duyệt.
5. Tiểu sử của người dự kiến được cử làm Trưởng Văn phòng đại diện và Thư giới thiệu hoặc quyết định bổ nhiệm làm Trưởng văn phòng đại diện tại Việt Nam của người đứng đầu Bộ, ngành hoặc chính quyền địa phương phụ trách tổ chức nước ngoài.
Điều 7. Tổ chức nước ngoài xin lập Văn phòng đại diện phải nộp 03 bộ hồ sơ cho Bộ Ngoại giao. Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Ngoại giao xem xét cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép lập Văn phòng đại diện cho tổ chức nước ngoài (sau đây gọi là Giấy phép). Trong trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Bộ Ngoại giao sẽ trả lời Tổ chức nước ngoài bằng văn bản.
Bộ Ngoại giao quy định chi tiết nội dung Giấy phép lập Văn phòng đại diện của Tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 8. Trình tự cấp Giấy phép được thực hiện như sau:
1. Bộ ngoại giao gửi công văn kèm theo hồ sơ xin lập Văn phòng đại diện của Tổ chức nước ngoài cho Cơ quan chủ quản phía Việt Nam và các cơ quan liên quan để xin ý kiến. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được Công văn của Bộ Ngoại giao, các cơ quan được xin ý kiến phải trả lời bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao.
2. Bộ Ngoại giao xem xét cấp Giấy phép cho Văn phòng đại diện sau khi tham khảo ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan. Trong trường hợp có ý kiến khác nhau, Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Khi cấp Giấy phép cho Văn phòng đại diện, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan chủ quản, các Bộ, cơ quan liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi Văn phòng đại diện đặt trụ sở để các cơ quan biết và thực hiện chức năng quan lý nhà nước đối với hoạt động của Văn phòng đại diện.
Điều 9. Thời hạn Giấy phép được quy định trên cơ sở đề nghị của Tổ chức nước ngoài nhưng không vượt quá thời hạn hoạt động của các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu của Tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Nếu có nhu cầu gia hạn, tổ chức nước ngoài làm đơn gửi Bộ Ngoại giao ít nhất 30 ngày trước khi Giấy phép hết hạn.
Điều 10. Khi có nhu cầu sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Giấy phép đã được cấp, Tổ chức nước ngoài phải có văn bản đề nghị gửi Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao cần tham khảo ý kiến của cơ quan chủ quản phía Việt Nam và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi Văn phòng đại diện đặt trụ sở. Nếu chấp thuận việc sửa đổi, bổ sung, Bộ Ngoại giao ghi nội dung bổ sung vào Giấy phép đã cấp hoặc cấp Giấy phép mới cho Văn phòng đại diện. Nếu không chấp thuận việc sửa đổi, bổ sung, Bộ Ngoại giao có văn bản thông báo cho Văn phòng đại diện. Việc sửa đổi, bổ sung giấy phép nêu tại điều nà được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày Bộ Ngoại giao nhận được văn bản đề nghị của Tổ chức nước ngoài.
Điều 11. Giấy phép lập Văn phòng đại diện sẽ bị thu hồi trong trường hợp Văn phòng đại diện, Tổ chức nước ngoài có hoạt động không phù hợp với Giấy phép được cấp, vi phạm các quy định của Nghị định này và các quy định liên quan khác của pháp luật Việt Nam hoặc chương trình, dự án hoạt động tại Việt Nam bị chấm dứt trước thời hạn.
Điều 12. Ttrong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được thông báo chấm dứt hoạt động, Văn phòng đại diện phải hoàn thành xong mọi thủ tục liên quan đến các khoản nợ, tiền thuế, tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội, tiền thuê nhà, các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có), thanh lý tài sản, thanh lý hợp đồng, hoàn trả Giấy phép, huỷ con dấu và gửi báo cáo bằng văn bản đến Bộ Ngoại giao và cơ quan chủ quản phía Việt Nam. Trong trường hợp được Bộ Ngoại giao và cơ quan chủ quản phía Việt Nam đồng ý, thời hạn này có thể được kéo dài, nhưng không quá một năm.
CHƯƠNG III
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
Điều 13. Các quyền lợi
1. Quyền lợi của Văn phòng đại diện:
a. Sau khi được cấp Giấy phép, Văn phòng đại diện được phép thuê trụ sở, nhà ở và được tuyển dụng người làm việc theo các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam;
b. Văn phòng đại diện được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam, được mở tài khoản chuyên chi (bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ);
c. Việc sử dụng con dấu của Văn phòng đại diện được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về quản lý và sử dụng con dấu;
d. Các trang thiết bị, xe ô tô cần thiết cho hoạt động của Văn phòng đại diện được miễn thuế nhập khẩu theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
2. Trưởng Văn phòng đại diện và nhân viên là người nước ngoài của Văn phòng đại diện được hưởng các ưu đãi về thuế theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam áp dụng đối với cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Điều 14. Các nghĩa vụ và trách nhiệm
1. Hoạt động của Văn phòng đại diện tại Việt Nam phải theo đúng nội dung, phạm vi hoạt động đã quy định trong Giấy phép được cấp.
2. Trưởng Văn phòng đại diện chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Văn phòng đại diện và của Tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, có trách nhiệm định kỳ sáu tháng và hàng năm báo cáo bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao và cơ quan chủ quản phía Việt Nam về tình hình hoạt động của tổ chức đó tại Việt Nam, đồng thời có trách nhiệm báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải thích những vấn đề liên quan tới hoạt động của tổ chức mình cho Bộ Ngoại giao, cơ quan chủ quản phía Việt Nam khi được yêu cầu.
3. Nhân viên nước ngoài của Văn phòng đại diện:
a. Thực hiện đúng mục đích nhập cảnh Việt Nam, không được tiến hành các hoạt động sinh lợi hoặc bất kỳ hoạt động nào khác không liên quan đến việc thực hiện chương trình, dự án được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt hoặc không được quy định trong Giấy phép;
b. Không tiến hành các hoạt động chuyên môn kỹ thuật khác nếu chưa được cơ quan chủ quản phía Việt Nam chấp thuận bằng văn bản;
c. Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và tôn trọng các phong tục và tập quán của Việt Nam. Mọi hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của nhân viên Văn phòng đại diện sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
CHƯƠNG IV
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 15. Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì, giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về hoạt động của Văn phòng đại diện của Tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 16. Cơ quan chủ quản phía Việt Nam có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các hoạt động của Văn phòng đại diện và hàng năm có báo cáo gửi Bộ Ngoại giao về tình hình hoạt động của Văn phòng đại diện của Tổ chức nước ngoài thuộc lĩnh vực mình quản lý. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của Văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 17. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Văn phòng đại diện đặt trụ sở có trách nhiệm quản lý hoạt động của các Văn phòng đại diện theo chức năng, thẩm quyền quản lý nhà nước của mình.
CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Trên cơ sở các quy định của Nghị định này, Cơ quan chủ quản phía Việt Nam ký văn bản thoả thuận với từng Tổ chức nước ngoài có nhu cầu lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam để quy định chi tiết về nội dung hợp tác, quy mô, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của Văn phòng đại diện của Tổ chức nước ngoài, số nhân viên nước ngoài làm việc cho Văn phòng đại diện, số lượng cụ thể về trang thiết bị, xe ô tô cho Văn phòng đại diện và đồ dùng cá nhân của nhân viên nước ngoài được phép tạm nhập, tái xuất miễn thuế, phù hợp với hoàn cảnh và tính chất đặc thù của lĩnh vực hoạt động của Tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Trước khi ký kết, cơ quan chủ quản phía Việt Nam có trách nhiệm tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan.
Điều 19. Các tổ chức nước ngoài đã được Chính phủ Việt Nam cho phép lập Văn phòng đại diện trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động theo Giấy phép đã được cấp, nhưng phải bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, căn cứ theo các quy định của Nghị định này.
Điều 20. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Điều 21. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.