• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 23/02/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 21/07/2004
CHÍNH PHỦ
Số: 17/2002/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bạc Liêu, ngày 8 tháng 2 năm 2002

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 77/CP ngày 29 tháng 11 năm 1996

của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng

và quản lý lâm sản

_____________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 12 tháng 8 năm 1991;

Căn cứ Bộ Luật Hình sự năm 1999;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 77/CP ngày 29 tháng 11 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản sau đây:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:

"Điều 4. Phá rừng trái phép là hành vi chặt, phát đốt rừng và mọi hành vi vi phạm khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được phép nhưng làm không đúng giấy phép quy định, gây thiệt hại ở từng loại rừng thì bị xử phạt theo các mức như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Phá rừng sản xuất đến 0,02 ha.

b) Phá rừng phòng hộ đến 0,01 ha.

c) Phá rừng đặc dụng đến 0,007 ha hoặc quy ra hiện vật, giá trị cụ thể như sau:

Gỗ thông thường đến 0,2 m3 tròn.

Củi đến 1 Ster.

Lâm sản khác có giá trị đến 100.000 đồng (theo giá thị trường địa phương).

2. Phạt tiền từ trên 200.000 đồng đến 500.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Phá rừng sản xuất từ trên 0,02 ha đến 0,1 ha.

b) Phá rừng phòng hộ từ trên 0,01 ha đến 0,05 ha.

c) Phá rừng đặc dụng từ trên 0,007 ha đến 0,03 ha hoặc quy ra hiện vật, giá trị cụ thể như sau:

Gỗ thông thường từ trên 0,2 m3 đến 0,5 m3 gỗ tròn.

Củi từ trên 1 Ster đến 4 Ster.

Lâm sản khác có giá trị từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng (theo giá thị trường địa phương).

3. Phạt tiền từ trên 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Phá rừng sản xuất từ trên 0,1 ha đến 0,2 ha.

b) Phá rừng phòng hộ từ trên 0,05 ha đến 0,1 ha.

c) Phá rừng đặc dụng từ trên 0,03 ha đến 0,07 ha hoặc quy ra hiện vật, giá trị cụ thể như sau:

Gỗ thông thường từ trên 0,5 m3 đến 1 m3 gỗ tròn.

Gỗ quý hiếm đến 0,5 m3 gỗ tròn.

Củi từ trên 4 Ster đến 10 Ster.

Lâm sản khác có giá trị từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng (theo giá thị trường địa phương).

4. Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Phá rừng sản xuất từ trên 0,2 ha đến 0,3 ha.

b) Phá rừng phòng hộ từ trên 0,1 ha đến 0,2 ha.

c) Phá rừng đặc dụng từ trên 0,07 ha đến 0,1 ha hoặc quy ra hiện vật, giá trị cụ thể như sau:

Gỗ thông thường từ trên 1 m3 đến 5 m3 gỗ tròn.

Gỗ quý hiếm từ trên 0,5 m3 đến 2 m3 gỗ tròn.

Củi từ trên 10 Ster đến 25 Ster.

Lâm sản khác có giá trị từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (theo giá thị trường địa phương).

5. Phạt tiền từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Phá rừng sản xuất từ trên 0,3 ha đến 0,5 ha.

b) Phá rừng phòng hộ từ trên 0,2 ha đến 0,3 ha.

c) Phá rừng đặc dụng từ trên 0,1 ha đến 0,2 ha hoặc quy ra hiện vật, giá trị như sau:

Gỗ thông thường từ trên 5 m3 đến 8 m3 gỗ tròn.

Gỗ quý hiếm từ trên 2 m3 đến 4 m3 gỗ tròn.

Củi từ trên 25 Ster đến 30 Ster.

Lâm sản khác có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (theo giá thị trường địa phương).

6. Người có hành vi vi phạm quy định tại Điều này, ngoài việc bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, còn bị phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp:

a) Tịch thu lâm sản, phương tiện, công cụ đã được sử dụng để vi phạm hành chính.

b) Buộc trồng lại rừng hoặc chịu chi phí trồng lại rừng.

7. Việc tịch thu lâm sản, phương tiện, công cụ đã được sử dụng để vi phạm hành chính quy định tại Điểm a, Mục 6, Khoản 1, Điều này thực hiện theo quy định tại Mục 12, Khoản 9, Điều 1 của Nghị định này. "

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:

"Điều 5. Khai thác rừng trái phép là hành vi chặt cây rừng, thu hái lâm sản không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc vi phạm quy định về quản lý khai thác rừng thì bị xử phạt khi có một trong các hành vi vi phạm sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Khai thác trái phép lâm sản ở rừng sản xuất:

Gỗ thông thường đến 0,5 m3 gỗ tròn.

Củi đến 2 Ster.

Lâm sản khác có giá trị đến 300.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

b) Khai thác trái phép lâm sản ở rừng phòng hộ:

Gỗ thông thường đến 0,3m3 gỗ tròn.

Củi đến 1 Ster.

Lâm sản khác có giá trị đến 200.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

2. Phạt tiền từ trên 200.000 đồng đến 500.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Khai thác trái phép lâm sản ở rừng sản xuất:

Gỗ thông thường từ trên 0,5 m3 đến 1 m3 gỗ tròn.

Củi từ trên 2 Ster đến 8 Ster.

Lâm sản khác có giá trị từ trên 300.000 đồng đến 1.500.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

b) Khai thác trái phép lâm sản ở rừng phòng hộ:

Gỗ thông thường từ trên 0,3 m3 đến 0,7 m3 gỗ tròn.

 Củi từ trên 1 Ster đến 5 Ster.

Lâm sản khác có giá trị từ trên 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

3. Phạt tiền từ trên 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Khai thác trái phép lâm sản ở rừng sản xuất:

Gỗ thông thường: từ trên 1 m3 đến 3 m3 gỗ tròn.

Gỗ quý hiếm đến 1 m3 gỗ tròn.

Củi từ trên 8 Ster đến 20 Ster.

Lâm sản khác có giá trị từ trên 1.500.000 đồng đến 6.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

b) Khai thác trái phép lâm sản ở rừng phòng hộ:

Gỗ thông thường từ trên 0,7 m3 đến 2 m3 gỗ tròn.

Gỗ quý hiếm đến 0,7 m3 gỗ tròn.

Củi từ trên 5 Ster đến 15 Ster.

- Lâm sản khác có giá trị từ trên 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

4. Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Khai thác trái phép lâm sản ở rừng sản xuất:

Gỗ thông thường từ trên 3 m3 đến 10 m3 gỗ tròn.

Gỗ quý hiếm từ trên 1 m3 đến 4 m3 gỗ tròn.

Củi từ trên 20 Ster đến 30 Ster.

Lâm sản khác có giá trị từ trên 6.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

b) Khai thác trái phép lâm sản ở rừng phòng hộ:

Gỗ thông thường từ trên 2 m3 đến 6 m3 gỗ tròn.

Gỗ quý hiếm từ trên 0,7 m3 đến 3 m3 gỗ tròn.

Củi từ trên 15 Ster đến 25 Ster.

- Lâm sản khác có giá trị từ trên 4.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

5. Phạt tiền từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Khai thác trái phép lâm sản ở rừng sản xuất:

Gỗ thông thường từ trên 10 m3 đến 15 m3 gỗ tròn.

Gỗ quý hiếm từ trên 4 m3 đến 7 m3 gỗ tròn.

Củi từ trên 30 Ster đến 50 Ster.

Lâm sản khác có giá trị từ trên 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

b) Khai thác trái phép lâm sản ở rừng phòng hộ:

Gỗ thông thường từ trên 6m3 đến 10m3 gỗ tròn.

Gỗ quý hiếm từ trên 3 m3 đến 5 m3 gỗ tròn.

Củi từ trên 25 Ster đến 40 Ster.

Lâm sản khác có giá trị từ trên 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

6. Trường hợp khai thác trái phép cây rừng còn non không tính được khối lượng từng cây bằng m3 thì đo diện tích bị chặt phá và chuyển sang xử lý theo hành vi "phá rừng trái phép" quy định tại Khoản 1, Điều 1 của Nghị định này; nếu khai thác cây phân tán không tính được diện tích bị chặt phá, thì mới đo gộp số cây bị chặt phá tính bằng Ster, quy ra m3 và tuỳ theo loại gỗ mà xử phạt theo quy định tại các Mục 1, 2, 3, 4, 5 của Khoản 2, Điều 1, của Nghị định này.

7. Người có hành vi vi phạm khai thác lâm sản có từ 2 loại gỗ (thông thường và quý hiếm), tổng khối lượng vượt quá mức tối đa đối với gỗ thông thường quy định tại Điểm a, b, Mục 5, Khoản 2, Điều 1 của Nghị định này thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

8. Người có hành vi vi phạm quy định tại Điều này, ngoài việc bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, còn bị phạt bổ sung, áp dụng các biện pháp sau:

a) Thu hồi giấy phép khai thác lâm sản.

b) Tịch thu lâm sản, phương tiện, công cụ sử dụng để vi phạm hành chính.

c) Buộc trồng lại rừng hoặc chịu chi phí trồng lại rừng.

9. Việc thu hồi giấy phép khai thác lâm sản quy định tại Điểm a, Mục 8, Khoản 2 Điều 1 của Nghị định này, do người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính ra quyết định thu hồi.

Việc tịch thu lâm sản, phương tiện, công cụ sử dụng để vi phạm hành chính: quy định tại Điểm b, Mục 8, Khoản 2, Điều 1 của Nghị định này, thực hiện theo quy định tại Mục 12, Khoản 9, Điều 1 của Nghị định này. "

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

"Điều 6. Hành vi phát đốt rừng trái phép ngoài vùng quy định để làm nương rẫy gây thiệt hại ở từng loại rừng thì bị xử phạt như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Phát đốt rừng sản xuất đến 0,1 ha.

b) Phát đốt rừng phòng hộ đến 0,05 ha.

c) Phát đốt rừng đặc dụng đến 0,02 ha.

2. Phạt tiền từ trên 200.000 đồng đến 500.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Phát đốt rừng sản xuất từ trên 0,1 ha đến 0,3 ha.

b) Phát đốt rừng phòng hộ từ trên 0,05 ha đến 0,1 ha.

c) Phát đốt rừng đặc dụng từ trên 0,02 ha đến 0,05 ha.

3. Phạt tiền từ trên 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Phát đốt rừng sản xuất từ trên 0,3 ha đến 0,5 ha.

b) Phát đốt rừng phòng hộ từ trên 0,1 ha đến 0,2 ha.

c) Phát đốt rừng đặc dụng từ trên 0,05 ha đến 0,1 ha.

4. Người có hành vi vi phạm quy định tại Điều này ngoài việc bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, còn bị phạt bổ sung áp dụng các biện pháp sau:

a) Tịch thu lâm sản, phương tiện, công cụ được sử dụng để vi phạm hành chính.

b) Buộc trồng lại rừng hoặc chịu chi phí trồng lại rừng.

5. Việc tịch thu lâm sản, phương tiện, công cụ được sử dụng để vi phạm hành chính quy định tại Điểm a, Mục 4, Khoản 3 Điều này thực hiện theo quy định tại Mục 12, Khoản 9, Điều 1 của Nghị định này."

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:

"Điều 7. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng là hành vi vi phạm những quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng hoặc gây cháy rừng thì bị xử phạt như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Đốt lửa trong rừng đã có quy định cấm.

b) Mang chất nổ, chất dễ cháy vào rừng đã có quy định cấm.

c) Ném, xả tàn lửa vào rừng đã có quy định cấm.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi chủ rừng vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng.

3. Phạt tiền từ trên 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi có một trong các hành vi vi phạm gây thiệt hại diện tích của từng loại rừng như sau:

a) Rừng sản xuất đến 0,2 ha.

b) Rừng phòng hộ đến 0,1 ha.

c) Rừng đặc dụng đến 0,05 ha.

4. Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi có một trong các hành vi vi phạm gây thiệt hại diện tích của từng loại rừng như sau:

a) Rừng sản xuất từ trên 0, 2 ha đến 0,5 ha.

b) Rừng phòng hộ từ trên 0,1 ha đến 0,3 ha.

c) Rừng đặc dụng từ trên 0,05 ha đến 0,2 ha.

5. Phạt tiền từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi có một trong các hành vi vi phạm gây thiệt hại diện tích của từng loại rừng như sau:

a) Rừng sản xuất từ trên 0,5 ha đến 1 ha.

b) Rừng phòng hộ từ trên 0, 3 ha đến 0, 5 ha.

c) Rừng đặc dụng từ trên 0, 2 ha đến 0, 3 ha.

6. Người có hành vi vi phạm quy định tại Điều này ngoài việc bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền còn bị buộc trồng lại rừng hoặc chịu chi phí trồng lại rừng."

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

"Điều 8. Vi phạm quy định về phòng, trừ sâu bệnh hại rừng là hành vi của chủ rừng không chấp hành đầy đủ các biện pháp về phòng trừ sâu, bệnh hại rừng thì bị xử phạt như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Chủ rừng không tổ chức kiểm tra phát hiện kịp thời có sâu, bệnh hại rừng.

b) Chủ rừng khi phát hiện sâu, bệnh có nguy cơ hại rừng không tổ chức diệt trừ, không báo cáo kịp thời cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

2. Phạt tiền từ trên 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với chủ rừng sử dụng thuốc trừ sâu bệnh hại rừng không đúng trong danh mục Nhà nước quy định.

3. Người có hành vi vi phạm quy định tại Điều này, ngoài việc bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, còn bị buộc khắc phục hậu quả do sâu, bệnh gây ra."

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:

"Điều 9. Chăn thả trái phép gia súc vào rừng là hành vi chăn thả gia súc vào các khu rừng đã có quy định cấm chăn thả gia súc thì bị xử phạt như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi chăn thả gia súc vào rừng mới dặm cây con, rừng mới trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh rừng đặc dụng đã có quy định cấm chăn thả gia súc.

2. Người có hành vi vi phạm quy định tại Điều này, ngoài việc bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, còn buộc trồng lại rừng hoặc chịu chi phí trồng lại rừng."

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:

"Điều 10. Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã là hành vi săn bắt, giết, mua, bán, tàng trữ, nuôi nhốt, vận chuyển, sử dụng động vật hoang dã quý hiếm và động vật hoang dã thông thường (kể cả sản phẩm của các loài động vật đó) có nguồn gốc từ tự nhiên mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được phép nhưng đã vi phạm các quy định về chế độ quản lý động vật hoang dã thì bị xử phạt như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có giấy phép săn bắt, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b) Sử dụng phương pháp, công cụ có tính hủy diệt: súng, chất độc, chất nổ, xung điện, lưới, băng ghi âm, ... để săn bắt.

2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ trên 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Săn bắt động vật hoang dã tại khu vực cấm săn bắt.

b) Săn bắt động vật hoang dã trong thời gian cấm săn bắt (mùa sinh sản).

3. Phạt tiền từ trên 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm săn bắt, mua, bán, tàng trữ, nuôi nhốt, vận chuyển, sử dụng động vật hoang dã quý hiếm và động vật hoang dã thông thường (kể cả sản phẩm của các loài động vật đó) như sau:

a) Động vật hoang dã thông thường có giá trị đến 10.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

b) Động vật hoang dã quý hiếm (nhóm IIB) có giá trị đến 5.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

c) Côn trùng có số lượng mẫu từ 50 mẫu đến 500 mẫu.

4. Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm săn bắt, giết, mua, bán, tàng trữ, nuôi nhốt, vận chuyển, sử dụng động vật hoang dã quý hiếm và động vật hoang dã thông thường (kể cả sản phẩm của các loài động vật đó) như sau:

a) Động vật hoang dã thông thường có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

b) Động vật hoang dã quý hiếm (nhóm IIB) có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

c) Côn trùng có số lượng mẫu từ trên 500 mẫu đến 1.000 mẫu.

5. Phạt tiền từ trên 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm săn bắt, giết, mua, bán, tàng trữ, nuôi nhốt, vận chuyển, sử dụng động vật hoang dã quý hiếm và động vật hoang dã thông thường (kể cả sản phẩm của các loài động vật đó) như sau:

a) Động vật hoang dã thông thường có giá trị từ trên 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

b) Động vật hoang dã quý hiếm (nhóm IIB) có giá trị từ trên 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

c) Côn trùng có số lượng mẫu từ trên 1.000 mẫu đến 2.000 mẫu.

6. Phạt tiền từ trên 35.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm săn bắt, giết, mua, bán, tàng trữ, nuôi nhốt, vận chuyển, sử dụng động vật hoang dã quý hiếm và động vật hoang dã thông thường (kể cả sản phẩm của các loài động vật đó) sau:

a) Động vật hoang dã thông thường có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

b) Động vật hoang dã quý hiếm (nhóm IIB) có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

c) Côn trùng có số lượng mẫu từ trên 2.000 mẫu đến 3.000 mẫu.

7. Người điều khiển phương tiện hoặc chủ phương tiện sử dụng phương tiện vào việc vận chuyển động vật hoang dã trái phép, thì áp dụng hình thức xử lý quy định tại các Mục 1, 2, 3, 10, Khoản 9, Điều 1 của Nghị định này.

8. Người có hành vi vi phạm quy định tại Điều này, ngoài việc bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền còn bị phạt bổ sung áp dụng các biện pháp sau:

a) Tước quyền sử dụng các loại giấy phép săn bắt, vận chuyển, giấy đăng ký kinh doanh động vật hoang dã.

b) Tịch thu tang vật, phương tiện, công cụ được sử dụng để vi phạm hành chính.

c) Thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh, các cửa hàng ăn uống đặc sản có các loại thức ăn từ sản phẩm thịt các loại động vật hoang dã, quý hiếm và động vật hoang dã thông thường (có nguồn gốc từ tự nhiên).

9. Việc thu hồi các loại giấy phép quy định tại Điểm a và Điểm c, Mục 8, khoản 7 của Điều này thực hiện như sau:

Đối với các loại giấy tờ không phải do cơ quan Kiểm lâm cấp thì cơ quan Kiểm lâm xử lý vi phạm phải lập biên bản, chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ra quyết định thu hồi. Đối với loại giấy do cơ quan Kiểm lâm cấp thì cơ quan Kiểm lâm tỉnh ra quyết định thu hồi.

Việc tịch thu tang vật, phương tiện, công cụ được sử dụng để vi phạm hành chính quy định tại Điểm b, Mục 8, Khoản 7, Điều này thực hiện theo quy định tại Mục 12, Khoản 9, Điều 1 của Nghị định này."

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:

"Điều 11. Gây thiệt hại đất rừng là hành vi đào, bới, nổ mìn, san ủi lấy đất, đá, đào đắp ngăn nguồn sinh thuỷ, tháo nước, xả chất độc hại vào đất rừng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì bị xử phạt như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đào, bới, nổ mìn, gây thiệt hại đất rừng.

2. Phạt tiền từ trên 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi san ủi, lấy đất, đá đào đắp ngăn nguồn sinh thuỷ, tháo nước, gây mất cân bằng tự nhiên, huỷ hoại môi trường sinh thái rừng.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm: xả chất độc hại, chôn vùi chất độc hại, để chất độc hại vào đất rừng.

4. Người có hành vi vi phạm quy định tại Điều này, ngoài việc bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, còn bị phạt bổ sung áp dụng biện pháp sau:

a) Tịch thu phương tiện, công cụ sử dụng để vi phạm hành chính, thực hiện theo quy định tại Mục 12, Khoản 9, Điều 1 của Nghị định này.

b) Buộc khắc phục hậu quả hoặc chịu chi phí để khắc phục hậu quả.

c) Nếu gây thiệt hại rừng thì còn bị xử lý theo Khoản 1, Điều 1 của Nghị định này.

9. Điều 12 được sửa đổi, bổ sung và chia thành hai điều như sau:

"Điều 12a. Vận chuyển trái phép lâm sản là hành vi của người điều khiển phương tiện hoặc chủ phương tiện vận chuyển lâm sản thông thường hoặc lâm sản quý hiếm cho mình hoặc chở thuê cho người khác mà không có chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật hoặc có chứng từ hợp pháp nhưng vận chuyển sai kích thước, sai chủng loại, vượt khối lượng (theo tỷ lệ quy định) so với chứng từ vận chuyển lâm sản thì bị xử phạt như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi vận chuyển trái phép lâm sản của người điều khiển phương tiện hoặc chủ phương tiện thô sơ, xe súc vật kéo để vận chuyển trái phép lâm sản.

2. Phạt tiền từ trên 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển trái phép lâm sản của người điều khiển hoặc chủ phương tiện như: xe công nông, xe ô tô, tầu hoả, tầu thuỷ, xe gắn máy hoặc thuyền, bè.

3. Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển trái phép lâm sản có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng biển số giả hoặc không có giấy đăng ký do cơ quan có thẩm quyền cấp.

b) Làm xe hai ngăn, hai đáy, hai mui để cất giấu lâm sản.

c) Sử dụng xe con, xe du lịch, xe chở khách, xe chuyên dùng khác để vận chuyển trái phép lâm sản.

d) Lợi dụng chở hàng hoá, cất giấu lâm sản dưới hàng hoá.

4. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu chủ lâm sản tổ chức, tham gia vận chuyển lâm sản có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Gỗ thông thường đến 0,5 m3 gỗ tròn.

b) Gỗ quý hiếm đến 0,1 m3 gỗ tròn.

c) Củi đến 3 Ster.

d) Lâm sản khác có giá trị đến 1.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

5. Phạt tiền từ trên 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu chủ lâm sản tổ chức, tham gia vận chuyển lâm sản có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Gỗ thông thường từ trên 0,5 m3 đến 2 m3 gỗ tròn.

b) Gỗ quý hiếm từ trên 0,1 đến 1 m3 gỗ tròn.

c) Củi từ trên 3 Ster đến 15 Ster.

d) Lâm sản khác có giá trị từ trên 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

6. Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu chủ lâm sản tổ chức, tham gia vận chuyển lâm sản có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Gỗ thông thường từ trên 2 m3 đến 10 m3 gỗ tròn.

b) Gỗ quý hiếm từ trên 1 m3 đến 4 m3 gỗ tròn.

c) Củi từ trên 15 Ster đến 30 Ster.

d) Lâm sản khác có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

7. Phạt tiền từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu chủ lâm sản tổ chức, tham gia vận chuyển lâm sản có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Gỗ thông thường từ trên 10 m3 đến 15 m3 gỗ tròn.

b) Gỗ quý hiếm từ trên 4 m3 đến 7 m3 gỗ quy tròn.

c) Củi từ trên 30 Ster đến 50 Ster.

d) Lâm sản khác có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

8. Phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu chủ lâm sản tổ chức, tham gia vận chuyển lâm sản có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Gỗ thông thường từ trên 15 m3 đến 20 m3 gỗ tròn.

b) Gỗ quý hiếm từ trên 7 m3 đến 10 m3 gỗ tròn.

c) Củi từ trên 50 Ster đến 60 Ster.

d) Lâm sản khác có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

9. Chủ lâm sản tổ chức, tham gia vận chuyển lâm sản có hành vi vi phạm mà có từ 2 loại gỗ (thông thường và quý hiếm) quy định ở Điểm a, b, Mục 8, Khoản 9 của Điều này, tổng khối lượng vượt quá mức tối đa quy định tại Điểm a, Mục 8, Khoản 9 của Điều này thì phải chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự.

10. Trường hợp chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vận chuyển trái phép lâm sản không chứng minh được chủ lâm sản thì xử lý chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện với vai trò là chủ lâm sản.

11. Người có hành vi vi phạm quy định tại Điều này ngoài việc bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền còn bị phạt bổ sung áp dụng các biện pháp sau đây:

a) Thu hồi giấy phép vận chuyển lâm sản đặc biệt, giấy phép vận chuyển động vật hoang dã.

b) Tịch thu gỗ, lâm sản và phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

12. Việc thu hồi giấy phép vận chuyển lâm sản đặc biệt, thu hồi giấy phép vận chuyển động vật hoang dã quy định tại Điểm a, Mục 11, Khoản 9 Điều này và tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính quy định tại Điểm b, Mục 11, Khoản 9 Điều này, do người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính ra quyết định xử lý theo quy định hiện hành.

Việc tịch thu gỗ và lâm sản quy định tại Điểm b, Mục 11, Khoản 9, Điều này xử lý như sau:

Nếu gỗ và lâm sản thu giữ tại rừng của các chủ rừng (Lâm trường quốc doanh, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân), sau khi đã có biên bản hồ sơ xử lý đầy đủ của cơ quan Kiểm lâm thì phải giao trả cho chủ rừng. Chủ rừng có trách nhiệm trích tỷ lệ lập quỹ chống chặt phá rừng và chống buôn lậu lâm sản chuyển giao cơ quan Kiểm lâm theo quy định hiện hành.

Nếu gỗ và lâm sản thu giữ không xác định được nguồn gốc, không hợp pháp, không xác định được người vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ra quyết định tịch thu, xử lý theo quy định hiện hành. "

10. Bổ sung Điều 12b như sau:

"Điều 12b. Mua, bán trái phép lâm sản, bao gồm các hành vi mua, bán, tàng trữ lâm sản thông thường, lâm sản quý hiếm không có chứng từ, chứng minh lâm sản hợp pháp hoặc có chứng từ mua, bán hợp pháp nhưng sai kích thước, sai chủng loại, vượt số lượng, vượt khối lượng (theo tỷ lệ quy định) so với chứng từ mua, bán lâm sản hợp pháp thì bị xử phạt như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người tham gia mua, bán lâm sản nếu có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Gỗ thông thường đến 1 m3 gỗ tròn.

b) Gỗ quý hiếm đến 0,2 m3 gỗ tròn.

c) Củi đến 5 Ster.

d) Lâm sản khác có giá trị đến 1.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

2. Phạt tiền từ trên 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người tham gia mua, bán lâm sản nếu có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Gỗ thông thường từ trên 1m3 đến 5 m3 gỗ tròn.

b) Gỗ quý hiếm từ trên 0,2 m3 đến 1 m3 gỗ tròn.

c) Củi từ trên 5 Ster đến 20 Ster.

d) Lâm sản khác có gía trị từ trên 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

3. Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người tham gia mua, bán lâm sản nếu có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Gỗ thông thường từ trên 5 m3 đến 10 m3 gỗ tròn.

b) Gỗ quý hiếm từ trên 1 m3 đến 4 m3 gỗ tròn.

c) Củi từ trên 20 Ster đến 40 Ster.

d) Lâm sản khác có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

4. Phạt tiền từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người tham gia mua, bán lâm sản nếu có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Gỗ thông thường từ trên 10 m3 đến 18 m3 gỗ tròn.

b) Gỗ quý hiếm từ trên 4 m3 đến 8 m3 gỗ tròn.

c) Củi từ trên 40 Ster đến 60 Ster.

d) Lâm sản khác có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

5. Phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người tham gia mua, bán lâm sản nếu có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Gỗ thông thường từ trên 18 m3 đến 25 m3 gỗ tròn.

b) Gỗ quý hiếm từ trên 8 m3 đến 12 m3 gỗ tròn.

c) Củi từ trên 60 Ster đến 70 Ster.

d) Lâm sản khác có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (theo giá thị trường ở địa phương).

6. Người tham gia mua, bán lâm sản có hành vi vi phạm, mà có từ 2 loại gỗ (thông thường và quý hiếm) quy định ở Điểm a, b, Mục 5, Khoản 10, Điều này, tổng khối lượng vượt quá mức tối đa quy định tại Điểm a Mục 5, Khoản 10, Điều này thì phải chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự.

7. Người có hành vi vi phạm quy định tại Điều này ngoài việc bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền còn bị phạt bổ sung áp dụng biện pháp sau đây:

Tịch thu lâm sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, thực hiện theo quy định tại Mục 12, Khoản 9, Điều 1 của Nghị định này. "

11. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:

"Điều 13. Vi phạm về chế biến gỗ và lâm sản:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm khi gia công chế biến gỗ, lâm sản cho khách hàng mà không có chứng từ xác nhận nguồn gốc gỗ, lâm sản hợp pháp.

2. Trường hợp kiểm tra gỗ và lâm sản đưa vào chế biến không có chứng từ chứng minh nguồn gốc khai thác, mua bán hợp pháp thì xử lý theo quy định tại Khoản 10, Điều 1 của Nghị định này.

3. Người có hành vi vi phạm quy định tại Điều này ngoài phạt tiền còn bị tịch thu lâm sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Thực hiện theo quy định tại Mục 12, Khoản 9, Điều 1 của Nghị định này."

12. Sửa đổi, bổ sung Điều 23 như sau:

"Điều 23. Nguyên tắc xử phạt:

1. Người có thẩm quyền xử phạt, sau khi xác định hành vi, mức độ vi phạm phải căn cứ vào các quy định tại khoản 5 Điều 3 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các khoản 1, 2 Điều 3 của Nghị định số 77/CP ngày 29 tháng 11 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản để xem xét, giải quyết hình thức và mức độ xử phạt thích hợp.

2. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

a) Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt từng hành vi vi phạm.

b) Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

Nếu các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của cấp nào thì cấp đó quyết định xử phạt. Nếu trong các hành vi vi phạm có một hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền của cấp trên thì chuyển toàn bộ hồ sơ lên cấp trên để xử lý.

Việc quyết định xử phạt áp dụng các thủ tục theo quy định tại Điều 48 của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính."

13. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và 2, Điều 25 như sau:

"1. Lâm sản khai thác, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển không có chứng từ chứng minh nguồn gốc khai thác, mua bán hợp pháp hoặc có chứng từ hợp pháp nhưng sai kích thước, sai chủng loại, vượt số lượng, khối lượng, so với chứng từ thì bị tịch thu xử lý theo quy định tại Mục 12, Khoản 9, Điều 1 của Nghị định này.

2. Các phương tiện được sử dụng để vận chuyển trái phép lâm sản trong các trường hợp vi phạm sau đây (kể cả phương tiện thuộc sở hữu Nhà nước), bị xử lý tịch thu theo quy định tại Mục 12, Khoản 9, Điều 1 của Nghị định này.

a) Vi phạm có tổ chức, vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm, chống người thi hành công vụ, cố ý vượt trạm Kiểm lâm.

b) Vận chuyển thực vật, động vật hoang dã quý hiếm và thực vật, động vật hoang dã thông thường (có nguồn gốc từ tự nhiên).

c) Sử dụng biển số xe giả, xe không có giấy đăng ký của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, làm xe hai ngăn, hai đáy, hai mui để cất giấu lâm sản, lợi dụng chở hàng hoá cất giấu gỗ và lâm sản."

14. Sửa đổi, bổ sung Điều 29 như sau:

"Điều 29. Khiếu nại, tố cáo:

1. Tổ chức, cá nhân bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính quy định tại các Điều 38, 39, 41, 42, 43, 44 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, có quyền khiếu nại với cơ quan đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi vi phạm hành chính, khi người khiếu nại có căn cứ cho rằng: việc ra quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Mọi công dân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước về những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.

3. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo phải căn cứ vào Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản pháp luật có liên quan để giải quyết."

Điều 2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thi hành Nghị định này.

Điều 3. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các Điều: từ Điều 4 đến Điều 13, khoản 1, 2 của Điều 25 và Điều 29 Nghị định số 77/CP ngày 29 tháng 11 năm 1996 hết hiệu lực thi hành.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.