• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/11/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 27/03/2014
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 63/2011/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bạc Liêu, ngày 30 tháng 9 năm 2011

THÔNG TƯ

Hướng dẫn công tác thi đua và khen thưởng trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

_______________________________

 

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ;

Căn cứ Luật Thi đua khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Căn cứ Thông tư số 02/2011/TT-BNV ngày 24/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị  định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn công tác thi đua và khen thưởng trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện công tác thi đua và công tác khen thưởng trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tập thể, cá nhân, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty 91, Sở Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn, các Hội, Hiệp hội hoạt động trong các lĩnh vực thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia các phong trào thi đua, có đóng góp cho sự nghiệp phát triển Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc thi đua

1. Thi đua được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác, công khai; đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển;

2. Tập thể, cá nhân tham gia phong trào thi đua phải đăng ký thi đua, không đăng ký thi đua không được xem xét, công nhận các danh hiệu thi đua.

3. Thi đua phải được duy trì thường xuyên. Nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu, các biện pháp tổ chức phong trào thi đua phải thiết thực, cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị gắn với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành và từng tổ chức, cơ quan, đơn vị đó.

Điều 4. Nguyên tắc khen thưởng

Khen thưởng phải được thực hiện chính xác, công khai, công bằng, kịp thời, đúng thành tích (thành tích đến đâu khen thưởng đến đó). Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; kết hợp chặt chẽ giữa động viên tinh thần với khuyến khích vật chất.

Chú ý khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp.

Chương II

CÔNG TÁC THI ĐUA

Điều 5. Mục tiêu thi đua

Tạo động lực khuyến khích, động viên và thu hút mọi cá nhân, tập thể trong từng cơ quan, đơn vị, trong toàn ngành và các tầng lớp nhân dân thi đua lao động sáng tạo, vượt qua những khó khăn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển Nông nghiệp, nông thôn.

Điều 6. Các hình thức thi đua

1. Thi đua thường xuyên

Là hình thức thi đua do Bộ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, các Tổng công ty 91, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, các Hội, Hiệp hội và các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (gọi chung là đơn vị) căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức phát động phong trào thi đua và được tổ chức thực hiện hàng năm.

2. Thi đua theo đợt (hoặc thi đua theo chuyên đề)

Là hình thức thi đua nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất theo từng giai đoạn và thời gian được xác định; nội dung có tính chất chuyên môn, ngành nghề.

Được phát động khi đã xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, chỉ tiêu thi đua và thời gian hoàn thành.

Có thể tổ chức phong trào thi đua quy mô ở một đơn vị, một công trình xây dựng, một lĩnh vực công tác, hoặc toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nội dung phong trào thi đua phải thiết thực, cách làm sáng tạo, có sức lôi cuốn các tập thể, cá nhân tích cực tham gia. Tên phong trào thi đua phải ngắn gọn, dễ nhớ.

Công tác khen thưởng chỉ thực hiện khi tiến hành sơ, tổng kết phong trào thi đua, chủ yếu áp dụng hình thức khen thưởng ở cấp phát động thi đua (Giấy khen, Bằng khen). Các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề có thời gian từ 05 năm trở lên, có thành tích đặc biệt xuất sắc mới đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen hoặc Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (chủ yếu khen thưởng cho đối tượng người lao động trực tiếp sản xuất, công tác).

Điều 7. Nội dung tổ chức phong trào thi đua

1. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên hoặc đột xuất của ngành, lĩnh vực, của địa phương, đơn vị trong từng giai đoạn để phát động phong trào thi đua.

2. Xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng và nội dung thi đua để xây dựng chỉ tiêu thi đua, thời gian và giải pháp tổ chức thực hiện.

3. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất công việc, đối tượng tham gia của địa phương, đơn vị để tổ chức phát động phong trào thi đua cho phù hợp; tại lễ phát động, tổ chức đăng ký thi đua và ký giao ước thi đua.

4. Tổ chức tuyên truyền để duy trì và đẩy mạnh phong trào, nhằm khuyến khích, thu hút đông đảo cá nhân, tập thể tham gia, phát hiện và nhân rộng nhân tố mới.

5. Lựa chọn tổ chức chỉ đạo điểm phong trào thi đua để rút kinh nghiệm, nhân rộng. Chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện phong trào thi đua.

6. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả, tác dụng, những tồn tại, hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục đẩy mạnh hoặc chuẩn bị nội dung và các điều kiện cần thiết để phát động phong trào thi đua mới.

7. Xét chọn tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc để khen thưởng, đề nghị cấp trên khen thưởng và chú trọng công tác tổ chức tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến, nhân tố mới.

Điều 8. Thành lập Khối thi đua, Cụm thi đua

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong các lĩnh vực công tác có tính chất công việc giống nhau hoặc tương đối giống nhau, có tính đến yếu tố địa lý vùng, Bộ phân chia khối thi đua, cụm thi đua để tổ chức ký giao ước thi đua. Hàng năm, mỗi khối/cụm thi đua căn cứ vào kết quả thực hiện các phong trào thi đua xét chọn từ 03 - 04 đơn vị dẫn đầu (đối với khối có trên 10 đơn vị) và từ 02-03 đơn vị dẫn đầu (đối với khối có từ 10 đơn vị trở xuống) đề nghị Bộ trưởng tặng Cờ thi đua của Bộ và lựa chọn 20% đơn vị xuất sắc nhất trong số các đơn vị được tặng Cờ Bộ để đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ (trừ khối Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn).

(Quy định tại phụ lục 1 kèm theo thông tư này)

Điều 9. Hoạt động của Khối thi đua và ký kết giao ước thi đua

Hoạt động của Khối thi đua do Trưởng khối và Phó Trưởng khối thực hiện theo cơ chế luân phiên.

1. Tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua; sơ kết, tổng kết phong trào thi đua hàng năm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ tổ chức phong trào thi đua của khối; trao đổi kinh nghiệm, xây dựng các mô hình mới, các điển hình tiên tiến trong khối; tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các thành viên và đẩy mạnh phong trào thi đua trong khối.

2. Bình chọn, suy tôn đơn vị có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong khối để đề nghị xét tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua việc xem xét, đánh giá hiệu quả tổ chức, hoạt động của phong trào thi đua và tự đánh giá, chấm điểm theo quy định.

3. Hàng năm, Khối trưởng Khối thi đua chủ động phối hợp với Khối phó và các thành viên trong khối chuẩn bị nội dung, tổ chức Lễ ký kết giao ước thi đua trong tháng 01 và tổng kết khối vào đầu tháng 11, chấm điểm xếp hạng, suy tôn các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong khối để trình Bộ xét đề nghị tặng Cờ thi đua của Bộ trước ngày 30/11 hàng năm (các khối cũng có thể thống nhất kết hợp tổ chức một lần vào dịp tổng kết khối đầu tháng 11).

4. Quy trình tổ chức ký giao ước thi đua

a) Thủ  trưởng đơn vị (hoặc Trưởng Khối phối hợp với Phó Trưởng khối) chuẩn bị nội dung, kế hoạch tổ chức phát động thi đua, chủ trì ký giao ước thi đua.

b) Đối với tập thể, giao ước thi đua hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, Tập thể lao động tiên tiến. Phạm vi giao ước thi đua tổ chức giữa các đơn vị trong 01 (một) khối thi đua.

c) Đối với cá nhân, giao ước thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao, đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Phạm vi giao ước thi đua đối với cá nhân, tổ chức trong nội bộ đơn vị cơ sở (từ cấp tổ, đội, phòng, khoa, phân xưởng…).

Điều 10. Thẩm quyền phát động phong trào thi đua

1. Cấp Bộ: Bộ trưởng ban hành Chỉ thị, văn bản chỉ đạo hoặc trực tiếp phát động phong trào thi đua thường xuyên, thi đua theo đợt, theo chuyên đề.

2. Cấp cơ sở: Thủ trưởng đơn vị căn cứ Chỉ thị của Bộ trưởng và chức năng nhiệm vụ được giao, tổ chức phát động phong trào thi đua ở đơn vị mình, đề ra chỉ tiêu, giải pháp thực hiện và thời gian hoàn thành cho từng phong trào, hướng vào việc giải quyết nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất ở cơ sở.

Chương III

CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG

Điều 11. Quy định chung về công tác khen thưởng

1. Quy định chung:

a) Cấp nào quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, quỹ lương thì cấp đó có trách nhiệm khen thưởng và trình cấp trên xét khen thưởng.

b) Đối với các Hội, Hiệp hội hoạt động trong các lĩnh vực thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ khen thưởng hoặc trình cấp trên xét khen thưởng.

c) Đối với các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh: cấp nào quyết định cổ phần hoá, quyết định thành lập hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho tổ chức đó thì cấp đó trình khen thưởng; kể cả các Tổng công ty, Công ty đã chuyển giao phần vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước quản lý.

d) Cấp nào chủ trì phát động các đợt thi đua theo đợt, theo chuyên đề, khi tổng kết đợt phát động thì cấp đó khen thưởng hoặc trình cấp trên xét khen thưởng. Việc khen thưởng chủ yếu là tự khen thưởng ở cấp mình, trường hợp thành tích đặc biệt xuất sắc, có tác dụng lớn thì đề nghị cấp trên xét khen thưởng.

e) Trong một năm, không trình hai hình thức khen thưởng cấp nhà nước cho một đối tượng, trừ các trường hợp khen thưởng thành tích đột xuất. Các trường hợp đề nghị tặng thưởng Huân chương có tiêu chuẩn liên quan đến “Bằng khen Thủ tướng Chính phủ”, thì sau 2 năm được tặng “Bằng khen Thủ tướng Chính phủ” mới đề nghị xét tặng Huân chương.

2. Tuyến trình khen thưởng:

Tuyến trình khen thưởng được thực hiện theo nguyên tắc: cấp trên chỉ tổ chức xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng khi nhận được hồ sơ đề nghị khen thưởng của cấp dưới trực tiếp. Không nhận hồ sơ gửi vượt cấp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ xét khen thưởng hoặc đề nghị Nhà nước xét khen thưởng khi nhận được đầy đủ hồ sơ thủ tục theo quy định từ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam,  Tổng công ty 91, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội, Hiệp hội hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Điều 12. Thẩm quyền xét, đề nghị và quyết định khen thưởng của Bộ trưởng

1. Xét trình Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương các loại, Anh hùng Lao động, Chiến sỹ thi đua toàn quốc cho các cá nhân, đơn vị trực thuộc Bộ, các Hội, Hiệp hội hoạt động trong các lĩnh vực thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Quyết định:

- Công nhận danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” cho các đơn vị trực thuộc Bộ (trừ Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, các Tổng công ty nhà nước);

- Tặng Cờ thi đua của Bộ cho các đơn vị thuộc các khối thi đua, cụm thi đua;

- Tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, Bằng khen của Bộ trưởng, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam.

3. Hiệp y khen thưởng theo đề nghị của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

4. Giao Thủ trưởng các cơ  quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, các Tổng công ty 91, Chủ tịch các Hội, Hiệp hội quyết định khen thưởng và đề nghị khen thưởng theo thẩm quyền được quy định tại Luật thi đua, khen thưởng; đối với các Vụ, Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp, Đảng uỷ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên uỷ quyền cho thủ trưởng đơn vị quyết định.

Chỉ đạo, hướng dẫn các Trưởng khối thi đua tổ chức chấm điểm thi đua, xét trình Bộ tặng Cờ cho các đơn vị của khối.

5. Giao Tổng cục trưởng, Cục trưởng nhận xét về chuyên môn, tổng hợp đề xuất, chấm điểm thi đua đối với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh trên cơ sở các tiêu chuẩn thi đua (quy định tại Mẫu số 12, phụ lục 3 của Thông tư này); Xác nhận thành tích khen thưởng thuộc lĩnh vực quản lý, xét và trình khen thưởng đột xuất cho tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quản lý bảo vệ, phòng, chống cháy rừng; những tập thể, cá nhân đóng góp có hiệu quả về tinh thần, vật chất cho sự phát triển của ngành;

6. Luân phiên giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (là Khối trưởng, Phó Trưởng khối thi đua các (07) vùng sinh thái trong toàn quốc).

Điều 13. Điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng Bằng khen của Bộ trưởng

1. Đối với cá nhân: Liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 02 năm; trường hợp là lãnh đạo đơn vị phải kèm theo giấy xác nhận nộp thuế đối với đơn vị có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định; yêu cầu đơn vị trình phải có văn bản công nhận sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu… được xét tặng đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở trong 02 năm của Hội đồng xét duyệt sáng kiến cấp cơ sở của đơn vị.

2. Đối với tập thể: Liên tục đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 02 năm, kèm theo giấy xác nhận nộp thuế đối với những đơn vị có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định.

3. Hồ sơ thủ tục: Thực hiện theo Điều 16 của Thông tư này.

Điều 14. Hội đồng sáng kiến

Hội đồng sáng kiến các cấp (Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở và cấp Bộ) có nhiệm vụ xem xét, đánh giá và quyết định công nhận sáng kiến, giải pháp công tác, các đề xuất trong đề tài nghiên cứu khoa học của các cá nhân trong đơn vị.

Quyết định công nhận của Hội đồng sáng kiến được đơn vị gửi trong hồ sơ đề nghị Hội đồng Thi đua, Khen thưởng cấp Bộ xét, trình Bộ trưởng công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, hoặc đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc.

1. Hội đồng sáng kiến cấp Bộ

Hội đồng sáng kiến cấp Bộ do Bộ trưởng quyết định thành lập gồm 07 hoặc 09 thành viên với các thành phần sau đây:

- Chủ tịch: Thứ trưởng phụ trách khoa học của Bộ hoặc Thứ trưởng phụ trách thi đua khen thưởng Bộ.

- Phó chủ tịch: Phó chủ tịch Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Bộ;

- Các ủy viên: Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;

- Thư ký: Lãnh đạo Phòng Thi đua, khen thưởng, Vụ Tổ chức cán bộ.

Bộ trưởng quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.

2. Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở

Hội đồng sáng kiến cơ sở do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định thành lập gồm 03 hoặc 05 thành viên với thành phần sau đây:

- Chủ tịch: Là Thủ trưởng cơ quan, đơn vị;

- Thành phần Hội đồng gồm những thành viên có trình độ quản lý chuyên môn, kỹ thuật, có năng lực đánh giá, thẩm định các sáng kiến cải tiến hoặc các giải pháp, đề tài trong quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Thủ trưởng đơn vị quyết định ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng.

Chương IV

QUY TRÌNH, THỦ TỤC, HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG

Điều 15. Quy trình xét Khen thưởng

Việc xét khen thưởng thực hiện theo:

- Quy chế làm việc của Hội đồng Thi đua khen thưởng Bộ, Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Bộ; Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương và Quy chế làm việc của Hội đồng xét tặng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam.

- Quy chế làm việc của Bộ.

Điều 16. Hồ sơ khen thưởng

1. Khen thưởng thi đua thường xuyên:

Thành phần hồ sơ gồm:

- Tờ trình của Thủ trưởng đơn vị (mẫu số 1);

- Biên bản họp Hội đồng thi đua khen thưởng của đơn vị (mẫu số 2);

- Báo cáo thành tích của đối tượng được đề nghị khen thưởng (mẫu số 3, 4);

- Báo cáo tóm tắt thành tích và bảng tổng hợp (tại các mẫu số 11, 12, 13, 14, 15 đối với hình thức đề nghị khen thưởng Cờ Thi đua); báo cáo tóm tắt về nội dung các đề tài, sáng kiến, kinh nghiệm, các giải pháp trong công tác và quản lý đem lại hiệu quả thiết thực được Hội đồng Khoa học, sáng kiến cấp Bộ, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công nhận đối với danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp Bộ (01 bản), Chiến sĩ Thi đua toàn quốc (02 bản);

- Xác nhận của Cục Thuế cấp tỉnh, thành phố về việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách đối với các doanh nghiệp, cá nhân (Chủ tịch Hội đồng thành viên; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc). Số năm xác nhận thuế tương ứng với số năm trong báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân. Số liệu báo cáo trong thành tích phải khớp với số liệu xác nhận nộp thuế của Cục thuế tỉnh, thành phố, với nội dung: xác nhận số tiền thuế và các khoản thu khác thực tế đã nộp trong năm so với đăng ký; tỷ lệ % về số nộp ngân sách nhà nước so với năm trước; đã nộp đủ, đúng các loại thuế, các khoản thu khác theo quy định và nộp đúng hạn.

2. Khen thưởng thi đua theo đợt, theo chuyên đề:

Thành phần hồ sơ gồm:

- Tờ  trình của Thủ trưởng đơn vị và danh sách kèm theo (mẫu số 1);

- Biên bản họp Hội đồng thi đua khen thưởng đơn vị (mẫu số 2);

- Báo cáo tổng kết phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề của đơn vị;

- Báo cáo thành tích và báo cáo tóm tắt thành tích của tập thể, cá nhân đạt được trong phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề ((mẫu số 9).

3. Khen thưởng thành tích đột xuất:

Thành phần hồ sơ gồm:

- Tờ  trình của Thủ trưởng đơn vị và danh sách kèm theo (mẫu số 1);

- Biên bản họp Hội đồng Thi đua khen thưởng (mẫu số 2);

- Báo cáo tóm tắt tổng hợp thành tích của đơn vị quản lý trực tiếp các trường hợp đề nghị khen thưởng đột xuất (mẫu số 8).

4. Khen thưởng cán bộ lãnh đạo (từ cấp Cục, Vụ và tương đương trở lên) có quá trình cống hiến lâu dài trong các cơ  quan, tổ chức, đoàn thể.

Theo hướng dẫn của Ban Thi đua- khen thưởng Trung ương, hiện nay, Bộ xét để đề nghị khen thưởng cho cán bộ lãnh đạo có quá trình cống hiến lâu dài đã nghỉ hưu hoặc từ trần tại các đơn vị ( Vụ, Cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Ban Đổi mới và quản lý doanh nghiệp nông nghiệp, 13 Ban Quản lý Dự án thuộc Bộ, đảng uỷ Bộ, Công đoàn cơ quan Bộ).

Thành phần hồ sơ gồm:

- Tờ  trình của Thủ trưởng đơn vị; Biên bản họp Hội đồng thi đua khen thưởng của đơn vị (mẫu số 1);

- Biên bản họp Hội đồng Thi đua khen thưởng (mẫu số 2);

- Bản sao công chứng một trong các loại văn bản: Quyết định bổ nhiệm chức danh lãnh đạo đề nghị khen thưởng; quyết định nâng lương; sổ bảo hiểm xã hội hoặc lý lịch đảng viên;

- Bản sao xác nhận cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa (nếu có);

- Báo cáo quá trình cống hiến và báo cáo tóm tắt quá trình công tác của cá  nhân (mẫu số 5).

Điều 17. Số lượng Hồ sơ gửi về Bộ

- Cờ  thi đua của Bộ, Tập thể lao động xuất sắc, Chiến sỹ thi đua cấp Bộ và Bằng khen của Bộ trưởng: 01 bộ;

- Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 03 bộ;

- Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập, Chiến sỹ thi đua toàn quốc: 04 bộ;

- Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng: 08 bộ;

- Anh hùng Lao động: 25 bộ (05 bộ bản chính, 20 bộ photocopy).

Điều 18. Thời gian nhận hồ sơ, nơi nhận hồ sơ, thông báo kết quả

1. Thời gian nhận hồ sơ:

Hàng năm, Bộ nhận Báo cáo tổng kết thi đua trước ngày 30/01 và Tờ trình đề nghị khen thưởng của các đơn vị vào mốc thời gian quy định sau:

a) Khen thưởng thi đua thường xuyên

- Cờ thi đua của Bộ, Cờ thi đua của Chính phủ: trước ngày 30/11 (nếu chưa có số liệu báo cáo chính thức, đề nghị báo cáo số liệu ước thực hiện);

- Bằng khen của Bộ trưởng, Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, Tập thể lao động xuất sắc: trước ngày 28/02.

- Huân chương các loại, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Danh hiệu Anh hùng Lao động, Chiến sỹ thi đua toàn quốc trước: ngày 31/3;

b) Khen thưởng thi đua theo đợt, thi đua theo chuyên đề: thời gian nộp hồ sơ tương ứng với thời gian sơ, tổng kết phong trào thi đua được phát động.

c) Khen thưởng thành tích đột xuất: không qui định thời gian.

d) Khen thưởng khối trường: trước ngày 15/7.

đ) Kỷ niệm chương: mỗi năm tổ chức xét 2 đợt, đợt 1/5 và đợt 14/11 (ngày thành lập Bộ Canh nông, nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Không quy định thời gian nhận hồ sơ.

e) Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam: 02 năm tổ chức một lần, thời gian nhận hồ sơ chậm nhất là ngày 31/5 của năm tổ chức xét và trao Giải thưởng.

2. Thời gian thông báo kết quả:

a) Đối với các danh hiệu, hình thức khen thưởng cấp Bộ:

Sau 05 ngày làm việc kể từ khi ban hành Quyết định khen thưởng của Bộ trưởng, kết quả được thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ.

b) Đối với các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước: Sau 07 ngày làm việc, kể từ khi Bộ nhận được Quyết định khen thưởng của cấp có thẩm quyền, kết quả được thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ.

3. Nơi nhận hồ sơ:

Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 2 Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Chương V

QUỸ THI ĐUA KHEN THƯỞNG

Điều 19. Nguồn và mức trích quỹ

Nguồn hình thành Quỹ thi đua, khen thưởng: Từ dự toán chi ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị; từ các khoản đóng góp để làm Kỷ niệm chương, in Giấy chứng nhận, in Bằng khen của các đơn vị; từ khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho mục đích thi đua khen thưởng; từ các nguồn thu hợp pháp khác được phép trích lập quỹ thi đua khen thưởng.

Đối với các đơn vị dự toán thuộc Bộ: trích lập quỹ thi đua, khen thưởng chung của Bộ, bằng 0,6% quỹ tiền lương theo ngạch bậc của số cán bộ, công chức cơ quan Bộ trong biên chế và tiền công được duyệt cả năm (số biên chế do văn phòng trả lương) và mức trích nộp từ các đơn vị dự toán thuộc Bộ là 0,6% quỹ tiền lương và tiền công của công chức, viên chức tại các đơn vị.

Điều 20. Nguyên tắc quản lý, sử  dụng quỹ thi đua, khen thưởng

Đơn vị cơ sở nào trình khen thưởng, sau khi có quyết định khen thưởng của cơ quan có thẩm quyền, tự trích quỹ thi đua khen thưởng của đơn vị mình để trả tiền thưởng cho các tập thể, cá nhân của đơn vị đã được cấp trên khen thưởng;

Quỹ  thi đua, khen thưởng phải được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch, hàng năm phải báo cáo quyết toán tình hình sử dụng quỹ theo quy định hiện hành;

Số dư cuối năm chưa sử dụng hết của quỹ thi đua, khen thưởng được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng cho công tác thi đua, khen thưởng.

Điều 21. Nội dung chi từ quỹ  thi đua, khen thưởng

1. Quỹ thi đua, khen thưởng chung của Bộ:

Chi làm các hiện vật cho các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Bộ;

Chi tiền thưởng, làm hiện vật hoặc tặng phẩm lưu niệm kèm theo các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân thuộc diện khen thưởng đột xuất và khen thưởng đặc biệt do Bộ trưởng quyết định;

Chi tiền thưởng, làm hiện vật hoặc tặng phẩm lưu niệm kèm theo Kỷ niệm chương cho người Việt Nam ở  nước ngoài và người nước ngoài được Bộ trưởng ký quyết định;

Trích 20% trong tổng quỹ thi đua, khen thưởng chung của Bộ để chi cho công tác tổ chức, hướng dẫn chỉ  đạo phong trào thi đua, công tác khen thưởng; các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, trang thiết bị phục vụ công tác thi đua khen thưởng.

2. Quỹ thi đua, khen thưởng của các  đơn vị dự toán thuộc Bộ:

Chi tiền thưởng, làm hiện vật hoặc tặng phẩm lưu niệm kèm theo các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền khen thưởng của thủ trưởng đơn vị;

Chi tiền thưởng, làm hiện vật hoặc tặng phẩm lưu niệm kèm theo các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân do đơn vị trình khen thưởng, đã được cơ quan thẩm quyền cấp trên khen thưởng;

Chương VI

TỔ  CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị

Kiện toàn, Quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng thi đua khen thưởng của đơn vị; phân công lãnh đạo phụ trách, bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác Thi đua khen thưởng;

Thành lập Hội đồng xét duyệt sáng kiến cấp cơ sở. Thành phần Hội đồng gồm những thành viên có trình độ quản lý chuyên môn, kỹ thuật, có năng lực đánh giá, thẩm định các sáng kiến cải tiến hoặc các giải pháp, đề tài trong quản lý; tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Thực hiện theo thẩm quyền được qui định tại Điều 12 của Thông tư này.

Điều 23. Trách nhiệm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ

Tham mưu cho Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng trong toàn ngành theo qui định; đề xuất nội dung hoạt động của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Bộ, Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Bộ; tham mưu tổ chức hội nghị sơ, tổng kết phong trào thi đua và công tác khen thưởng, phát động các phong trào thi đua trong toàn ngành, theo đợt hoặc chuyên đề; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91; tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác thi đua, khen thưởng tại các đơn vị.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này thay thế cho Thông tư 75/2008/TT-BNN ngày 23/6/2008 về hướng dẫn tổ chức phong trào thi đua và xét khen thưởng hàng năm trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bãi bỏ Điều 2 Thông tư 22/2011/TT-BNNPTNT ngày 06/4/2011 sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, thi đua khen thưởng, quản lý đề tài khoa học theo Nghị quyết 57/NQCP ngày 15/12/2010.

2. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty 91, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Hội, Hiệp hội có liên quan nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện Thông tư này.

4. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề cần thông tin, trao đổi, hoặc đề xuất bổ sung, sửa đổi, đề nghị phản ánh về Bộ (qua Vụ tổ chức cán bộ) để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Đức Phát

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.