• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 11/10/2014
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 31/2014/TT-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bạc Liêu, ngày 16 tháng 9 năm 2014

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 54/2012/TT-BGDĐT

ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

quy định về cộng tác viên thanh tra giáo dục

______________

 

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh tra;

Căn cứ Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra;

Căn cứ Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra giáo dục;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2012/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về cộng tác viên thanh tra giáo dục.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2012/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về cộng tác viên thanh tra giáo dục như sau:

1. Khoản 1 Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Thông tư này quy định về cộng tác viên thanh tra giáo dục, bao gồm: tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách đãi ngộ; việc công nhận, cấp thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục; việc trưng tập cộng tác viên thanh tra giáo dục và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”.

2. Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Cộng tác viên thanh tra giáo dục bao gồm:

1. Cộng tác viên thanh tra giáo dục thường xuyên là công chức, viên chức trong ngành giáo dục, không thuộc biên chế của cơ quan thanh tra, có đủ tiêu chuẩn theo quy định, được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục, trưng tập làm nhiệm vụ thanh tra.

2. Cộng tác viên thanh tra giáo dục theo vụ việc là công chức, viên chức trong và ngoài ngành giáo dục, không thuộc biên chế của cơ quan thanh tra giáo dục, được trưng tập tham gia đoàn thanh tra theo vụ việc.”

3. Khoản 2 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Cộng tác viên thanh tra giáo dục thường xuyên phải có thêm các tiêu chuẩn sau:

a) Có thời gian công tác trong ngành giáo dục từ 5 năm trở lên;

b) Đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục; được đánh giá xếp loại khá trở lên theo chuẩn nghề nghiệp hoặc chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên đối với từng cấp học và trình độ đào tạo; được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác hàng năm (đối với các trường hợp không phải là giảng viên, giáo viên);

c) Đã được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên thanh tra giáo dục theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.”

4. Bổ sung Điều 3a sau Điều 3 như sau:

Điều 3a. Xây dựng cơ cấu cộng tác viên thanh tra giáo dục và cấp thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục

1. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo

a) Căn cứ vào nhiệm vụ thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ xây dựng cơ cấu, số lượng cộng tác viên thanh tra giáo dục thường xuyên là công chức, viên chức các đơn vị và cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ, trình Bộ trưởng phê duyệt.

b) Căn cứ cơ cấu, số lượng cộng tác viên thanh tra giáo dục thường xuyên đã được phê duyệt, các đơn vị và cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ gửi hồ sơ đề nghị công nhận cộng tác viên thanh tra giáo dục đến Thanh tra Bộ. Thanh tra Bộ tổng hợp trình Bộ trưởng ra quyết định công nhận và cấp thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục.

2. Đối với sở giáo dục và đào tạo

a) Căn cứ vào nhiệm vụ thanh tra, Chánh Thanh tra sở xây dựng cơ cấu, số lượng cộng tác viên thanh tra giáo dục thường xuyên là công chức, viên chức thuộc cơ quan sở, cơ sở giáo dục trực thuộc sở, phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, đảm bảo đủ thành phần ở các cấp học và trình độ đào tạo, trình Giám đốc sở phê duyệt.

b) Căn cứ cơ cấu, số lượng cộng tác viên thanh tra giáo dục thường xuyên đã được phê duyệt, phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị, cơ sở giáo dục trực thuộc sở giáo dục và đào tạo gửi hồ sơ đề nghị công nhận cộng tác viên thanh tra giáo dục đến Thanh tra sở. Thanh tra sở tổng hợp trình Giám đốc sở ra quyết định công nhận và cấp thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục.”

5. Bổ sung Điều 3b sau Điều 3a như sau:

“Điều 3b. Thời hạn công nhận và thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục

1. Thời hạn công nhận cộng tác viên thanh tra giáo dục là 03 năm.

2. Thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục có giá trị trong thời hạn công nhận. Hết thời hạn công nhận, cơ quan có thẩm quyền công nhận và cấp thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục theo quy định tại Khoản 1, khoản 2 Điều 9 Thông tư này.

Mẫu thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Cộng tác viên thanh tra giáo dục có trách nhiệm bảo quản thẻ cộng tác viên thanh tra, xuất trình thẻ cộng tác viên thanh tra khi có yêu cầu, sử dụng thẻ cộng tác viên thanh tra khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Nghiêm cấm sử dụng thẻ cộng tác viên thanh tra vào mục đích cá nhân. Trường hợp cộng tác viên thanh tra sử dụng thẻ thực hiện hành vi trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.”

6. Bổ sung Điều 3c sau Điều 3b như sau:

“Điều 3c. Thu hồi thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục

Cấp nào ra quyết định công nhận cộng tác viên thanh tra giáo dục thì cấp đó có thẩm quyền ra quyết định thu hồi và chịu trách nhiệm thu hồi thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục. Thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục phải thu hồi trong những trường hợp sau:

1. Cộng tác viên thanh tra giáo dục hết thời hạn công nhận hoặc chuyển đơn vị công tác;

2. Cộng tác viên thanh tra giáo dục không đủ năng lực hành vi dân sự, bị kỷ luật, bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”

7. Bổ sung Điều 3d sau Điều 3c như sau:

“Điều 3d. Hồ sơ và thời hạn cấp thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục

1. Hồ sơ đề nghị công nhận và cấp thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục gồm có: Danh sách đề xuất công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn cộng tác viên thanh tra giáo dục; 02 ảnh màu chân dung cỡ 02cm x 03cm và 01 bản chứng thực Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên thanh tra giáo dục của mỗi người có tên trong danh sách.

2. Trong thời gian 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của đơn vị, cơ sở giáo dục, cơ quan có thẩm quyền xem xét ra quyết định và cấp thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục.”

8. Điều 4 được sửa đổi như sau:

Điều 4. Trưng tập cộng tác viên thanh tra giáo dục

Việc trưng tập cộng tác viên thanh tra giáo dục thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ Quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra.”

9. Khoản 3 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Chấp hành quyết định trưng tập làm nhiệm vụ thanh tra; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khi tham gia Đoàn thanh tra theo quy định tại Điều 6 Thông tư này. Phát hiện và báo cáo kịp thời với cơ quan thanh tra về những hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tại địa phương, cơ sở”.

10. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 7. Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cộng tác viên thanh tra giáo dục

Cộng tác viên thanh tra giáo dục sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục hiện đang công tác, được hưởng chế độ, chính sách đãi ngộ khi tham gia Đoàn thanh tra (không bao gồm thanh tra các kỳ thi) như sau:

1. Đối với cộng tác viên thanh tra giáo dục là giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông: thời gian làm việc một buổi được thanh toán số tiền bằng 3 tiết (hoặc giờ dạy) định mức.

2. Đối với cộng tác viên thanh tra giáo dục là giáo viên, giảng viên ở các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp: thời gian làm việc một buổi được thanh toán số tiền bằng 1,5 giờ chuẩn giảng dạy.

3. Đối với cộng tác viên thanh tra giáo dục không phải là giáo viên, giảng viên: thời gian làm việc một buổi được thanh toán số tiền bằng 6 giờ định mức.”

11. Khoản 1 và khoản 2 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Kinh phí cho việc trưng tập cộng tác viên thanh tra thuộc cơ quan thanh tra nhà nước cấp nào thì do ngân sách nhà nước cấp đó bảo đảm.

2. Hằng năm, Thanh tra Bộ, Thanh tra sở giáo dục và đào tạo lập dự toán kinh phí trưng tập cộng tác viên thanh tra giáo dục gửi cơ quan tài chính cùng cấp. Cơ quan tài chính cùng cấp có trách nhiệm tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kinh phí trưng tập cộng tác viên thanh tra được cấp ngoài định mức khoán chi hành chính theo biên chế.”

12. Khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận và cấp thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục theo quy định tại Khoản 1 Điều 3a, Điều 3d và thu hồi thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục theo quy định tại Điều 3c Thông tư này.

2. Sở giáo dục và đào tạo quyết định công nhận và cấp thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục theo quy định tại Khoản 2 Điều 3a, Điều 3d và thu hồi thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục theo quy định tại Điều 3c Thông tư này.

3. Thanh tra Bộ, Thanh tra sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm:

a) Xây dựng cơ cấu, số lượng cộng tác viên thanh tra giáo dục thường xuyên.

b) Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, bảo đảm phương tiện làm việc, chi trả chế độ công tác phí và tiền bồi dưỡng cho cộng tác viên thanh tra theo quy định.

c) Trưng tập cộng tác viên thanh tra giáo dục theo quy định tại Điều 4 Thông tư này; nhận xét, đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ của cộng tác viên thanh tra giáo dục sau khi kết thúc vụ việc thanh tra và gửi Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp cộng tác viên thanh tra giáo dục.

13. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 10. Trách nhiệm của phòng giáo dục và đào tạo, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục quản lý cộng tác viên thanh tra

1. Phòng giáo dục và đào tạo có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ công chức, viên chức của phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện để đề xuất cấp có thẩm quyền tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, ra quyết định công nhận, cấp thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục, trưng tập tham gia đoàn thanh tra.

2. Cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục quản lý cộng tác viên thanh tra có trách nhiệm:

a) Cử công chức, viên chức tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên thanh tra giáo dục. Lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận và cấp thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục;

b) Bố trí sắp xếp thời gian, công việc hợp lý để công chức, viên chức, được trưng tập tham gia các đoàn thanh tra;

c) Sử dụng ý kiến nhận xét của cơ quan trưng tập cộng tác viên thanh tra giáo dục trong việc đánh giá, bình xét thi đua và thực hiện chế độ chính sách khác đối với công chức, viên chức.”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng 10 năm 2014.

2. Điều khoản chuyển tiếp

Tiêu chuẩn “Đã được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên thanh tra giáo dục theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành” quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 1 của Thông tư này được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc sở giáo dục và đào tạo; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Vinh Hiển

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.