• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 12/06/2004
BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 99/1998/TTLT/TCCP-BTC-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bạc Liêu, ngày 19 tháng 5 năm 1998

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thi hành Nghị định số 09/1998-NĐ-CP

của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 50/CP ngày 26/07/1995

của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn

 

Căn cứ Nghị định số 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 23 tháng 01 năm 1998 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26/7/1995 về chế độ đối với cán bộ xã, phường, thị trấn của Chính phủ; sau khi trao đổi thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương, liên tịch: Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành như sau:

 

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:

Cán bộ cấp xã quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ bao gồm cán bộ làm công tác Đảng, công tác chính quyền, và Trưởng các đoàn thể: Chủ tịch Mặt trận, Hội trưởng Hội Phụ nữ, Hội trưởng Hội Nông dân, Hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và cán bộ thuộc 4 chức danh chuyên môn tại các đơn vị hành chính: xã, phường, thị trấn (gọi chung là cán bộ xã).

1. Số lượng cán bộ xã được bố trí theo Điều 1 trong Nghị định số 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ:

Các chức danh cán bộ xã được bố trí như sau:

1.1. Số lượng cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể:

Đảng uỷ xã: 2 cán bộ.

Hội đồng nhân dân xã: 2 cán bộ.

Uỷ ban nhân dân xã: từ 5 đến 7 cán bộ (theo Nghị định số 174/CP).

Đoàn thể 5 cán bộ: Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Hội trưởng Hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

1.2. Bốn chức danh chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân xã: Tư pháp - hộ tịch; địa chính; tài chính - kế toán; Văn phòng Uỷ ban nhân dân - thống kê tổng hợp.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào số dân, diện tích, khối lượng công việc, địa hình phức tạp đi lại khó khăn, tình hình chính trị - kinh tế, đặc điểm dân tộc tôn giáo, an ninh trật tự an toàn xã hội để bố trí cán bộ cho phù hợp với từng loại xã, phường, thị trấn. Nhưng không vượt quá số lượng quy định (kể cả cán bộ trong biên chế Nhà nước đang tăng cường cho xã, phường, thị trấn).

Những xã được quy định số lượng từ 17 đến 19 cán bộ cần bố trí cán bộ kiêm nhiệm để bảo đảm các mặt công tác của xã đều có người đảm nhiệm.

Những xã được quy định số lượng từ 21 đến 25 cán bộ là mức tối đa cho từng loại xã theo quy định của Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện hướng dẫn bố trí tăng cường cho những lĩnh vực có khối lượng công việc lớn và phức tạp như lao động thương binh xã hội, an ninh quốc phòng...

2. Tiêu chuẩn tuyển chọn và quản lý bốn chức danh chuyên môn công tác tại xã:

2.1. Tiêu chuẩn tuyển chọn cán bộ đảm nhận chức danh chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân xã:

Việc tuyển chọn cán bộ thuộc từng chức danh phải căn cứ theo tiêu chuẩn nghiệp vụ của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Tổng cục Địa chính, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Tổng cục Thống kê quy định.

Những người đủ các tiêu chuẩn sau đây được tuyển chọn làm công tác chuyên môn tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

Lý lịch rõ ràng, đạo đức tốt;

Có văn bằng Nhà nước cấp đạt trình độ từ sơ cấp trở lên về chuyên môn địa chính (đối với cán bộ địa chính), tài chính - kế toán (đối với cán bộ tài chính - kế toán), pháp lý (đối với cán bộ tư pháp - hộ tịch), văn thư lưu trữ, hành chính, thống kê tổng hợp và các ngành chuyên môn khác phải được bồi dưỡng nghiệp vụ văn phòng (đối với cán bộ văn phòng - thống kê tổng hợp);

Đủ sức khoẻ, tuổi đời không quá 35 đối với nữ và không quá 40 đối với nam.

2.2. Quy trình tuyển chọn:

Căn cứ vào tiêu chuẩn trên Uỷ ban nhân dân cấp xã đề nghị Phòng tổ chức chính quyền cấp huyện phối hợp với các phòng chuyên môn thống nhất đánh giá chất lượng từng cán bộ chuyên môn của từng xã, phường, thị trấn trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định giao cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã ký hợp đồng lao động dài hạn với từng cán bộ theo từng chức danh chuyên môn, sau khi có ý kiến của Sở chuyên ngành.

Việc thay thế cán bộ thuộc bốn chức danh chuyên môn chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau:

Cán bộ được điều động đi nhận nhiệm vụ khác.

Không đủ tiêu chuẩn để đảm nhiệm công tác chuyên môn.

Vi phạm hợp đồng buộc phải thôi việc.

Việc thay thế cán bộ chuyên môn theo yêu cầu của Uỷ ban nhân dân xã do Uỷ ban nhân dân huyện quyết định. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã căn cứ vào quyết định để huỷ hợp đồng và ký hợp đồng với cán bộ mới được cử.

Cán bộ chuyên môn trước khi chuyển làm công tác khác hoặc thôi việc phải bàn giao đầy đủ hồ sơ, tài liệu, công việc chuyên môn, tiền, tài sản được giao quản lý cho Uỷ ban nhân dân xã.

2.3. Nhiệm vụ, quyền lợi cán bộ thuộc chức danh chuyên môn:

Bốn chức danh chuyên môn: Tư pháp - hộ tịch, địa chính, tài chính - kế toán, Văn phòng Uỷ ban nhân dân - thống kê tổng hợp có nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý lĩnh vực chuyên môn mình phụ trách theo sự quản lý chỉ đạo nghiệp vụ chuyên môn của cơ quan nghiệp vụ cấp huyện, làm việc theo kế hoạch của Uỷ ban nhân dân cấp xã và của ngành quản lý. Trong quá trình làm việc chấp hành đúng quy định của hợp đồng, được nâng mức sinh hoạt phí theo ngạch bậc chuyên môn.

Việc xét duyệt nâng bậc do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã đề nghị, Phòng tổ chức lao động thương binh và xã hội phối hợp với các Phòng chuyên môn nghiệp vụ cấp huyện xét đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Hệ số nâng bậc của cán bộ thuộc bốn chức danh chuyên môn được căn cứ vào Nghị định 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ để vận dụng.

 

II. MỨC SINH HOẠT PHÍ HÀNG THÁNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ
ĐANG CÔNG TÁC VÀ TRỢ CẤP CHO CÁN BỘ XÃ KHI NGHỈ VIỆC

1. Mức sinh hoạt phí:

1.1. Đối với chức danh bầu cử theo nhiệm kỳ và chức danh khác thuộc Uỷ ban nhân dân.

Bí thư Đảng uỷ xã (Bí thư chi bộ nơi chưa có Đảng uỷ xã) mức: 270.000 đồng/tháng.

Phó bí thư Đảng uỷ xã, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã mức: 260.000 đồng/tháng.

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, Thường trực Đảng uỷ xã (nơi Bí thư hoặc Phó bí thư kiêm chức danh Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân), Chủ tịch Mặt trận, Trưởng các đoàn thể nhân dân xã (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã, Trưởng công an xã mức: 240.000 đồng/tháng.

Uỷ viên Uỷ ban nhân dân xã mức: 230.000 đồng/tháng.

Các chức danh khác thuộc Uỷ ban nhân dân mức: 210.000 đồng/tháng.

Các chức danh được bầu cử và các chức danh khác (được quy định trong tổng số cán bộ cấp xã từ 17 đến 25 người) sau 5 năm công tác liên tục, nếu được tái cử hoặc tiếp tục công tác được hưởng phụ cấp 5% của mức sinh hoạt phí đang hưởng (tính từ năm thứ 6 trở đi). Cán bộ chuyên môn không được hưởng mức phụ cấp 5% tái cử.

1.2. Đối với cán bộ chuyên môn:

Cán bộ thuộc bốn chức danh chuyên môn ở xã không phải là công chức Nhà nước nhưng để khuyến khích những cán bộ được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ đã có bằng cấp của Nhà nước về công tác ổn định lâu dài ở cấp xã thì được vận dụng xếp mức sinh hoạt phí theo hệ số của ngạch bậc quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ. Quá trình chuyển xếp phải căn cứ vào vị trí công việc đã phân công theo quy định tại Nghị định 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998, và hướng dẫn của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để xếp vào bậc và hệ số cho phù hợp.

Sau 5 năm công tác phải được đánh giá, nếu đạt đủ hai tiêu chuẩn sau đây trong suốt thời gian hưởng mức sinh hoạt phí cũ thì được nâng mức sinh hoạt phí tương ứng với bậc và hệ số mức lương liền kề trong ngạch:

Hoàn thành đủ số lượng công việc theo hợp đồng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng và thời gian.

Không vi phạm kỷ luật lao động, nội quy cơ quan, không vi phạm pháp luật nhà nước có liên quan đến công việc và tư cách đạo đức cán bộ từ mức kỷ luật khiển trách trở lên.

Ví dụ: Một cán bộ địa chính xã có trình độ trung học, đã có thời gian công tác ở xã được 12 năm. Căn cứ vào tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức đạt đủ tiêu chuẩn để được vận dụng xếp vào ngạch cán sự và hưởng sinh hoạt phí tương đương với bậc 2 hệ số 1,58 ngạch 01004.

Sau 5 năm công tác nếu đạt đủ tiêu chuẩn thì được nâng mức sinh hoạt phí lên tương đương với bậc 3, hệ số 1,70.

Cán bộ chuyên môn chưa có bằng cấp chuyên môn qua đào tạo do Nhà nước cấp, thì hưởng mức: 154.000 đồng/tháng; những trường hợp đang hưởng mức sinh hoạt phí cao hơn 154.000 đồng/tháng thì được giữ nguyên.

Cán bộ xã được phân công kiêm nhiệm các chức danh khác thì được hưởng mức sinh hoạt phí của chức danh có mức sinh hoạt phí cao hơn trong số chức danh kiêm nhiệm, khi không kiêm nhiệm, đảm nhận chức danh nào hưởng sinh hoạt phí của chức danh đó.

Cán bộ cấp xã hưởng mức sinh hoạt phí quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP không được cộng thêm 20% quy định tại điểm C Điều 1 Nghị định số 06/CP ngày 21 tháng 01 năm 1997 của Chính phủ.

2. Chế độ đối với cán bộ xã:

Cán bộ cấp xã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ được hưởng các quyền lợi theo quy định của Nhà nước.

Cán bộ cấp xã được cơ quan có trách nhiệm cử đi công tác được hưởng chế độ công tác phí theo quy định của Bộ Tài chính.

Cán bộ xã có thành tích trong công tác được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

3. Cán bộ xã già yếu nghỉ việc đang hưởng phụ cấp hàng tháng theo các Quyết định 130/CP ngày 30 tháng 6 năm 1975 và 111/HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981 của Chính phủ được hưởng phụ cấp hàng tháng: nguyên Bí thư, Chủ tịch: 135.000 đồng/tháng; nguyên Phó bí thư, Phó Chủ tịch, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 130.000 đồng/tháng; các chức danh khác: 120.000 đồng/tháng.

Cán bộ trên đây khi chuyển đến nơi ở mới hợp pháp, từ xã này sang xã khác trong cùng huyện có giấy chuyển trợ cấp của xã; từ huyện này sang huyện khác trong cùng tỉnh có giấy chuyển trợ cấp của Phòng Tổ chức lao động thương binh và xã hội huyện; từ tỉnh này sang tỉnh khác có giấy chuyển trợ cấp của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh thì các cấp sở tại tiếp tục chi trả trợ cấp cho cán bộ chuyển đến, kinh phí tính vào ngân sách cấp xã. Trường hợp cán bộ xã di chuyển đến nơi ở mới hợp pháp trước khi có Nghị định 09/1998/NĐ-CP các cấp đang chi trả tiếp tục chi trả cho cán bộ.

4. Hoạt động phí:

Đối với Phó Chủ tịch Mặt trận, Phó các đoàn thể (Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) hưởng hoạt động phí từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách xã phân bổ cho mỗi đoàn thể. Căn cứ vào khả năng ngân sách, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định.

 

III. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI
CÁN BỘ CẤP XÃ KHI NGHỈ VIỆC:

1. Đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng:

Cán bộ xã đang làm việc hưởng sinh hoạt phí theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 3 Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ.

2. Điều kiện được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Cán bộ xã được hưởng trợ cấp hàng tháng khi có đủ điều kiện sau:

Thời gian công tác và đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm (180 tháng) trở lên.

Khi nghỉ việc nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi.

3. Mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng bằng 15% mức sinh hoạt phí hàng tháng; trong đó cán bộ xã đóng bằng 5% mức sinh hoạt phí đang hưởng và ngân sách nhà nước đóng 10% tổng quỹ sinh hoạt phí của những người đóng bảo hiểm xã hội của mỗi xã. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã lập danh sách cán bộ xã đóng bảo hiểm xã hội được Phòng Tổ chức lao động - thương binh và xã hội cấp huyện duyệt và Ban Tổ chức chính quyền tỉnh quyết định. Hàng tháng Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

4. Cách tính mức trợ cấp hàng tháng:

Người có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội được hưởng bằng 45% mức sinh hoạt phí bình quân của 5 năm cuối kể cả phụ cấp tái cử 5% (nếu có). Sau đó cứ thêm 1 năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2% nhưng mức hưởng trợ cấp hàng tháng cao nhất không quá 75% mức sinh hoạt phí bình quân 5 năm cuối trước khi nghỉ việc theo cách tính dưới đây:

 

Mức bình quân củasinh hoạt phí 5 năm cuối

 

=

Tổng số tiền sinh hoạt phí làm cơ sở đóng Bảo hiểm xã hội của 60 tháng (5 năm cuối) trước khi nghỉ việc

60 tháng

Ví dụ: Ông A khi nghỉ việc đủ 55 tuổi, có 20 năm đóng BHXH, mức sinh hoạt phí 5 năm cuối là: 2 năm làm Phó Chủ tịch UBND xã, mức sinh hoạt phí 240.000 đồng/tháng và 3 năm làm Chủ tịch UBND xã, mức sinh hoạt phí 260.000 đồng/tháng.

Mức sinh hoạt phí bình quân 5 năm cuối của ông A sẽ là:

{(240.000đ x 24 tháng) + (260.000đ x 36 tháng)}: 60 tháng = 252.000 đồng/tháng.

Tỷ lệ trợ cấp hàng tháng của ông A là:

15 năm đầu được tính 45%

Từ năm thứ 16 đến năm thứ 20 (5 năm) tính thêm 5 x 2% = 10%

Tổng cộng: 45% + 10% = 55%.

Mức trợ cấp hàng tháng của ông A là:

252.000 đồng/tháng x 55% = 138.600 đồng/tháng.

5. Cán bộ xã có thời gian công tác liên tục từ 15 năm trở lên chưa đóng bảo hiểm xã hội, hoặc mới đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 1 năm 1998 trở đi, khi nghỉ việc nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi dược hưởng trở cấp hàng tháng như trường hợp trên đây. Cán bộ cấp xã đã có quyết định nghỉ trợ cấp một lần theo Nghị định số 50/CP không giải quyết theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP.

Riêng cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước, quân nhân, công an nhân dân đã nghỉ việc còn đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, nếu tham gia công tác ở xã thì được hưởng sinh hoạt phí theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998, không phải đóng BHXH, do vậy, khi nghỉ việc không được hưởng trợ cấp hàng tháng và trợ cấp một lần.

6. Đối tượng hưởng trợ cấp một lần:

Cán bộ xã không đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định tại khoản 2 phần III Thông tư này thì được hưởng trợ cấp một lần. Cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được hưởng một tháng sinh hoạt phí tính theo mức bình quân 5 năm cuối trước khi nghỉ việc kể cả phụ cấp tái cử 5% (nếu có). Cán bộ xã đang công tác nhưng trước ngày 01 tháng 01 năm 1998 chưa quy định đóng bảo hiểm xã hội, khi nghỉ cũng được cộng số năm công tác để hưởng trợ cấp một lần.

Việc tính bình quân mức sinh hoạt phí 5 năm cuối cùng trước khi nghỉ theo hướng dẫn tại khoản 4 Phần III Thông tư này.

Trường hợp 5 năm cuối chỉ hưởng một mức sinh hoạt phí thì cách tính trợ cấp một lần như sau:

Ví dụ: Ông B có thời gian đóng bảo hiểm xã hội 5 năm, hưởng mức sinh hoạt phí 270.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp một lần là:

5 tháng x 270.000 đồng = 1.350.000 đồng

Trường hợp cán bộ xã khi nghỉ việc, đã có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội liên tục trở lên nhưng chưa đủ tuổi đời để hưởng trợ cấp hàng háng, mà không hưởng trợ cấp một lần; phải có đơn tự nguyện chờ giải quyết chế độ phụ cấp hàng tháng, có xác nhận của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, sau đó Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập đủ hồ sơ của cán bộ xin chờ gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương quản lý, theo dõi và giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng khi đủ điều kiện về tuổi đời. Trong thời gian chờ để được giải quyết chế độ, nếu được làm việc tiếp thì thời gian cán bộ xã đã làm việc trước đó cộng với thời gian làm việc sau đó để tỉnh hưởng bảo hiểm xã hội. Trong khi chờ hưởng chế độ bị chết, thì thân nhân lo mai táng được nhận tiền mai táng phí do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định tại Điều 5, Nghị định 09/1998/NĐ-CP và khoản 7, phần III Thông tư này.

7. Chế độ mai táng phí:

Cán bộ xã đang công tác được hưởng sinh hoạt phí và cán bộ xã đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hàng tháng kể từ ngày 01/01/1998 khi chết thì người lo mai táng được nhận tiền mai táng bằng 8 tháng tiền lương tối thiểu.

8. Tổ chức thực hiện:

8.1. Uỷ ban nhân dân xã có nhiệm vụ:

Lập hồ sơ giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho cán bộ gồm: Hai bản quyết định cho cán bộ xã nghỉ việc hưởng trợ cấp hàng tháng, hoặc 1 lần và 2 bản kê khai quá trình làm việc đóng bảo hiểm xã hội gửi Uỷ ban nhân dân huyện.

Nếu cán bộ xã chết thì lập 1 giấy báo tử hoặc chứng nhận từ trần và một công văn của Uỷ ban nhân dân huyện đề nghị giải quyết.

8.2. Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiệm vụ:

Thực hiện việc thu bảo hiểm xã hội, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội và chi trả trợ cấp cho cán bộ xã.

Làm thủ tục, cấp sổ bảo hiểm xã hội cho cán bộ xã tham gia bảo hiểm xã hội và cán bộ đủ điều kiện được hưởng trợ cấp hàng tháng; được hưởng trợ cấp một lần.

Trường hợp cán bộ xã hưởng trợ cấp thường xuyên di chuyển đến nơi cư trú hợp pháp, thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam làm thủ tục cấp giấy chuyển trợ cấp hàng tháng đến nơi ở mới để bảo hiểm xã hội địa phương tiếp tục chi trợ cấp hàng tháng cho cán bộ xã.

9. Hình thức và cấp quyết định mức sinh hoạt phí và các chế độ kèm theo đối với cán bộ xã.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, mức sinh hoạt phí theo ngạch, bậc đối với bốn chức danh chuyên môn và các chế độ kèm theo đối với cán bộ cấp xã quy định trong Nghị định và Thông tư này. Ban tổ chức chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập danh sách, theo dõi số lượng, chất lượng cán bộ cấp xã tổng hợp báo cáo Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để xây dựng kế hoạch hằng năm.

 

IV. NGUỒN KINH PHÍ VÀ QUẢN LÝ CÁC CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ

1. Nguồn kinh phí trả sinh hoạt phí và các chế độ kèm theo

Nguồn kinh phí trả sinh hoạt phí, trợ cấp, mai táng phí (đối với cán bộ già yếu nghỉ việc theo Quyết định số 130/CP, Quyết định số 111/HĐBT của Chính phủ) các khoản phụ cấp và hoạt động phí đối với cán bộ xã do ngân sách nhà nước cân đối vào ngân sách xã để đảm bảo trả kịp thời cho cán bộ xã.

Sinh hoạt phí và các khoản phụ cấp đối với cán bộ xã trên đây được cấp phát qua Kho bạc Nhà nước. Hàng tháng Chủ tịch xã phải lập bảng kê sinh hoạt phí, bảng kê các khoản phụ cấp theo mẫu quy định của Bộ Tài chính báo cáo Kho bạc kèm theo lệnh chi để Ban tài chính xã thanh toán trực tiếp cho từng cán bộ. Hàng tháng, hàng quý, hàng năm, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải lập báo cáo quyết toán với cơ quan tài chính và cấp trên.

2. Về nguồn tài chính để thực hiện đóng bảo hiểm xã hội:

Đối với cán bộ xã đang công tác, nhưng trước ngày 01 tháng 01 năm 1998 chưa đóng bảo hiểm xã hội, ngân sách nhà nước sẽ chuyển một phần số kinh phí phải đóng theo chế độ (15% số sinh hoạt phí theo thời gian và số lượng cán bộ có mặt đến ngày 31 tháng 12 năm 1997) vào quỹ bảo hiểm xã hội để thực hiện trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần khi cán bộ xã nghỉ việc. Bảo hiểm xã hội Việt Nam làm việc với Bộ Tài chính mức chuyển cụ thể.

Riêng năm 1998, các địa phương lập dự toán khoản chênh lệch tăng lên do thực hiện Nghị định số 09/1998/NĐ-CP từ ngày 01 tháng 01 năm 1998 trình Bộ Tài chính xem xét bổ sung kinh phí (Biểu số 1, 2, 3 đính kèm).

Các địa phương phải khẩn trương chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tính toán mức thanh toán tăng thêm cho từng đối tượng. Sau khi nhận được kinh phí bổ sung, phân bổ thông báo cho từng xã để chi trả cho cán bộ đúng chế độ, đúng thời gian.

 

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1998. Các quy định trong Thông tư số 97 TTLB/TCCBCP-TC ngày 16/8/1995 của liên Bộ Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để hướng dẫn thực hiện.

Quá trình thực hiện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần sơ kết, nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện, gửi báo cáo về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ. Qua thực hiện có khó khăn hoặc có điều gì cần bổ sung, đề nghị các địa phương phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để có hướng dẫn bổ sung./.

 

Bộ trưởng (Trưởng ban) Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Đỗ Quang Trung

Nguyễn Sinh Hùng

Nguyễn Thị Hằng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.