CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và
phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông tỉnh Bạc Liêu
Trong thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương ven biển đã có những nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông tỉnh Bạc Liêu và đã đạt được những kết quả quan trọng; nhiều công trình, dự án, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng được triển khai thực hiện, đã khôi phục nhiều diện tích rừng, góp phần nâng cao vai trò và giá trị của rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu.
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông tỉnh Bạc Liêu thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, có nhiều nguyên nhân khách quan, cũng như chủ quan dẫn đến diện tích rừng phòng hộ ven biển Đông tỉnh Bạc Liêu ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng; về môi trường sinh thái rừng phòng hộ ven biển Đông luôn chịu sự tác động thường xuyên và mạnh mẽ của gió, sóng biển, dòng chảy hải lưu, nhất là sự biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng; mặt khác, rừng và đất rừng đã, đang và sẽ chịu sức ép không nhỏ do nhu cầu sử dụng đất đai và gỗ củi, đặc biệt là nhu cầu sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản, làm muối, đầu tư các dự án du lịch sinh thái; nhiều hộ dân cư trú bất hợp pháp trong lâm phần phòng hộ ven biển Đông không có công ăn việc làm ổn định, tiềm ẩn nguy cơ phá rừng rất cao, việc thực hiện một số chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về rừng và đất rừng còn nhiều bất cập; những vấn đề nêu trên, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của rừng phòng hộ ven biển Đông tỉnh Bạc Liêu.
Để công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao; phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại do gió bão, nước biển dâng, sạt lở đất và đảm bảo an toàn cho hệ thống đê biển, đê cửa sông; bảo vệ và phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển Đông tỉnh Bạc Liêu có hiệu quả trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị cho các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau đây:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng phòng hộ ven biển đã được quy hoạch theo Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2014 - 2020; thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đã được phê duyệt để thực hiện trồng rừng và khoanh nuôi phát triển rừng theo tiến độ dự án.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển xây dựng phương án giao đất, giao rừng cho các đơn vị chủ rừng quản lý, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện để quản lý hiệu quả diện tích rừng, đất lâm nghiệp hiện có, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm:
+ Tổ chức quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt rừng phòng hộ ven biển để bảo vệ nuôi dưỡng rừng hiện có; xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông, trình các cơ quan chức năng phê duyệt để triển khai thực hiện nhằm trồng rừng phủ xanh đất trống, tạo thành đai rừng nhiều tầng, liền vùng.
+ Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
+ Xây dựng kế hoạch và chủ động triển khai thực hiện để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
+ Phải xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng và các hành vi làm ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng như: Khắc vỏ cây, dâng cao mực nước, ứ nước lâu ngày, chặt chang rễ cây rừng.
+ Lập các thủ tục thu hồi hợp đồng giao khoán trước thời hạn và đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển xem xét, quyết định đối với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức vi phạm hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp đã bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật mà còn tái phạm.
+ Tham mưu cho chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
- Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này; định kỳ hàng năm tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm:
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển trong việc quản lý sử dụng đất lâm phần rừng phòng hộ ven biển Đông, khoán quản lý bảo vệ rừng; quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường rừng.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra về đất đai và bảo vệ môi trường; xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về đất đai và bảo vệ môi trường.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chịu trách nhiệm:
Phối hợp hướng dẫn các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển và các cơ quan, đơn vị có liên quan đảm bảo các nguồn vốn cho việc thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách.
4. Công an tỉnh chịu trách nhiệm:
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông.
- Chỉ đạo lực lượng công an địa bàn quản lý chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu, tránh tình trạng di dân tự do vào rừng phòng hộ ven biển Đông.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, công an địa phương phối hợp với lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi chặt phá rừng, lấn chiếm rừng theo đúng quy định của pháp luật.
5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chịu trách nhiệm:
Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị quân sự địa phương, lực lượng dân quân tự vệ và các đơn vị đóng quân trên địa bàn tham gia tích cực vào công tác bảo vệ rừng phòng hộ ven biển Đông; đồng thời, giao nhiệm vụ cho đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tham mưu cho chính quyền địa phương về bảo vệ rừng phòng hộ ven biển Đông, tăng cường tuần tra, tổ chức hành quân dã ngoại kết hợp với bảo vệ rừng phòng hộ ven biển Đông; phối hợp, hỗ trợ và tham gia cùng lực lượng kiểm lâm địa phương tuần tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về bảo vệ rừng theo đúng quy định của pháp luật.
6. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chịu trách nhiệm:
Chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn tham gia tích cực vào công tác bảo vệ rừng phòng hộ ven biển Đông, phối hợp, hỗ trợ và tham gia cùng lực lượng kiểm lâm địa phương tuần tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về bảo vệ rừng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
7. Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh:
Thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, chức năng, tác dụng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; tuyên truyền về các chính sách, pháp luật của nhà nước, các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông; đưa tin biểu dương kịp thời những gương điển hình tốt, đồng thời phê phán những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển chịu trách nhiệm:
- Tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của các huyện, thành phố ven biển.
- Kiểm tra diện tích rừng hiện có, giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng cho chính quyền cấp xã, phường, thị trấn và chủ rừng; chỉ đạo các lực lượng công an, các cơ quan quân sự đóng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm thường xuyên tổ chức kiểm tra, tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng và phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi gây thiệt hại rừng, các vi phạm về bảo vệ rừng theo đúng quy định của pháp luật.
- Thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản liên quan đến quản lý bảo vệ và phát triển rừng để nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư, nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và khoanh nuôi, phát triển rừng.
- Tăng cường quản lý đất rừng phòng hộ ven biển, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ vi phạm về đất đai, cương quyết thu hồi toàn bộ đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật để thực hiện trồng rừng.
- Quản lý chặt chẽ tình trạng dân di cư tự do cả nơi đi và nơi đến; các địa bàn có dân đi phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, ổn định đời sống của người dân để giảm thiểu tình trạng dân di cư ra khỏi địa bàn; các địa bàn có dân đến, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trở về nơi ở cũ, trường hợp xác định người dân thật sự không có điều kiện về nơi ở cũ thì tổ chức ổn định cuộc sống, giải quyết đất phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn cho người dân ở các khu vực được quy hoạch theo Chỉ thị số 39/2004/CT-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục giải quyết tình trạng dân di cư tự do.
9. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh: Bằng nhiều hình thức và biện pháp thích hợp, phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng và thường xuyên về bảo vệ và phát triển rừng đến toàn thể đoàn viên, hội viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; đồng thời, vận động đoàn viên, hội viên đi đầu trong công tác tuyên truyền bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
10. Các tổ chức, cá nhân có liên quan: Phải thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và các văn bản pháp lý có liên quan về bảo vệ và phát triển rừng.
Đề nghị Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện và xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có những khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh để nắm và chỉ đạo./.