CHỈ THỊ
Về việc tăng cường triển khai thi hành
Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
Thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc Khơmer, hộ nghèo,… cụ thể là một số hoạt động tư vấn pháp luật và cử Luật sư bào chữa miễn phí gần 10.000 vụ việc khi có yêu cầu, tạo điều kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng này trước pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đã đạt được, so với yêu cầu thực tế trong sự phát triển của xã hội hiện nay, hoạt động trợ giúp pháp lý ở tỉnh ta vẫn còn một số tồn tại yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Để tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý. Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện một số việc sau đây:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, theo chức năng nhiệm vụ của mình, tổ chức quán triệt Luật Trợ giúp pháp lý ở cơ quan, đơn vị và tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Chi nhánh Trợ giúp pháp lý và Cộng tác viên thực hiện đạt kết quả tốt theo quy định của pháp luật hiện hành;
2. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, Báo, Đài địa phương có kế hoạch phổ biến sâu rộng Luật Trợ giúp pháp lý; xây dựng những biện pháp, hình thức thích hợp để thường xuyên thông tin những nội dung liên quan về chính sách trợ giúp pháp lý của Đảng và Nhà nước đến nhân dân.
3. Sở Tư pháp có trách nhiệm:
- Tổ chức rà soát văn bản quy pháp pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý, lập danh mục, phân loại các văn bản còn hiệu lực, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền rà soát các văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ và ban hành văn bản mới phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý;
- Phối hợp với Sở Nội vụ củng cố kiện toàn tổ chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý; xây dựng phương án thành lập Chi nhánh Trợ giúp pháp lý ở một số huyện để chỉ đạo rút kinh nghiệm. Khi có đủ điều kiện thì tiến hành thành lập Chi nhánh Trợ giúp pháp lý các huyện còn lại. Chú ý bố trí cán bộ trẻ, có trình độ năng lực và tạo nguồn cán bộ đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trợ giúp pháp lý trước mắt và lâu dài trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bạc Liêu và các tổ chức, thành viên phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý; chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cấp huyện, thị xã và các xã phường, thị trấn phối hợp tham gia tuyên truyền Luật Trợ giúp pháp lý, thông tin liên quan về chính sách trợ giúp pháp lý.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai Luật Trợ giúp pháp lý đến Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tại địa phương mình theo từng thời điểm thích hợp. Chú ý các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, đối tượng nghèo đảm bảo đúng đối tượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của Luật Trợ giúp pháp lý.
6. Giao Giám đốc Sở Tư pháp: Xây dựng Đề án phát triển Trợ giúp pháp lý giai đoạn 2007 - 2009 và giai đoạn 2010 - 2020 trình Ủy ban nhân dân tỉnh
phê duyệt; phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh ký kết các văn bản liên tịch để hướng dẫn các thủ tục có liên quan đến hoạt động tố tụng, tổ chức sơ kết, tổng kết và khen thưởng theo quy định; chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này và báo cáo theo định kỳ về Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này./.