• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/09/1996
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 58-TC/TCĐN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bạc Liêu, ngày 25 tháng 9 năm 1996

 

 

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thủ tục giải ngân và quản lý nguồn vốn đầu tư cho Đại học Quốc gia Hà Nội bước I tại Hà Nội

__________________________________

Căn cứ Hiệp định vay vốn giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quỹ phát triển quốc tế OPEC ký ngày 23/10/1995;

Căn cứ Nghị định số 58/CP ngày 30/8/1993 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài và các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định;

Căn cứ Nghị định 42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ về việc ban hành điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng và các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định;

Căn cứ Quyết định số 654 TC/QĐ-TCCB ngày 23/6/1995 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định trách nhiệm cụ thể của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong việc quản lý các dự án sử dụng vốn vay nợ và viện trợ nước ngoài của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 362/TTg ngày 20/6/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư Đại học quốc gia Hà Nội bước I tại Hà Nội;

Sau khi thống nhất với Bộ kế hoạch - đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội và Ngân hàng công thương Việt Nam.

Bộ tài chính hướng dẫn thủ tục giải ngân và quản lý nguồn vốn đầu tư cho đại học quốc gia tại Hà Nội bước I như sau:

 

I- QUY ĐỊNH CHUNG:

1- Giải thích từ ngữ:

Trong thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.1- "Hiệp định" là Hiệp định vay giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ phát triển quốc tế OPEC ký ngày 23/10/1995.

1.2- "Dự án" là dự án đầu tư bước I Đại học quốc gia Hà Nội có sử dụng nguồn vốn vay Quỹ OPEC.

1.3- "Chủ dự án" là Đại học quốc gia Hà Nội.

1.4- Ban quản lý dự án đầu tư bước I Đại học quốc gia Hà Nội thành lập theo Quyết định số 34/TCCB ngày 17/1/1996 của Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội có trách nhiệm trực tiếp triển khai thực hiện dự án, sau đây gọi tắt là Ban QLDA.

1.5- "Khoản vay" là khoản vay của Chính phủ Việt Nam từ Quỹ phát triển quốc tế OPEC.

1.6- "Ngân hàng phục vụ" dự án là Ngân hàng công thương Việt Nam theo Quyết định số 97/QĐ-NH8 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

2- Nguyên tắc chung:

2.1- Khoản vay để thực hiện dự án đầu tư bước I Đại học quốc gia tại Hà Nội là nguồn thu của Chính phủ Việt Nam, vì vậy Bộ tài chính có trách nhiệm hạch toán vào ngân sách Nhà nước và quản lý việc cấp phát cho Đại học quốc gia Hà Nội thực hiện dự án đã được phê duyệt. Bộ Tài chính theo dõi quản lý khoản vay và cân đối ngân sách để trả nợ khi đến hạn.

2.2- Việc cấp vốn cho dự án bao gồm vốn trong nước và vốn ngoài nước thực hiện theo Nghị định số 42/CP ngày 16/7/1996, Nghị định 58/ CP ngày 30/8/1993 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn thực hiện cũng như các quy định của Quỹ phát triển quốc tế OPEC.

2.3- Chủ dự án có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích và nội dung dự án được duyệt phù hợp với các quy định trong nước cũng như điều kiện đã cam kết trong Hiệp định vay với quỹ OPEC.

2.4- Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền cho Ngân hàng công thương Việt Nam làm ngân hàng thương mại phục vụ cho dự án, thực hiện các thủ tục rút vốn từ khoản vay (gồm các phương thức thanh toán trực tiếp, hoàn vốn và thư cam kết) cho dự án khi có ý kiến của Bộ tài chính đối với từng lần rút vốn.

2.5- Trong quá trình thực hiện rút vốn vay Ngân hàng công thương được hưởng phí dịch vụ theo từng nghệp vụ phát sinh (bao gồm phí mở L/C, phí gửi chứng từ, điện tín, FAX ...) theo biểu phí cùa Ngân hàng công thương Việt Nam phù hợp với các quy định trong Quyết định số 162 QĐ/NH2 ngày 19/8/1993 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thu phí dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. Khoản phí dịch vụ nói trên được tính vào tổng mức đầu tư của dự án.

2.6- Vấn đề thuế đối với các thiết bị nhập khẩu của dự án thực hiện theo quy định tại Điều 4.03 của Hiệp định và theo các quy định hiện hành.

 

II- QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1- Xây dựng và thông qua kế hoạch tài chính cho dự án:

Hàng năm theo đúng chế độ lập trình và xét duyệt kế hoạch ngân sách Nhà nước, chủ dự án chuẩn bị kế hoạch tài chính của dự án trình cho cơ quan chủ quản để tổng hợp gửi và bảo vệ kế hoạch với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính để trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt. Khi kế hoạch được phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ thông báo kế hoạch cấp phát vốn đầu tư đối với dự án cho chủ dự án. Chủ dự án có trách nhiệm thông báo kế hoạch được duyệt cho Ban quản lý dự án.

Nội dung kế hoạch tài chính cần thể hiện đầy đủ khối lượng công việc sẽ được thực hiện, nguồn vốn vay, tiến độ rút vốn từ Quỹ OPEC và vốn trong nước có phân chia chi tiết theo tháng, quý, năm và theo từng hạng mục công việc cho xây dựng, thiết bị...

2- Tổng kinh phí và cơ cấu sử dụng vốn:

Được quy định cụ thể tại Quyết định số 362/TTg ngày 20/6/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đầu tư bước I cho Đại học quốc gia Hà Nội và Hiệp định vay với quỹ OPEC.

3- Mở tài khoản:

Ban quản lý dự án mở tài khoản tại Cục đầu tư và phát triển Hà Nội để tiếp nhận vốn trong nước.

Chủ dự án mở tài khoản tại Ngân hàng công thương Việt Nam để tiếp nhận vốn vay Quỹ OPEC thanh toán cho các nhà thầu trong nước.

4- Cấp phát và sử dụng vốn trong nước của Chính phủ:

Vốn đối ứng: Bộ Tài chính (Tổng cục Đầu tư và Phát triển) thực hiện quản lý và cấp phát theo chế độ hiện hành. Hàng quý, trên cơ sở kế hoạch năm phân theo quý, Tổng Cục đầu tư và phát triển sẽ chuyển cho Cục đầu tư và phát triển Hà Nội vốn đối ứng, nguồn vốn này được thanh toán trực tiếp (theo tỷ trọng thanh toán) cho các nhà cung cấp, nhà thầu theo đề nghị thanh toán của Ban quản lý dự án. Cục Đầu tư có trách nhiệm kiểm tra các chứng từ cần thiết để xác nhận giá trị công việc đủ điều kiện cấp vốn.

Sơ đồ luân chuyển vốn xem phụ lục 1.

5- Rút vốn cấp phát và quản lý vốn vay Quỹ OPEC:

Bộ Tài chính (Tổng cục Đầu tư phát triển) có trách nhiệm thực hiện cấp phát vốn đầu tư cho chủ dự án từ nguồn vay Quỹ OPEC theo đúng chế độ Nhà nước quy định và phù hợp với các quy định trong Hiệp định vay. Rút vốn từ tài khoản vay để đầu tư cho dự án theo 3 hình thức: thanh toán trực tiếp, thủ tục thư cam kết và hoàn vốn.

a) Hình thức thanh toán trực tiếp và thủ tục thư cam kết cho phần thiết bị đầu tư chiều sâu và xây lắp:

Trên cơ sở yêu cầu thanh toán của người cung cấp hàng hoá, chủ dự án chuẩn bị đơn xin rút vốn từ khoản vay và các tài liệu cần thiết gửi hai bộ hồ sơ cho Bộ Tài chính (Tổng cục Đầu tư phát triển, Vụ tài chính đối ngoại) và một bộ hồ sơ cho ngân hàng phục vụ. Hồ sơ thanh toán gồm:

. Đơn xin rút vốn theo mẫu.

. Công văn đề nghị rút vốn.

. Bản sao hợp đồng mua sắm hàng hoá, thiết bị, xây lắp, thuê chuyên gia.

. Bản sao hợp đồng kinh tế có liên quan khác (nếu có).

. Các tài liệu xác nhận hợp đồng hợp lệ (như ý kiến của Quỹ OPEC, kết quả xét thầu đối với hợp đồng xây dựng và mua sắm hàng hoá trên 150.000 USD và hợp đồng thuê chuyên gia có giá trị trên 100.000 USD đối với công ty và trên 50.000 USD đối với cá nhân).

. Bản sao vận đơn (trường hợp thanh toán trực tiếp giá trị hàng hoá).

. Bản sao dự thảo thư tín dụng mà Ngân hàng công thương phát hành (trường hợp thủ tục thư cam kết).

Trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ rút vốn, Tổng cục Đầu tư phát triển nghiên cứu và có ý kiến gửi Vụ tài chính đối ngoại. Trong thời gian 5 ngày làm việc, nếu Tổng cục đầu tư và phát triển không có ý kiến khác, Vụ TCĐN xem xét kiểm tra và có văn bản chấp thuận rút vốn. Chủ dự án và ngân hàng thương mại phục vụ đồng ký vào đơn xin rút vốn để thanh toán cho người thụ hưởng (nhà thầu, nhà cung cấp).

Sau khi nhận được thông báo của Quỹ OPEC về việc đã thanh toán cho người cung cấp hàng hoá, dịch vụ và các nhà thầu, chủ dự án có trách nhiệm thông báo hai bản cho Bộ tài chính (Vụ TCĐN, TCĐT) để làm thủ tục ghi thu ghi chi ngân sách.

Các bước thực hiện xem phụ lục 2, 3.

b) Rút vốn theo thủ tục hoàn vốn:

Nguyên tắc hoàn vốn là nguyên tắc thực chi, có nghĩa là dự án chỉ được rút vốn bù đắp cho những khoản đã thực thanh toán. Trên cơ sở yêu cầu thanh toán các chi phí cho thiết kế, thanh tra, thuê chuyên gia và thực thi dự án theo thủ tục hoàn vốn, chủ dự án chuẩn bị tài liệu rút vốn cần thiết gửi Bộ tài chính (Vụ TCĐN) bao gồm:

. Đơn xin rút vốn theo mẫu của Quỹ OPEC;

. Công văn đề nghị rút vốn;

. Bảng kê chi tiết của Ban quản lý dự án;

. Phiếu giá, bản xác nhận nghiệm thu khối lượng công việc đã hoàn thành kèm theo kết quả thẩm định của Cục đầu tư và phát triển Hà Nội.

- Bản chứng nhận đã chi trả.

Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ rút vốn trên, Bộ tài chính (Vụ TCĐN) xem xét, kiểm tra và có văn bản chấp thuận rút vốn. Nếu được chấp thuận, chủ dự án và Ngân hàng thương mại phục vụ đồng ký vào đơn rút vốn gửi Quỹ OPEC. Sau khi nhận được thông báo giải ngân của Quỹ OPEC về một tài khoản có ý kiến xác nhận của Bộ tài chính, chủ dự án có trách nhiệm thông gửi hai bản thông báo cho Bộ Tài chính (Vụ TCĐN, TCĐT) để làm thủ tục ghi thu ghi chi ngân sách.

Các bước thực hiện được thể hiện tại phụ lục 4.

 

III- CÔNG TÁC BÁO CÁO, KIỂM TRA, QUYẾT TOÁN:

1- Hàng quý, năm chủ dự án có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính (TCĐT, Vụ TCĐN), Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư tình hình thực hiện dự án, trong đó cần thể hiện rõ tình hình rút vốn và sử dụng vốn vay.

2- Ngân hàng công thương Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho chủ dự án, Bộ Tài chính (Vụ tài chính đối ngoại, Tổng cục Đầu tư phát triển) sao kê tài khoản hàng tháng.

3- Chủ dự án phải thực hiện quyết toán với Bộ Tài chính (Tổng cục Đầu tư phát triển) hàng năm và khi công trình, hạng mục công trình hoàn thành.

4- Định kỳ và đột xuất, Bộ Tài chính , Bộ Kế hoạch đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Đại học quốc gia Hà Nội sẽ kiểm tra tình hình thực hiện dự án, việc sử dụng vốn (trong và ngoài nước) của dự án. Nếu Chủ dự án sử dụng vốn sai quy định, không có hiệu quả, Bộ Tài chính sẽ đình chỉ chuyển vốn để xử lý vi phạm.

 

IV- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này được thực hiện kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Chủ dự án, Ban quản lý dự án, Ngân hàng công thương Việt Nam cần phản ánh kịp thời để Bộ tài chính nghiên cứu sửa đổi.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng Bộ Tài chính

(Đã ký)

 

Phạm Văn Trọng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.