Sign In
CHỉ THị

CHỈ THỊ CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH BẮC NINH

Về giải quyết các kiến nghị cuả các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

 

Trong năm 1997 nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bước đầu đã kinh doanh có hiệu quả, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội của địa phương. Các Sở, Ban, ngành đã có những biện pháp tháo gỡ khó khăn, tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên tình trạng quan liêu, phiền hà trong xử lý công việc của các doanh nghiệp vẫn còn phổ biến, làm giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chưa khai thác và phát huy được các nguồn lực trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Để khắc phục khuyết điểm trên và thi hành Chỉ thị 16/1998/CT-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Chỉ thị các ngành, các cấp khẩn trương tiến hành những công việc sau:

1- Trong phạm vi trách nhiệm quyền hạn được giao các cơ quan: Cục Thuế, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, Thanh tra, Công an, Sở Tài chính - Vật giá, Sở Địa chính, các Sở quản lý Nhà nước chuyên ngành các ngân hàng thương mại... cần trả lời các kiến nghị hoặc khiếu nại của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế giải quyết trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, khiếu nại. Những vấn đề vượt quá thẩm quyền của cơ quan mình thì báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Đối với những vấn đề xét thấy không thể giải quyết được thì phải giải thích theo tinh thần bình đẳng, giúp các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và chấp hành đúng các quy định của luật pháp. Xoá bỏ cách làm việc đơn phương áp đặt, cửa quyền đối với doanh nghiệp. Lãnh đạo các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra chặt chẽ cấp cơ sở và cán bộ trực tiếp trong quá trình tiếp xúc giải quyết các đề nghị của các doanh nghiệp, chống phiền hà, sách nhiễu khi giải quyết các đề nghị của các doanh nghiệp.

Các cơ quan Nhà nước (đặc biệt là các cơ quan trên và các Sở quản lý Nhà nước chuyên ngành) phải xây dựng quy trình tiếp nhận và trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp, công bố trên phương tiện thông tin đại chúng cho các doanh nghiệp biết (kể cả công bố số điện thoại, fax, tên người giải quyết các công việc theo từng lĩnh vực).

Các kiến nghị của các doanh nghiệp gửi đến các cơ quan, Sở, ban ngành sau 15 ngày không được trả lời thì doanh nghiệp có quyền báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét, có hình thức xử lý đối với các cơ quan có thẩm quyền và có trách nhiệm giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp mà không thực hiện đúng chức trách.

2- Các Sở, Ban ngành phải rà soát những văn bản, quy định, quy chế của ngành đối với doanh nghiệp để sửa đổi, cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ những quy định bất hợp lý, chồng chéo trái nhau, gây khó cho hoạt động của doanh nghiệp.

Đối với vấn đề thuộc quy định liên ngành, thủ trưởng các ngành có liên quan phối hợp giải quyết với tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, những điểm còn vướng mắc hoặc có ý kiến khác nhau giữa các Sở, Ban, ngành phải kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết.

a- Sở Kế hoạch và đầu tư: Thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong việc thẩm định hồ sơ thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép ưu đãi đầu tư trong nước, cấp đăng ký kinh doanh và xử lý các vấn đề đầu tư nước ngoài theo cơ chế "một cửa" khi nhận được hồ sơ không đầy đủ trong 3 ngày, Sở kế hoạch đầu tư phải thông báo bằng văn bản một lần cho chủ doanh nghiệp biết để hoàn chỉnh hồ sơ và giải quyết đúng thời hạn quy định.

b- Các Sở quản lý Nhà nước chuyên ngành: Phải khẩn trương xem xét và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong thời gian do Nhà nước quy định đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu hồ sơ của chủ doanh nghiệp nộp không đầy đủ, trong vòng 3 ngày phải thông báo bằng văn bản 1 lần cho doanh nghiệp biết để hoàn chỉnh hồ sơ và giải quyết theo quy định của Nhà nước.

c- Cục Thuế: Phải thông báo quy trình thu, nộp thuế đối với các doanh nghiệp, đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, đồng thời quản lý chặt chẽ nguồn thu của ngân sách Nhà nước.

d- Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp:

Thường xuyên theo dõi nắm vững tình hình và yêu cầu về tài chính đối với các doanh nghiệp, tạo điều kiện tự chủ cho các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Pháp luật cần uốn nắn kịp thời các sai phạm, không để xẩy ra tình trạng sai sót vi phạm quy định của Nhà nước về tài chính có hệ thống.

đ- Sở Địa chính: Tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp hoạt động xây dựng quy trình cho các doanh nghiệp về thuê đất và thường xuyên giải quyết các vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình thuê đất.

e- Sở Tài chính - Vật giá: Cùng với Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp trong việc giải quyết các chính sách về tài chính đối với doanh nghiệp Nhà nước giải quyết kịp thời các vướng mắc về giá cho thuê đất đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

f- Ngân hàng Nhà nước: Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại xây dựng và thông báo rõ quy trình cho vay, thanh toán vốn, có biện pháp để các doanh nghiệp vay vốn kinh doanh có hiệu quả, tránh tình trạng dư thừa vốn mà doanh nghiệp lại thiếu vốn kinh doanh.

g- UBND các huyện, thị xã: Xây dựng quy định cụ thể về giải quyết các khiếu kiện các kiến nghị của doanh nghiệp đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND huyện, đặc biệt là đối với các hộ kinh doanh theo Nghị định 66/HĐBT, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và tạo điều kiện về mặt bằng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

3- Các ngành chức năng phải xây dựng quy trình hành chính đơn giản và công bố công khai khi giải quyết các công việc liên quan đến Doanh nghiệp.

4- Văn phòng UBND tỉnh phải khẩn trương xem xét, tham mưu, trình UBND tỉnh giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Khi giải quyết các công việc, nếu hồ sơ chưa đầy đủ phải thông báo 1 lần cho các doanh nghiệp biết để hoàn chỉnh hồ sơ và giải quyết trong thời hạn quy định. Đồng thời có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện chỉ thị này.

5- Yêu cầu Thủ trưởng các ngành, các cấp triển khai khẩn trương, nghiêm túc Chỉ thị này và báo cáo kết quả về UBND tỉnh./.

UBND tỉnh Bắc Ninh

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Ngô Văn Luật