• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 12/01/1994
BỘ TÀI CHÍNH-TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Số: 05/TT-LB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Ninh, ngày 12 tháng 1 năm 1994

THÔNG TƯ

CỦA LIÊN BỘ TÀI CHÍNH - TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hướng dẫn tạm thời về thu quỹ 5%

BHXH do tổng liên đoàn lao động Việt Nam quản lý

Trong khi chờ tổ chức mới để thực hiện Nghị định 43/CP ngày 22-6-1993 của Chính phủ "Quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội". Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn tạm thời phương thức thu 5% quỹ tiền lương nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện đang quản lý đã quy định tại Thông tư số 86/TB-TT Tài chính - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để chi trả chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

1. Nguyên tắc và đối tượng thu:

a. Đối tượng:

- Các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp bao gồm: các cơ quan, đơn vị hành chính hưởng nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp và các đơn vị sự nghiệp có thu hoặc gán thu bù chi...

- Các tổ chức, đoàn thể, hội quần chúng.

- Các doanh nghiệp Nhà nước.

b. Nguyên tắc thu:

- Căn cứ vào quỹ tiền lương thực trả cho CNVC bao gồm: tiền lương chính theo ngạch, cấp bậc, thang bảng và các khoản phụ cấp khu vực đắt đỏ, chức vụ (nếu có).

- Đối với các đơn vị liên doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục thực hiện trích nộp 5% quỹ Bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 233-HĐBT ngày 22-6-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) "ban hành quy chế lao động đối với các xí nghiệp có vốn đầu tư với nước ngoài" và các văn bản có liên quan cho đến khi có hướng dẫn mới.

2. Mức thu và thời gian thu:

a. Từ 01-01-1993 đến 31-12-1993, trích quỹ Bảo hiểm xã hội 5% trên quỹ tiền lương theo Nghị định 202-HĐBT, 203-HĐBT ngày 28-12-1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và các khoản phụ cấp theo lương đã hướng dẫn tại các văn bản có liên quan của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Riêng từ 01-4-1993 đến 31-12-1993, trích thêm quỹ Bảo hiểm xã hội 5% của phần chênh lệch giữa tiền lương mới theo Nghị định số 25, 26/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ với quỹ tiền lương cũ theo Nghị định 202, 203/HĐBT ngày 22-6-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

b. Từ 01-1-1994 trở đi, thực hiện trích nộp đầy đủ quỹ Bảo hiểm xã hội 5% trên tổng quỹ tiền lương mới bao gồm: Quỹ tiền lương theo ngạch, bậc thang lương, phụ cấp khu vực, đắt đỏ, chức vụ (nếu có) quy định tại Nghị định số 25, 26/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ đã được tính đủ theo các bước thực hiện chế độ tiền lương mới.

3. Tổ chức thu:

a. Tổ chức công đoàn các cấp phối hợp với cơ quan tài chính các cấp để tính toán thu và truy thu phần chênh lệch 5% trên tổng quỹ lương của năm 1993 và thu theo quỹ tiền lương mới của năm 1994 đối với các đơn vị thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, đoàn thể, hội quần chúng.

b. Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương tính toán thu và truy thu phần chênh lệch 5% trên tổng quỹ lương của năm 1993 và thu trên quỹ tiền lương mới của năm 1994 đối với các doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn hoặc nhờ cơ quan thuế các cấp thu hộ.

c. Tất cả các khoản tiền thu quỹ Bảo hiểm xã hội năm 1993 và thu quỹ Bảo hiểm xã hội năm 1994 nộp vào tài khoản bảo hiểm xã hội của các Liên đoàn Lao động địa phương, các công đoàn ngành Trung ương để có đủ kinh phí chi trả trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho CNVC kịp thời.

4. Nguồn kinh phí trích nộp bảo hiểm xã hội:

a. Nguồn kinh phí trích nộp phần chênh lệch 5% giữa quỹ tiền lương mới và quỹ tiền lương cũ để nộp bảo hiểm xã hội của năm 1993 thực hiện như sau:

- Đối với cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, đoàn thể, hội quần chúng trích trong kế hoạch chi năm 1993 để nộp Ngân sách Nhà nước không cấp bổ sung thêm.

Trường hợp cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, đoàn thể, hội quần chúng thực sự khó khăn, không có nguồn để nộp thì báo cáo về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Tài chính xem xét giải quyết. Khoản thu bảo hiểm xã hội nói trên hạch toán vào mục 68 của mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành.

- Đối với doanh nghiệp Nhà nước hạch toán vào giá thành và phí lưu thông.

b. Nguồn kinh phí trích nộp 5% quỹ tiền lương mới và quỹ Bảo hiểm xã hội của năm 1994 vẫn theo các quy định hiện hành cụ thể là:

- Trích trong kế hoạch chi của năm 1994 đối với cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, doàn thể, hội quần chúng.

- Trích trong kế hoạch giá thành và phí lưu thông của các doanh nghiệp Nhà nước.

5. Lệ phí thu:

Để việc thu bảo hiểm xã hội năm 1993 và thu bảo hiểm xã hội năm 1994 được kịp thời cơ quan thuế, cơ quan tài chính các cấp được hưởng lệ phí 0,5% số thu được. Khoản lệ phí này do Liên đoàn Lao động các cấp chuyển trực tiếp cho Cục thuế, Sở Tài chính các cấp bồi dưỡng cho các cán bộ trực tiếp đi thu. 6. Điều khoản thi hành:

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký đến khi có hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/CP ngày 22 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung.

Đang cập nhật Bộ Tài chính

Đang cập nhật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Tào Hữu Phùng

Cù Thị Hậu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.