• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 16/01/1992
BỘ XÂY DỰNG
Số: 01-BXD/GĐ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Ninh, ngày 16 tháng 1 năm 1992

 

 

 

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ XÂY DỰNG

Hướng dẫn nội dung, phương thức thẩm tra thiết kế
những công trình do các đơn vị thuộc Bộ lập

Căn cứ Điều 18, Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản, ban hành kèm theo Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng, số 385/HĐBT ngày 07-11-1989.

Căn cứ Điều lệ lập, thẩm tra xét duyệt thiết kế công trình xây dựng, ban hành kèm theo Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng, số 237/HĐBT, ngày 19-9-1985 .

Tiếp theo Thông tư số 553/BXD-GĐ, ngày 22-12-1990 của Bộ trưởng Bộ xây dựng, quy định việc thẩm tra, giám định thiết kế những công trình do các đơn vị thuộc Bộ lập.

Để có cơ sở tiến hành công tác thẩm tra, giám định thiết kế ở Bộ một cách thường xuyên và có kết quả, Bộ xây dựng hướng dẫn nội dung thẩm tra thiết kế của Bộ và hướng dẫn tiến hành như sau:

1. Thẩm tra thiết kế do Bộ xây dựng tiến hành là quá trình tính toán kiểm tra và soát xét các nội dung cơ bản (ghi trong Điều 3,4 Thông tư này) của một đồ án thiết kế do các đơn vị đủ tư cách pháp nhân thiết kế thuộc Bộ thực hiện.

2. Theo nguồn vốn, có thể phân loại các công trình do các đơn vị thiết kế của Bộ Xây dựng thiết kế như sau:

2.1. Các công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, vốn tự có của xí nghiệp quốc doanh:

a) Do Bộ Xây dựng là chủ quản đầu tư

b) Do Uỷ ban nhân dân các tỉnh và các bộ khác làm chủ đầu tư.

2.2. Các công trình xây dựng bằng nguồn vốn tập thể

2.3. Các công trình xây dựng bằng nguồn vốn tư nhân

2.4. Các công trình xây dựng bằng nguồn vốn của nước ngoài.

Việc thẩm tra thiết kế các công trình này sẽ có thông tư hướng dẫn riêng.

3. Đối với đồ án thiết kế các công trình của Bộ Xây dựng (2.1.a) nội dung, trình tự và thời hạn thẩm tra thiết kế quy định trong Điều lệ lập, thẩm tra, xét duyệt thiết kế.

4. Khi thẩm tra đồ án thiết kế do các đơn vị thiết kế thuộc Bộ lập cho các loại công trình còn lại (2.1.b, 2,2, 2,3) đối chiếu với các nội dung thẩm tra thiết kế quy định ở điều 26, Điều lệ nêu trên, Bộ Xây dựng chỉ thẩm tra 3 nội dung sau:

4.1. Việc tuân thủ các điều khoản thiết kế, thi công và bảo vệ môi trường trong đồ án thiết kế.

4.2. Đảm bảo độ an toàn tổng thể của công trình được thiết kế, thể hiện qua các mặt:

a) Tập hợp đủ và đúng các thông số thiết kế ban đầu (các số liệu phản ánh đặc trưng nền đất, các số liệu nguồn nước, điện năng, nhiệt năng, vật liệu ...)

b) Lựa chọn và bố trí hợp lý sơ đồ kết cấu; đồng thời có các cấu tạo, chi tiết đảm bảo cho công trình làm việc sát với sơ đồ tính.

c) Có giải pháp xử lý nền móng(khi cần thiết) thích hợp, đảm bảo cho công trình làm việc bình thường trong quá trình sử dụng.

d) Phương pháp tính và kết quả tính toán đúng .

e) Bố trí đủ cốt thép hoặc thép chịu lực cho các kết cấu chính của công trình .

4.3. Đồ án thiết kế có khả năng thực thi .

Thời hạn thẩm tra đối với các đồ án này quy định ở Điều 3.3, Thông tư số 553/BXD-GĐ của Bộ Xây dựng.

5. Cơ quan thẩm tra thiết kế chịu trách nhiệm về tính đúng đắn và chất lượng công tác thẩm tra đối với các nội dung thiết kế đã thẩm tra.

6. Về phân cấp và xác định nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan thẩm tra thiết kế các cấp, nêu ở Điều 18, Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản và Điều 23, 24 Điều lệ lập, thẩm tra, xét duyệt thiết kế, đối với các công trình nêu ở điều 3, 4, thông tư này được làm rõ như sau:

6.1. Đối với các công trình của Bộ Xây dựng thì đây chính là khâu thẩm tra thiết kế ghi ở Điều 23, Điều lệ lập, thẩm tra, xét duyệt thiết kế.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ xét duyệt thiết kế khi nhận được báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế của các cơ quan thẩm tra nêu ở Điều 2, Thông tư số 553/BXD-GĐ.

6.2. Khi thẩm tra các công trình nêu ở Điều 2.1.b, 2.2, Thông tư này, các cơ quan thẩm tra thiết kế của Bộ chủ quản, tỉnh, các đoàn thể không thẩm tra các nội dung đã được Bộ Xây dựng thẩm tra nữa, mà chỉ thẩm tra các nội dung còn lại ghi trong Điều 26, Điều lệ lập, thẩm tra, xét duyệt thiết kế.

6.3. Đối với các công trình xây dựng bằng nguồn vốn tư nhân, thì kết quản thẩm tra của Bộ Xây dựng là cơ sở để cấp quản lý xây dựng cơ bản tính, bộ chủ quản xét duyệt thiết kế.

7. Cơ quan thẩm tra thiết kế của Bộ phải có số theo dõi quá trình thẩm tra thiết kế (từ lúc nhận được đến lúc giao trả hồ sơ thiết kế cho cơ quan thiết kế).

Kết quả thẩm tra được thông báo bằng văn bản.

Đối với công trình do Uỷ ban nhân dân các tỉnh và các bộ khác hoặc do các đoàn thể là chủ quản đầu tư, thì văn bản thông báo kết quả thẩm tra thiết kế của cơ quan thẩm tra thiết kế Bộ Xây dựng là một phần của báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế chung, do cơ quan quản lý xây dựng cơ bản các bộ, tỉnh, đoàn thể thực hiện.

8. Thông tư này được thực hiện cùng các thông tư và điều lệ nêu ở phần mở đầu của Thông tư.

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Nguyễn Mạnh Kiểm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.