• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/04/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2017
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 04/2012/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Ninh, ngày 29 tháng 2 năm 2012

THÔNG TƯ

Quy định thủ tục cấp phép cho tàu biển nước ngoài vận tải nội địa

_________________________

 

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về thủ tục cấp phép cho tàu biển nước ngoài vận tải nội địa như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về các trường hợp cho phép tàu biển nước ngoài vận tải nội địa, thủ tục cấp Giấy phép vận tải nội địa và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến thủ tục cấp, thu hồi Giấy phép vận tải nội địa.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Tàu biển Việt Nam là tàu biển đã được đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam hoặc từ khi tàu biển được cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp Giấy phép tạm thời mang cờ quốc tịch Việt Nam.

2. Tàu biển nước ngoài là tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài.

3. Vận tải nội địa là việc vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lý bằng tàu biển mà địa điểm nhận hàng và địa điểm trả hàng thuộc vùng biển hoặc nội thủy của Việt Nam.

4. Hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng và các động sản khác, kể cả động vật sống, công-te-nơ hoặc công cụ tương tự do người gửi hàng cung cấp để đóng hàng được vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.

5. Giấy phép vận tải nội địa là Giấy phép do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hoặc Giám đốc Cảng vụ Hàng hải cấp cho tàu biển nước ngoài vận tải nội địa.

Điều 4. Các trường hợp cấp phép cho tàu biển nước ngoài vận tải nội địa

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép vận tải nội địa theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này khi tàu biển Việt Nam không đủ khả năng vận chuyển trong các trường hợp sau đây:

a) Vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng hoặc các loại hàng hóa khác bằng tàu biển chuyên dùng;

b) Để phòng chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh hoặc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.

c) Giải tỏa hàng hóa, hành khách và hành lý bị ách tắc tại cảng.

2. Giám đốc Cảng vụ Hàng hải cấp Giấy phép vận tải nội địa cho tàu biển nước ngoài vận chuyển hành khách, hành lý từ tàu khách du lịch vào đất liền và ngược lại theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này khi tàu biển Việt Nam không đủ khả năng vận chuyển.

Chương II

THỦ TỤC CẤP PHÉP CHO TÀU BIỂN NƯỚC NGOÀI VẬN TẢI NỘI ĐỊA

Điều 5. Hồ sơ đề nghị cho tàu biển nước ngoài vận tải nội địa

1. Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này: Chủ tàu hoặc đại lý đại diện cho chủ tàu nước ngoài nộp 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Hàng hải Việt Nam. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

b) 01 (một) bản sao chụp Giấy chứng nhận Đăng ký tàu biển.

c) 01 (một) bộ hồ sơ đăng kiểm tàu biển bao gồm các Giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật tàu biển (bản sao chụp).

d) 01 (một) bản sao có công chứng Hợp đồng đại lý hoặc 01 (một) bản sao có chứng thực giấy chỉ định đại lý đại diện cho chủ tàu nước ngoài (trong trường hợp đơn vị đề nghị là đại lý đại diện cho chủ tàu nước ngoài).

2. Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này: Chủ tàu hoặc đại lý đại diện cho chủ tàu nước ngoài nộp 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cảng vụ Hàng hải tại khu vực mà tàu khách du lịch neo đậu.

Hồ sơ bao gồm các giấy tờ quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều này và Phương án chi tiết vận chuyển hành khách và hành lý từ tàu khách du lịch vào đất liền và ngược lại.

Điều 6. Trình tự tiếp nhận, xử lý hồ sơ và cấp Giấy phép vận tải nội địa

1. Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này:

a) Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ; nếu nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải hướng dẫn bằng văn bản trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc.

b) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định, lập Báo cáo thẩm định theo các quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này và gửi kèm theo hồ sơ trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định.

c) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thẩm định của Cục Hàng hải Việt Nam, cơ quan được giao rà soát, tham mưu và trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xem xét, cấp Giấy phép vận tải nội địa. Trường hợp không cấp Giấy phép vận tải nội địa phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

d) Bộ Giao thông vận tải trả kết quả qua hệ thống bưu chính đến chủ tàu hoặc đại lý đại diện cho chủ tàu; đồng thời sao gửi đến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Cục Hàng hải Việt Nam để phối hợp quản lý, theo dõi.

2. Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này:

a) Cảng vụ Hàng hải tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Cảng vụ Hàng hải có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ; nếu nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải hướng dẫn bằng văn bản trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc.

b) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cảng vụ Hàng hải thẩm định, cấp Giấy phép vận tải nội địa. Trường hợp không cấp Giấy phép vận tải nội địa phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Cảng vụ Hàng hải trả kết quả trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến chủ tàu hoặc đại lý đại diện cho chủ tàu; đồng thời sao gửi đến Cục Hàng hải Việt Nam để báo cáo.

Điều 7. Thời hạn của Giấy phép vận tải nội địa

1. Thời hạn của Giấy phép vận tải nội địa không quá 01 (một) năm được áp dụng đối với tàu biển phục vụ 01 (một) cơ sở sản xuất hàng hóa hoặc đối với tàu biển mà loại tàu đó chưa có tại Việt Nam;

2. Thời hạn của Giấy phép vận tải nội địa không quá 06 (sáu) tháng được áp dụng đối với các loại tàu biển khác không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Thời hạn của Giấy phép vận tải nội địa theo chuyến được áp dụng đối với tàu biển vận chuyển hành khách, hành lý từ tàu khách du lịch vào đất liền và ngược lại.

Điều 8. Thu hồi Giấy phép vận tải nội địa

1. Giấy phép vận tải nội địa bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Tàu biển không còn khả năng đáp ứng đủ điều kiện vận chuyển hàng hóa, hành khách và hành lý theo quy định của pháp luật.

b) Vận chuyển hàng hóa, hành khách và hành lý sai mục đích hoặc không đúng với nội dung ghi trong Giấy phép vận tải nội địa cho tàu biển nước ngoài vận tải nội địa.

c) Giả mạo, tẩy xóa hoặc cố ý làm sai lệch các thông tin liên quan về tàu biển, tuyến vận tải, hàng hóa, hành khách và hành lý.

2. Cơ quan thu hồi Giấy phép vận tải nội địa:

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hoặc Giám đốc Cảng vụ Hàng hải khu vực thu hồi Giấy phép vận tải nội địa đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

1. Trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có tàu biển nước ngoài tham gia vận tải nội địa.

a) Phải xuất trình Giấy phép vận tải nội địa cho Cảng vụ Hàng hải, các cơ quan có liên quan tại cảng khi làm thủ tục cho tàu ra, vào cảng.

b) Thực hiện vận tải nội địa đúng theo nội dung trong Giấy phép vận tải nội địa.

2. Trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ.

a) Thực hiện việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian quy định tại Thông tư này.

b) Chịu trách nhiệm về mọi nội dung liên quan trong quá trình thẩm định hồ sơ.

c) Tổng hợp các thông tin, số liệu thống kê liên quan đến giá cước vận chuyển, hàng hóa, hành khách, hành lý và tàu biển nước ngoài, tàu biển Việt Nam. Báo cáo Bộ Giao thông vận tải vào ngày 25 các tháng 3, tháng 6, tháng 9, tháng 12 hàng năm.

d) Không tiếp nhận và xử lý hồ sơ đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm khoản 1 Điều 8 Thông tư này.

3. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam.

a) Chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải thực hiện việc kiểm tra, giám sát để phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm đối với tàu biển nước ngoài vận tải nội địa.

b) Hàng tháng thống kê và đăng tải lên cổng thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam về danh sách tàu nước ngoài tham gia vận tải nội địa.

c) Là đầu mối tiếp nhận mọi thông tin phản ánh về tàu nước ngoài vận tải nội địa. Giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý đối với các trường hợp vi phạm các quy định của Thông tư này, pháp luật Việt Nam.

d) Hàng năm báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thực hiện việc cho phép tàu biển nước ngoài vận tải nội địa.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Ban hành kèm theo Thông tư này 03 Phụ lục, như sau:

a) Phụ lục I: Mẫu Giấy phép vận tải nội địa do Bộ Giao thông vận tải cấp.

b) Phụ lục II: Mẫu Giấy phép vận tải nội địa do Cảng vụ Hàng hải cấp.

c) Phụ lục III: Mẫu đơn đề nghị.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.