QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại
_________________________
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH10 ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;
Căn cứ Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giám sát quản lý về hải quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại và các biểu mẫu gồm:
1. Sơ đồ tổng quát quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại;
2. Lệnh hình thức, mức độ kiểm tra hải quan.
3. Phiếu yêu cầu nghiệp vụ: mẫu 01/PYCNV/2009;
4. Phiếu tiếp nhận, bàn giao hồ sơ hải quan: mẫu 02/PTN-BGHS/2009.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2009, thay thế Quyết định số 874/QĐ-TCHQ ngày 15/5/2006 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Điều 3. Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
(Đã ký)
Hoàng Việt Cường
|
QUY TRÌNH
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ ngày 15/06/2009)
_______________________
Phần 1.
QUY TRÌNH
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại do cơ quan Hải quan thực hiện gồm các bước và các công việc chủ yếu sau đây:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ; kiểm tra điều kiện và đăng ký tờ khai hải quan; kiểm tra hồ sơ và thông quan đối với lô hàng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa:
1. Tiếp nhận hồ sơ hải quan từ người khai hải quan theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 79/2009/TT-BTC.
2. Nhập mã số thuế, kiểm tra điều kiện đăng ký tờ khai (cưỡng chế, vi phạm, chính sách mặt hàng):
2.1. Nhập mã số thuế xuất nhập khẩu của doanh nghiệp để kiểm tra doanh nghiệp có bị cưỡng chế làm thủ tục hải quan hay không, kiểm tra ân hạn thuế, kiểm tra vi phạm để xác định việc chấp hành pháp luật của chủ hàng.
Trường hợp hệ thống thông báo bị cưỡng chế nhưng doanh nghiệp có hồ sơ chứng minh đã nộp thuế hoặc thanh khoản, công chức kiểm tra thấy phù hợp thì báo cáo lãnh đạo chi cục chấp nhận, lưu kèm hồ sơ và tiến hành các bước tiếp theo.
2.2. Kiểm tra thực hiện chính sách mặt hàng (giấy phép, điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu).
2.3. Xử lý kết quả kiểm tra điều kiện đăng ký tờ khai:
a) Nếu hồ sơ không đủ điều kiện để đăng ký tờ khai thì trả hồ sơ và thông báo bằng Phiếu yêu cầu nghiệp vụ (mẫu 01/PYCNV/2009) cho người khai hải quan biết rõ lý do;
b) Nếu đủ điều kiện để đăng ký tờ khai thì tiến hành tiếp các công việc dưới đây.
3. Nhập thông tin khai trên tờ khai hải quan hoặc khai qua mạng, hệ thống sẽ tự động cấp số tờ khai và phân luồng hồ sơ.
3.1. Nhập thông tin trên tờ khai vào hệ thống hoặc tiếp nhận dữ liệu do người khai hải quan khai qua mạng;
3.2. Kiểm tra, đối chiếu dữ liệu trong hệ thống với hồ sơ hải quan (đối với trường hợp khai báo qua mạng);
3.3. Chấp nhận (lưu) dữ liệu để hệ thống tự động cấp số tờ khai, phân luồng hồ sơ và làm cơ sở để khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu về trị giá, mã số, xuất xứ và thông tin khác.
4. Đăng ký tờ khai (ghi số tờ khai do hệ thống cấp lên tờ khai)
4.1. Ghi số, ký hiệu loại hình, mã Chi cục Hải quan (do hệ thống cấp) và ghi ngày, tháng, năm đăng ký lên tờ khai hải quan.
Ví dụ: Tờ khai đăng ký tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài, có mã số Chi cục là A01B, thì có số tờ khai là: 155/NK/KD/A01B.
4.2. Ký, đóng dấu công chức vào ô “cán bộ đăng ký tờ khai”.
5. In Lệnh hình thức, mức độ kiểm tra hải quan.
Lệnh chỉ in 01 bản để sử dụng trong nội bộ hải quan và lưu cùng hồ sơ hải quan. Hình thức, mức độ kiểm tra hải quan bao gồm:
5.1. Hồ sơ hải quan:
a) Kiểm tra sơ bộ đối với hồ sơ của chủ hàng chấp hành tốt pháp luật hải quan và pháp luật về thuế theo quy định tại Điều 28 Luật Hải quan, điểm a, khoản 2, Điều 10 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP và Quyết định số 48/2008/QĐ-BTC;
b) Kiểm tra chi tiết đối với hồ sơ của chủ hàng khác theo quy định tại Điều 28 Luật Hải quan, điểm b, khoản 2, Điều 10 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP và Quyết định số 48/2008/QĐ-BTC;
5.2. Thực tế hàng hóa:
a) Miễn kiểm tra thực tế đối với hàng hóa quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 30 Luật Hải quan, điểm a, khoản 2, Điều 11 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP và Quyết định số 48/2008/QĐ-BTC;
b) Kiểm tra thực tế đối với hàng hóa quy định tại khoản 3, khoản 4, Điều 30 Luật Hải quan, điểm b, khoản 2, Điều 11 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP và Quyết định số 48/2008/QĐ-BTC, cụ thể:
b1) Mức (1): Kiểm tra tỷ lệ (%);
b2) Mức (2): Kiểm tra toàn bộ lô hàng.
6. Kiểm tra hồ sơ hải quan
Căn cứ hình thức, mức độ kiểm tra trên Lệnh và các thông tin khác có được tại thời điểm kiểm tra, công chức tiếp nhận hồ sơ thực hiện:
6.1. Kiểm tra sơ bộ hoặc kiểm tra chi tiết theo hình thức, mức độ kiểm tra ghi trên Lệnh và các thông tin khác có được tại thời điểm kiểm tra:
a) Kiểm tra sơ bộ:
a1) Nội dung kiểm tra theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 154/2005/NĐ-CP, cụ thể: công chức Hải quan kiểm tra việc khai các tiêu chí trên tờ khai, kiểm tra sơ bộ nội dung khai của người khai hải quan, kiểm đếm đủ số lượng, chủng loại các chứng từ kèm theo tờ khai hải quan. Trường hợp phát hiện có sai phạm thì thực hiện kiểm tra hồ sơ theo quy định tại điểm b mục này.
a2) Thực hiện điểm 6.2 (trừ 6.2d và 6.2đ) dưới đây.
b) Kiểm tra chi tiết:
b1) Nội dung kiểm tra theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 154/2005/NĐ-CP, cụ thể: công chức Hải quan kiểm tra nội dung khai của người khai hải quan, kiểm tra số lượng, chủng loại giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan, tính đồng bộ giữa các chứng từ trong hồ sơ hải quan; kiểm tra việc tuân thủ chính sách quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, chính sách thuế và các quy định khác của pháp luật;
b2) Kiểm tra tên hàng, mã số hàng hóa;
b3) Kiểm tra xuất xứ hàng hóa;
b4) Kiểm tra trị giá tính thuế, số thuế phải nộp, tham vấn giá trong trường hợp cần tham vấn ngay; Giải quyết các thủ tục xét miễn thuế, xét giảm thuế… (nếu có).
Việc kiểm tra mã số, xác định trị giá, xuất xứ hàng hóa hoặc ấn định thuế, xét miễn thuế, xét giảm thuế… thực hiện theo các quy trình của Tổng cục Hải quan; Nội dung kiểm tra cần tập trung thực hiện theo chỉ dẫn rủi ro tại mục 3.2.1 trên Lệnh do hệ thống tự xác định (nếu có) và tra cứu phân tích thông tin quản lý rủi ro theo hướng dẫn về quản lý rủi ro của Tổng cục Hải quan.
b5) Thực hiện điểm 6.2 dưới đây
6.2. Ghi kết quả kiểm tra và đề xuất xử lý kết quả kiểm tra hồ sơ vào Lệnh;
a) Đề xuất xử lý việc khai bổ sung khi người khai hải quan có yêu cầu, trước khi lãnh đạo chi cục duyệt, quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hóa (theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 154/2005/NĐ-CP);
b) Đề xuất hình thức, mức độ kiểm tra hải quan thực hiện theo hướng dẫn về quản lý rủi ro của Tổng cục Hải quan, gồm:
b1) Chấp nhận hình thức, mức độ kiểm tra hồ sơ do hệ thống xác định nếu không có thông tin khác; đề xuất cụ thể mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa đối với trường hợp hệ thống xác định hàng hóa phải kiểm tra thực tế:
- Mức (1) theo tỷ lệ 5% hoặc 10% tùy theo tính chất, quy cách đóng gói,… của lô hàng.
- Mức (2) kiểm tra toàn bộ.
b2) Trường hợp có thông tin khác thì đề xuất lãnh đạo chi cục thay đổi quyết định hình thức, mức độ kiểm tra trên cơ sở có căn cứ, có lý do xác đáng, được ghi cụ thể vào Lệnh hình thức, mức độ kiểm tra theo (số, ngày công văn hoặc các căn cứ đề xuất theo hướng dẫn về quản lý rủi ro của Tổng cục Hải quan).
c) Đề xuất hoàn chỉnh hồ sơ hoặc cho nợ chứng từ; và/hoặc
d) Đề xuất trưng cầu phân tích, giám định hàng hóa; và/hoặc
đ) Đề xuất tham vấn giá, ấn định thuế; và/hoặc
e) Đề xuất lập Biên bản chứng nhận/Biên bản vi phạm hành chính về hải quan.
g) Đề xuất thông quan; hoặc
h) Giao cho chủ hàng mang hàng về bảo quản.
6.3. Ghi kết quả kiểm tra và ý kiến đề xuất vào Lệnh.
7. Duyệt hoặc quyết định thay đổi hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa theo khoản 2 Điều 29 Luật Hải quan và duyệt kết quả kiểm tra hồ sơ hải quan
Lãnh đạo chi cục căn cứ hồ sơ hải quan, các thông tin khác có được tại thời điểm đăng ký tờ khai và đề xuất của công chức tiếp nhận hồ sơ để duyệt hoặc quyết định thay đổi hình thức, mức độ kiểm tra hải quan; duyệt kết quả kiểm tra hồ sơ của công chức. Ghi hình thức, mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa (tỷ lệ hoặc toàn bộ) trên Lệnh và trên tờ khai hải quan.
8. Nhập thông tin trên Lệnh vào hệ thống và xử lý kết quả kiểm tra sau khi được lãnh đạo chi cục duyệt, chỉ đạo
8.1. Thực hiện nội dung đã được lãnh đạo chi cục duyệt, có ý kiến chỉ đạo ghi trên Lệnh;
8.2. Trường hợp có thay đổi về số thuế thì ghi vào phần kiểm tra thuế và ký tên, đóng dấu công chức trên tờ khai hải quan. Riêng hồ sơ phải kiểm tra thực tế hàng hóa thì chờ kết quả bước 2 mới ghi phần kiểm tra thuế vào tờ khai.
8.3. Đánh giá kết quả kiểm tra theo nội dung tại mục 5 của Lệnh. Việc đánh giá thực hiện theo hướng dẫn về quản lý rủi ro của Tổng cục Hải quan.
8.4. Nhập đầy đủ kết quả kiểm tra, ý kiến đề xuất của công chức, kết quả duyệt, quyết định hình thức, mức độ kiểm tra, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo chi cục và nội dung chi tiết đánh giá kết quả kiểm tra ghi trên Lệnh và trên tờ khai vào hệ thống.
9. Xác nhận đã làm thủ tục hải quan và chuyển sang Bước 3 đối với hồ sơ được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc chuyển hồ sơ phải kiểm tra thực tế hàng hóa sang Bước 2.
9.1. Ký, đóng dấu công chức vào ô “xác nhận đã làm thủ tục hải quan” đối với hồ sơ miễn kiểm tra thực tế hàng hóa được thông quan.
9.2. Chuyển hồ sơ phải kiểm tra thực tế hàng hóa (đã kiểm tra chi tiết hồ sơ) sang Bước 2.
Bước 2: Kiểm tra thực tế hàng hóa và thông quan đối với lô hàng phải kiểm tra thực tế:
1. Đề xuất xử lý việc khai bổ sung khi người khai hải quan có yêu cầu trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hóa (theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 154/2005/NĐ-CP).
1.1. Tiếp nhận, kiểm tra nội dung khai bổ sung về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và đề xuất, ghi vào Lệnh việc chấp nhận hoặc không chấp nhận nội dung khai bổ sung, trình lãnh đạo chi cục xét duyệt.
1.2. Căn cứ phê duyệt của lãnh đạo chi cục, ghi kết quả tiếp nhận hồ sơ khai bổ sung và ký tên, đóng dấu công chức vào bản khai bổ sung (phần dành cho kiểm tra và xác nhận của cơ quan hải quan).
2. Kiểm tra thực tế hàng hóa
2.1. Số lượng công chức kiểm tra thực tế hàng hóa do lãnh đạo chi cục quyết định tùy theo từng trường hợp cụ thể.
2.2. Nội dung kiểm tra theo quy định tại Điều 14 Thông tư 79/2009/TT-BTC: Kiểm tra đối chiếu thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với nội dung khai trên tờ khai hải quan và chứng từ của bộ hồ sơ hải quan về: tên hàng, mã số; lượng hàng; chất lượng; xuất xứ.
2.3. Cách thức kiểm tra:
a) Kiểm tra tình trạng bao bì, niêm phong hàng hóa;
b) Kiểm tra nhãn mác, ký, mã hiệu, quy cách đóng gói, các đặc trưng cơ bản của hàng hóa để xác định tên hàng và mã số, xuất xứ hàng hóa;
c) Kiểm tra lượng hàng (cân, đo, đong đếm, giám định,…tùy theo từng trường hợp cụ thể);
d) Kiểm tra chất lượng theo hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều 14 Thông tư số 79/2009/TT-BTC
2.4. Trường hợp kiểm tra theo tỷ lệ phát hiện có vi phạm, xét thấy cần thiết thì kiểm tra tới toàn bộ lô hàng, do lãnh đạo chi cục quyết định theo khoản 4 Điều 14 Thông tư số 79/2009/TT-BTC.
2.5. Quá trình kiểm tra cần chú ý trọng tâm, trọng điểm theo chỉ dẫn rủi ro tại mục 3.2.1 trên Lệnh do hệ thống tự xác định (nếu có) và tra cứu phân tích thông tin quản lý rủi ro theo hướng dẫn về quản lý rủi ro của Tổng cục Hải quan.
3. Ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa và kết luận kiểm tra.
3.1. Ghi kết quả kiểm tra vào Lệnh:
a) Về cách thức kiểm tra: Ghi theo các tiêu chí tại điểm 2.3 nêu trên.
b) Về tỷ lệ kiểm tra: Ghi cụ thể bao nhiêu %, vị trí các kiện hàng đã kiểm tra…
c) Về đặc trưng cơ bản của hàng hóa phải mô tả rõ ràng, cụ thể, đủ thông tin cần thiết để đối chiếu với: (i) việc tự khai, tự tính của người khai hải quan; (ii) kết quả kiểm tra chi tiết hồ sơ.
d) Các công chức kiểm tra cùng ký tên, đóng dấu số hiệu công chức vào mục 4.1 của Lệnh.
3.2. Ghi kết luận kiểm tra vào tờ khai hải quan:
Trên cơ sở kết quả kiểm tra ghi trên mục 4.1 của Lệnh, công chức kiểm tra thực tế ghi kết luận kiểm tra vào tờ khai hải quan, cách ghi như sau:
a) Hàng hóa được kiểm tra bằng máy móc, thiết bị hoặc thông qua cơ quan kiểm tra chuyên ngành hoặc thương nhân giám định:
a1) Kiểm tra bằng máy soi thì ghi: “kiểm tra qua máy soi tại địa điểm, kết luận… và lưu hình ảnh soi cùng hồ sơ”;
a2) Kiểm tra bằng cân điện tử thì ghi: “Kiểm tra bằng cân điện tử, kết luận ….và lưu kết quả cân cùng hồ sơ”;
a3) Kiểm tra thông qua cơ quan kiểm tra chuyên ngành hoặc thương nhân giám định thì ghi: “căn cứ kết luận kiểm tra của … tại Giấy thông báo kết quả kiểm tra/chứng thư giám định số… ngày… tháng … năm” và ghi kết luận kiểm tra đó vào tờ khai.
b) Hàng hóa được kiểm tra bằng phương pháp thủ công hoặc kết hợp giữa kiểm tra bằng thủ công với máy móc, thiết bị thì ghi rõ phần kiểm tra bằng phương pháp thủ công và phần kiểm tra bằng máy móc, thiết bị.
c) Hàng được kiểm tra theo tỷ lệ:
c1) Kiểm tra một số container thì ghi rõ số hiệu container, số niêm phong của container. Kiểm tra một/một số kiện thì ghi rõ số lượng kiện, vị trí của kiện và ký hiệu, mã hiệu của từng kiện (kiện hàng không có ký hiệu, mã hiệu thì đánh dấu những kiện đã kiểm tra. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố quy định việc đánh dấu áp dụng trong đơn vị mình quản lý). Trường hợp là hàng rời phải ghi rõ là hàng rời, vị trí của phần hàng đã kiểm tra.
c2) Kết quả kiểm tra đúng như khai của người khai hải quan thì ghi: “căn cứ kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa trong container/các kiện hàng nói trên, kết luận: hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu đã kiểm tra theo tỷ lệ đúng như khai của người khai hải quan”.
c3) Nếu kết quả kiểm tra có sai lệch so với khai của người khai hải quan thì phải ghi cụ thể nội dung sai (như: sai về tên hàng, mã số, lượng hàng, xuất xứ, chất lượng…) và ghi “các mặt hàng… xuất khẩu hoặc nhập khẩu sai so với khai của người khai hải quan về …”; nếu có mặt hàng đúng như khai của người khai hải quan thì ghi thêm “các mặt hàng … xuất khẩu hoặc nhập khẩu đúng như khai của người khai hải quan”.
d) Hàng được kiểm tra toàn bộ:
d1) Kết quả kiểm tra đúng như khai của người khai hải quan thì ghi: “hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu đúng khai của người khai hải quan”.
d2) Kết quả kiểm tra phát hiện một/một số hàng hóa khác so với khai của người khai hải quan thì phải ghi cụ thể nội dung sai (như: sai về tên hàng, mã số, lượng hàng, xuất xứ, chất lượng…) và ghi “các mặt hàng …xuất khẩu hoặc nhập khẩu sai so với khai của người khai hải quan về…”; nếu có mặt hàng đúng như khai của người khai hải quan thì ghi thêm “các mặt hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu còn lại đúng như khai của người khai hải quan”.
3.3. Ký tên, đóng dấu số hiệu của các công chức kiểm tra thực tế hàng hóa vào ô “cán bộ kiểm hóa” trên Tờ khai hải quan. Đồng thời, yêu cầu người khai hải quan (hoặc đại diện) ký tên xác nhận kết luận kiểm tra.
3.4. Đánh giá kết quả kiểm tra theo nội dung tại mục 5 của Lệnh. Việc đánh giá thực hiện theo hướng dẫn về quản lý rủi ro của Tổng cục Hải quan.
3.5. Nhập đầy đủ kết luận kiểm tra thực tế hàng hóa ghi trên tờ khai và nội dung chi tiết đánh giá kết quả kiểm tra trên Lệnh vào hệ thống.
4. Xử lý kết quả kiểm tra
4.1. Nếu kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa phù hợp với khai của người khai hải quan thì thực hiện điểm 5 dưới đây.
4.2. Nếu kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa có sự sai lệch so với khai của người khai hải quan thì đề xuất biện pháp xử lý, trình lãnh đạo chi cục xem xét, quyết định:
a) Kiểm tra tính thuế lại và ra quyết định ấn định thuế; và/hoặc
b) Lập Biên bản chứng nhận/Biên bản vi phạm; và/hoặc
c) Quyết định thông quan hoặc chấp nhận yêu cầu của chủ hàng đưa hàng hóa về bảo quản (nếu đáp ứng được yêu cầu giám sát hải quan); và/hoặc
d) Báo cáo xin ý kiến cấp trên đối với những trường hợp vượt thẩm quyền xử lý của Chi cục.
5. Xác nhận đã làm thủ tục hải quan
5.1. Ký, đóng dấu số hiệu công chức vào ô “Xác nhận đã làm thủ tục hải quan” nếu kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa không có sai phạm.
Trường hợp kiểm tra thực tế hàng hóa do nhiều công chức thực hiện thì việc ký, đóng dấu vào ô xác nhận đã làm thủ tục hải quan do lãnh đạo chi cục chỉ định một người (ghi vào Lệnh) ký, đóng dấu công chức.
5.2. Chuyển hồ sơ sang Bước 3.
Bước 3: Thu thuế, lệ phí hải quan; đóng dấu “Đã làm thủ tục hải quan”; trả tờ khai cho người khai hải quan:
1. Thu thuế và thu lệ phí hải quan theo quy định;
2. Đóng dấu “Đã làm thủ tục Hải quan” lên mặt trước, phía trên góc trái tờ khai hải quan (đóng trùm lên dòng chữ HẢI QUAN VIỆT NAM);
3. Vào sổ theo dõi và trả tờ khai hải quan (bản lưu người khai hải quan) cho người khai hải quan.
4. Chuyển hồ sơ sang bước 4 (có Phiếu bàn giao hồ sơ mẫu 02/PTN-BGHS/2009).
* Đối với hồ sơ còn nợ chứng từ hoặc chưa làm xong thủ tục hải quan thì lãnh đạo chi cục tổ chức theo dõi, đôn đốc và xử lý theo quy định, khi hoàn tất mới chuyển sang bước 4.
Bước 4. Phúc tập hồ sơ
Thực hiện theo quy trình phúc tập hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành.
Phần 2.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. NHIỆM VỤ CỦA LÃNH ĐẠO CHI CỤC TRONG QUY TRÌNH
1. Phân công, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công chức trong Chi cục thực hiện đúng các quy định của chính sách, pháp luật, quy trình thủ tục hải quan; bố trí công chức (cả công chức là lãnh đạo đội – nơi có cấp đội) có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc được giao, theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, không gây phiền hà ách tắc; chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật việc tổ chức thực hiện quy trình thủ tục hải quan tại đơn vị.
2. Trực tiếp xử lý các việc thuộc thẩm quyền của lãnh đạo chi cục trong quy trình, cụ thể:
2.1. Duyệt hoặc quyết định thay đổi hình thức, mức độ kiểm tra và duyệt kết quả kiểm tra hồ sơ.
2.2. Quyết định việc chậm nộp một số chứng từ theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP và tổ chức theo dõi, xử lý để hoàn thành thủ tục thông quan.
2.3 Giải quyết đề nghị của chủ hàng đưa hàng hóa về bảo quản trong trường hợp đáp ứng yêu cầu giám sát hải quan, quyết định các trường hợp thông quan có điều kiện quy định tại Khoản 3, Điều 12, Nghị định số 154/2005/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều 25 Thông tư số 79/2009/TT-BTC; ghi ý kiến giải quyết vào ô “ghi chép khác của hải quan” trên tờ khai hải quan và ký tên, đóng dấu công chức.
2.4. Quyết định tham vấn giá, trưng cầu giám định, phân tích, phân loại hàng hóa và ấn định thuế theo quy định.
2.5. Giải quyết các vướng mắc nghiệp vụ phát sinh vượt thẩm quyền của công chức trong quá trình làm thủ tục hải quan; báo cáo xin chỉ đạo của cấp trên các trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết của chi cục;
2.6. Xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của Chi cục trưởng; hoàn tất thủ tục và chuyển hồ sơ các trường hợp vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của cấp trên.
2.7. Các việc khác có liên quan.
II. NHIỆM VỤ CỦA CÔNG CHỨC TRONG QUY TRÌNH
1. Chấp hành sự phân công, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của lãnh đạo phụ trách.
2. Chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật việc thực hiện các công việc được giao trong quy trình này và các quy định có liên quan.
3. Thực hiện đúng và đầy đủ các quy định được làm và không được làm đối với cán bộ, công chức.