• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/11/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 01/05/2006
BỘ THƯƠNG MẠI
Số: 1311/1998/QĐ-BTM
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Ninh, ngày 31 tháng 10 năm 1998

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy chế kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu và Quy chế kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất

_____________________________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Căn cứ Nghị định số 95/CP ngày 4-12-1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại;

Căn cứ Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31-7-1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này hai Quy chế sau đây:

- Quy chế kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu.

- Quy chế kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quy định trong Quyết định này đề bị bãi bỏ.

Điều 3. Các Ông Vụ trưởng các Vụ có liên quan, Trưởng các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện các Quy chế này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

(Đã ký)

 

 

Mai Văn Dâu

 

QUY CHẾ

Kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1311/1998/QĐ-BTM ngày 31 tháng 10 năm 1998)

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

Điều 1. Tạm nhập tái xuất được quy định trong Quy chế này là việc thương nhân Việt Nam mua hàng của một nước để bán cho một nước khác, có làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam.

Tạm nhập tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng mua hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước xuất khẩu và hợp đồng bán hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước nhập khẩu. Hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng.

Điều 2.

2.1. Việc nhập khẩu, xuất khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, phế phẩm, phế liệu và sản phẩm gia công theo hợp đồng gia công không phải là kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất.

2.2. Việc tạm nhập tái xuất hàng hoá để trưng bày giới thiệu, tham dự hội chợ, triển lãm thương mại; Việc tạm nhập tái xuất máy móc, thiết bị, phương tiện thuê mượn để thực hiện các dự án đầu tư và các mục đích khác được điều chỉnh theo quy chế riêng.

Điều 3. Thương nhân Việt Nam có đăng ký mã số doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu được kinh doanh tạm nhập tái xuất và phải tuân thủ các quy định tại quy chế này.

II. ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC TẠM NHẬP TÁI XUẤT

Điều 4.

4.1. Thương nhân Việt Nam được kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hoá phù hợp với ngành hàng đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

4.2. Thương nhân Việt Nam chỉ được kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hoá thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hàng hoá tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và xăng dầu (trừ dầu nhờn) khi có văn bản chấp thuận của Bộ Thương mại.

Điều 5. Hàng hoá tạm nhập tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 90 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục nhập khẩu.

Trường hợp cần gia hạn thương nhân phải có văn bản đề nghị gia hạn gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá 3 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập tái xuất.

Điều 6. Hàng tạm nhập tái xuất phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu được Chính phủ cho phép nơi có tổ chức bộ máy hải quan cửa khẩu và chịu sự giám sát của Hải quan cho tới khi thực xuất ra khỏi Việt Nam.

Điều 7. Việc thanh toán tiền hàng theo phương thức tạm nhập tái xuất phải tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thanh toán tiền hàng xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 8. Hồ sơ làm thủ tục hải quan gồm:

Nộp cho Hải quan:

- Hợp đồng mua hàng, hợp đồng bán hàng (bản sao có xác nhận của doanh nghiệp).

- Các chứng từ có liên quan đến giao nhận hàng hoá được quy định trong hợp đồng.

- Đối với hàng hoá thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu và xăng dầu phải có văn bản chấp thuận của Bộ Thương mại (bản sao có xác nhận của công chứng hoặc Bộ Thương mại).

Xuất trình cho Hải quan:

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu (bản sao có xác nhận của công chứng).

III. ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG:

Điều 9. Mọi vi phạm quy chế này đều bị xử lý theo qui định của pháp luật.

Điều 10. Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quy chế về kinh doanh theo hình thức tạm nhập để tái xuất ban hành kèm theo Quyết định số 1064/TM-PC ngày 18-8-1994 của Bộ Thương mại.

 

QUY CHẾ

Kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1311/1998/QĐ-BTM ngày 31 tháng 10 năm 1998)

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

Điều 1. Chuyển khẩu được quy định trong Quy chế này là việc thương nhân Việt Nam mua hàng của một nước để bán cho một nước khác mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

Phương thức chuyển khẩu được thực hiện dưới các hình thức:

1.1. Hàng hoá được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam.

1.2. Hàng hoá được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có quan cửa khẩu Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

1.3. Hàng hoá được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho ngoại quan, không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

Điều 2. Chuyển khẩu được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng mua hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước xuất khẩu và hợp đồng bán hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước nhập khẩu. Hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng.

Điều 3. Thương nhân Việt Nam có đăng ký mã số doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu được kinh doanh chuyển khẩu và phải tuân thủ các quy định tại Quy chế này.

II. ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC CHUYỂN KHẨU:

Điều 4.

4.1. Thương nhân Việt Nam được kinh doanh chuyển khẩu hàng hoá phù hợp với ngành hàng đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

4.2. Thương nhân Việt Nam chỉ được kinh doanh chuyển khẩu hàng hoá thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu khi có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Thương mại.

Điều 5. Việc thanh toán tiền hàng theo phương thức chuyển khẩu phải tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thanh toán tiền hàng xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 6. Hàng hoá chuyển khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam chịu sự giám sát của Hải quan cho đến khi hàng hoá được đưa ra khỏi Việt Nam.

Hồ sơ nộp cho Hải quan gồm:

- Hợp đồng mua hàng, hợp đồng bán hàng (bản sao có xác nhận của doanh nghệp);

- Văn bản chấp thuận của Bộ Thương mại đối với hàng hoá thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (bản sao có xác nhận của công chứng hoặc Bộ Thương mại);

Hồ sơ xuất trình cho Hải quan:

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu (bản sao có xác nhận của công chứng).

III. ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG:

Điều 7. Mọi vi phạm Quy chế này đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quy chế về kinh doanh theo hình thức chuyển khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 1064/TM-PC ngày 18-8-1994 của Bộ Thương mại.

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.