Sign In

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

V/v triển khai thực hiện Chỉ thị 19/2000/CT-TTg ngày 28.9.2000 của Thủ tướng Chính phủ về

chống buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh

__________

 

Nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 19/2000/CT-TTg ngày 28.9.2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu và gian lận thương mại tại các cửa khẩu. UBND tỉnh yêu cầu Ban chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại (BCĐ 853) chỉ đạo cho các thành viên triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung tinh thần Chỉ thị 19/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến từng đơn vị cơ sở, từng cán bộ nhân viên thuộc đơn vị mình những nội dung sau đây:

1. Chỉ thị 19/2000/CT-TTg quy định rõ khi thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các đơn vị, cá nhân làm việc tại các cửa khẩu phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, nhưng vẫn phải tạo mọi điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho công tác xuất nhập khẩu (XNK), xuất nhập cảnh (XNC). Đặc biệt không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây cản trở, ách tắc làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh XNK, phương tiện vận tải XNC và chủ trương khuyến khích đầu tư, lưu thông hàng hóa của Đảng và nhà nước. Đây là công tác khó và phức tạp do tính hai mặt của một vấn đề đó là: Một mặt phải quản lý chặt chẽ đối với hàng hóa, phương tiện XNK, XNC, nhưng mặt khác lại phải tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các đối tượng trên. Chính điều đó đòi hỏi các đơn vị cá nhân khi thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình phải vận dụng một cách hết sức linh hoạt, sáng tạo không cứng nhắc, máy móc, rập khuôn tránh gây ra phiền hà để khách hàng kêu ca. Nhưng cũng không được buông lỏng quản lý để cho các đối tượng xấu lợi dụng.

2. Để tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm, Chỉ thị 19/2000/CT-TTg nêu rõ "Từ nay, tất cả hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh trong khi đang chịu sự kiểm tra, giám sát Hải quan thì chỉ có lực tượng Hải quan được phép kiểm tra, kiểm soát". Qua đây, Chính phủ giao toàn bộ công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa XNK, phương tiện vận tải XNC đang trong khu vực kiểm soát Hải quan cho lực lượng Hải quan và chỉ duy nhất lực lượng Hải quan mới có quyền kiểm tra, kiểm soát đối với các đối tượng quản lý nêu trên. Đồng thời cùng với quyền hạn trên, cơ quan Hải quan phải chịu đầy đủ trách nhiệm trước Nhà nước và pháp luật nếu để hàng cấm, hàng lậu và hàng gian lận thương mại xảy ra lọt qua cửa khẩu.

Các lực lượng chức năng khác hoạt động trên cùng địa bàn nếu phát hiện có dấu hiệu về buôn lậu, gian lận thương mại, có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan Hải quan để kiểm tra và xử lý. Tránh tình trạng như thời gian qua một số cơ quan chức năng khi phát hiện hoặc nghi vấn có buôn lậu hay vận chuyển trái phép hàng hóa đang trong phạm vi chịu sự giám sát quản lý của cơ quan Hải quan thì tiến hành khám xét phương tiện và thu giữ hàng hóa, sau đó lực lượng Hải quan theo thầm quyền, nhiệm vụ do pháp luật quy định vẫn phải thực hiện việc kiểm tra khám xét và tiến hành các bước thủ tuc cho các phương tiện nói trên. Vì thế đã gây ra không khí căng thẳng và chồng chéo về chức năng. Theo chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ, từ nay công việc trên thuộc trách nhiệm của cơ quan Hải quan. Các ngành không đựơc tùy tiện khám xét như trước đây nữa.

3. Trong thời gian tới nếu đơn vị chức năng nào vẫn thực hiện sự kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa XNK, khám xét phương tiện vận chuyển XNC đang chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Hải quan gây ách tắc lưu thông hàng hóa thì xem như đã vi phạm Chỉ thị 19/2000/CT-TTg của Chính phủ và tùy theo mức độ đều phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm khắc. Trong trường hợp nếu các đơn vị chức năng phát hiện có vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm về quy định XNK, XNC đối với hàng hóa, phương tiện đã làm thủ tục Hải quan nhưng chưa đưa ra ngoài khu vực cửa khẩu. Ngoài việc thông báo cho cơ quan Hải quan, nếu xét thấy cần thiết phải phối hợp kiểm tra làm rõ vi phạm thì đề nghị với cơ quan phối kết hợp kiểm tra, khám xét. Việc phối kết hợp phải có sự phê duyệt của thủ trưởng các bên để có sự chỉ đạo thống nhất, đồng thời phải chịu trách nhiệm về sự đề nghị của mình.

4. Đối với hàng hóa XNK nằm ngoài khu vực kiểm soát Hải quan. Trong trường hợp các đơn vị chức năng có căn cứ khẳng định là buôn lậu, gian lận thương mại hoặc vận chuyển hàng trái phép thì tiến hành kiểm tra, kiểm soát nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi hoàn thiệt hại vật chất, nếu quyết định không đúng gây ra.

Điểm này đề nghị các đơn vị chức năng khi quyết định kiểm tra, khám xét đối với hàng hóa, phương tiện vận tải có nghi vấn thì phải tiến hành hết sức thận trọng, trên cơ sở sàng lọc để có những thông tin chính xác nhằm đạt hiệu quả cao, không được tiến hành khám xét một cách tùy tiện, gây ra hậu quả xấu và thiệt hại về kinh tế cho đối tượng bị khám xét.

Chỉ thị 19/2000/CT-TTg quy định đối với hàng hóa XNK chịu sự quản lý của các cơ quan chuyên ngành, hàng hóa phải trưng cầu giám định. Thì cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng phải căn cứ vào kết quả giám định của các cơ quan giám định (Được cấp phép hoạt động) hoặc giấy kiểm định chuyên ngành để làm cơ sở cho các khâu thủ tục Hải quan tiếp theo và kết luận xử lý. Như vậy, các cơ quan giám định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả giám định của mình. Điểm này xác định và nâng cao trách nhiệm pháp luật của các cơ quan giám định nhằm hỗ trợ cho các đơn vị chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với hàng hóa XNK, phương tiện vận chuyển XNC.

Trên đây là một số vấn đề hết sức lưu ý trong triển khai thực hiện nội dung tinh thần của Chỉ thị 19/2000/TTg ngày 28 tháng 9 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu các Ngành, các cấp có liên quan trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, yêu cầu báo cáo ngay về BCĐ 853 tỉnh để kịp thời giải quyết./.

 

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Tuấn Minh