Sign In

 

CHỈ THỊ

Về thực hiện “Ngày pháp luật” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

__________________________

 

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, với mục đích quán triệt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức, người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm giúp các đối tượng nắm vững và thực hiện tốt những quy định của pháp luật, góp phần đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Để tiếp tục thực hiện Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) từ năm 2008 đến năm 2012; Quyết định số 22/2008/QĐ-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 đến năm 2012 và các năm tiếp theo, với các mục tiêu phấn đấu như sau: đạt từ 80-90% người dân được tiếp cận thông qua công tác tuyên truyền pháp luật chung và các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan đến từng nhóm dân cư theo các địa bàn và đối tượng khác nhau; từ 95% cán bộ, công chức, viên chức trở lên được trang bị kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình; 95% người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; 70% người lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân và người lao động; 95% thanh thiếu niên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan trực tiếp tới thanh thiếu niên, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Ngày 01 hàng tháng là “Ngày pháp luật” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

2. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nội bộ đơn vị tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện “Ngày pháp luật” tại cơ quan, đơn vị mình, các phòng, ban cấp huyện, các xã, phường, thị trấn, các ấp, khu phố, tổ dân cư; trong kế hoạch, cần nêu cụ thể địa điểm tổ chức “Ngày pháp luật” để các đối tượng chủ động sắp xếp công việc tham dự.

3. Yêu cầu các cơ quan trung ương, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sử dụng người lao động, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện “Ngày pháp luật”, xác định rõ địa điểm và thông báo chính thức bằng văn bản về địa điểm thực hiện “Ngày pháp luật” để người lao động chủ động sắp xếp công việc tham dự.

4. Giao Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn phương pháp thực hiện “Ngày pháp luật” trong các đơn vị trực thuộc và đến tổ nhân dân tự quản trong toàn tỉnh.

5. Chọn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, huyện Tân Thành và huyện Đất Đỏ làm điểm thực hiện mô hình “Ngày pháp luật” từ nay đến cuối năm 2011, trong đó, tập trung thực hiện các nội dung như: thường xuyên cập nhật, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành liên quan đến lĩnh vực chuyên môn cho cán bộ và các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có tác động, ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của nhân dân cho người dân; cung cấp tài liệu hoặc giới thiệu nội dung văn bản pháp luật sẽ phổ biến để cán bộ và nhân dân nghiên cứu trước nhằm hiểu sâu hơn và đặt câu hỏi thảo luận để tạo cho không khí buổi tổ chức “Ngày pháp luật” hàng tháng thêm sôi động; thông báo, huy động cán bộ và nhân dân trong cơ quan, đơn vị, địa phương tham dự đầy đủ, nghiêm túc các buổi triển khai, phổ biến pháp luật hàng tháng; bố trí hoặc mời báo cáo viên có kinh nghiệm và chuyên môn để tham gia phổ biến văn bản tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn quản lý.

Khuyến khích sự chủ động của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong việc cập nhật và tìm hiểu văn bản pháp luật mới; đồng thời, tổ chức trao đổi nghiệp vụ và rút kinh nghiệm trong việc vận dụng các văn bản pháp luật khi giải quyết công việc hàng ngày của cán bộ, công chức, viên chức nhằm hạn chế những sai sót trong thực thi công vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tạo tính trực quan khi phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, thu thập số liệu hình ảnh minh họa để công chúng dễ tiếp thu, dễ nhớ.

6. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm làm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân hiểu biết, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Chú trọng kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, giáo dục văn hóa truyền thống và rèn luyện ý thức tự nguyện, tự giác tìm hiểu, chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, nhân dân và phải được tiến hành đồng bộ với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

7. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ để chọn các chuyên đề pháp luật phù hợp, tập trung vào những nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật quy định liên quan đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị, doanh nghiệp; văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan mật thiết đến quyền, nghĩa vụ công dân; văn bản pháp luật về kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để phổ biến trong “Ngày pháp luật”.

8. Mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn tùy theo điều kiện của cơ quan, đơn vị, địa phương có thể tổ chức theo từng chuyên đề pháp luật; trong từng đợt tổ chức “Ngày pháp luật”, cần tập trung trao đổi, thảo luận, tạo không khí thoải mái giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân hiểu sâu hơn những quy định của pháp luật, từ đó vận dụng vào giải quyết công việc và thực thi pháp luật một cách có hiệu quả.

9. Thời gian thực hiện trong toàn tỉnh: chậm nhất là trong quý IV/2010 các cơ quan, đơn vị hoàn thành kế hoạch và bắt đầu tổ chức triển khai thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.

10. Nguồn kinh phí triển khai thực hiện “Ngày pháp luật”: các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng trong nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

11. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có văn bản hướng dẫn hệ thống tuyên giáo các huyện, thị xã, thành phố, Đảng ủy khối doanh nghiệp phối hợp tổ chức “Ngày pháp luật” của ngành, địa phương mình.

12. Đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các đoàn thể, hội quần chúng cấp tỉnh có kế hoạch phối hợp và hướng dẫn thực hiện “Ngày pháp luật” thống nhất đến các Chi, Tổ, Hội, Chi đoàn, Ban công tác Mặt trận ấp.

13.  Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm báo cáo định kỳ 06 tháng (trước ngày 15 tháng 6) và 01 năm (trước ngày 15 tháng 12) việc triển khai thực hiện “Ngày pháp luật” về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp).

14. Giao cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh (Sở Tư pháp) theo dõi và định kỳ báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh (Sở Tư pháp) để được hướng dẫn kịp thời.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Võ Thành Kỳ