QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới, chương trình
quan trắc môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020
_____________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 2350/TTr-STNMT ngày 25 tháng 11 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch mạng lưới, chương trình quan trắc môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020 (có bản đồ quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020 kèm theo) với các nội dung chủ yếu sau:
1. Tên: quy hoạch mạng lưới, chương trình quan trắc môi trường tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đến năm 2020.
2. Phạm vi của quy hoạch:
Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa và 6 huyện: Tân Thành, Long Điền, Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc và Côn Đảo.
3. Mục tiêu:
a) Mục tiêu tổng quát:
- Xây dựng mạng lưới điểm quan trắc chất lượng môi trường đất, nước mặt (sông, hồ), nước ngầm, nước biển ven bờ và không khí có cơ sở khoa học và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
- Xây dựng chương trình quan trắc môi trường phục vụ chiến lược bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020, phù hợp với từng giai đoạn phát triển:
+ Giai đoạn 2010 - 2015.
+ Giai đoạn 2016 - 2020.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Giai đoạn 2010 - 2015:
+ Xác định các vị trí, thông số, tần suất quan trắc môi trường phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
+ Đầu tư bổ sung và nâng cấp trang thiết bị phục vụ quan trắc, đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ quan trắc viên, đảm bảo đủ năng lực tổ chức thực hiện mạng lưới và chương trình quan trắc của tỉnh.
+ Xây dựng và cập nhập đầy đủ cơ sở dữ liệu quan trắc, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Giai đoạn 2016 - 2020:
+ Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vị trí, thông số, tần suất quan trắc phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
+ Củng cố, hiện đại hoá trang thiết bị, tăng cường đầu tư các trạm quan trắc tự động để kịp thời theo dõi diễn biến chất lượng môi trường của tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
+ Nâng cấp cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường, bảo đảm thông tin thông suốt, đồng bộ, có hệ thống và độ tin cậy cao.
4. Quy hoạch mạng lưới, chương trình quan trắc:
a) Mạng lưới quan trắc môi trường không khí:
- Giai đoạn 2010 - 2015: tổng cộng 30 điểm quan trắc, trong đó: điểm nền (2 điểm), khu vực đô thị và giao thông (22 điểm), khu chôn lấp chất thải tập trung Tóc Tiên (1 điểm), khu vực hoạt động gia công, chế biến hải sản (3 điểm), các điểm du lịch (2 điểm).
- Giai đoạn 2016 - 2020: tổng cộng 36 điểm quan trắc, trong đó: điểm nền (2 điểm), khu vực đô thị và giao thông (25 điểm), khu chôn lấp chất thải tập trung Tóc Tiên (1 điểm), khu vực hoạt động gia công, chế biến hải sản (3 điểm), các điểm du lịch (5 điểm).
b) Mạng lưới quan trắc môi trường nước:
- Giai đoạn 2010 - 2015: tổng cộng 58 điểm quan trắc, trong đó: nước sông (25 điểm), nước hồ (13 điểm), nước ngầm (8 điểm), nước biển ven bờ (12 điểm).
- Giai đoạn 2016 - 2020: tổng cộng 58 điểm quan trắc, trong đó: nước sông (25 điểm), nước hồ (13 điểm), nước ngầm (8 điểm), nước biển ven bờ (12 điểm).
c) Mạng lưới quan trắc môi trường đất:
- Giai đoạn 2010 - 2015: tổng cộng 20 điểm.
- Giai đoạn 2016 - 2020: tổng cộng 20 điểm.
d) Danh sách các điểm quan trắc, tần suất quan trắc và thông số quan trắc chất lượng môi trường được thể hiện trong các phụ lục 1, 2, 3 kèm theo Quyết định này.
5. Trang thiết bị quan trắc:
a) Đầu tư bổ sung các trang thiết bị còn thiếu và nâng cấp các trang thiết bị hiện có để phục vụ công tác lấy mẫu và đo nhanh ngoài hiện trường, trang thiết bị cho phòng thí nghiệm (được thể hiện trong dự án đầu tư nâng cao năng lực quan trắc môi trường của Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh).
b) Giai đoạn 2010 - 2020, đầu tư xây dựng ít nhất 12 trạm quan trắc chất lượng môi trường tự động cố định, trong đó 03 trạm quan trắc tự động môi trường không khí và 9 trạm quan trắc tự động môi trường nước (được thể hiện trong dự án đầu tư nâng cao năng lực quan trắc môi trường của Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường tỉnh).
6. Nguồn nhân lực:
a) Bổ sung nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường:
Để đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường đến năm 2020, cần có kế hoạch bổ sung nguồn nhân lực, đặc biệt là các cán bộ, kỹ thuật viên thực hiện nhiệm vụ quan trắc và phân tích mẫu. Căn cứ vào mạng lưới quan trắc môi trường gia tăng trong từng giai đoạn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung biên chế cho Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh.
b) Đào tạo nguồn nhân lực:
- Tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn về công tác quan trắc môi trường. Các nội dung cần đào tạo: kỹ năng lấy mẫu và phân tích mẫu; an toàn lao động; quản lý, phân tích dữ liệu; cập nhật và truy suất thông tin.
- Hướng dẫn chương trình đảm bảo và kiểm soát chất lượng (QA/QC) trong giám sát môi trường.
- Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quan trắc tài nguyên và môi trường.
- Ngoài ra, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ quan trắc, truyền tin, xử lý, quản lý, phân tích, đánh giá và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường.
7. Nguồn kinh phí và các nội dung thực hiện:
a) Nguồn kinh phí để thực hiện quy hoạch:
- Kinh phí tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường được sử dụng từ nguồn chi sự nghiệp môi trường hằng năm của tỉnh.
- Nguồn vốn đầu tư trang thiết bị thực hiện quan trắc ngoài nguồn chi sự nghiệp môi trường hằng năm cần huy động thêm nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và các nguồn vốn khác.
b) Các nội dung thực hiện và kinh phí thực hiện:
- Định kỳ tổ chức thực hiện lấy mẫu, phân tích và đánh giá thực trạng cũng như dự báo diễn biễn môi trường tại các khu vực trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã từ đó đề xuất các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm. Kinh phí cho hoạt động quan trắc của tỉnh, bao gồm chi phí lấy mẫu ngoài hiện trường và phân tích trong phòng thí nghiệm (Không bao gồm kinh phí vận hành các trạm quan trắc tự động) như sau:
+ Giai đoạn 2010 - 2015: khoảng 1.450.000.000 đồng/năm (Một tỷ bốn trăm năm mươi triệu đồng một năm).
+ Giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 1.695.000.000 đồng/năm (Một tỷ sáu trăm chín mươi lăm triệu đồng một năm).
(Cơ sở tính toán: Quyết định số 02/2008/QĐ-BTNMT ngày 16 tháng 4 năm 2008 về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động quan trắc môi trường đất, nước dưới đất và nước mưa axit; Quyết định số 03/2008/QĐ-BTNMT ngày 18 tháng 4 năm 2008 về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động quan trắc môi trường nước biển, khí thải công nghiệp và phóng xạ; Quyết định số 10/2007/QĐ-BTNMT ngày 05 tháng 7 năm 2007 về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động quan trắc môi trường không khí xung quanh và nước mặt lục địa).
8. Tổ chức thực hiện:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì triển khai thực hiện các nội dung của quy hoạch; theo dõi diễn biến chất lượng môi trường của tỉnh để kịp thời đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp tổ chức thực hiện, ngăn ngừa ô nhiễm, đảm bảo chất lượng môi trường của tỉnh đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường Việt Nam.
- Cung cấp thông tin, số liệu quan trắc môi trường cho các đơn vị có nhu cầu, đồng thời công khai hoá các thông tin, số liệu phục vụ nâng cao dân trí, giáo dục, truyền thông, ngoại trừ các thông tin, số liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước.
- Chủ trì xây dựng đề án nâng cao năng lực quan trắc môi trường của tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trong quý II năm 2010. Nội dung đề án đặc biệt lưu ý đến đầu tư nâng cấp trang thiết bị quan trắc và xây dựng các trạm quan trắc môi trường (nước, không khí) tự động theo mạng lưới quan trắc môi trường đã được xác định trong quy hoạch, đảm bảo nâng cao năng lực quan trắc, đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường của tỉnh, đặt biệt là bảo vệ môi trường không khí đô thị và chất lượng nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân trong tỉnh.
- Căn cứ vào mạng lưới quan trắc môi trường gia tăng trong từng giai đoạn, chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung biên chế cho Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường.
- Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:
Căn cứ vào các nội dung của quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường của tỉnh đã được phê duyệt, trên cơ sở đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường hằng năm cân đối, bố trí vốn để thực hiện quy hoạch.
c) Các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện một số vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện các nội dung của quy hoạch.
Điều 2. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nội dung của Quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
(Xem các Phụ lục đính kèm file word)