CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng
trên địa bàn tỉnh Bà Ria -Vũng Tàu
___________
Trong thời gian qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu luôn được lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, thường xuyên có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức đoàn thể nhân dân, đặc biệt là với cơ quan thông tin đại chúng. Nhờ đó, một số vụ việc tham ô, hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, những cán bộ, công chức có sai phạm bị xử lý nghiêm khắc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo niềm tin của nhân dân đối với đảng, chính quyền.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng, tiêu cực, lãng phí vẫn còn diễn biến phức tạp. Tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức thiếu rèn luyện phấn đấu, đánh mất phẩm chất, vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra. Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước ở một số địa phương, đơn vị còn thiếu trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kỷ cương, kỷ luật hành chính trong công tác chưa nghiêm, có nơi, có lúc còn buông lỏng. Các cơ quan chức năng còn nhiều lúng túng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, hiệu quả xử lý chưa đạt được như mong muốn.
Nhằm tăng cường trách nhiệm của Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh số 08/2004/NQ-HĐ ngày 10 tháng 12 năm 2004 tại Kỳ họp thứ III, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị) phải chú trọng công tác rèn luyện, giáo dục nâng cao tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức; quán triệt cho mỗi cán bộ, công chức nhận thức rõ tác hại nghiêm trọng của tệ nạn tham nhũng. Từ đó, xây dựng ý thức trách nhiệm và quyết tâm tham gia phát hiện và đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện nghiêm chế độ công khai tài chính trong hoạt động của cơ quan, đơn vị theo các quy định của pháp luật hiện hành.
2. Thực hiện kịp thời, đúng tiến độ chương trình cải cách hành chính nhà nước, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách quản lý đối với các doanh nghiệp nhà nước, chi tiêu ngân sách, quản lý đất đai và đầu tư xây dựng cơ bản, nhằm khắc phục có hiệu quả tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong lĩnh vực này.
3. Giao Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính hướng dẫn Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị khẩn trương xây dựng đề án khoán kinh phí quản lý hành chính và biên chế lao động, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện trong toàn tỉnh.
4. Giao Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính xây dựng quy chế khuyến khích, biểu dương, khen thưởng người có tinh thần đấu tranh tố cáo tham nhũng, tiêu cực.
5. Đối với các vụ việc có tính chất phức tạp, các vụ án tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tổ chức thanh tra, kiểm tra, điều tra sớm có kết luận, thực hiện các biện pháp, hình thức xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật.
6. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tổ chức nghiêm túc việc kê khai tài sản, nhà đất hàng năm đối với cán bộ công chức thuộc quyền quản lý theo quy định tại Nghị định số 64/1998/NĐ-CP ngày 17/8/1998 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chống tham nhũng.
Giao cho Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ kiểm tra việc thực hiện, kịp thời tiến hành xác minh về tài sản, nhà, đất của cán bộ, công chức, nhất là của cán bộ lãnh đạo, quản lý có đơn thư tố cáo, kết luận rõ đúng, sai và trả lời bằng văn bản cho cá nhân, cơ quan, tố chức hữu quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung to cáo quy định của pháp luật.
7. Tăng cường mối quan hệ phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử; giữa các các cơ quan này với cơ quan kiểm tra đảng cùng cấp trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
8. Thông qua sự lãnh đạo của cấp uỷ, thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết TW6 (lần 2) của Tỉnh uỷ; đẩy mạnh hoạt động dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng và quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
9. Giao Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh có kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
10. Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và một năm, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải báo cáo tình hình, kết quả và chương trình kế hoạch hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của cơ quan, đơn vị mình về Ban chỉ đạo chống tham nhũng tỉnh (qua cơ quan Thanh tra tỉnh). Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị này./.