CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
V/v triển khai thực hiện công tác phòng chống
dịch bệnh gia cầm, gia súc trên địa bàn tỉnh
Theo tinh thần công văn 17-CV/BNN-TY ngày 06/01/204 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: dịch cúm gà đã ở các tỉnh phía Bắc như Trung tâm nghiên cứu gà Thụy Phương, trại gà Tam Dương tỉnh Vĩnh Phúc, trại giống gà của Công ty CP Việt Nam thuộc huyện Chơn Mỹ tỉnh Hà Tây, đồng thời nhiều địa phương bệnh cúm gà đã được chẩn đoán phát hiện như Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn La, Hà Tây, Hưng Yên… Các tỉnh phía Nam có các huyện: Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; Huyện Châu Thành tỉnh Long An… đã gây thiệt hại khá nghiêm trọng. Nhiều tỉnh thực hiện việc phòng, chống dịch cúm gà theo hướng dẫn kỹ thuật của Cục Thú y, đã phát hiện và khống chế thành công khi dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên bệnh cúm gà hiện nay đang lây lan ra nhiều tỉnh, gây thiệt hại đáng kể cho ngành chăn nuôi cả nước. Để thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 71/CĐ-NN ngày 08/01/2004, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ thị:
1. Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y:
- Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cúm gà trên đàn gia cầm, gia súc trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường công tác kiểm dịch 24/24 giờ ở tất cả các chốt kiểm dịch, nơi giết mổ; kiểm dịch vận chuyển gia cầm, gia súc từ các tỉnh khác trước khi vào tỉnh, tuyệt đối không được vận chuyển gà, vịt, gia súc ở các tỉnh đang có dịch về tiêu thụ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ các điểm giết mổ, nơi dự trữ gà, vịt, gia súc trong tỉnh và những phương tiện vận chuyển gà, vịt, gia súc vào tỉnh theo quy định của Pháp lệnh Thú y. Xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm việc vận chuyển gà, vịt bệnh, gia súc chết ở những vùng có dịch vào tỉnh theo Pháp lệnh Thú y, tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm, gia súc đang có mầm dịch bệnh còn sống hoặc đã chết và tổ chức vệ sinh thú y chặt chẽ.
- Xây dựng phương án, tài liệu hướng dẫn, thông báo lịch, quy trình phòng và chống dịch khẩn cấp tập trung các chủ trang trại, các trại gia cầm, gia súc gia công (CP, Việt Thái), các trại tư nhân, nhà nước trên địa bàn tỉnh trước ngày 01/02/2004.
- Tổ chức sát trùng, tiêu độc, vệ sinh thú y những nơi có nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh (khu giết mổ, chợ tiêu thụ, nơi dự trữ…), thường xuyên tổ chức giám sát việc thực hiện quy trình phòng bệnh, nếu phát hiện có hiện tượng phát dịch phải chủ động dự kiến, ứng phó khi có dịch xảy ra và báo cáo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT để chỉ đạo kịp thời.
2. Sở Y tế (Trung tâm Y tế dự phòng) cử người trực tiếp phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra, xử lý, tiêu độc, khử trùng tổ chức chôn, đốt gia cầm, gia súc bị dịch bệnh đảm bảo vệ sinh môi trường. Có phương án xử lý các sản phẩm gia cầm, gia súc mắc bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ngộ độc, nguy hiểm đến sức khỏe người dân.
3. Sở Tài chính - Vật giá cân đối, cấp kinh phí kịp thời phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh gia cầm, gia súc trên địa bàn tỉnh;
4. Công an tỉnh chỉ đạo Cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy hỗ trợ các chốt kiểm dịch thực hiện hiệu lệnh dừng xe, tàu thuyền để kiểm tra, kiểm dịch gia cầm, gia súc.
5. Sở Thương mại chỉ đạo Quản lý thị trường các huyện phối hợp với ngành Thú y kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các cửa hàng, quầy, sạp kinh doanh thịt gia cầm, gia súc và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
6. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng của địa phương phối hợp với ngành Thú y thực hiện công tác giám sát, kiểm tra ngăn chặn dịch xảy ra trên địa phương mình, xử lý các trường hợp vi phạm để xảy ra dịch bệnh (gia cầm, gia súc bệnh; gia cầm, gia súc chết) và xây dựng, tổ chức thực hiện phương án phòng, chống dịch.
7. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ngành, kiểm tra, báo cáo thường xuyên về công tác phòng, chống dịch. Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch để UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.
Nhận được chỉ thị này yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành chức năng có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh gia cầm, gia súc trên địa bàn tỉnh./.