CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
V/v Huy động và sử dụng ngày công lao động công ích trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai thực hiện Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích. Tuy nhiên việc thực hiện còn những tồn tại chủ yếu ở các vấn đề sau :
- Các xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp chưa lập sổ theo dõi lao động công ích hàng năm theo quy định. Do đó nhiều địa phương không nắm chắc và quản lý được nguồn lao động công ích trên địa bàn;
- Chế độ báo cáo định kỳ về lao động công ích của các địa phương thực hiện không đều, một số địa phương có báo cáo nhưng số liệu chưa đầy đủ theo biểu mẫu ban hành tại công Văn số 5415/LĐTBXH-CSLĐVL ngày 05/10/1999 của Bộ Lao động- Thương binh xã hội ;
- Để củng cố việc thực hiện Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích nhằm quản lý chặt chẽ quỹ ngày công lao động công ích trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sử dụng quỹ đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả; UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ban, ngành cần tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Các ngành, địa phương có nhu cầu sử dụng quỹ ngày công lao động công ích phải lập kế hoạch nhu cầu sử dụng khi có công trình cụ thể hàng năm gửi về các sở: Lao động - Thương binh xã hội, Tài chính - Vật giá, Kế hoạch - Đầu tư trong tháng 11 của năm trước kỳ kế hoạch, để liên ngành xem xét trình UBND tỉnh phê duyệt dưa vào kế hoạch huy động và sử dụng quỹ ngày công lao động công ích hàng năm của tỉnh.
Trong kế hoạch cần nêu rõ mục đích sử dụng ngày công lao động công ích và giải trình cụ thể vể nhu cầu số ngày công cần sử dụng. Khi thực hiện nếu có nhu cầu cần tăng, giảm thì lập kế hoạch điều chỉnh.
2. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm chỉnh chế độ huy động và sử dụng ngày công lao động công ích trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích tại Nghị định Số 81/2000/NĐ-CP ngay 29/12/2000 của Chính Phủ.
3. Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch ngày công lao động công ích hàng năm do UBND tỉnh giao; UBND các huyện, thành phố, thị xã phân bổ chỉ tiêu huy động cho các xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn và đôn đốc, chỉ đạo thực hiện. Nghiêm cấm các huyện, thành phố, thị xã tự ý huy động ngày công lao động công ích hàng năm khi chưa có công trình cụ thể.
4. Để theo dõi chặt chẽ nguồn lao động công ích hàng năm trên địa bàn, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã cần chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các xã phường, cơ quan, doanh nghiệp thực hiện tốt việc lập sổ theo dõi lao động Nghĩa vụ công ích hàng năm theo biểu mẫu quy định tại Công văn số 5415/LĐTBXH-CSLĐVL của Bộ Lao động - Thương binh xã hội.
5. Định kỳ 6 tháng và cuối năm (chậm nhất sau 15 ngày kỳ báo cáo) các huyện, thành phố, thị xã phải báo cáo gửi UBND tỉnh và sở Lao động - TBXH về việc thực hiện Nghĩa vụ lao động công ích của địa phương mình (theo đúng biểu mẫu Bộ ban hành).
6. Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương về biên lai thu tiền, nộp tiền Nghĩa vụ lao động công ích thu được vào ngân sách và quản lý chặt chẽ để điều hòa chung, đầu tư cho các công trình được sử dụng ngày công lao động công ích hàng năm theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong đó lưu ý tới các khoản tiền địa phương được trích lại từ số tiền thu được theo quy định tại điều 12 Chương III của Nghị Định 81/2000/NĐ-CP ngày 29/12/2000 của Chính Phủ.
7. Trong khi chờ HĐND tỉnh quyết định mức đóng góp bằng tiền, UBND tỉnh tạm thời cho phép các địa phương dược áp dụng theo mức quy định năm 1998 mà UBND tỉnh đã ban hành.
Nhận được chỉ thị này ngành Lao động - Thương binh Xã hội có kế hoạch phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố và các ngành chức năng tổ chức thực hiện nghiêm túc theo tinh thần chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả về UBND tỉnh./.