NGHỊ ĐỊNH
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y
_______________________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
2. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y là những hành vi của cá nhân, tổ chức cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định quản lý nhà nước trong lĩnh vực thú y mà không phải là tội phạm và theo quy định của Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
3. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y bao gồm:
a) Vi phạm quy định về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh cho động vật;
b) Vi phạm quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật; sơ chế sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y;
c) Vi phạm quy định về quản lý thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y;
d) Vi phạm quy định về hành nghề thú y;
đ) Vi phạm các quy định khác trong lĩnh vực thú y;
4. Những hành vi vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực thú y mà không trực tiếp quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.
2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.
3. Người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
Điều 3. Nguyên tắc xử phạt
1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y được thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 (sau đây gọi chung là Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính).
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y do người có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại các Điều 29, 30, 31 Nghị định này.
Điều 4. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng
Các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II Nghị định này được thực hiện theo quy định tại các Điều 8, 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y là một năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.
2. Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật, thuốc thú y; sản xuất kinh doanh thuốc thú y giả thì thời hiệu xử phạt là hai năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.
3. Trong trường hợp cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, nếu hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án kèm theo hồ sơ vụ vi phạm và đề nghị xử phạt hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Thời hiệu xử phạt là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ việc vi phạm.
4. Trong thời hạn quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này nếu cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mới được quy định tại Nghị định này hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành vi được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh cản trở việc xử phạt.
Điều 6. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y sau một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Điều 7. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả.
1. Mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
Phạt tiền được áp dụng theo khung tiền phạt quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính như sau:
Đối với hành vi vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì mức tiền phạt cụ thể là mức trung bình cộng của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình cộng của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức tối đa.
Đối với hành vi vi phạm hành chính có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt.
Đối với hành vi vi phạm hành chính có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên, nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
Mức quy định tiền phạt đối với một hành vi vi phạm trong lĩnh vực thú y là 40.000.000 đồng.
2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn chứng chỉ hành nghề thú y;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
3. Ngoài các hình thức xử phạt được quy định tại các khoản 1, 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả nhằm xử lý triệt để vi phạm, loại trừ nguyên nhân, điều kiện tái phạm, khắc phục mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra như sau:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;
c) Buộc tiêu hủy đối với:
Động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh hoặc chất gây hại cho sức khỏe con người, cho động vật thuộc Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam hoặc mang vi sinh vật lạ gây hại; động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, xuất phát từ vùng công bố có dịch, xác động vật.
Động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam; dụng cụ chứa đựng, bao gói động vật, sản phẩm động vật bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thuộc Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam hoặc mang vi sinh vật lạ gây hại trong trường hợp không thể trả về nước xuất khẩu do phải quá cảnh một nước thứ ba.
Thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y (sau đây được gọi chung là thuốc thú y) có trong Danh mục thuốc thú y cấm lưu hành tại Việt Nam, không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam; thuốc thú y nhập khẩu không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và không có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về thú y; thuốc thú y giả, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, chất lượng kém ảnh hưởng đến sức khỏe động vật.
d) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hàng hóa nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam khi phát hiện vi phạm ngay tại cửa khẩu nhập, bao gồm:
Động vật, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thuộc Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam hoặc vi sinh vật lạ gây hại mà việc trả về không phải quá cảnh một nước thứ ba.
Động vật, sản phẩm động vật, các đối tượng khác thuộc diện phải kiểm dịch mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y quốc gia nước xuất khẩu hoặc có nhưng không hợp lệ và không khắc phục được.
Thuốc thú y không có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam và không có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về thú y; không có nhãn hoặc có nhãn nhưng rách, mờ, không đúng quy định của pháp luật Việt Nam; không còn nguyên bao bì xuất xứ.
đ) Buộc thu hồi thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố trong giới hạn cho phép của loại thuốc đó; thuốc thú y đang trong thời gian kiểm nghiệm, thử nghiệm, khảo nghiệm;
e) Buộc thực hiện giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;
g) Buộc xử lý xác động vật, chất độn, chất thải động vật;
h) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác được quy định tại Chương II Nghị định này.
4. Hình thức xử phạt chính được áp dụng độc lập hoặc kèm theo hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.
Điều 8. Trách nhiệm của người có thẩm quyền trong việc xử phạt vi phạm hành chính
1. Khi phát hiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải lập biên bản, đình chỉ ngay hành vi vi phạm, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo đúng trình tự thủ tục quy định tại Chương VI của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp vụ việc vi phạm không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình thì phải kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm tới người có thẩm quyền xử phạt.
2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y phải xử phạt đúng thẩm quyền. Trường hợp người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính vắng mặt thì ủy quyền cho cấp phó trực tiếp thực hiện việc xử phạt theo quy định tại Điều 41 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
3. Nghiêm cấm hành vi bao che, cản trở việc xử phạt, giữ lại các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để xử phạt vi phạm hành chính hoặc chia tách vụ việc vi phạm để giữ lại xử phạt cho phù hợp với thẩm quyền của cấp mình.
4. Các trường hợp đã ra quyết định xử phạt không đúng thẩm quyền, đối tượng vi phạm, hành vi vi phạm; áp dụng không đúng hình thức, mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; xử phạt không đúng thời hiệu, thời hạn xử phạt thì tuỳ theo từng trường hợp cụ thể phải sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định không đúng pháp luật.
5. Việc xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y theo quy định tại Điều 36 Nghị định này.
Chương 2.
HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT
Mục 1. HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG BỆNH, CHỮA BỆNH, CHỐNG DỊCH BỆNH CHO ĐỘNG VẬT
Điều 9. Vi phạm quy định về phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật trên cạn
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thực hiện việc tiêm phòng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật để phòng các bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành;
b) Không chấp hành việc lấy mẫu bệnh phẩm để kiểm tra, phát hiện bệnh theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan thú y có thẩm quyền.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không báo cho nhân viên thú y xã hoặc cơ quan thú y ở địa phương khi nghi ngờ động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc khi thấy động vật bị mắc bệnh, chết nhiều mà không rõ nguyên nhân;
b) Không chấp hành việc tiêm phòng bắt buộc vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác trong vùng ổ dịch cũ, vùng đã bị dịch uy hiếp;
c) Không chấp hành các quy định về xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật;
d) Sử dụng thức ăn chăn nuôi, nước uống không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y để chăn nuôi động vật;
đ) Sử dụng thuốc thú y để phòng, chữa bệnh cho động vật không theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan thú y.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc thuốc thú y hết hạn để phòng, chữa bệnh cho động vật;
b) Sử dụng nguyên liệu làm thuốc thú y để phòng, chữa bệnh cho động vật không theo đúng quy định.
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành các quy định về kiểm tra định kỳ, đột xuất bệnh động vật; vệ sinh thú y đối với các cơ sở chăn nuôi động vật tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, cơ sở giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật;
b) Không thực hiện cách ly động vật theo quy định trước khi đưa vào nuôi tại cơ sở chăn nuôi động vật tập trung;
c) Sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm để làm giống;
d) Chăn nuôi động vật trong thời gian có quy định tạm ngừng chăn nuôi.
5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc thú y thuộc Danh mục thuốc thú y cấm sử dụng để phòng, trị bệnh cho động vật.
6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi vứt động vật bị mắc bệnh hoặc bị chết vì bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được xác định qua chẩn đoán lâm sàng ra môi trường.
7. Phạt tiền gấp ba lần mức tiền phạt quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này; phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại điểm d khoản 4, các khoản 5, 6 Điều này nếu hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức chăn nuôi động vật tập trung.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy nguyên liệu làm thuốc thú y, thuốc thú y đối với vi phạm quy định tại các khoản 3, 5 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy động vật đối với vi phạm quy định tại các điểm c, d khoản 4 Điều này;
c) Buộc tiêu hủy xác động vật; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh đối với vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này.
Điều 10. Vi phạm quy định về chống dịch bệnh cho động vật trên cạn
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thực hiện việc cách ly động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch trong thời gian có dịch;
b) Chăn thả động vật mắc bệnh dịch ở các bãi chăn chung;
c) Không thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng nuôi, môi trường; xử lý xác, chất thải của động vật mắc bệnh dịch tại vùng có dịch;
d) Không chấp hành việc sử dụng vắc xin hoặc các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc khác theo yêu cầu của cơ quan thú y có thẩm quyền.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Mang ra khỏi ổ dịch thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi có khả năng mang mầm bệnh, chất thải của động vật mắc bệnh dịch đã công bố;
b) Vận chuyển động vật mắc bệnh dịch phải giết mổ bắt buộc đến nơi giết mổ không theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y có thẩm quyền;
c) Giết mổ, lưu thông, mua bán động vật, sản phẩm của động vật dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố trong vùng có dịch không theo hướng dẫn của cơ quan thú y có thẩm quyền.
3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Đưa động vật, sản phẩm động vật dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố từ vùng bị dịch uy hiếp ra vùng đệm hoặc vùng an toàn mà không có Giấy chứng nhận kiểm dịch;
b) Vận chuyển qua vùng có dịch động vật dễ nhiễm bệnh dịch đã được công bố tại vùng đó mà không được phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dịch;
c) Cố ý dừng phương tiện vận chuyển động vật hoặc thả động vật xuống vùng đã công bố có dịch trong khi chỉ được phép đi qua;
d) Trốn tránh việc khử trùng tiêu độc đối với phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, chất thải động vật, thức ăn chăn nuôi, các vật dụng khác liên quan đến động vật sau khi đi qua vùng có dịch;
đ) Không đảm bảo một trong những điều kiện hoặc quy định trong vận chuyển động vật đi giết mổ bắt buộc đối với phương tiện vận chuyển động vật, nơi giết mổ;
e) Không chấp hành hoặc không thực hiện đúng quy định của pháp luật thú y, hướng dẫn của cơ quan thú y có thẩm quyền trong việc giết mổ, xử lý động vật, xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch.
4. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Lưu thông động vật, sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh dịch trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm;
b) Vận chuyển động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch ra khỏi vùng có dịch đã được công bố hoặc ra khỏi vùng đã bị buộc hạn chế lưu thông;
c) Chăn nuôi hoặc xuất bán động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi cơ quan thú y có thẩm quyền đã yêu cầu phải giết mổ bắt buộc hoặc tiêu hủy.
5. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại các khoản 1, 2, 4 Điều này nếu hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức chăn nuôi động vật tập trung, chuyên kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, chất thải của động vật;
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu động vật, sản phẩm động vật dễ nhiễm bệnh dịch đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, thức ăn chăn nuôi, chất thải động vật đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, các điểm a, b khoản 4 Điều này;
b) Buộc thực hiện giết mổ bắt buộc động vật hoặc tiêu hủy động vật đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 4 Điều này.
Điều 11. Vi phạm quy định về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh đối với động vật thủy sản.
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành việc lấy mẫu bệnh phẩm để kiểm tra, phát hiện bệnh theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan thú y có thẩm quyền;
b) Không báo cho cơ quan thú y ở địa phương khi phát hiện động vật bị mắc bệnh hoặc chết nhiều mà không rõ nguyên nhân;
c) Sử dụng thức ăn chăn nuôi không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thực hiện các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật theo quy định;
b) Sử dụng nguồn nước không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y để nuôi thủy sản;
c) Sử dụng thuốc thú y để phòng, chữa bệnh cho động vật không theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan thú y.
d) Không chấp hành quy định về xây dựng vùng nuôi thủy sản bền vững.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành hoặc thuốc hết hạn sử dụng, thuốc cấm sử dụng để phòng, chữa bệnh cho động vật;
b) Không thực hiện nuôi cách ly thủy sản giống mới nhập về cơ sở theo quy định.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Đổ, thải thức ăn chăn nuôi, nước rửa, xác các loài thủy sản mang mầm bệnh vào các nguồn nước tự nhiên, nguồn nước nuôi thủy sản khác;
b) Xả nước hoặc các chất thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn quy định từ nơi có dịch bệnh thủy sản sang các vùng nước nuôi trồng thủy sản khác.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy thuốc thú y đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
Mục 2. HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KIỂM DỊCH ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT, KIỂM SOÁT GIẾT MỔ, KIỂM TRA VỆ SINH THÚ Y
Điều 12. Vi phạm quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn lưu thông trong nước
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc nơi tập trung, phương tiện vận chuyển trước và sua khi đã kiểm dịch, bốc xếp, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật;
b) Trốn tránh việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông trên tuyến đường đi.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật theo quy định phải kiểm dịch mà không có Giấy chứng nhận kiểm dịch;
b) Đánh tráo hoặc làm thay đổi số lượng động vật, sản phẩm động vật đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch bằng động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm dịch;
c) Vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không đúng chủng loại, số lượng được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm dịch;
d) Tự ý tháo dỡ niêm phong phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật hoặc tự ý thay đổi mã số đánh dấu động vật trong quá trình vận chuyển.
3. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại các khoản 1, 2 Điều này nếu hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức chăn nuôi động vật tập trung, chuyên kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện việc kiểm dịch hoặc kiểm dịch lại theo quy định đối với vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này trong trường hợp đang có dịch bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch trên loài động vật đó và chủ hàng không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của động vật, sản phẩm động vật.
Điều 13. Vi phạm quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản lưu thông trong nước
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đăng ký kiểm dịch theo quy định khi xuất bán, sử dụng giống thủy sản bố, mẹ được khai thác từ nguồn tự nhiên.
b) Vận chuyển giống thủy sản ra khỏi cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản mà không có Giấy chứng nhận kiểm dịch;
c) Vận chuyển giống thủy sản vượt quá 10% về số lượng hoặc không đúng kích cỡ ghi trong giấy chứng nhận kiểm dịch.
2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện kiểm dịch đối với động vật thủy sản thương phẩm, sản phẩm động vật thủy sản trước khi đưa ra khỏi huyện trong trường hợp đang xảy ra dịch bệnh thủy sản ở huyện đó.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tiêu hủy động vật thủy sản đối với vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 14. Vi phạm quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thực hiện đúng quy định về nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật mang theo người;
b) Không thông báo thời gian qua cửa khẩu khi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật về thú y của Việt Nam.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi không có hồ sơ kiểm dịch hợp lệ khi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thực hiện việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định khi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật;
b) Nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật không đúng cửa khẩu hoặc không đúng chủng loại ghi trong Giấy chứng nhận kiểm dịch;
c) Nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y;
d) Không tái xuất động vật, sản phẩm động vật đã quá thời hạn phải tái xuất;
đ) Đưa động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu để theo dõi cách ly kiểm dịch không đúng địa điểm đã được chấp thuận hoặc đưa về nơi cách ly không đủ số lượng động vật, sản phẩm động vật theo hồ sơ kiểm dịch;
e) Không chấp hành các quy định về thú y đối với động vật, sản phẩm động vật đang trong thời gian theo dõi cách ly kiểm dịch;
g) Tự ý bốc dỡ hàng hóa hoặc tháo dỡ các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh khi chưa được phép của cơ quan kiểm dịch động vật;
h) Vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, quá cảnh không đúng lộ trình hoặc tự ý dừng lại tại các điểm không được cơ quan kiểm dịch động vật quy định.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Để động vật tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, quá cảnh tiếp xúc với động vật nuôi trên lãnh thổ Việt Nam;
b) Không chấp hành các biện pháp xử lý vệ sinh thú y theo hướng dẫn của cơ quan kiểm dịch động vật đối với động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y;
c) Không chấp hành các biện pháp xử lý vệ sinh thú y theo yêu cầu của cơ quan kiểm dịch động vật đối với xác động vật, chất thải động vật,chất độn, thức ăn thừa của người và động vật, bao bì đóng gói sản phẩm động vật và các chất thải khác trong quá trình vận chuyển.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thông báo cho cơ quan thú y có thẩm quyền để theo dõi cách ly kiểm dịch sau khi động vật, sản phẩm động vật được đưa đến địa điểm cách ly kiểm dịch;
b) Không chấp hành hoặc chấp hành nhưng chưa đủ thời hạn theo dõi cách ly kiểm dịch đã đưa ra sử dụng, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu.
6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm không chấp hành các biện pháp xử lý vệ sinh thú y theo quyết định của cơ quan thú y có thẩm quyền đối với động vật, sản phẩm động vật bị nhiễm mầm bệnh thuộc Danh mục các bệnh nguy hiểm hoặc Danh mục các bệnh phải công bố dịch hoặc nhiễm vi sinh vật lạ gây hại.
7. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch theo quy định của pháp luật thú y của Việt Nam;
b) Vứt bỏ xác động vật, chất thải, thức ăn thừa, rác, vật dụng khác có liên quan đến lô hàng nhập khẩu có chứa mầm bệnh nguy hiểm, các yếu tố độc hại khác tại nơi kiểm dịch cửa khẩu trước khi được cơ quan kiểm dịch động vật xử lý vệ sinh thú y.
8. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi đưa vào lãnh thổ Việt Nam bệnh phẩm, đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật mà không thực hiện việc kiểm dịch theo quy định và không có văn bản đồng ý của Cục Thú y.
9. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh không có thời hạn đối với vi phạm quy định tại khoản 8 Điều này.
10. Các biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tái xuất động vật, sản phẩm động vật đối với vi phạm quy định tại các điểm b, d khoản 3 Điều này;
b) Buộc tái xuất hoặc buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, xác động vật, chất thải động vật trong trường hợp không tái xuất được đối với vi phạm quy định tại các khoản 7, 8 Điều này.
Điều 15. Vi phạm quy định về kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật trên cạn
1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây của cá nhân, tổ chức giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật để kinh doanh:
a) Không thực hiện việc giết mổ động vật để kinh doanh tại cơ sở giết mổ tập trung đối với nơi có cơ sở giết mổ tập trung;
b) Không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y hoặc sử dụng nước không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y trong giết mổ;
c) Không đăng ký để cơ quan thú y có thẩm quyền thực hiện kiểm soát giết mổ đối với những nơi chưa có cơ sở giết mổ tập trung.
2. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm của cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở sơ chế sản phẩm động vật theo mức phạt sau đây:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quy định về vệ sinh, khử trùng tiêu độc cơ sở hàng ngày, định kỳ hoặc không vệ sinh sạch sẽ cho động vật trước khi giết mổ;
b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc tách riêng động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh để giết mổ sau hoặc không chấp hành yêu cầu của cán bộ kiểm soát giết mổ về việc để riêng, đánh dấu đối với sản phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y.
c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước, sau khi giết mổ nhằm gian lận trong kinh doanh;
d) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc xử lý đối với động vật, sản phẩm động vật không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y;
đ) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký để cơ quan thú y có thẩm quyền thực hiện kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật hoặc giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu sản phẩm động vật đối với vi phạm giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.
Điều 16. Vi phạm quy định vệ sinh thú y trong kinh doanh động vật, sản phẩm động vật
1. Phạt tiền đối với hành vi kinh doanh sản phẩm động vật chưa được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm tra vệ sinh thú y (đóng dấu, lăn dấu kiểm soát giết mổ, cấp tem vệ sinh thú y) theo mức phạt sau:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị đến 500.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 9.000.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
i) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
k) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 100.000.000 đồng trở lên.
2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi kinh doanh sản phẩm động vật không đạt quy chuẩn vệ sinh thú y.
3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về điều kiện vệ sinh thú y đối với nơi kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; phương tiện bầy bán, bảo quản, chứa đựng, bao gói sản phẩm động vật của các quầy, sạp kinh doanh.
4. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Hành vi không thực hiện đúng quy định về điều kiện vệ sinh thú y, bảo quản đối với cửa hàng chuyên kinh doanh động vật, sản phẩm động vật;
b) Kinh doanh sản phẩm động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi về mầu sắc, mùi vị;
c) Kinh doanh động vật thủy sản, sản phẩm động vật ở dạng tươi sống bị đưa thêm chất làm giảm chất lượng, hương vị tự nhiên của sản phẩm động vật kể cả khi không ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh động vật thủy sản, sản phẩm động vật tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc có chất tồn dư quá giới hạn cho phép.
6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh sản phẩm động vật có sử dụng phụ gia ngoài Danh mục được phép sử dụng hoặc sử dụng quá giới hạn cho phép.
7. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh sản phẩm động vật ở dạng tươi sống được bảo quản bằng hóa chất không được phép sử dụng;
b) Kinh doanh sản phẩm động vật ở dạng tươi sống bị tiêm, chích, đưa thêm chất khác làm ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm;
8. Kinh doanh động vật trên cạn bị mắc bệnh, chết vì bệnh hoặc sản phẩm của động vật đó khi chưa được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm tra và xác nhận được phép tiêu thụ theo mức phạt sau đây:
a) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị dưới 500.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị trên 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị trên 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị trên 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị trên 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
i) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
k) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
9. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh động vật mắc bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch;
b) Kinh doanh sản phẩm của động vật bị giết mổ bắt buộc ở dạng tươi sống;
c) Kinh doanh động vật hoặc sản phẩm của động vật bị mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định phải tiêu hủy.
10. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại khoản 9 Điều này nếu hành vi vi phạm là của tổ chức, cá nhân chuyên kinh doanh động vật, sản phẩm động vật hoặc của người cố tình vi phạm để kiếm lời.
11. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 4, các khoản 5, 6, 7, 8, 9 Điều này.
Điều 17. Vi phạm quy định về vệ sinh thú y
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo các quy định về điều kiện vệ sinh thú y trong chăn nuôi động vật của hộ gia đình, cá nhân.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y đối với phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trong nước.
b) Không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y địa điểm tập trung để kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; nơi tập trung, bốc xếp, thu gom, mua bán động vật, sản phẩm động vật.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đủ điều kiện hoặc quy chuẩn vệ sinh thú y quy định đối với cơ sở chăn nuôi động vật tập trung; cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống; cơ sở giết mổ động vật, sơ chế, bao gói, kinh doanh sản phẩm động vật; vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; cơ sở kiểm nghiệm, thử nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y; cơ sở xét nghiệm, chẩn đoán bệnh động vật; cơ sở phẫu thuật bệnh động vật;
b) Không bảo đảm vệ sinh thú y đối với nơi tập trung, bốc xếp động vật, sản phẩm động vật ở các sân bay, sân ga, bến cảng; khu cách ly kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật;
c) Không đủ điều kiện vệ sinh thú y quy định đối với phương tiện khi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật để xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.
4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở sản xuất thuốc thú y.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở trong trường hợp cần thiết để khắc phục cho đến khi đủ điều kiện vệ sinh thú y theo quy định đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, khoản 4 Điều này.
Mục 3. HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ THUỐC THÚ Y, CHẾ PHẨM SINH HỌC, VI SINH VẬT DÙNG TRONG THÚ Y
Điều 18. Vi phạm quy định về sản xuất, gia công, san chia (sau đây gọi chung là sản xuất) thuốc thú y
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có hồ sơ lô sản xuất theo quy định;
b) Không thực hiện đúng quy định về kiểm tra chất lượng nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm thuốc trong quá trình sản xuất, lưu mẫu.
2. Phạt tiền đối với hành vi sản xuất thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc sản xuất một lô thuốc thú y không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố trong giới hạn cho phép theo mức phạt sau đây:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với thuốc thú y có giá trị đến 5.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với thuốc thú y có giá trị trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với thuốc thú y có giá trị trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với thuốc thú y có giá trị trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với thuốc thú y có giá trị trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với thuốc thú y có giá trị trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với thuốc thú y có giá trị trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
3. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại khoản 2 Điều này đối với hành vi sản xuất thuốc thú y bằng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất thuốc thú y tại địa điểm chưa được cơ quan thú y có thẩm quyền thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y theo quy định.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh, sử dụng vi sinh vật cấm sử dụng tại Việt Nam.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề thú y 06 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này; tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề thú y 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này;
b) Tịch thu phương tiện sản xuất đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.
7. Các biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi thuốc thú y đối với hành vi sản xuất thuốc thú y không đủ tiêu chuẩn đã đăng ký, công bố; thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam nhưng có Giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y do cơ quan thú y có thẩm quyền cấp quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy thuốc thú y đối với hành vi sản xuất thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và không có giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y do cơ quan có thẩm quyền cấp quy định tại khoản 2; vi phạm quy định tại các khoản 3, 4 Điều này;
c) Buộc tiêu hủy vi sinh vật đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.
Điều 19. Vi phạm quy định về kinh doanh thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y không có cửa hàng;
b) Kinh doanh thuốc thú y chung với thức ăn chăn nuôi mà không có khu vực hoặc tủ, quầy bầy bán riêng.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y không bảo đảm điều kiện bảo quản theo quy định hoặc không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp;
b) Kinh doanh thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y chung với thuốc bảo vệ thực vật, thuốc dùng cho người, lương thực, thực phẩm.
3. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản 2 Điều này nếu hành vi vi phạm là của tổ chức, cá nhân chuyên nhập khẩu, phân phối thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh một loại thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc đang trong thời gian kiểm nghiệm, thử nghiệm, khảo nghiệm;
b) Kinh doanh một loại thuốc thú y không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố trong giới hạn cho phép.
5. Phạt tiền theo mức tiền phạt quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này đối với hành vi kinh doanh thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề thú y 06 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.
7. Các biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tiêu hủy thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y đối với vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 Điều này.
Điều 20. Vi phạm quy định về nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y
1. Phạt tiền theo mức tiền phạt quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, nguyên liệu làm thuốc thú y hạn chế sử dụng mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền;
b) Nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc thú y không đúng chủng loại đã được cơ quan có thẩm quyền duyệt.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký kiểm tra chất lượng hoặc trốn tránh việc kiểm tra chất lượng thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y do cơ quan có thẩm quyền thực hiện.
3. Phạt tiền theo mức phạt tiền quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này đối với hành vi nhập khẩu một lô thuốc, nguyên liệu làm thuốc thú y không đạt tiêu chuẩn chất lượng trong giới hạn cho phép hoặc nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
4. Các biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tái xuất thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y đối với vi phạm quy định tại các khoản 1, 3 Điều này nếu phát hiện hành vi vi phạm tại cửa khẩu;
b) Buộc thu hồi thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y không đạt tiêu chuẩn chất lượng đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;
c) Buộc tiêu hủy thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y đối với vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ quy định tại khoản 3 Điều này trong trường hợp không tái xuất được.
Điều 21. Vi phạm quy định về thông tin, quảng cáo thuốc thú y
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Quảng cáo thuốc thú y sai sự thật, sai chất lượng đã đăng ký;
b) Quảng cáo có nội dung so sánh làm giảm uy tín, chất lượng thuốc thú y của cá nhân, tổ chức khác.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thuốc thú y có trong Danh mục thuốc thú y, Danh mục chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y cấm sử dụng tại Việt Nam.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề thú y từ 06 tháng đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện đã thông tin về nội dung sai sự thật đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều này.
Điều 22. Vi phạm quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng thuốc thú y
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng một loại sản phẩm thuốc thú y được sản xuất trong nước, nhập khẩu;
b) Không công bố lại tiêu chuẩn chất lượng của một loại sản phẩm thuốc thú y được sản xuất trong nước, nhập khẩu khi có thay đổi về chất lượng hoặc nhãn so với nội dung đã công bố.
2. Các biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc công bố tiêu chuẩn chất lượng trong thời hạn quy định đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc công bố lại tiêu chuẩn chất lượng đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Điều 23. Vi phạm quy định về công bố chất lượng thuốc thú y phù hợp quy chuẩn
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu một loại thuốc thú y thuộc Danh mục phải công bố chất lượng phù hợp quy chuẩn nhưng không công bố.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu một loại thuốc thú y thuộc Danh mục phải công bố chất lượng phù hợp quy chuẩn nhưng chưa công bố chất lượng phù hợp quy chuẩn mà đã đóng dấu phù hợp quy chuẩn hoặc dán tem phù hợp quy chuẩn hoặc thông tin, quảng cáo là đã công bố chất lượng phù hợp quy chuẩn.
3. Các biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc công bố chất lượng phù hợp quy chuẩn trong thời hạn quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy bao bì, tem vi phạm; buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện đã thông tin nội dung sai sự thật; buộc công bố chất lượng thuốc thú y phù hợp quy chuẩn theo quy định đối với vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Mục 4. HÀNH VI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH KHÁC TRONG LĨNH VỰC THÚ Y
Điều 24. Vi phạm quy định về hành nghề thú y
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây về hành nghề tiêm phòng, chẩn đoán lâm sàng, kê đơn, chăm sóc sức khỏe động vật, dịch vụ tư vấn về thú y (sau đây gọi chung là hành nghề dịch vụ thú y):
a) Hành nghề không đúng ngành nghề, phạm vi chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề;
b) Sử dụng chứng chỉ hành nghề đã hết hạn;
c) Không chấp hành chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất khi có dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan thú y có thẩm quyền;
d) Không tham gia các hoạt động phòng bệnh, chống dịch bệnh cho động vật theo yêu cầu của chính quyền địa phương, cơ quan thú y khi xẩy ra dịch bệnh động vật;
đ) Hành nghề không đủ dụng cụ, không bảo đảm vệ sinh thú y.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi thuê, mượn Chứng chỉ để hành nghề dịch vụ thú y.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây về hành nghề dịch vụ thú y:
a) Sử dụng thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam để hành nghề;
b) Sử dụng nguyên liệu làm thuốc thú y để phòng, chữa bệnh cho động vật không theo quy định khi hành nghề;
c) Hành nghề khi không có Chứng chỉ hành nghề.
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây về hành nghề dịch vụ thú y:
a) Chữa bệnh cho động vật mắc bệnh thuộc Danh mục các bệnh cấm chữa hoặc mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định phải tiêu hủy, giết mổ bắt buộc;
b) Chữa bệnh cho động vật trong vùng có dịch hoặc ở nơi có động vật mắc bệnh truyền nhiễm không theo hướng dẫn của cơ quan thú y để phòng bệnh lây lan.
5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây về hành nghề dịch vụ thú y:
a) Sử dụng thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y cấm sử dụng để hành nghề;
b) Tự viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa nội dung Chứng chỉ hành nghề;
c) Khai man, giả mạo hồ sơ để được cấp Chứng chỉ hành nghề;
d) Sử dụng Chứng chỉ hành nghề giả để hành nghề.
6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về hành nghề kinh doanh thuốc thú y sau đây:
a) Hành nghề không đúng ngành nghề, phạm vi chuyên môn ghi trong Chứng chỉ hành nghề;
b) Sử dụng Chứng chỉ hành nghề đã hết hạn.
7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về hành nghề kinh doanh thuốc thú y sau đây:
a) Tự viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa nội dung Chứng chỉ hành nghề;
b) Khai man, giả mạo hồ sơ để được cấp Chứng chỉ hành nghề;
c) Hành nghề khi không có Chứng chỉ hành nghề.
d) Sử dụng Chứng chỉ hành nghề giả để hành nghề.
8. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về hành nghề sản xuất, kiểm nghiệm, thử nghiệm, khảo nghiệm, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc thú y; chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật, phẫu thuật động vật như sau:
a) Hành nghề không đúng ngành nghề, phạm vi chuyên môn ghi trong Chứng chỉ hành nghề;
b) Sử dụng Chứng chỉ hành nghề đã hết hạn;
c) Sử dụng thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam để phòng, trị bệnh cho động vật tại cơ sở phẫu thuật động vật.
9. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về hành nghề sản xuất, kiểm nghiệm, thử nghiệm, khảo nghiệm, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc thú y; chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật, phẫu thuật động vật như sau:
a) Tự viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa nội dung Chứng chỉ hành nghề;
b) Khai man, giả mạo hồ sơ để được cấp Chứng chỉ hành nghề;
c) Hành nghề khi không có Chứng chỉ hành nghề;
d) Sử dụng Chứng chỉ hành nghề giả để hành nghề;
đ) Hành nghề không đúng địa điểm ghi trong Chứng chỉ hành nghề;
e) Sử dụng thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y cấm sử dụng để phòng, trị bệnh cho động vật tại cơ sở phẫu thuật động vật.
10. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 5, điểm a khoản 7, điểm a khoản 9 Điều này;
b) Tịch thu chứng chỉ hành nghề đối với vi phạm quy định tại các điểm c, d khoản 5, điểm b khoản 7, điểm b khoản 9 Điều này.
11. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y đối với vi phạm quy định tại các điểm a khoản 3, điểm a khoản 5, điểm c khoản 8, điểm e khoản 9 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy động vật đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.
Điều 25. Vi phạm quy định về Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật;
b) Tự viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa các nội dung ghi trong Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật;
c) Khai man, giả mạo hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc sử dụng một Giấy chứng nhận kiểm dịch cho nhiều lô hàng.
2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này nếu hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức chăn nuôi động vật tập trung, chuyên kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu Giấy chứng nhận kiểm dịch đối với vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 Điều này.
Điều 26. Vi phạm quy định về giấy phép, Giấy chứng nhận, phiếu kiểm nghiệm trong lĩnh vực thú y
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, mua, bán, thuê, mượn, cho thuê, cho mượn Giấy chứng nhận tiêm phòng cho gia súc, gia cầm.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thuê, mượn, cho thuê, cho mượn, tự viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa nội dung ghi tại một trong các loại giấy sau:
a) Quyết định thử nghiệm hoặc khảo nghiệm thuốc thú y;
b) Giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y;
c) Văn bản cho phép nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y của Cục Quản lý chuyên ngành có thẩm quyền;
d) Phiếu kiểm nghiệm chất lượng thuốc thú y của cơ quan có thẩm quyền;
đ) Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh nhập khẩu thuốc thú y.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại giấy giả quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu các loại giấy phép, giấy chứng nhận, phiếu kiểm nghiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Điều 27. Xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động công vụ của người có thẩm quyền
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện việc kê khai, khai báo hoặc kê khai, khai báo không trung thực, không đúng thời hạn theo yêu cầu của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thi hành công vụ hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
b) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ chứng từ, tài liệu liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thi hành công vụ hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Có hành động cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động công vụ của người có thẩm quyền;
b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự đối với người đang thi hành công vụ.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tự ý tháo gỡ niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm đang bị niêm phong, tạm giữ hoặc tự ý làm thay đổi hiện trường vi phạm hành chính;
b) Tẩu tán, làm thay đổi, đánh tráo tang vật, phương tiện đang bị thanh tra, kiểm tra hoặc tạm giữ;
c) Tàng trữ, chứa chấp, tiêu thụ tang vật, phương tiện đang bị thanh tra, kiểm tra, tạm giữ bị tẩu tán;
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Trì hoãn, trốn tránh không thi hành các quyết định hành chính về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của người hoặc cơ quan có thẩm quyền;
b) Hành hung người đang thi hành công vụ.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi các tang vật, phương tiện bị tẩu tán đối với vi phạm quy định tại các điểm b, c khoản 3 Điều này.
Chương 3.
THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Điều 28. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 29. Thẩm quyền xử phạt hành chính của thanh tra chuyên ngành thú y
1. Thanh tra viên chuyên ngành thú y đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;
c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, g, h khoản 3 Điều 7 Nghị định này.
2. Chánh Thanh tra Chi cục Thú y đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 20.000.000 đồng;
b) Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề thú y;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h khoản 3 Điều 7 Nghị định này.
3. Chánh Thanh tra Cục Thú y đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 30.000.000 đồng;
b) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề thú y;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h khoản 3 Điều 7 Nghị định này.
4. Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyền:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 30.000.000 đồng;
b) Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề thú y;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, g, h khoản 3 Điều 7 Nghị định này.
5. Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyền:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến mức tối đa là 40.000.000 đồng được quy định tại Nghị định này;
b) Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề thú y;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, g, h khoản 3 Điều 7 Nghị định này.
Điều 30. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử phạt các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này ở địa phương gồm:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 2.000.000 đồng;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;
c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h khoản 3 Điều 7 Nghị định này.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này ở địa phương gồm:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 30.000.000 đồng;
b) Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề thú y;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h khoản 3 Điều 7 Nghị định này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền xử phạt các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này ở địa phương gồm:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến mức tối đa quy định tại Nghị định này là 40.000.000 đồng;
b) Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề thú y;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này.
Điều 31. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan khác
1. Ngoài những người có thẩm quyền xử phạt quy định tại các Điều 29, 30 Nghị định này, những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan khác theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao mà phát hiện các hành vi vi phạm hành chính quy định trong Nghị định này thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn quản lý của mình thì có thẩm quyền xử phạt.
2. Thẩm quyền xử phạt của cơ quan công an
Các lực lượng Công an, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, đường thủy, Cảnh sát môi trường có quyền xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thuộc địa bàn quản lý của ngành theo quy định tại các khoản 1, 4, 5, 7 Điều 31 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
3. Thẩm quyền xử phạt của cơ quan Quản lý thị trường
Người có thẩm quyền của cơ quan Quản lý thị trường quy định tại Điều 37 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính có quyền xử phạt hành chính các hành vi vi phạm quy định liên quan đến hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, thuốc thú y thuộc địa bàn quản lý của mình.
4. Thẩm quyền xử phạt của Bộ đội Biên phòng, Hải quan
Người có thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng, Hải quan có quyền xử phạt hành chính các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật, thuốc thú y quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn và lĩnh vực quản lý của mình theo quy định tại các Điều 32, 34 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 32. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và thi hành quyết định xử phạt
1. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
2. Các vụ vi phạm hành chính bị xử phạt đều phải lập thành hồ sơ và lưu giữ đầy đủ tại cơ quan xử phạt trong thời hạn pháp luật quy định.
Việc lập biên bản, quyết định xử phạt phải tuân theo thủ tục quy định tại các Điều 54, 55, 56 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính
3. Việc phạt tiền và nộp tiền phạt phải tuân theo thủ tục quy định tại các Điều 57, 58 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
4. Thủ tục tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực thú y thực hiện theo quy định tại Điều 59 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
5. Thủ tục tịch thu và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y thực hiện theo quy định tại các Điều 60, 61 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 33. Chấp hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y
1. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định này phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại Điều 65 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
2. Quá thời hạn được quy định tại khoản 1 Điều này mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y không tự nguyện chấp hành hoặc cố ý trốn tránh chấp hành quyết định xử phạt thị bị cưỡng chế thi hành. Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành phải chịu mọi chi phí cho việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thực hiện theo quy định tại các Điều 66, 67 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 34. Ban hành mẫu biên bản, mẫu quyết định sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục các mẫu biên bản và quyết định để sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Chương 4.
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 35. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân quy định tại Nghị định này hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thú y theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ kiện hành chính.
3. Trình tự, thủ tục, thời hạn, thẩm quyền khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thú y thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Điều 36. Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hành vi sách nhiễu, dung túng, bao che vi phạm, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời; xử phạt không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng bị xử phạt, không đúng hành vi vi phạm bị xử phạt; áp dụng không đúng hình thức, mức xử phạt và biện pháp khác; chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền bạc, hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm; làm cản trở lưu thông hàng hóa hợp pháp, gây thiệt hại cho người kinh doanh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 37. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2009.
2. Bãi bỏ Nghị định số 129/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Điều 38. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.