QUYẾT ĐỊNH
V/v Sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành kèm theo Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
_________________________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;
Căn cứ Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 211/TTr-SYT ngày 18 tháng 12 năm 2020 về việc ban hành Quyết định Sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành kèm theo Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành kèm theo Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh
1. Bổ sung khoản 11, khoản 12 Điều 3 như sau:
11. Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc quyền quản lý từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì cơ quan quản lý sản phẩm có sản lượng lớn nhất trong các sản phẩm của cơ sở sản xuất là cơ quan quản lý.
12. Đối với cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 02 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính.
2. Điều 4 được bổ sung như sau: Bổ sung Cục Quản lý thị trường vào cơ quan chủ trì; Bổ sung Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các tổ chức chính trị - xã hội thuộc tỉnh vào cơ quan phối hợp.
3. Khoản 3 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
Tổ chức ký cam kết và kiểm tra việc thực hiện ký cam kết của cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là Nghị định số 15/2018/NĐ-CP).
4. Bổ sung khoản 9, khoản 10, khoản 11 Điều 5 như sau:
9. Thực hiện tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi.
10. Cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi.
11. Thực hiện tiếp nhận Bản tự công bố sản phẩm.
5. Bổ sung khoản 12, khoản 13, khoản 14, khoản 15, khoản 16, khoản 17 Điều 8 như sau:
12. Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh và cơ sở sản xuất, kinh doanh đối với sản phẩm thực phẩm quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
13. Thực hiện tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi.
14. Cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi.
15. Tổ chức cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ các đối tượng không thuộc diện cấp Giấy Chứng nhận được quy định tại Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP”)
16. Thực hiện tiếp nhận Bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thực phẩm quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
17. Hướng dẫn phân công quản lý an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuộc lĩnh vực do ngành Y tế quản lý.
6. Bổ sung khoản 12, khoản 13, khoản 14 Điều 9 như sau:
12. Tổ chức cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
13. Tổ chức tiếp nhận Bản tự công bố đối với sản phẩm thực phẩm được phân công quản lý theo Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
14. Hướng dẫn phân công quản lý đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuộc lĩnh vực ngành Nông nghiệp quản lý.
7. Bổ sung khoản 10, khoản 11, khoản 12 Điều 10 như sau:
10. Tổ chức cấp, phân cấp việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP (trừ các đối tượng không thuộc diện cấp Giấy Chứng nhận được quy định tại Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP”).
11. Tổ chức tiếp nhận bản tự công bố đối với sản phẩm thực phẩm được phân công quản lý theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
12. Hướng dẫn phân công quản lý đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý.
8. Khoản 6 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:
Xác nhận bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 12 của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
9. Khoản 7 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:
Quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh Nông Lâm Thủy sản không thuộc diện Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định trong Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT.
10. Bổ sung khoản 5 Điều 19 như sau:
5. Thực hiện quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh Nông, Lâm, Thủy sản không thực hiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định trong Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
11. Bổ sung Điều 10a như sau:
“Điều 10a: Trách nhiệm của Cục Quản lý thị trường:
1. Kiểm tra, phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trên thị trường đối với tất cả các loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẫm.
2. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Điều 7, Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND”
12. Bổ sung điều 19a như sau:
“Điều 19a: Phối hợp trong hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm:
1. Các Sở quản lý ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của mình có trách nhiệm phối hợp với ngành Y tế trong việc thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước để bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có hiệu quả.
2. Ngành Y tế chủ trì xây dựng chương trình thông tin giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các sở, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với ngành Y tế để thực hiện chương trình thông tin giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm.
3. Ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương có trách nhiệm chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý, các bộ, ngành khác có trách nhiệm phối hợp.
4. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, Ngành Y tế chịu trách nhiệm tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm. Cơ quan quản lý chuyên ngành có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin liên quan tới nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; phối hợp với ngành Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
5. Khi phát hiện sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của ngành khác vi phạm và có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, ngành Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý ngành thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và kết luận”.
Điều 2. Bãi bỏ một số điều của Quy định phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành kèm theo Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Tỉnh
1. Bãi bỏ khoản 7, khoản 8, khoản 10 Điều 3.
2. Bãi bỏ khoản 4, khoản 6 Điều 5.
3. Bãi bỏ khoản 4, khoản 6, khoản 7 Điều 8.
4. Bãi bỏ khoản 2, khoản 4, khoản 7 Điều 9.
5. Bãi bỏ khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 8 Điều 10.
6. Bãi bỏ khoản 5, khoản 8 Điều 18.
7. Bãi bỏ khoản 4 Điều 19.
8. Bãi bỏ Chương III.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ban ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quyết định này./.