Sign In

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn triển khai thực hiện Chỉ thị 25/2004/CT-TTg ngày 29/06/2004

của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kết hợp quân - dân y chăm sóc,

bảo vệ sức khoẻ nhân dân và bộ đội trong giai đoạn mới

 

Để triển khai thực hiện Chỉ thị 25/2004/TTg ngày 29/06/2004 của Thủ tướng Chính phủ "Về tăng cường công tác kết hợp quân - dân y chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và bộ đội trong tình hình mới", liên Bộ Y tế - Quốc phòng, hướng dẫn triển khai thực hiện những nội dung cụ thể sau:

 

1. Tổ chức, nhiệm vụ của các Ban quân - dân y các cấp

1.1. Ban quân - dân y các cấp

Ban quân - dân y (Ban QDY) là tổ chức kiêm nhiệm liên ngành được tổ chức từ cấp liên Bộ Y tế - Quốc phòng đến các cấp của địa phương.

Thành viên tham gia Ban QDY là cán bộ lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Tư lệnh các quân khu; Uỷ ban nhân dân (Uỷ ban nhân dân) cấp huyện, xã; cán bộ chủ trì cơ quan quân y, dân y các cấp và một số cơ quan liên quan.

1.2. Tổ chức, nhiệm vụ của Ban QDY cấp Bộ

1.2.1. Ban QDY cấp Bộ là tổ chức của liên Bộ Y tế - Quốc phòng, được thành lập theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Y tế và Cục trưởng Cục Quân y Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng; do Bộ trưởng Bộ Y tế ra quyết định bổ nhiệm sau khi có thoả thuận bằng văn bản của Bộ Quốc phòng.

1.2.2. Ban QDY cấp Bộ có nhiệm vụ:

a) Căn cứ Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Thủ tướng Chính phủ xây dựng các kế hoạch, chương trình, định hướng chiến lược về công tác kết hợp quân - dân y (KHQDY);

b) Căn cứ định hướng, kế hoạch công tác hàng năm của hai Bộ; xây dựng kế hoạch công tác KHQDY của toàn ngành trình lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng phê duyệt; trực tiếp chỉ đạo, theo dõi giám sát và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của Ban QDY các quân khu và Ban QDY các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh);

c) Tham mưu cho lãnh đạo hai Bộ Y tế, Quốc phòng để từng bước thể chế hoá hoạt động KHQDY, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân và bộ đội; xây dựng và củng cố tiềm lực y tế - quốc phòng;

d) Định kỳ báo cáo lãnh đạo hai Bộ Y tế - Quốc phòng về tình hình và đề xuất tổ chức Hội nghị KHQDY toàn quốc để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng giai đoạn và rút kinh nghiệm, xây dựng chương trình công tác KHQDY giai đoạn tiếp theo.

1.2.3. Thành phần Ban QDY cấp Bộ gồm:

a) Trưởng ban: 01 Thứ trưởng Bộ Y tế.

b) Các Phó Trưởng ban:

- Cục trưởng Cục Quân y Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng.

- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Y tế.

- Chánh Văn phòng Bộ Y tế

c) Các Uỷ viên: Lãnh đạo, Chỉ huy một số cơ quan chức năng liên quan của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng.

1.2.4. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động thường xuyên của Ban QDY cấp Bộ được trích từ ngân sách sự nghiệp y tế.

1.3. Ban QDY quân khu

1.3.1. Ban QDY quân khu được thành lập ở tất cả các quân khu; do Tư lệnh quân khu ra quyết định thành lập theo đề nghị của Chủ nhiệm quân y quân khu, sau khi có thỏa thuận bằng văn bản với Uỷ ban nhân dân các tỉnh trong địa bàn quân khu.

1.3.2. Ban QDY quân khu có nhiệm vụ:

a) Trên cơ sở chương trình, kế hoạch công tác KHQDY của Ban QDY cấp Bộ đã được lãnh đạo hai Bộ Y tế, Quốc phòng phê duyệt; nghiên cứu vận dụng vào điều kiện cụ thể của từng quân khu để xây dựng chương trình công tác KHQDY của quân khu và phổ biến tới Ban QDY các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sau khi đã được Tư lệnh quân khu phê duyệt).

b) Chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, giám sát các công tác KHQDY trong phạm vi quân khu;

c) Chỉ đạo hướng dẫn, giúp đỡ các Ban QDY tỉnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiềm lực y tế quân sự địa phương, nâng cao khả năng bảo đảm y tế cho các tình huống tác chiến trong khu vực phòng thủ tỉnh;

d) Chỉ đạo các Ban QDY tỉnh phối hợp với các lực lượng y tế của các Bộ, Ngành đóng trên địa bàn, tập trung sức mạnh tổng hợp triển khai công tác y tế trong khu vực, đáp ứng hiệu quả yêu cầu khám, chữa bệnh và can thiệp y tế trong các tình huống khẩn cấp như: dịch bệnh, bão lụt, tai nạn, bị thương hàng loạt...;

e) Định kỳ báo cáo kết quả công tác KHQDY của quân khu lên Ban QDY cấp Bộ và tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm theo định kỳ.

1.3.3. Thành phần Ban QDY quân khu gồm:

a) Trưởng ban: 01 Phó Tư lệnh quân khu.

b) Các Phó Trưởng ban:

- Chủ nhiệm Quân y quân khu: Phó Trưởng ban thường trực.

- Giám đốc Sở Y tế của tỉnh nơi cơ quan quân khu đóng quân.

- Các Uỷ viên: Giám đốc các Sở Y tế, Chủ nhiệm Quân y các Quân đoàn, Quân chủng đóng trên địa bàn và Giám đốc bệnh viện trung tâm quân khu, Giám đốc Viện và Bệnh viện khu vực (nếu có).

1.3.4. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động thường xuyên của Ban QDY quân khu sẽ được hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp y tế thông qua Ban quân dân y cấp Bộ.

1.4. Ban QDY tỉnh

1.4.1. Ban QDY tỉnh được thành lập ở tất cả các tỉnh; do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (nếu có).

1.4.2. Ban QDY tỉnh có nhiệm vụ:

a) Căn cứ kế hoạch công tác KHQDY của quân khu và tình hình thực tiễn của địa phương; xây dựng kế hoạch công tác KHQDY trong từng giai đoạn, từng năm và đề xuất kế hoạch ngân sách bảo đảm cho công tác KHQDY trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

b) Chỉ đạo và tổ chức phối hợp thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của công tác y tế quân sự địa phương.

c) Tổ chức hiệp đồng, thống nhất chỉ đạo, điều hành các lực lượng quân, dân y có trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung sau:

- Huy động các lực lượng quân, dân y tham gia vào việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong khu vực đóng quân;

- Kết hợp QDY trong công tác phòng chống dịch và tổ chức lực lượng thống nhất chống dịch khi có tình huống dịch bệnh, khủng bố sinh học xảy ra;

- Hỗ trợ lẫn nhau giữa các bệnh viện quân y và dân y trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh;
- Các tuyến quân y (ở vùng biên giới, hải đảo... nơi tổ chức y tế còn yếu về chuyên môn và thiếu nhân lực) tham gia cấp cứu, điều trị cho nhân dân như một tuyến y tế khu vực;
- Các cơ sở y tế dân y tham gia cấp cứu, điều trị cho bộ đội;

- Xây dựng kế hoạch sẵn sàng đối phó có hiệu quả với các tình huống khẩn cấp xảy ra;

- Kết hợp quân - dân y trong công tác đào tạo, bổ túc cán bộ nhân viên y tế và phát triển khoa học, kỹ thuật y tế;

- Tổ chức thực hiện động viên y tế thời chiến theo lệnh của Tư lệnh Quân khu và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh;

- Xây dựng mạng lưới tổ chức cứu chữa vận chuyển người bị thương, bị bệnh trong thời chiến của khu vực phòng thủ;

- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện của Ban QDY lên Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban QDY quân khu và Ban QDY cấp Bộ.

1.4.3. Thành phần Ban QDY tỉnh gồm:

a) Trưởng ban: Giám đốc Sở Y tế.

b) Các Phó trưởng ban:

- 01 Phó Giám đốc Sở Y tế.

- Chủ nhiệm quân y Bộ chỉ huy quân sự tỉnh.

- Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh

c) Các Uỷ viên:

- Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Y tế.

- Trưởng phòng nghiệp vụ Sở Y tế.

- Chủ nhiệm quân y Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (nếu có).

- Chủ nhiệm quân y các sư đoàn đứng chân trên địa bàn tỉnh (nếu có).

- Giám đốc bệnh viện quân đội, bệnh viện các Bộ, Ngành đứng chân trên địa bàn tỉnh (nếu có).

1.4.4. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động thường xuyên của Ban QDY tỉnh được trích từ ngân sách Nhà nước hàng năm cấp cho sự nghiệp y tế tỉnh.

1.5. Ban QDY huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện)

1.5.1. Ban QDY huyện được thành lập ở tất cả các huyện; do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện ra quyết định thành lập theo đề nghị của Trưởng Phòng y tế và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện.

1.5.2. Ban QDY huyện có nhiệm vụ:

a) Tổ chức triển khai các kế hoạch chương trình công tác KHQDY của Ban QDY tỉnh và chủ động đề xuất nội dung, kế hoạch ngân sách bảo đảm cho công tác KHQDY của huyện trình Uỷ ban nhân dân huyện phê duyệt;

b) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của công tác y tế quân sự địa phương: khám tuyển nghĩa vụ quân sự, trực tiếp quản lý sức khoẻ quân dự bị động viên, quân nhân xuất ngũ; tổ chức huấn luyện 5 kỹ thuật cấp cứu cho các lực lượng tự vệ địa phương;

c) Tổ chức phối hợp các lực lượng quân, dân y có trên địa bàn thực hiện các hoạt động y tế chăm sóc sức khoẻ nhân dân và bộ đội trong thời bình; tổ chức các lực lượng quân y, dân y, hội chữ thập đỏ... thu nhận người bị thương, bị bệnh trong thời chiến hoặc trong các tình huống dịch bệnh, thiên tai, thảm hoạ;

d) Ở những địa bàn trọng điểm, có cơ sở y tế dân y và phân đội quân y gần nhau, Ban QDY nghiên cứu tổ chức lồng ghép thành cơ sở khám, chữa bệnh quân - dân y (đơn vị chức năng của Ban QDY) theo loại hình phù hợp để cùng thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, cấp cứu và điều trị cho nhân dân, bộ đội trên địa bàn.

1.5.3. Thành phần Ban QDY huyện gồm:

a) Trưởng ban: Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện.

b) Các Phó trưởng ban:

- Phó chỉ huy quân sự Ban chỉ huy quân sự huyện.

- Trưởng phòng y tế huyện.

c) Các uỷ viên:

- Phụ trách quân y Ban chỉ huy quân sự huyện (uỷ viên thư ký).

- Chủ nhiệm quân y các đơn vị quân đội có trên địa bàn huyện.

- Giám đốc Bệnh viện huyện và Đội trưởng đội y tế dự phòng.

1.5.4. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động thường xuyên của Ban QDY huyện được trích từ ngân sách Nhà nước hàng năm cấp cho sự nghiệp y tế huyện.

1.6. Ban QDY xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã)

1.6.1. Ban QDY xã được thành lập ở những xã thuộc địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, nơi có quân y của các đơn vị quân đội đứng chân; do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã ra quyết định thành lập theo đề nghị của Trưởng trạm y tế xã, chỉ huy đơn vị (có lực lượng quân y) đóng quân tại xã và có sự đồng ý bằng văn bản của Trưởng Phòng y tế huyện.

1.6.2. Ban QDY xã có nhiệm vụ:

a) Phối hợp lực lượng y tế xã, quân y các đơn vị đóng quân trên địa bàn tổ chức công tác KHQDY chăm sóc bảo vệ sức khoẻ bộ đội và nhân dân, thực hiện các nội dung của chương trình y tế quốc gia như: củng cố y tế cơ sở, tiêm chủng mở rộng, vệ sinh phòng bệnh, tuyên truyền dân số, gia đình và trẻ em, phòng chống sốt rét, phòng chống các rối loạn do thiếu hụt iốt...

b) Ở những xã mạng lưới y tế thiếu và yếu, dưới sự chỉ đạo của Trưởng Phòng y tế huyện và Uỷ ban nhân dân xã, Ban QDY xã tổ chức lồng ghép trạm y tế xã với quân y đơn vị bộ đội thành trạm y tế QDY (đơn vị chức năng của Ban QDY xã) để cùng thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trong địa bàn xã.

1.6.3. Thành phần Ban QDY xã gồm:

a) Trưởng ban: Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã (phụ trách văn xã).

b) Phó trưởng ban:

- Trưởng trạm y tế xã.

- Phó chỉ huy trưởng hoặc chủ nhiệm hậu cần đơn vị quân đội đóng quân trên xã (đơn vị chủ lực, đồn biên phòng).

c) Các Uỷ viên:

- Phụ trách quân y đơn vị chủ lực đứng chân trên địa bàn xã.

- Phụ trách quân y Đồn biên phòng.

- Trạm trưởng trạm y tế xã.

- Đội trưởng đội vận động quần chúng đồn Biên phòng.

- Một cán bộ y tế xã.

1.6.4. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động thường xuyên của Ban QDY xã được trích từ ngân sách Nhà nước hàng năm cấp cho sự nghiệp y tế xã.

2. Quy định mối quan hệ chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động của các Ban quân - dân y các cấp

2.1. Mối quan hệ chỉ đạo, quản lý, điều hành của Ban QDY cấp Bộ

2.1.1. Ban QDY cấp Bộ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về toàn bộ nội dung hoạt động của công tác KHQDY.

2.1.2. Cục Quân y Tổng cục Hậu cần (Cục Quân y) trực tiếp quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn toàn diện việc thực hiện công tác KHQDY trong phạm vi toàn quân cụ thể là: quân y quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng và phối hợp với quân y quân khu chỉ đạo Ban quân y Bộ chỉ huy quân sự tỉnh.

2.1.3. Các Vụ, Cục chức năng của Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn các Sở Y tế và Y tế ngành triển khai công tác thuộc phạm vi chức năng được giao.

2.1.4. Ban QDY cấp Bộ trực tiếp chỉ đạo Ban QDY quân khu triển khai công tác KHQDY theo kế hoạch hoạt động đã được Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng phê duyệt. Ban QDY cấp Bộ phối hợp với Ban QDY quân khu trực tiếp chỉ đạo Các Ban QDY tỉnh ở địa bàn trọng điểm các nội dung cụ thể về công tác KHQDY, đáp ứng yêu cầu quốc phòng - an ninh và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng trong khu vực.

2.1.5. Khi có tình huống khẩn cấp, được sự uỷ quyền của lãnh đạo hai Bộ Y tế, Quốc phòng, Ban QDY cấp Bộ trực tiếp chỉ đạo Ban QDY tỉnh sử dụng lực lượng, vật tư y tế của cả quân y và dân y tại chỗ và lực lượng cơ động đáp ứng các yêu cầu can thiệp y tế cho các tình huống đó. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Ban QDY cấp Bộ có trách nhiệm báo cáo kết quả, huy động lực lượng và sử dụng vật tư y tế với Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng.

2.1.6. Phương thức làm việc, chế độ báo cáo của Ban QDY cấp Bộ như sau:

a) Tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch công tác KHQDY của Ban QDY cấp Bộ là cơ quan của Bộ Y tế và Cục Quân y. Các Ban QDY quân khu, Ban QDY tỉnh và tất cả các cơ quan, cơ sở quân, dân y trong phạm vi cả nước chịu sự quản lý, chỉ đạo, kiểm tra của Ban QDY cấp Bộ.

b) Trực tiếp theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện các hoạt động của chương trình; hướng dẫn đơn vị thực hiện chế độ báo cáo; thu nhận, tổng hợp và báo cáo lãnh đạo hai Bộ Y tế, Quốc phòng về kết quả hoạt động theo định kỳ.

c) Ban QDY cấp Bộ định kỳ 3 tháng họp 1 lần kiểm điểm công tác chỉ đạo và đánh giá kết quả triển khai thực hiện kế hoạch công tác, đồng thời xác định nội dung hoạt động cho thời gian tiếp theo. Tổ chức họp bất thường khi có nhiệm vụ đột xuất.

2.2. Mối quan hệ chỉ đạo, quản lý, điều hành của Ban QDY quân khu

2.2.1. Ban QDY quân khu chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Tư lệnh quân khu, sự chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của Ban QDY cấp Bộ; chịu trách nhiệm trước Tư lệnh quân khu và Ban QDY cấp Bộ về kết quả công tác KHQDY trên địa bàn quân khu.

2.2.2. Quan hệ của Ban QDY quân khu với các Ban QDY tỉnh là mối quan hệ chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

2.2.3. Khi có tình huống khẩn cấp xảy ra trên địa bàn quân khu, dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh quân khu, Chủ nhiệm quân y quân khu được uỷ quyền điều hành, phối hợp các Ban QDY tỉnh sử dụng lực lượng, vật tư y tế đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh, tham gia khắc phục các hậu quả, trực tiếp tổ chức cứu chữa người bị thương, bị nạn.

2.2.4. Phương thức làm việc, chế độ báo cáo của Ban QDY quân khu như sau:

a) Tổ chức thực hiện kế hoạch công tác KHQDY của Ban QDY quân khu là các Ban Quân y tỉnh. Các Giám đốc Sở Y tế huy động lực lượng dân y; được sự uỷ quyền của Chủ nhiệm hậu cần quân khu, Chủ nhiệm quân y quân khu huy động lực lượng quân y của toàn quân khu.

b) Ban QDY quân khu họp định kỳ 6 tháng 1 lần kiểm điểm công tác chỉ đạo và đánh giá kết quả triển khai thực hiện KHQDY thuộc địa bàn Quân khu, xác định công tác cho thời kỳ sau, tổ chức họp bất thường khi có nhiệm vụ đột xuất.

c) Ban QDY quân khu thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm với Tư lệnh Quân khu, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng (Cục Quân y) về kết quả công tác KHQDY của Quân khu.

2.3. Mối quan hệ chỉ đạo, quản lý, điều hành của Ban QDY tỉnh

2.3.1. Ban QDY tỉnh chịu sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của Uỷ ban nhân dân tỉnh; sự chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác KHQDY của Ban QDY quân khu tại địa bàn tỉnh; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về toàn bộ công tác KHQDY tại địa phương.

2.3.2. Ban QDY tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về công tác KHQDY cho Ban QDY huyện, xã trong tỉnh.

2.3.3. Mối quan hệ giữa Ban QDY tỉnh với các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế, các cơ sở y tế của các ngành cũng như các tổ chức quân y của quân khu, quân đoàn, quân - binh chủng... đóng quân trên địa bàn tỉnh là mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng trong bảo đảm y tế. Khi có tình huống khẩn cấp gây thương vong lớn, Trưởng Ban QDY tỉnh được quyền yêu cầu sự hỗ trợ của các tổ chức nói trên trong việc giải quyết hậu quả và các tổ chức này có nhiệm vụ đáp ứng về sự yêu cầu đó.

2.3.4. Phương thức làm việc, chế độ báo cáo của Ban QDY tỉnh như sau:

a) Tổ chức thực hiện các quyết định của Ban QDY tỉnh là Sở Y tế và Ban Quân y Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Ban Quân y Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh (nếu có). Giám đốc Sở Y tế huy động các lực lượng của ngành y tế nhân dân; được sự uỷ quyền của Chủ nhiệm hậu cần, Chủ nhiệm quân y Bộ chỉ huy quân sự tỉnh huy động các lực lượng quân y để thực hiện các quyết định của Ban QDY tỉnh.

b) Khi cần có hỗ trợ của các ngành khác như giao thông vận tải, thương mại... hoặc của quân đội. Giám đốc Sở Y tế báo cáo với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ nhiệm quân y báo cáo với Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh (nếu có) để xin ý kiến chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

c) Ban QDY tỉnh họp định kỳ 6 tháng 1 lần để kiểm điểm công tác chỉ đạo và đánh giá kết quả triển khai thực hiện KHQDY trên địa bàn tỉnh, xác định nội dung hoạt động cho thời kỳ sau; họp bất thường khi có nhiệm vụ đột xuất.

d) Giám đốc Sở Y tế báo cáo kết quả công tác KHQDY với Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế trong các báo cáo định kỳ. Chủ nhiệm quân y tỉnh báo cáo kết quả công tác KHQDY với BCHQS tỉnh và phòng quân y Quân khu trong các báo cáo định kỳ. Ban QDY tỉnh báo cáo 6 tháng và hàng năm với Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban QDY quân khu và Ban QDY cấp Bộ.

2.4. Mối quan hệ chỉ đạo, quản lý, điều hành của Ban QDY huyện, xã

2.4.1. Ban QDY huyện chịu sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của Uỷ ban nhân dân huyện, sự chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác KHQDY của Ban QDY tỉnh và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện và Ban QDY tỉnh về toàn bộ công tác KHQDY tại địa phương.

2.4.2. Khi có tình huống khẩn cấp gây thương vong lớn; dưới sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, Ban QDY huyện huy động toàn bộ lực lượng quân, dân y có trên địa bàn triển khai các biện pháp nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu can thiệp y tế trong bao vây, ngăn chặn, dập tắt dịch bệnh, cấp cứu vận chuyển người bị thương, bị nạn.... Đồng thời báo cáo lên cấp trên xin chi viện lực lượng, vật tư y tế nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả.

2.4.3. Phương thức làm việc, chế độ báo cáo của Ban QDY huyện như sau:

a) Tổ chức thực hiện kế hoạch công tác KHQDY của Ban QDY huyện là Phòng y tế, quân y Ban chỉ huy quân sự huyện; quân y các đơn vị quân đội và y tế nhân dân đứng chân trên địa bàn huyện có trách nhiệm phối hợp tham gia.

b) Trưởng phòng y tế huyện báo cáo kết quả công tác KHQDY với Uỷ ban nhân dân huyện và Sở Y tế trong các báo cáo định kỳ. Ban QDY huyện báo cáo 6 tháng và hàng năm về kết quả công tác KHQDY với Ban QDY tỉnh.

c) Chủ nhiệm quân y các đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện tham gia công tác KHQDY trong khu vực thực hiện chế độ báo cáo với quân y đơn vị cấp trên theo quy định.

d) Ban QDY huyện định kỳ 6 tháng họp 1 lần để kiểm điểm đánh giá kết quả triển khai các mặt công tác được xác định trong phần nhiệm vụ, đồng thời đề xuất nội dung hoạt động cho thời kỳ sau.

2.4.4. Mối quan hệ, phương thức làm việc của Ban QDY xã thực hiện tương tự như Ban QDY huyện trong phạm vi cấp xã.

3. Quy định về tổ chức, nhiệm vụ, mối quan hệ và cơ chế bảo đảm cho các phân đội, cơ sở quân - dân y trong khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ

3.1. Tổ chức, nhiệm vụ, mối quan hệ và cơ chế bảo đảm cho các phân đội, cơ sở khám, chữa bệnh QDY

3.1.1. Loại hình tổ chức các phân đội, cơ sở khám, chữa bệnh QDY gồm có: trạm y tế QDY, bệnh xá QDY, phòng khám đa khoa QDY, trung tâm y tế QDY và bệnh viện QDY. Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, lực lượng quân, dân y có trên địa bàn và nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng để xác định loại hình cho phù hợp, trong đó, đặc biệt chú trọng tổ chức ở các khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực trọng điểm về quốc phòng, an ninh.

3.1.2. Nhiệm vụ của các phân đội, cơ sở khám, chữa bệnh QDY: Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ quy định cụ thể cho tuyến theo phân cấp khám bệnh, điều trị của Bộ Y tế và của Cục Quân y.

3.1.3. Tổ chức các phân đội, cơ sở khám, chữa bệnh QDY theo 2 phương thức:

a) Phương thức lồng ghép toàn diện: Tập trung toàn bộ nhân lực, vật tư, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng của cả quân y và dân y tổ chức thành phân đội hoặc cơ sở khám, chữa bệnh QDY; hoạt động theo quy chế được cấp có thẩm quyền thành lập ban hành.

b) Phương thức phối hợp hoạt động từng mặt công tác: Phối hợp giữa quân y và dân y hoạt động theo định kỳ, theo đợt, theo yêu cầu nhiệm vụ thường xuyên hoặc đột xuất; hoạt động theo quy chế được cấp có thẩm quyền quyết định.

3.1.4. Thẩm quyền quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động:

a) Bệnh viện QDY:

- Những bệnh viện thuộc tuyến Trung ương, do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Quy chế hoạt động do Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng thống nhất ban hành.

- Những bệnh viện thuộc tuyến quân khu, tỉnh, do Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định thành lập (có thỏa thuận bằng văn bản của Bộ Quốc phòng) theo đề nghị của Tư lệnh quân khu sau khi có ý kiến thống nhất của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi bệnh viện đứng chân. Quy chế hoạt động do Tư lệnh quân khu ban hành theo đề nghị của Ban QDY quân khu.

b) Trung tâm y tế QDY, Phòng khám đa khoa QDY, Trạm y tế QDY: Do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ký quyết định thành lập theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế sau khi thoả thuận với lãnh đạo chỉ huy đơn vị có lực lượng quân y hoạt động tại các cơ sở trên. Quy chế hoạt động do Giám đốc Sở Y tế và chỉ huy đơn vị quân đội (có lực lượng quân y trực tiếp hoạt động) thống nhất ban hành.

c) Bệnh xá QDY: Được thành lập theo quyết định của Bộ Quốc phòng, hình thành trên cơ sở ký kết quy chế hoạt động giữa Trưởng Phòng y tế huyện, Uỷ ban nhân dân huyện và lãnh đạo chỉ huy đơn vị quân đội trực tiếp quản lý bệnh xá.

3.1.5. Quản lý, chỉ huy:

a) Những phân đội, cơ sở khám, chữa bệnh QDY được tổ chức theo phương thức lồng ghép toàn diện thuộc quyền quản lý của thủ trưởng đơn vị quân đội và cơ quan y tế cấp trên trực tiếp.

b) Những phân đội, cơ sở khám, chữa bệnh QDY được tổ chức theo phương thức phối hợp hoạt động từng mặt công tác:

- Bệnh viện QDY: Cơ quan trực tiếp quản lý thực hiện theo quyết định thành lập.

- Bệnh xá QDY do chỉ huy đơn vị trực tiếp quản lý.

- Trung tâm y tế QDY, phòng khám đa khoa QDY, trạm y tế QDY do cơ quan dân y cấp trên trực tiếp quản lý.

3.1.6. Cơ chế bảo đảm nguồn kinh phí:

a) Cơ chế bảo đảm nguồn kinh phí cho các phân đội, cơ sở khám, chữa bệnh QDY là một trong những nội dung chính được xác định trong quy chế hoạt động do cấp có thẩm quyền ban hành. Quy chế hoạt động là cơ sở pháp lý đảm bảo tính khả thi, bền vững và hiệu quả của các phân đội, cơ sở khám, chữa bệnh QDY.

b) Nguyên tắc bảo đảm kinh phí:

- Sử dụng đúng nguồn ngân sách theo quy định hiện hành;

- Kinh phí bảo đảm khám, chữa bệnh cho bộ đội do quân đội bảo đảm, khám chữa bệnh cho nhân dân do dân y bảo đảm.

- Tuỳ theo khả năng của các bên tham gia, có thể có những phần kinh phí hỗ trợ lẫn nhau như: nâng cấp cơ sở hạ tầng, vốn quỹ thuốc ban đầu, trang thiết bị y tế và các hoạt động đột xuất theo yêu cầu nhiệm vụ.

3.2. Tổ chức, nhiệm vụ, mối quan hệ và cơ chế bảo đảm cho các phân đội QDY cơ động trong hoạt động phòng chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ

3.2.1. Tổ chức các phân đội QDY cơ động trong hoạt động phòng chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ:

a) Các phân đội QDY cơ động là những phân đội y tế (quân, dân y) được tổ chức từ biên chế (định biên) của các cơ sở khám, chữa bệnh, y tế dự phòng của quân y và dân y, được tổ chức độc lập nhưng hoạt động theo mối quan hệ KHQDY để triển khai thực hiện nhiệm vụ theo sự điều hành của Ban QDY các cấp.

b) Tổ chức các phân đội QDY cơ động gồm:

- Tổ cấp cứu vận chuyển.

- Đội phẫu thuật cơ động.

- Đội phòng chống dịch cơ động.

- Tổ phòng chống dịch cơ động.

- Tổ chuyên khoa tăng cường.

c) Nhiệm vụ xây dựng các tổ chức QDY cơ động phòng chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ tổ chức thực hiện theo Mục 6 - Phần I (Những quy định chung) tại Thông tư 03/TT-LB ngày 04/03/1994 của Liên bộ Y tế - Quốc phòng về việc kết hợp QDY cứu chữa và chăm sóc người bị nạn do các thảm hoạ gây ra.

3.2.2. Nhiệm vụ của các phân đội QDY cơ động trong hoạt động phòng chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai thảm hoạ:

a) Luôn sẵn sàng nhân lực, trang bị và phương tiện đảm bảo cơ động được trong thời gian ngắn nhất khi có lệnh điều động;

b) Tổ chức tập luyện đầy đủ các nội dung cần thiết về chuyên môn nghiệp vụ và trình độ tổ chức công tác của phân đội; đảm bảo khi có lệnh điều động, đủ khả năng triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao;

c) Khi có tình huống, các tổ, đội được điều động và triển khai thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của người chịu trách nhiệm điều hành về y tế tại khu vực có dịch bệnh, thiên tai thảm hoạ.

3.2.3. Mối quan hệ và phương thức hoạt động của các phân đội QDY cơ động trong hoạt động phòng chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai thảm hoạ:

a) Các phân đội được bố trí, sắp xếp đủ nhân lực, trang bị vật chất, phương tiện chuyên môn và hậu cần đảm bảo đủ khả năng tổ chức hoạt động độc lập theo nhiệm vụ được giao.

b) Khi bình thường: Tổ chức được hình thành từ cơ sở nào do lãnh đạo chỉ huy đơn vị đó trực tiếp quản lý và duy trì khả năng sẵn sàng cơ động khi có lệnh.

c) Khi được điều động: Mọi hoạt động được tổ chức thực hiện theo sự phân công của người chịu trách nhiệm điều hành về y tế tại khu vực xảy ra thảm hoạ.

3.2.4. Cơ chế bảo đảm vật tư y tế, tài chính cho hoạt động của các phân đội QDY cơ động trong hoạt động phòng chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai thảm hoạ được thực hiện theo Mục 5 - Phần II (Những quy định cụ thể) tại Thông tư 03, ngày 04/03/1994 của Liên bộ Y tế - Quốc phòng về việc kết hợp QDY cứu chữa và chăm sóc người bị nạn do các thảm hoạ gây ra.

4. Quy định về trách nhiệm các Ban quân - dân y các cấp trong tổ chức thực hiện công tác y tế quân sự địa phương

4.1. Nội dung và nhiệm vụ công tác y tế quân sự địa phương

4.1.1. Nội dung công tác y tế quân sự địa phương:

a) Công tác y tế quân sự địa phương là một trong những nội dung chủ yếu của nhiệm vụ xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc. Sở Y tế là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức triển khai và chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện.

b) Công tác y tế quân sự địa phương bao gồm toàn bộ công tác y tế nhân dân và y tế quân đội bảo đảm cho thực hiện các nhiệm vụ quân sự của địa phương. Tuỳ thuộc vào vị trí địa lý và nhiệm vụ quân sự của từng tỉnh, nội dung của công tác y tế quân sự của từng địa phương có những điểm khác nhau. Song nhìn chung, công tác y tế quân sự địa phương có nội dung cơ bản là bảo đảm y tế cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của địa phương.

4.1.2. Nhiệm vụ cụ thể của công tác y tế quân sự địa phương:

a) Bảo đảm y tế cho tuyển quân, quản lý sức khoẻ những quân nhân mới xuất ngũ;

b) Công tác y tế trong nhiệm vụ động viên quân đội, động viên quốc phòng;

c) Huấn luyện cấp cứu thời chiến cho toàn dân, huấn luyện y học quân sự theo phân cấp cho cán bộ nhân viên y tế dự bị động viên, tổ chức diễn tập y tế theo nhiệm vụ của khu vực phòng thủ;

d) Xây dựng địa lý y tế quân sự địa phương;

đ) Xây dựng mạng lưới cứu chữa vận chuyển người bị thương bị bệnh trong chiến tranh;

e) Phối hợp quân - dân y trong phòng chống dịch bệnh (đặc biệt dịch bệnh tối nguy hiểm), tham gia giải quyết hậu quả thảm hoạ, thiên tai và tình huống quân sự khác (khủng bố, đe dọa khủng bố sinh học, hóa học);

g) Dự trữ vật tư y tế cho thời chiến.

4.2. Trách nhiệm của Ban QDY các cấp về công tác y tế quân sự địa phương

4.2.1. Ban QDY cấp Bộ có trách nhiệm:

a) Xây dựng nội dung, trình lãnh đạo hai Bộ Y tế, Quốc phòng và Chính phủ thể chế hoá các nội dung liên quan đến công tác y tế quân sự địa phương bằng các văn bản quy phạm pháp luật để các địa phương tổ chức thực hiện;

b) Định hướng công tác y tế quân sự địa phương trong các kế hoạch công tác KHQDY của toàn Ngành;

c) Phối hợp cùng Ban QDY quân khu chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các Ban QDY cấp tỉnh.

4.2.2. Ban QDY quân khu có trách nhiệm:

a) Hàng năm, lập và trình Bộ Tư lệnh quân khu phê duyệt kế hoạch công tác y tế địa phương của quân khu;

b) Trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn việc triển khai kế hoạch và kết quả thực hiện của các Ban QDY các tỉnh thuộc quân khu.

4.2.3. Ban QDY tỉnh có trách nhiệm:

a) Hàng năm, căn cứ kế hoạch công tác y tế địa phương của quân khu và yêu cầu thực tiễn của địa phương để lập và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch công tác y tế địa phương của tỉnh;

b) Phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ thuộc Sở Y tế và Ban quân y Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Ban Quân y Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trực tiếp chịu trách nhiệm về những nội dung công tác y tế quân sự địa phương;

c) Trực tiếp kiểm tra và hướng dẫn việc triển khai và kết quả thực hiện kế hoạch.

5. Bảo đảm kinh phí cho hoạt động kết hợp quân - dân y

5.1. Ban QDY cấp Bộ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm trình Lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt. Ngân sách hoạt động hàng năm được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp y tế và các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Các đơn vị quân đội được đảm bảo kinh phí cho nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất theo yêu cầu hoạt động KHQDY của đơn vị mình.

5.2. Trên cơ sở kế hoạch công tác KHQDY hàng năm được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, Sở Y tế có trách nhiệm lập dự toán kinh phí với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để bố trí ngân sách từ nguồn ngân sách địa phương cho các nội dung hoạt động theo kế hoạch đã được phê duyệt.

5.3. Cơ chế bảo đảm: Tuỳ theo yêu cầu nhiệm vụ và loại hình hoạt động, có thể hỗ trợ một phần hoặc đầu tư toàn bộ kinh phí theo phương thức ký hợp đồng trách nhiệm với các đơn vị thực hiện với từng nội dung công việc.

5.4. Thanh, quyết toán thực hiện theo Thông tư 48/2003/TT-BTC ngày 15/05/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung và mức chi của Dự án kết hợp QDY bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và phục vụ an ninh quốc phòng giai đoạn 2001 - 2010 và các quy định hiện hành.

6. Hiệu lực thi hành

6.1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

6.2. Chương I - Quy định tổ chức, nhiệm vụ của các Ban QDY các cấp trong Thông tư này thay thế cho Chương I - Quy định tổ chức các Ban QDY cấp tỉnh, huyện và xã trong Thông tư 09/TT-LB ngày 21/07/1992 của Liên Bộ Y tế - Quốc phòng quy định việc tổ chức Ban quân dân y, việc kết hợp quân dân y phòng chống dịch và thu nhận người bị thương, bị bệnh.

6.3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các địa phương, đơn vị phản ảnh về hai Bộ Y tế và Quốc phòng để xem xét giải quyết./.

Bộ Y tế

Bộ Quốc phòng

Bộ trưởng

Bộ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Thị Trung Chiến

Phạm Văn Trà