Sign In

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Thông tư Hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí xây dựng công trình thuộc các dự án đầu tư số 09/2000/TT-BXD ngày 17/7/2000

-------------------------

Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng.

Căn cứ Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ.

Căn cứ Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ.

Để thực hiện cơ chế quản lý đối với công trình của các dự án đầu tư và xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước và các nguồn vốn khác do các doanh nghiệp tự đầu tư, tự vay tự trả không có sự bảo lãnh của Nhà nước quy định tại các điều 10,11 và 12 Nghị định số 52/1999/NĐ-CP, khoản 4,5 và 6 điều 1 Nghị định số 12/2000/NĐ-CP và khoản 4,5 và 6 điều 1 Nghị định số 07/2003/NĐ-CP; Bộ Xây dựng hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Thông tư hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí xây dựng công trình thuộc các dự án đầu tư số 09/2000/TT-BXD như sau:

(1) Điểm 3 mục I được sửa đổi, bổ sung như sau:

3. Tất cả các công trình xây dựng của các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước và các nguồn vốn khác do các doanh nghiệp tự đầu tư, tự vay tự trả không có sự bảo lãnh của Nhà nước đều phải thực hiện theo hướng dẫn lập và quản lý chi phí xây dựng được quy định trong Thông tư này.

(2) Tiết a, b, Khoản 2.1.3 Điểm 2.1 mục II được bổ sung như sau:

Ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư:

- Chi phí cho việc thi, tuyển chọn thiết kế kiến trúc đối với công trình có yêu cầu kiến trúc đặc biệt hoặc yêu cầu của chủ đầu tư;

- Chi phí đo đạc, khảo sát đánh giá hiện trạng khi lập dự án đầu tư cải tạo, sửa chữa;

b. Ở giai đoạn thực hiện đầu tư:

- Chi phí kiểm định chất lượng công trình xây dựng; (nếu có)

- Chi phí áp dụng những phát minh, sáng chế, bản quyền tác giả; (nếu có)

- Chi phí giám sát, đánh giá đầu tư; (nếu cần)

- Lãi vay trong quá trình đầu tư đối với công trình xây dựng của các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh;

(3) Bổ sung mới điểm 2.3a mục II như sau:

Giá hợp đồng EPC là toàn bộ các chi phí cần thiết để tổng thầu EPC thực hiện các công việc theo hợp đồng đã ký kết bao gồm:

2.3a.1- Chi phí khảo sát, thiết kế;

2.3a.2- Chi phí mua sắm cung cấp vật tư, thiết bị bao gồm cả thiết bị dự phòng;

2.3a.3- Chi phí thi công xây lắp công trình kể cả công trình tạm;

2.3a.4- Chi phí kiểm tra, chạy thử, đào tạo công nhân, nghiệm thu bàn giao, chuyển giao công nghệ;

2.3a.5- Chi phí quản lý dự án;

2.3a.6- Chi phí liên quan khác;

2.3a.7- Các loại thuế và phí;

(4) Điểm 2.3 mục II sửa đổi và bổ sung như sau:

2.3- Giá thanh toán công trình

- Đối với trường hợp đấu thầu: Giá thanh toán là giá đã ký kết trong hợp đồng kinh tế khi trúng thầu cùng các điều kiện được ghi trong hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và doanh nghiệp xây dựng.

- Đối với trường hợp chỉ định thầu (kể cả trường hợp được cấp có thẩm quyền phân giao nhiệm vụ xây dựng công trình): Giá thanh toán là giá trị dự toán hạng mục công trình hoặc loại công tác xây lắp riêng biệt hay toàn bộ công trình được duyệt trên cơ sở khối lượng thực hiện được nghiệm thu theo giai đoạn hoặc khối lượng thực hiện được nghiệm thu hàng tháng theo hợp đồng đã ký kết

Giá thanh toán được thực hiện theo từng thời kỳ thanh toán khối lượng hoàn thành và chỉ được thanh toán hết khi có đủ quyết toán hạng mục công trình hay công trình với Chủ đầu tư như nội dung quy định trong khoản 2, 3, 4, 5 điều 49 Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP, và điểm 1, 6, 8, 9, 12, 13 khoản 17 điều 1 Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

(5) Điểm 1, 8 mục III được sửa đổi và bổ sung điểm 7a mục III như sau:

1. Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

7a- Giá vật liệu đến hiện trường xây lắp đối với công trình xây dựng theo tuyến hoặc xa nơi dân cư tập trung.

8- Giá cước vận tải, bốc xếp, chi phí lưu kho, bãi theo quy định của cấp có thẩm quyền.

(6) Điểm 1 mục IV được sửa đổi và điểm 2 mục IV được bổ sung như sau:

1. Tổng dự toán công trình

Tổng dự toán công trình được xác định theo nguyên tắc sau:

- Đối với công trình có thiết kế 03 bước: Cơ sở lập tổng dự toán là thiết kế kỹ thuật.

- Đối với công trình có thiết kế 02 bước: Cơ sở lập tổng dự toán là thiết kế kỹ thuật thi công.

2. Dự toán xây lắp hạng mục công trình

Dự toán xây lắp hạng mục công trình được xác định trên cơ sở khối lượng các công tác xây lắp tính theo thiết kế, đơn giá xây dựng cơ bản do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành hoặc đơn giá xây dựng công trình (đối với công trình được lập đơn giá riêng), định mức chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước và thuế giá trị giă tăng đầu ra.

Dự toán chi phí của gói thầu thực hiện hình thức hợp đồng tổng thầu khảo sát thiết kế - cung cấp vật tư, thiết bị xây dựng (hợp đồng EPC) bao gồm chi phí khảo sát, thiết kế, chi phí mua sắm cung cấp vật tư, thiết bị (kế cả vật tư, thiết bị dự phòng), chi phí xây dựng và lắp đặt (kể các các công trình phụ trợ, các công trình tạm), chi phí chạy thử, nghiệm thu bàn giao, quản lý dự án, thuế và các chi phí khác.

Phương pháp lập dự toán xây lắp hạng mục công trình theo hướng dẫn trong phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này.

(7) Khoản 3.1, 3.2, 3.3 điểm 3 mục V được sửa đổi bổ sung như sau:

3. Về tổng dự toán công trình

3.1- Tất cả các công trình xây dựng không phân biệt đấu thầu hay được phép chỉ định thầu đều phải lập tổng dự toán theo đúng các nội dung, nguyên tắc, phương pháp hướng dẫn tại Thông tư này.

3.1.1- Trước khi Người có thẩm quyền phê duyệt tổng dự toán thì tổng dự toán phải được thẩm định; Chủ đầu tư có trách nhiệm lập hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt theo các nội dung quy định tại phụ lục số 4 của Thông tư này.

3.1.2- Cơ quan hoặc tổ chức chuyên môn thẩm định tổng dự toán bảo đảm nội dung thẩm định bao gồm:

- Kiểm tra tính đúng đắn của các định mức, đơn giá và việc vận dụng định mức, đơn giá, các chế độ, chính sách có liên quan và các khoản mục chi phí theo quy định của Nhà nước.

- Sự phù hợp giữa khối lượng thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công với tổng dự toán.

- Xác định giá trị tổng dự toán để so sánh với tổng mức đầu tư đã được duyệt.

3.1.3- Kết thúc việc thẩm định, cơ quan hoặc tổ chức chuyên môn thẩm định phải lập văn bản kết quả thẩm định tổng dự toán theo các nội dung trong điểm 3.1.2 nói trên và các nội dung khác theo mẫu văn bản trong phụ lục số 5 của thông tư này.

3.2- Tổng dự toán do Người có thẩm quyền phê duyệt không được vượt tổng mức đầu tư đã được duyệt.

3.2.1- Đối với công trình xây dựng của dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước:

3.2.1.1- Tổng dự toán công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và các dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách Nhà nước do Bộ Xây dựng thẩm định, trừ công trình xây dựng thuộc dự án nhóm A của một số Bộ, Ngành quy định tại tiết a mục 3.1 khoản 14 điều 1 Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ.

3.2.1.2- Tổng dự toán công trình các dự án nhóm A sử dụng vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thì các Bộ, Ngành, Địa phương tự tổ chức thẩm định tổng dự toán hoặc do tổ chức có chuyên môn về định mức, đơn giá, dự toán thẩm định trước khi trình Người có thẩm quyền phê duyệt.

3.2.1.3- Tổng dự toán công trình của các dự án nhóm B,C thuộc các Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương quản lý. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt sau khi được cơ quan chuyên môn có chức năng quản lý xây dựng của cấp quyết định đầu tư hoặc cơ quan chuyên môn có chức năng quản lý định mức, đơn giá, dự toán xây dựng (đối với các dự án mà cấp quyết định đầu tư không có cơ quan chức năng nói trên) thẩm định.

3.2.1.4- Tổng dự toán công trình của dự án thuộc nhóm B,C do địa phương quản lý, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt tổng dự toán sau khi được Sở Xây dựng hoặc Sở có công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định (tuỳ theo tính chất của dự án).

3.2.1.5- Tổng dự toán công trình của dự án thuộc nhóm A, B, C do các doanh nghiệp đầu tư sử dụng vốn đầu tư do Nhà nước bảo lãnh, vốn đầu tư phát triển của Nhà nước thì doanh nghiệp tự tổ chức thẩm định hoặc do tổ chức có chuyên môn về định mức, đơn giá, dự toán thẩm định để Người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt.

3.2.1.6- Việc uỷ quyền phê duyệt tổng dự toán của người có thẩm quyền cho cấp dưới trực tiếp hoặc cho Chủ đầu tư được phép phê duyệt dự toán các hạng mục công trình lập theo thiết kế bản vẽ thi công (thiết kế chi tiết) thực hiện theo quy định tại tiết c, d mục 3.1 khoản 14, điều 1 Nghị định số 07/2003/NĐ-CP của Chính phủ.

3.2.2- Đối với công trình xây dựng của các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước và các nguồn vốn khác do các doanh nghiệp tự đầu tư, tự vay tự trả không có sự bảo lãnh của Nhà nước, việc thẩm định và phê duyệt tổng dự toán thực hiện như quy định tại tiết 3.2.1.5 nói trên.

3.2.3- Đối với công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn của nhà tài trợ quốc tế (kể cả vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA) thực hiện theo Thông tư của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập và quản lý chi phí xây dựng công trình sử dụng vốn của nhà tài trợ quốc tế.

3.3- Tổng dự toán công trình được Người có thẩm quyền phê duyệt là giới hạn tối đa chi phí xây dựng công trình, làm căn cứ để tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định thầu và quản lý chi phí trong quá trình thực hiện dự án. Người có thẩm quyền phê duyệt tổng dự toán chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung phê duyệt theo quy định tại khoản 2, điều 38 của Nghị định số 52/1999/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật.

- Trường hợp những dự án nhóm A gồm nhiều dự án thành phần hoặc tiểu dự án có thể độc lập vận hành, khai thác hoặc thực hiện theo phân kỳ đầu tư được ghi trong văn bản phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền, việc lập, thẩm định, phê duyệt tổng dự toán công trình của các dự án thành phần hoặc tiểu dự án đó được thực hiện như công trình của một dự án đầu tư độc lập.

- Công trình xây dựng của các dự án đầu tư và xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước và các nguồn vốn khác do các doanh nghiệp tự đầu tư, tự vay tự trả không có sự bảo lãnh của Nhà nước trước khi khởi công phải có tổng dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp đặc biệt, nếu công trình xây dựng của dự án nhóm A, chưa có tổng dự toán được phê duyệt thì chậm nhất sau khi thực hiện được 30% tổng mức đầu tư phải có tổng dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp này, khi tiến hành khởi công công trình thì phải có dự toán hạng mục công trình khởi công được cấp có thẩm quyền phê duyệt và hợp đồng giao nhận thầu hợp pháp.

(8) Phụ lục số 2 và phụ lục số 3 được thay thế bằng phụ lục số 2 và số 3 kèm theo Thông tư này.

(9) Bổ sung mới phụ lục số 4 và phụ lục số 5 kèm theo Thông tư này.

Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Thông tư hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí xây dựng công trình thuộc các dự án đầu tư số 09/2000/TT-BXD ngày 17/7/2000 và áp dụng thống nhất trong cả nước sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

 

 

Bộ Xây dựng

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Hồng Quân