Sign In

 

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 174/2007/NĐ-CP ngày 29/11/2007 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn

Căn cứ Nghị định số 174/2007/NĐ-CP ngày 29/11/2007 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 174/2007/NĐ-CP ngày 29/11/2007 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn (sau đây gọi là Nghị định số 174/2007/NĐ-CP) là chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc các hoạt động khác. Trong đó:

a) Chất thải rắn nguy hại là chất thải rắn có tên trong Danh mục các chất thải rắn nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành;

b) Chất thải rắn không có tên trong Danh mục các chất thải rắn nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành là chất thải rắn thông thường.

2. Không thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường phát thải trong sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình.

3. Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn là các tổ chức, cá nhân có thải chất thải rắn thuộc đối tượng chịu phí nêu tại khoản 1 mục này.

4. Đối tượng không phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn bao gồm:

a) Cá nhân, hộ gia đình thải chất thải rắn thông thường phát thải trong sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình;

b) Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí quy định tại khoản 3 mục này nhưng tự xử lý hoặc ký hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường theo quy định của pháp luật, cụ thể:

- Đối với trường hợp tự xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường phải có thuyết minh rõ giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn; giải pháp công nghệ xử lý nước rác và nước thải từ hoạt động xử lý chất thải rắn; hiệu quả của công nghệ xử lý chất thải rắn; các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành; giải pháp xử lý các tình huống sự cố môi trường và các nội dung khác về xử lý chất thải rắn theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn.

- Đối với trường hợp ký hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường phải có hợp đồng dịch vụ xử lý (hoặc hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý) chất thải rắn với chủ xử lý chất thải rắn được phép hoạt động theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn.

5. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định số 174/2007/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này thì áp dụng quy định tại điều ước quốc tế đó. Việc áp dụng Điều ước quốc tế được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn được quy định tại Điều 5 Nghị định số 174/2007/NĐ-CP như sau:

a) Đối với chất thải rắn thông thường phát thải từ hoạt động của cơ quan, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề: không quá 40.000 đồng/tấn.

b) Đối với chất thải rắn nguy hại: không quá 6.000.000 đồng/tấn.

c) Trường hợp cần thiết, tuỳ tính chất, đặc điểm của từng loại chất thải rắn, từng địa bàn và từng loại đối tượng nộp phí, địa phương được quy đổi mức thu phí tính theo đơn vị m3 từng loại chất thải rắn hoặc theo từng đối tượng nộp phí cụ thể hoặc theo đơn vị tính khác, nhưng phải đảm bảo mức thu cụ thể của từng loại chất thải rắn không vượt quá mức thu nêu tại điểm a và b khoản này.

2. Căn cứ quy định về mức thu phí tại Điều 5 Nghị định số 174/2007/NĐ-CP, hướng dẫn tại khoản 1 mục này và điều kiện thực tế về xử lý, tiêu huỷ chất thải rắn ở địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) xây dựng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn áp dụng đối với từng loại chất thải rắn ở từng địa bàn, từng loại đối tượng nộp phí tại địa phương để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

3. Phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn được thu bằng đồng Việt Nam. Cơ quan thu phí (hoặc đơn vị được uỷ quyền thu phí) phải lập và cấp biên lai thu cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế.

4. Phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau:

a) Để lại một phần số phí thu được cho cơ quan, đơn vị trực tiếp thu phí để trang trải chi phí cho việc thu phí theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002; khoản 5 Điều 1 Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí và hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí.

b) Phần còn lại là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% (một trăm phần trăm) để chi dùng cho các nội dung sau đây:

- Chi phí cho việc xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, như: đốt, khử khuẩn, trung hoá, trơ hoá, chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh, đảm bảo có sự kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường phát sinh trong quá trình xử lý chất thải;

- Chi hỗ trợ cho việc phân loại chất thải rắn, bao gồm cả hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc phân loại chất thải rắn ngay tại nguồn;

- Chi hỗ trợ đầu tư xây dựng các bãi chôn lấp, công trình xử lý chất thải rắn, sử dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng, xử lý và tiêu huỷ chất thải rắn.

c) Căn cứ quy định của pháp luật ngân sách nhà nước, pháp luật phí và lệ phí và hướng dẫn tại điểm a và b khoản này, cùng với mức thu phí (đã được xác định theo hướng dẫn tại khoản 2 mục này) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xác định việc quản lý, sử dụng tiền phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn cho phù hợp để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

 

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đối tượng nộp phí có nghĩa vụ nộp đủ, đúng hạn số tiền phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn cùng với phí vệ sinh cho đơn vị thu phí vệ sinh (hoặc đơn vị được uỷ quyền thu phí). Định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý, đơn vị thu phí có nghĩa vụ nộp số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước, sau khi đã trừ đi chi phí được để lại theo quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo hướng dẫn tại khoản 4 mục II Thông tư này.

2. Hàng năm, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày 01 tháng 01 năm dương lịch, đơn vị thu phí phải thực hiện quyết toán việc thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phí thu được trên địa bàn của năm trước với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

3. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, quyết toán việc thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn của đơn vị thu phí.

4. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

5. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng và công khai chế độ thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 và Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí.

6. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn bổ sung./.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Hoàng Anh Tuấn