Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành quy định xử lý nợ bị rủi ro

trong hệ thống Ngân Hàng Chính Sách Xã Hội

___________

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

- Căn cứ Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 16/2003/QĐ-TTg ngày 22/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ;

- Căn cứ Quyết định số 69/2005/QĐ-TTg ngày 04/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xử lý nợ rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội;

- Căn cứ Thông tư số 65/2005/TT-BTC ngày 16/8/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện quy chế xử lý nợ rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 69/2005/QĐ-TTg ngày 04/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định xử lý nợ bị rủi ro trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế các văn bản hiện hành quy định về xử lý nợ bị rủi ro đối với cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Điều 3. Đối với những trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan xảy ra trước ngày Thông tư số 65/2005/TT-BTC nêu trên có hiệu lực thi hành (20/9/2005), khách hàng và Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ và thực hiện xử lý nợ theo các văn bản hướng dẫn trước đây.

Điều 4. Tổng giám đốc, Trưởng phòng các Phòng tại Hội sở chính, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, Giám đốc Sở giao dịch, Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện và khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

 

TM. HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
P. CHỦ TỊCH
(Đã ký)

Hà Đan Huân

 

QUY ĐỊNH

Xử lý nợ bị rủi ro trong hệ thống ngân hàng chính sách xã hội

(Ban hành kèm theo Quyết định số 55/QĐ-HĐQT ngày 24 tháng 02 năm 2006

của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội)

________________

Điều 1. Mục đích của việc xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan tại Ngân hàng Chính sách xã hội

1. Tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh; tạo nguồn thu nhập trả được nợ Ngân hàng.

2. Tạo điều kiện xử lý các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan và nâng cao năng lực tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Khách hàng được vay vốn tại NHCSXH theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan làm mất một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản dẫn đến gặp khó khăn về tài chính được xem xột xử lý nợ theo quy định này, bao gồm:

1. Hộ nghèo;

2. Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề;

3. Các đối tượng cần vay vốn để giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120/HĐBT ngày 11/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay được thay thế bằng Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm);

4. Các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài;

5. Các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh thuộc hải đảo; thuộc khu vực II, III miền núi và thuộc chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa ( nếu có);

6. Các đối tượng vay vốn mua nhà trả chậm hoặc tự làm nhà ở theo chương trình nhà ở tại vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 105/2002/QĐ-TTg ngày 02/8/2002 và Tây Nguyên theo Quyết định số 154/QĐ-TTg ngày 11/11/2002.

7. Các đối tượng vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

8. Các đối tượng khác khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Giám đốc Sở giao dịch, chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc NHCSXH về việc lập hồ sơ và đề nghị xử lý nợ rủi ro cho khách hàng vay vốn tại chi nhánh.

Điều 4. Phạm vi xử lý nợ bị rủi ro

1. Quy định này hướng dẫn việc xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan thuộc các đối tượng vay vốn NHCSXH tại Điều 2 nêu trên.

Đối với khách hàng vay vốn tại NHCSXH có tài sản bảo đảm theo quy định gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, các chi nhánh được quyền chủ động xử lý tài sản bảo đảm theo thoả thuận với khách hàng và theo quy định của pháp luật để thu hồi vốn. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm dùng để bù đắp chi phí xử lý tài sản bảo đảm; hoàn trả nợ gốc, nợ lãi cho Ngân hàng; nếu thừa thì trả lại cho khách hàng, nếu thiếu thì phần thiếu được xử lý rủi ro theo quy định của văn bản này.

2. Các khoản nợ bị rủi ro trong cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của NHCSXH do nguyên nhân chủ quan của tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Các khoản cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại NHCSXH bằng nguồn vốn tài trợ, uỷ thác đầu tư theo từng Hiệp định hoặc Hợp đồng ký kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mà đã được trích dự phòng rủi ro riêng hoặc đã thoả thuận về nguồn vốn xử lý nợ rủi ro thì việc xử lý nợ bị rủi ro thực hiện theo Hiệp định hoặc Hợp đồng đã ký kết với tổ chức, cá nhân.

Điều 5. Nguyên tắc xử lý nợ bị rủi ro

1. Việc xem xét, xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

a. Khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn theo quy định tại Điều 2 nêu trên đã sử dụng vốn vay đúng mục đích;

b. Khách hàng bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan làm mất một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản;

c. Khách hàng gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa có khả năng trả nợ hoặc không có khả năng trả được nợ cho Ngân hàng.

2. Việc xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng được xem xét từng trường hợp cụ thể căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến rủi ro, mức độ rủi ro và khả năng trả nợ của khách hàng, đảm bảo đầy đủ hồ sơ pháp lý, đúng trình tự, khách quan và công bằng giữa các đối tượng vay vốn.

Điều 6. Các nguyên nhân khách quan làm thiệt hại trực tiếp đến vốn và tài sản của khách hàng bao gồm các trường hợp cụ thể sau:

1. Các nguyên nhân khách quan làm thiệt hại trực tiếp đến vốn và tài sản của khách hàng được xem xét miễn, giảm lãi tiền vay:

a. Thiên tai bao gồm: bão, lũ lụt, lũ quét, hạn hán, mất mùa, động đất, sét đánh, mưa đá, sạt lở đất, lốc xoáy, sóng thần.

b. Địch hoạ, chiến tranh.

c. Hoả hoạn, cháy rừng.

d. Các dịch bệnh liên quan đến con người, gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản, động vật nuôi khác và cây trồng.

đ. Nhà nước điều chỉnh chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng như: không còn nguồn cung cấp nguyên vật liệu; mặt hàng sản xuất kinh doanh bị cấm, bị hạn chế theo quy định của pháp luật hoặc khách hàng phải thực hiện việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo quyết định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

e. Do biến động chính trị, kinh tế - xã hội ở khu vực, quốc tế và nước nhận lao động của Việt Nam làm ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài như: doanh nghiệp tiếp nhận lao động bị phá sản, giải thể; người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mất việc làm; người lao động bị tai nạn nghề nghiệp trong quá trình lao động ở nước ngoài.

2. Các nguyên nhân khách quan làm thiệt hại trực tiếp đến vốn và tài sản của khách hàng được xem xét xoá nợ gồm:

a. Khách hàng là cá nhân vay vốn bị mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau thường xuyên phải điều trị dài ngày, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa, chết, mất tích hoặc bị tuyên bố là chết, mất tích mà không còn tài sản để trả nợ hoặc không có người thừa kế hoặc người thừa kế thực sự không có khả năng trả nợ thay cho khách hàng.

b. Khách hàng là pháp nhân, tổ chức kinh tế đã có quyết định giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật mà không còn vốn, tài sản để trả nợ cho Ngân hàng.

Điều 7. Quy định về rủi ro trờn diện rộng và rủi ro đơn lẻ, cục bộ.

1. Các rủi ro do các nguyên nhân khách quan quy định tại điểm 1, Điều 6 xảy ra đối với đa số khách hàng được vay vốn từ 5 (năm) xã, phường trở lên thì được coi là rủi ro xảy ra trên diện rộng (không phân biệt theo địa bàn hành chính huyện, tỉnh).

2. Các rủi ro do các nguyên nhân khách quan quy định tại điểm 1, Điều 6 xảy ra đối với khách hàng không thuộc diện rộng quy định tại điểm 1, Điều 7 thì được coi là rủi ro xảy ra thuộc diện đơn lẻ, cục bộ.

Điều 8. Thời điểm và thẩm quyền xem xét xử lý nợ bị rủi.

1. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan xảy ra trên diện rộng quy định tại điểm 1 Điều 7 và do nguyên nhân khách quan quy định tại điểm 2 Điều 6 Quy định này. Việc xem xét xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan được thực hiện theo đợt trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thẩm định của liên Bộ.

2. Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH xem xét, quyết định việc xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan thuộc diện đơn lẻ, cục bộ theo định kỳ một năm 01 lần.

Điều 9. Biện pháp xử lý nợ bị rủi ro

1. Miễn lãi tiền vay:

a. Điều kiện miễn lãi tiền vay:

- Khách hàng vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa trả được nợ cho NHCSXH nhưng vẫn còn khả năng trả nợ. 

- Mức độ thiệt hại về vốn và tài sản của khách hàng được quy định cụ thể như sau:

+ Đối với khách hàng vay vốn là hộ nghèo, đối tượng vay vốn giải quyết việc làm, đối tượng vay vốn để mua nhà trả chậm hoặc tự làm nhà ở, đối tượng vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường: mức độ thiệt hại về vốn và tài sản do nguyên nhân quy định tại tiết a đến tiết đ điểm 1 Điều 6 từ 80% trở lên so với tổng số vốn thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng.

+ Đối với khách hàng vay vốn là học sinh, sinh viên: mức độ thiệt hại về vốn và tài sản của gia đình học sinh, sinh viên trong thời gian học sinh, sinh viên chưa xin được việc làm do nguyên nhân quy định tại tiết a đến tiết đ điểm 1 Điều 6 từ 80% trở lên so với tổng số vốn vay của học sinh, sinh viên.

+ Đối với khách hàng là đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài: mức độ thiệt hại về thu nhập của người lao động do nguyên nhân quy định tại tiết e điểm 1 Điều 6 từ 80% trở lên so với tổng số thu nhập dự kiến của người lao động theo hợp đồng lao động.

b. Số tiền miễn lãi cho mỗi khách hàng được thực hiện như sau:

- Trường hợp khách hàng có số nợ lãi tại Ngân hàng đến ngày đề nghị xử lý thấp hơn hoặc bằng số tiền tương đương với số lãi tiền vay tính trên toàn bộ thời gian cho vay trong hạn (không kể thời gian gia hạn nợ) thì được miễn toàn bộ số tiền lãi cũn nợ NHCSXH.

- Trường hợp khách hàng có số nợ lãi tại Ngân hàng đến ngày đề nghị xử lý lớn hơn số tiền tương đương với số lãi tiền vay tính trên toàn bộ thời gian cho vay trong hạn (không kể thời gian gia hạn nợ) thì chỉ được miễn số nợ lãi tương đương với số lãi tiền vay tính trên toàn bộ thời gian cho vay trong hạn.

2. Giảm lãi tiền vay:

a. Điều kiện giảm lãi tiền vay:

- Khách hàng vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa trả được nợ cho NHCSXH nhưng vẫn còn khả năng trả nợ.

- Mức độ thiệt hại về vốn và tài sản của khách hàng được quy định cụ thể như sau:

+ Đối với khách hàng vay vốn là hộ nghèo, đối tượng vay vốn giải quyết việc làm, đối tượng vay vốn để mua nhà trả chậm hoặc tự làm nhà ở, đối tượng vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường: mức độ thiệt hại về vốn và tài sản do nguyên nhân quy định tại tiết a đến tiết đ điểm 1 Điều 6 từ 40% đến dưới 80% so với tổng số vốn thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng.

+ Đối với khách hàng vay vốn là học sinh, sinh viên: mức độ thiệt hại về vốn và tài sản của gia đình học sinh, sinh viên trong thời gian học sinh, sinh viên chưa xin được việc làm do nguyên nhân nờu tại tiết a đến tiết đ điểm 1 Điều 6 từ 40% đến dưới 80% so với tổng số vốn vay chi phí cho việc học tập của học sinh, sinh viên.

+ Đối với khách hàng là đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài: mức độ thiệt hại về thu nhập của người lao động do nguyên nhân quy định tại tiết e điểm 1 Điều 6 từ 40% đến dưới 80% so với tổng số thu nhập dự kiến của người lao động theo hợp đồng lao động.

b. Số tiền giảm lãi cho mỗi khách hàng được thực hiện như sau:

- Trường hợp khách hàng có số nợ lãi tại Ngân hàng đến ngày đề nghị xử lý thấp hơn hoặc bằng số tiền tương đương với 50% số lãi tiền vay tính trên toàn bộ thời gian cho vay trong hạn (không kể thời gian gia hạn nợ) thì được giảm toàn bộ số tiền lãi còn nợ NHCSXH.

- Trường hợp khách hàng có số nợ lãi tại Ngân hàng đến ngày đề nghị xử lý lớn hơn số tiền tương đương với 50% số lãi tiền vay tính trên toàn bộ thời gian cho vay trong hạn (không kể thời gian gia hạn nợ) thì chỉ được giảm số nợ lãi tối đa tương đương với 50% số lãi tiền vay tính trên toàn bộ thời gian cho vay trong hạn.

3. Xoá nợ (gốc, lãi)

- Việc xoá nợ cho khách hàng chỉ được áp dụng trong trường hợp khách hàng vay vốn gặp rủi ro do nguyên nhân nêu tại điểm 2 Điều 6 quy định này.

- Chi nhánh NHCSXH có trách nhiệm áp dụng mọi biện pháp tận thu đối với khách hàng trước khi trình UBND cấp tỉnh và Hội sở chính xem xét, đề nghị xoá nợ.

- Số tiền xoá nợ cho khách hàng bằng số tiền khách hàng còn phải trả cho Ngân hàng (cả gốc và lãi) sau khi đã áp dụng các biện pháp tận thu.

Điều 10. Hồ sơ pháp lý để xem xét xử lý nợ bị rủi ro

1. Đối với miễn, giảm lãi tiền vay, hồ sơ pháp lý gồm:

a. Đơn đề nghị xử lý nợ của khách hàng (mẫu số 01/NRR)

b. Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản do NHCSXH nơi cho vay vốn và khách hàng lập có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền, cụ thể:

- Đối với cho vay hộ nghèo: Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản (mẫu số 02A/NRR) có xác nhận của:

+ Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn;

+ Tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nhận uỷ thác cho vay hộ nghèo;

+ Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi khách hàng cư trú;

+ Xác nhận của cơ quan chuyên ngành cấp xã (nếu có) như: cơ quan phòng chống lụt bão; cơ quan phòng cháy chữa cháy; cơ quan thú y.

Trường hợp ở những nơi không có cơ quan chuyên ngành thì Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận ghi rõ không có cơ quan chuyên ngành.

- Đối với cho vay giải quyết việc làm: Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản (mẫu số 02B/NRR) có xác nhận của:

+ Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi khách hàng cư trú hoặc nơi thực hiện dự án;

+ Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc tổ chức hội, đoàn thể nơi khách hàng cư trú hoặc nơi thực hiện dự án.

- Đối với cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn: Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản (mẫu số 02C/NRR) có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã về việc gia đỡnh học sinh, sinh viên gặp rủi ro trong thời gian học sinh, sinh viên chưa xin được việc làm.

- Đối với cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài: Biên bản xác định mức độ thiệt hại về thu nhập (mẫu số 02D/NRR) có xác nhận của:

+ Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi khách hàng cư trú;

+ Xác nhận của cơ quan làm thủ tục xuất khẩu lao động (Bên tuyển dụng) nếu còn hoạt động;

+ Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài;

+ Các giấy tờ liên quan đến việc người đi lao động nước ngoài gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan nêu tại tiết e điểm 1 Điều 6 quy định này (nếu có).

- Đối với cho vay mua trả chậm nhà ở hoặc tự làm nhà ở, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn và các chương trình cho vay khác theo quyết định của Chính phủ: Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản (theo mẫu số 02Đ/NRR) có xác nhận của:

+ Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn (nếu cú);

+ Tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nhận uỷ thác cho vay (nếu cú);

+ Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi khách hàng cư trú.

c. Bản sao hợp đồng tín dụng hoặc sổ tiết kiệm và vay vốn có rút số dư (nợ gốc, nợ lãi) đến ngày đề nghị xử lý (Giám đốc NHCSXH nơi cho vay ký sao y, đóng dấu).

d. Trường hợp khách hàng là tổ chức kinh tế (hợp tác xã, doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế khác có đủ điều kiện quy định tại Điều 84 của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 từ ngày 05/5 đến ngày 14/6/2005 của Quốc Hội) thì ngoài các giấy tờ nêu trên cần có thêm các giấy tờ sau:

- Biên bản xác định mức độ tổn thất, thiệt hại về vốn và tài sản theo quy định của pháp luật (nếu có);

- Báo cáo tài chính 2 năm gần nhất của tổ chức kinh tế;

- Phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh của tổ chức kinh tế.

- Văn bản liên quan khác chứng minh về việc tổn thất vốn và tài sản.

2. Đối với xoá nợ, hồ sơ pháp lý gồm:

a. Đơn đề nghị xử lý nợ của khách hàng (mẫu số 01/NRR), trong đơn khách hàng hoặc người được uỷ quyền đại diện theo quy định của pháp luật nêu rõ nguyên nhân gây thiệt hại về vốn và tài sản; mức độ thiệt hại về vốn và tài sản; khả năng trả nợ; số tiền vay còn phải trả ngân hàng; số tiền gốc và lãi xin xoá.

Trường hợp người vay chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có người thừa kế theo pháp luật: Đối với cho vay theo tổ Tiết kiệm và vay vốn (dự án) thì Tổ Tiết kiệm và vay vốn (chủ dự án) viết đơn đề nghị xử lý; trường hợp cho vay không theo tổ Tiết kiệm và vay vốn (dự án) thì không cần có đơn đề nghị xử lý nợ.

b. Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản do NHCSXH nơi cho vay vốn và khách hàng hoặc người được uỷ quyền đại diện theo quy định của pháp luật lập có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi khách hàng cư trú (theo mẫu số 2A/NRR đến 2Đ/NRR theo từng chương trình).

Trường hợp người vay chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có người thừa kế theo pháp luật thì Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản do NHCSXH nơi cho vay và tổ Tiết kiệm và vay vốn (chủ dự án) lập đối với đối tượng cho vay theo tổ Tiết kiệm và vay vốn (dự án) hoặc do NHCSXH phối hợp với UBND cấp xã lập đối với trường hợp cho vay không theo tổ Tiết kiệm và vay vốn (dự án).

Riêng đối với các trường hợp đề nghị xoá nợ đối với cho vay theo hộ gia đình (kể cả cho vay hộ nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, nhà trả chậm, ...): Trên Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản; ngoài những nội dung theo quy định, tuỳ từng trường hợp cụ thể phải bổ sung thêm nội dung: “Hộ vay không còn người thừa kế, không có tài sản gì để trả nợ và hoàn toàn không có khả năng trả nợ” đối với trường hợp không còn người thừa kế theo pháp luật hoặc “Hộ vay không có tài sản gì để trả nợ và hoàn toàn không có khả năng trả nợ ” đối với trường hợp còn người thừa kế theo pháp luật.

c. Giấy tờ liên quan khác.

- Trường hợp người vay bị mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau thường xuyên phải có xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện (nơi khách hàng cư trú) trở lên. Để có thủ tục này, khách hàng hoặc người thừa kế theo quy định của pháp luật xin Giấy xác nhận hoặc viết Giấy đề nghị xác nhận nêu rõ tình trạng bệnh tật, ốm đau thường xuyên để làm cơ sở cho cơ quan y tế xác nhận (bản chính hoặc bản sao có công chứng).

- Trường hợp người vay chết thì phải có giấy chứng tử (bản sao có công chứng).

- Trường hợp người vay bị mất tích hoặc bị coi là chết, mất tích:

+ Đối với cho vay hộ kinh doanh cá thể, chủ trang trại, tổ chức kinh tế (gồm tổ hợp sản xuất, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh của người tàn tật, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trung tâm giáo dục lao động xã hội) phải có quyết định tuyên bố chết, mất tích của cơ quan Toà án (bản sao có công chứng).

+ Đối với cho vay hộ gia đình (kể cả hộ nghèo) phải có quyết định tuyên bố chết, mất tích của cơ quan Toà án (bản sao có công chứng) hoặc xác nhận cụ thể của công an và UBND xã trên Biên bản xác nhận nợ vay NHCSXH bị rủi ro do nguyên nhân khách quan.

- Trường hợp người vay có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt không nơi nương tựa phải có xác nhận của UBND cấp xã là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa trên Biên bản xác nhận nợ vay NHCSXH bị rủi ro do nguyên nhân khách quan.

- Trường hợp khách hàng là pháp nhân, tổ chức kinh tế đã phá sản, giải thể phải có quyết định phá sản, giải thể của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc tuyên bố của Toà án (bản sao có công chứng) và các văn bản liên quan đến việc thanh lý tài sản của đơn vị bị phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật.

d. Bản sao hợp đồng tín dụng, khế ước vay vốn hoặc sổ tiết kiệm và vay vốn có rút số dư (nợ gốc, nợ lãi) đến ngày đề nghị xử lý (Giám đốc NHCSXH nơi cho vay ký sao y, đóng dấu).

e. Các giấy tờ liên quan khác (nếu có).

Điều 11. Trình tự thực hiện xử lý nợ bị rủi ro

1. Khi có các khoản nợ bị rủi ro, khách hàng hoặc người được uỷ quyền đại diện có trách nhiệm lập 03 liên Đơn đề nghị xử lý nợ theo mẫu số 01/NRR và các giấy tờ liên quan theo quy định tại Điều 10 nêu trên và gửi đến NHCSXH nơi vay vốn. NHCSXH nơi cho vay kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ; phối hợp với khách hàng lập 03 liên Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản (theo mẫu quy định 02A(B,C,D,Đ)/NRR của từng chương trình), có sự tham gia xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 10 nêu trên.

2. NHCSXH nơi cho vay

2.1. Đối với miễn, giảm lãi tiền vay:

a. Căn cứ vào Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản, NHCSXH nơi cho vay lập 03 liên Biểu tổng hợp đề nghị miễn, giảm lãi tiền vay theo từng chương trình cho vay và mỗi chương trình được tổng hợp riêng 02 loại: diện đơn lẻ, cục bộ và diện rộng, cụ thể:

- Chương trình cho vay hộ nghèo: lập theo mẫu số 03A/NRR

- Chương trình cho vay giải quyết việc làm: lập theo mẫu số 03B/NRR.

- Chương trình cho vay học sinh, sinh viên: lập theo mẫu số 03C/NRR.

- Chương trình cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài: lập theo mẫu số 03D/NRR.

- Chương trình cho vay trả chậm nhà ở hoặc tự làm nhà ở: lập theo mẫu số 03Đ/NRR.

- Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: lập theo mẫu số 03E/NRR.

Lưu ý khi tổng hợp biểu này:

- Số lãi đề nghị miễn của từng hộ (cột 12): là số tiền lãi khách hàng còn nợ Ngân hàng đến ngày đề nghị xử lý (cột 11) nhưng không vượt quá tổng số lãi tiền vay tính trên thời gian cho vay trong hạn, không kể thời gian gia hạn nợ (cột 7).

 - Tương tự số lãi đề nghị giảm của từng hộ (cột 13): là số tiền lãi khách hàng còn nợ Ngân hàng đến ngày đề nghị xử lý (cột 11) nhưng không vượt quá 50% tổng số lãi tiền vay tính trên thời gian cho vay trong hạn, không kể thời gian gia hạn nợ (cột 7).

b. Lập 03 liên Biểu tổng hợp đề nghị miễn, giảm lãi tiền vay chung cho tất cả các chương trình cho vay theo mẫu số 03/NRR theo 02 loại: diện đơn lẻ, cục bộ và diện rộng. Trường hợp chỉ có 01 chương trình cho vay có nợ đề nghị miễn, giảm lãi thì không phải lập biểu này.

c. Sắp xếp và đóng hồ sơ thành tập theo địa bàn (thôn, xã, huyện), đóng riêng theo từng chương trình cho phù hợp với từng biểu tổng hợp theo mẫu số 03A (B, C, D, Đ, E)/ NRR nêu trên. Trong mỗi tập, hồ sơ của từng hộ được sắp xếp theo đúng thứ tự của các hộ đã được liệt kê trên mẫu số 03A(B, C, D, Đ, E)/ NRR. Hồ sơ đề nghị xử lý nợ được lập thành 03 bộ: NHCSXH nơi cho vay giữ 01 bộ, gửi NHCSXH cấp tỉnh 02 bộ.

d. Hồ sơ gửi NHCSXH cấp tỉnh gồm:

- 02 liên Biểu tổng hợp theo từng chương trình cho vay theo mẫu số 03A(B, C, D, Đ, E)/NRR;

- 02 liên Biểu tổng hợp mẫu số 03/NRR;

- 02 bộ hồ sơ chi tiết.

- Truyền file số liệu của biểu tổng hợp mẫu số 3A(B, C, D, Đ, E)/NRR; 03/NRR theo font chữ .VnTime về chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh.

e. Thời hạn gửi hồ sơ:

- Đối với các khoản nợ bị rủi ro thuộc diện đơn lẻ, cục bộ: NHCSXH cấp huyện gửi hồ sơ đề nghị xử lý nợ về NHCSXH cấp tỉnh định kỳ một năm 01 lần vào ngày 31/01 năm sau.

- Đối với các khoản nợ thiệt hại thuộc diện rộng: gửi về NHCSXH cấp tỉnh theo từng đợt sau khi rủi ro xảy ra.

2.2. Đối với xoá nợ:

a. Căn cứ vào Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản, NHCSXH nơi cho vay lập 03 liên Biểu tổng hợp đề nghị xoá nợ theo từng chương trình cho vay theo mẫu số 06/NRR, cụ thể:

- Chương trình cho vay hộ nghèo: lập theo mẫu số 06A/NRR;

- Chương trình cho vay giải quyết việc làm: lập theo mẫu số 06B/NRR;

- Chương trình cho vay học sinh, sinh viên lập theo mẫu số 06C/NRR;

- Chương trình cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài lập theo mẫu số 06D/NRR;

- Chương trình cho vay trả chậm nhà ở hoặc tự làm nhà ở: lập theo mẫu số 06Đ/NRR;

- Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn lập theo mẫu số 06E/NRR;

b. Lập 03 liên Biểu tổng hợp đề nghị xoá nợ chung cho tất cả các chương trình cho vay theo mẫu số 06/NRR. Trường hợp chỉ có một chương trình cho vay có nợ đề nghị xoá thì không phải lập biểu này.

c. Sắp xếp và đóng hồ sơ thành tập theo địa bàn (thôn, xã, huyện) và đóng riêng theo từng chương trình. Trong mỗi tập, hồ sơ của từng hộ sắp xếp theo đúng thứ tự của các hộ đã được liệt kê trên mẫu số 06A(B, C, D, Đ, E)/NRR. Hồ sơ đề nghị xử lý nợ được lập thành 03 bộ: NHCSXH nơi cho vay giữa 01 bộ, gửi NHCSXH cấp tỉnh 02 bộ.

d. NHCSXH nơi cho vay gửi về NHCSXH cấp tỉnh hồ sơ gồm:

- 02 liên Biểu tổng hợp theo từng chương trình cho vay mẫu số 06A(B, C, D, Đ, E)/NRR;

- 02 liên Biểu tổng hợp mẫu số 06/NRR;

- 02 bộ hồ sơ chi tiết.

- Truyền file số liệu của biểu tổng hợp mẫu số 6A(B, C, D, Đ, E)/NRR; 06/NRR theo font chữ .VnTime về chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh.

e. Thời hạn gửi hồ sơ: NHCSXH cấp huyện gửi hồ sơ đề nghị xoá nợ về NHCSXH cấp tỉnh theo từng đợt cùng với nợ đề nghị miễn, giảm nêu trên.

3. Đối với NHCSXH cấp tỉnh:

3.1. Kiểm tra lại hồ sơ đề nghị xử lý đảm bảo hợp lệ, hợp pháp, đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định này, xác nhận mức độ rủi ro của khách hàng; xác nhận tính chính xác, tính hợp lệ hợp pháp của bộ hồ sơ đề nghị xử lý nợ do NHCSXH cấp huyện gửi lên;

3.2. Tổng hợp các khoản nợ rủi ro đề nghị xử lý, cụ thể:

a. Đối với miễn, giảm lãi tiền vay:

- Lập 02 liên Biểu tổng hợp đến huyện theo từng chương trình cho vay:

+ Chương trình cho vay hộ nghèo: lập theo mẫu số 04A/NRR;

+ Chương trình cho vay giải quyết việc làm: lập theo mẫu số 04B/NRR;

+ Chương trình cho vay học sinh, sinh viên: lập theo mẫu số 04C/NRR;

+ Chương trình cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài: lập theo mẫu số 04D/NRR;

+ Chương trình cho vay trả chậm nhà ở hoặc tự làm nhà ở: lập theo mẫu số 04Đ/NRR;

+ Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: lập theo mẫu số 04E/NRR;

- Lập 02 liên Biểu tổng hợp đề nghị miễn, giảm lãi chung cho tất cả các chương trình cho vay theo mẫu số 04/NRR theo 02 loại: diện đơn lẻ, cục bộ và diện rộng. Trường hợp chỉ có 01 chương trình cho vay có nợ bị rủi ro đề nghị xử lý thì không phải lập biểu này.

- Sắp xếp biểu tổng hợp mẫu số 03A(B, C, D, Đ, E)/NRR của các huyện theo từng chương trình cho vay, phù hợp với thứ tự trên biểu tổng hợp đến huyện theo mẫu số 04A(B, C, D, Đ, E)/NRR.

- NHCSXH cấp tỉnh gửi về Hội sở chính NHCSXH, hồ sơ gồm:

+ 01 liên Biểu tổng hợp mẫu số 03A(B, C, D, Đ, E)/NRR được sắp xếp theo từng chương trình.

+ 01 liên Biểu tổng hợp theo từng chương trình cho vay mẫu 04A(B, C, D, Đ, E)/NRR;

+ 01 liên Biểu tổng hợp mẫu số 04/NRR;

+ 01 bộ hồ sơ chi tiết.

+ Truyền File số liệu của Biểu tổng hợp mẫu số 03A (B, C, D, Đ, E)/NRR; 04A(B, C, D, Đ, E)/NRR và 04/NRR theo Font chữ .VnTime về Hội sở chính.

- Thời hạn gửi hồ sơ:

+ Đối với các khoản nợ bị thiệt hại thuộc diện đơn lẻ, cục bộ: gửi về Hội sở chính NHCSXH định kỳ một năm 01 lần vào ngày 15/2 năm sau.

+ Đối với các khoản nợ thiệt hại thuộc diện rộng: gửi về Hội sở chính NHCSXH theo từng đợt chậm nhất sau 15 ngày khi nhận được hồ sơ của NHCSXH nơi cho vay.

b. Đối với xoá nợ:

- Lập 02 liên Biểu tổng hợp theo mẫu 07A(B, C, D, Đ, E)/NRR theo từng chương trình cho vay.

- Lập 02 liên Biểu tổng hợp chung theo mẫu số 07/NRR.

- Sắp xếp biểu tổng hợp mẫu số 06A(B, C, D, Đ, E)/NRR của các huyện theo từng chương trình cho vay phù hợp với thứ tự trên Biểu tổng hợp đến huyện theo mẫu số 07A(B, C, D, Đ, E)/NRR.

- Gửi về Hội sở chính NHCSXH, hồ sơ gồm:

+ 01 liên Biểu tổng hợp mẫu số 06A(B, C, D, Đ, E)/NRR của từng huyện đã được sắp xếp theo từng chương trình cho vay

+ 01 liên Biểu tổng hợp theo từng chương trình cho vay theo mẫu số 07A(B, C, D, Đ, E)/NRR;

+ 01 liên Biểu tổng hợp mẫu số 07/NRR;

+ 01 bộ hồ sơ chi tiết;

+ Truyền File số liệu của Biểu tổng hợp mẫu số 06A (B, C, D, Đ, E)/NRR; 07A(B, C, D, Đ, E)/NRR và 07/NRR theo Font chữ .VnTime về Hội sở chính.

- Thời hạn gửi hồ sơ: NHCSXH cấp tỉnh gửi hồ sơ đề nghị xoá nợ về Hội sở chính NHCSXH theo từng đợt cùng với nợ đề nghị miễn, giảm lãi nêu trên.

3.3. Ngoài hồ sơ đề nghị xử lý nợ nói trên (hồ sơ miễn, giảm lãi tiền vay, xoá nợ), chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh có văn bản gửi Hội sở chính về đề nghị xử lý nợ rủi ro của khách hàng. Văn bản cần nêu nguyên nhân rủi ro; tình hình thiệt hại; số nợ bị rủi ro đề nghị xử lý; xác nhận tính chính xác, hợp lệ, hợp pháp của hồ sơ đề nghị xử lý. Văn bản này được gửi Hội sở chính NHCSXH cùng thời gian gửi hồ sơ nêu trên.

Đối với các khoản nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan xảy ra trên diện rộng và các khoản nợ xoá, ngoài việc gửi văn bản đề nghị trên, chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý, đồng thời gửi ý kiến của UBND cấp tỉnh về Hội sở chính cùng thời gian gửi hồ sơ nêu trên.

4. Tại Hội sở chính NHCSXH:

Nhận được hồ sơ đề nghị của chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh gửi về, Hội sở chính tổ chức kiểm tra, tổng hợp các số liệu đề nghị xử lý, cụ thể:

a. Đối với miễn, giảm lãi tiền vay:

- Lập Biểu tổng hợp theo mẫu số 05A(B, C, D, Đ, E)/NRR theo từng chương trình cho vay và phân theo 02 loại: diện đơn lẻ, cục bộ và diện rộng;

- Lập Biểu tổng hợp chung cho tất cả các chương trình cho vay thuộc diện đơn lẻ, cục bộ theo mẫu số 05/NRR.

- Lập Biểu tổng hợp chung cho tất cả các chương trình cho vay thuộc diện rộng theo mẫu số 05/NRR, sau đó phân thành 02 loại:

+ Tổng hợp theo mẫu số 05/NRR gồm các chương trình: Cho vay hộ nghèo; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường; cho vay mua trả chậm nhà ở hoặc tự làm nhà ở và cho vay các đối tượng chính sách khác để báo cáo liên Bộ: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

+ Tổng hợp theo mẫu số 05/NRR đối với Chương trình cho vay giải quyết việc làm để báo cáo liên Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư.

b. Đối với xoá nợ:

- Lập Biểu tổng hợp theo mẫu số 08A(B, C, D, Đ, E)/NRR theo từng chương trình cho vay.

- Lập Biểu tổng hợp chung cho tất cả chương trình cho vay thuộc diện đơn lẻ, cục bộ theo mẫu số 08/NRR, sau đó phân thành 02 loại.

- Lập Biểu tổng hợp chung cho một số chương trình cho vay thuộc diện rộng, cụ thể:

+ Tổng hợp theo mẫu số 08/NRR gồm các chương trình: Cho vay hộ nghèo; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường; cho vay mua trả chậm nhà ở hoặc tự làm nhà ở và cho vay các đối tượng chính sách khác để báo cáo liên Bộ: Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Kế hoạch và Đầu tư.

+ Tổng hợp theo mẫu biểu 08/NRR đối với Chương trình cho vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để báo cáo liên Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư.

5. Thẩm quyền xử lý nợ bị rủi ro:

a. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan trên diện rộng và do nguyên nhân khách quan quy định tại điểm 2 Điều 6 Quy định này trên cơ sở đề nghị của UBND cấp tỉnh và thẩm định của liên Bộ.

b. Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH:

- Xem xét, quyết định việc xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan thuộc diện đơn lẻ, cục bộ trên cơ sở đề nghị của Tổng giám đốc NHCSXH.

- Báo cáo liên Bộ xem xét, thẩm định hồ sơ nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan trên diện rộng và do nguyên nhân khách quan quy định tại điểm 2 Điều 6 Quy định này.

Điều 12. Nguồn vốn để xử lý nợ bị rủi ro

- Nguồn vốn để xử lý nợ cho khách hàng vay vốn tại NHCSXH bị rủi ro do nguyên nhân khách quan xảy ra trên diện rộng do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Nguồn vốn để xử lý nợ cho khách hàng vay vốn tại NHCSXH bị rủi ro do nguyên nhân khách quan thuộc diện đơn lẻ, cục bộ được lấy từ Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng của NHCSXH. Trường hợp Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng không đủ bù đắp, Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH báo cáo liên Bộ: Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 13. Biện pháp xử lý sau rủi ro

1. Gia hạn nợ: đối với những khách hàng vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân khách quan quy định tại văn bản này, nếu gặp khó khăn trong việc trả nợ đến hạn thì Giám đốc NHCSXH nơi cho vay xem xét cho gia hạn nợ theo quy định hiện hành.

2. Cho vay mới: Đối với những khách hàng vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân khách quan quy định tại quy định này, có mức độ thiệt hại về vốn và tài sản từ 60% trở lên nếu có nhu cầu vay vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh thì được NHCSXH xem xét cho vay bổ sung. Các đối tượng cần chú trọng cho vay là: giống cây, giống con, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, các chi phí khác để phục vụ trực tiếp cho sản suất. Mức cho vay bổ sung (không tính dư nợ cũ) không vượt quá mức cho vay tối đa quy định đối với từng chương trình.

Điều 14. Mọi sửa đổi, bổ sung quy định này do Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH xem xét, quyết định.

Ngân hàng chính sách xã hội

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đang cập nhật