Sign In

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

Hướng dẫn về kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sau khi có
Quyết định phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường

 

Căn cứ các Điều 16, 18, 37, 38 Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 27-12-1993 tại kỳ họp thứ tư, khoá IX.

Căn cứ Điều 4, Điều 8 Nghị định 175/CP ngày 18-10-1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Căn cứ Nghị định số 22-CP ngày 22-5-1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Xuất phát từ thực tế của công tác quản lý hoạt động bảo vệ môi trường hiện nay, và nhằm từng bước đưa việc kiểm soát ô nhiễm đối với hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vào nề nếp; Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành Thông tư hướng dẫn về kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sau khi có Quyết định phê chuẩn Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

 

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Khái niệm kiểm soát ô nhiễm nêu trong Thông tư này được hiểu là quá trình theo dõi, kiểm tra về phương diện môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh kể từ thời điểm các cơ sở này được cấp Quyết định phê chuẩn Báo cáo đánh giá tác động môi trường đến thời điểm được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng của Thông tư này là các cơ sở sản xuất, kinh doanh sau khi đã được cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường Trung ương và địa phương phê chuẩn Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Điều 3. Thời gian bắt đầu thực hiện kiểm soát ô nhiễm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh là thời điểm kể từ khi cơ sở bắt đầu đưa các công trình, thiết bị xử lý chất thải vào hoạt động theo yêu cầu của Quyết định phê chuẩn Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Điều 4. Căn cứ để thực hiện việc kiểm soát ô nhiễm là các nội dung đã ghi trong Quyết định phê chuẩn Báo cáo đánh giá tác động môi trường, các báo cáo định kỳ về công tác bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

 

Chương II
NỘI DUNG KIỂM SOÁT Ô NHIỄM

Điều 5. Mục tiêu của kiểm soát ô nhiễm.

Bảo đảm thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh kể từ thời điểm được cấp Quyết định phê chuẩn Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Kết quả của hoạt động kiểm soát ô nhiễm là cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường tiến hành cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường (tên gọi là giấy phép về môi trường).

Điều 6. Cấp giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm.

Sau khi cơ sở sản xuất, kinh doanh bắt đầu đưa các công trình, thiết bị xử lý chất thải vào hoạt động theo yêu cầu của Quyết định phê chuẩn Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ sở gửi đơn (theo mẫu ở phụ lục 1) để các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường Trung ương và địa phương tiến hành xem xét cấp giấy chứng nhận kiểm soát ô nhiễm theo phân cấp như sau:

Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường uỷ quyền Cục Môi trường cấp giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh mà Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phê chuẩn Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương uỷ quyền cho Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường cấp giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh mà địa phương phê chuẩn Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ cấp giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh mà Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ phê chuẩn Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trong thời hạn tối đa là một tháng, sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lý xin cấp giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh; các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường được uỷ quyền cấp giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm nói tại điều này có trách nhiệm xem xét hồ sơ và cấp giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm.

Trong các trường hợp đã uỷ quyền cấp giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm cho các Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nói trên; nếu có những khó khăn, phức tạp cần báo cáo kịp thời để Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng phối hợp giải quyết.

Điều 7. Giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm có giá trị trong thời hạn tối đa là 18 tháng.

Điều 8. Trong thời gian cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động với giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm, tuỳ theo tình hình thực tế và yêu cầu của công tác kiểm soát ô nhiễm, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường có thể tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động kiểm soát ô nhiễm tại cơ sở.

Điều 9. Kể từ khi bắt đầu đưa các công trình, thiết bị xử lý chất thải vào hoạt động theo yêu cầu của Quyết định phê chuẩn Báo cáo đánh giá tác động môi trường (kể cả quá trình sản xuất thử, thử nghiệm), cơ sở sản xuất, kinh doanh vào đầu từng quý phải định kỳ gửi báo cáo về kiểm soát ô nhiễm (theo mẫu ở Phụ lục 2) cho các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường Trung ương và địa phương.

Điều 10. Trong thời hạn tối đa là 6 tháng kể từ thời điểm bắt đầu đưa các công trình, thiết bị xử lý chất thải vào hoạt động theo yêu cầu của Quyết định phê chuẩn Báo cáo đánh giá tác động môi trường (kể cả quá trình sản xuất thử, thử nghiệm), các cơ sở sản xuất, kinh doanh nêu ở Điều 2 khi hoạt động phải có giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm. Cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu vi phạm Điều này phải chịu các hình thức xử lý như đối với trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

Điều 11. Trong thời gian hoạt động với giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm, nếu vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ bị thu hồi giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm và chịu các hình thức xử lý khác theo các quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Giao cho Cục Môi trường thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phổ biến Thông tư này cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh (nêu tại Điều 2) và tổ chức thực hiện công tác kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh này.

Điều 13. Cục Môi trường thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Điều 14. Trong khi Nhà nước chưa ban hành mức và các loại phí ô nhiễm môi trường, chưa hình thành Quỹ Quốc gia khắc phục tình trạng suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường, nguồn tài chính cho hoạt động kiểm soát ô nhiễm tạm thời lấy từ nguồn sự nghiệp Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trên cơ sở dự trù trong kế hoạch hàng năm.

 

Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Thông tư này áp dụng đối với tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động (kể cả những cơ sở hoạt động trước ngày 10-01-1994).

Điều 16. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 30 ngày kể từ ngày ký.

Điều 17. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc, các ngành, địa phương kịp thời phản về Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Chu Tuấn Nhạ