QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định tạm thời thực hiện đăng ký giá, niêm yết giá
hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
____________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Giá số 40/2002/PL-UBTVQH 10 ngày 26 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Xét đề nghị của Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tại Công văn số 13/CV-HHDL ngày 31 tháng 5 năm 2007 về việc xem xét phê duyệt giá các loại dịch vụ biển;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 1587/TTr-STC ngày 14 tháng 8 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định tạm thời về việc thực hiện đăng ký giá, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2007.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hồ Văn Niên
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
Về việc thực hiện đăng ký giá, niêm yết giá
hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
(Ban hành kèm theo Quyết định số 55/2007/QĐ-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
___________
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
1. Bản Quy định này quy định quản lý nhà nước về đăng ký giá, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ và hoạt động về đăng ký giá, niêm yết giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (có phụ lục 1: bảng giá một số loại hình kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, phụ lục 2: biểu mẫu đăng ký kèm theo).
2. Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều 2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có quyền (được quy định tại khoản 1 Điều 30 Pháp lệnh Giá):
- Quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ, trừ những hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá;
- Quyết định giá hàng hóa, dịch vụ trong khung giá, giới hạn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định;
- Khiếu nại quyết định về giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của mình;
- Khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về giá;
- Yêu cầu, tổ chức cá nhân bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có trách nhiệm, nghĩa vụ:
1. Đăng ký giá, cung cấp thông tin về giá:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có nghĩa vụ đăng ký, cung cấp thông tin về giá niêm yết, các quyết định về giá hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tự định giá đến cơ quan thuế, cơ quan tài chính theo phụ lục 2 của Quy định này. Giá niêm yết của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là một trong những căn cứ để đăng ký kê khai, tính doanh thu, tính thuế các loại và là cơ sở để các ngành giám sát việc bán đúng giá niêm yết của các cơ sở kinh doanh.
- Trường hợp giá hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tự định giá có sự điều chỉnh tăng hoặc giảm giá vượt khung do đơn vị đăng ký thì phải thực hiện việc đăng ký điều chỉnh giá với cơ quan thuế, cơ quan tài chính kịp thời, đầy đủ.
2. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ:
2.1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại cửa hàng, nơi giao dịch mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Việc niêm yết giá phải rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho khách hàng.
2.2. Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và mua, bán đúng giá niêm yết.
Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định.
3. Hình thức niêm yết công khai giá cả hàng hóa, dịch vụ tại cửa hàng, nơi giao dịch mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ:
- Tùy theo tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh niêm yết giá bằng hình thức: bảng giá treo trước hoặc trong cửa hàng, địa điểm kinh doanh, nơi giao dịch tại chỗ khách hàng dễ nhìn, dễ thấy hoặc là các thẻ giá gắn trực tiếp trên từng mặt hàng.
- Nội dung của bảng giá hay thẻ giá phải ghi rõ, đầy đủ các nội dung về mức giá, quy cách, chất lượng, đơn vị tính và các nội dung liên quan phải công khai của hàng hóa, dịch vụ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài (nếu thấy cần thiết phải ghi bằng tiếng nước ngoài). Hình thức bảng giá, thẻ giá phải sạch đẹp, rõ ràng, không tẩy xóa, không gây nhầm lẫn cho khách hàng.
4. Hình thức niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch:
Ngoài các quy định niêm yết giá công khai tại khoản 2, Điều 3 Quy định này, các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có trách nhiệm thực hiện:
4.1. Đối với loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú nhà nghỉ - phòng trọ:
a) Về địa điểm niêm yết giá.
- Việc niêm yết giá phải được thể hiện tại quầy tiếp nhận khách của nhà nghỉ hoặc phòng trọ.
- Kích thước của bảng niêm yết phải đủ lớn để khách có thể nhận biết được rõ ràng khi vào nhà nghỉ, phòng trọ.
b) Về nội dung niêm yết giá
- Bảng niêm yết công khai phải thể hiện được các nội dung sau:
+ Giá phòng và các loại dịch vụ kèm theo trong ngày thường.
+ Giá phòng và các loại dịch vụ kèm theo trong ngày Lễ, Tết, thứ bảy, chủ nhật.
+ Giá phòng phải đảm bảo nêu rõ và đủ các loại phòng mà nhà nghỉ hoặc phòng trọ phục vụ (giá phòng đơn, giá phòng đôi, phòng ba giường; phòng tập thể…).
4.2. Đối với loại hình dịch vụ ăn uống
- Điạ điểm niêm yết công khai giá: phải được đặt trước cổng quán ăn nhưng không được ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
- Nội dung niêm yết công khai giá: phải thể hiện bảng giá của các mặt hàng ăn uống mà cơ sở đang kinh doanh, trong trường hợp cơ sở kinh doanh có nhiều mặt hàng thì ngoài niêm yết công khai giá tại quầy phục vụ, phải niêm yết giá trước cổng cơ sở kinh doanh mặt hàng đặc sản, tối thiểu là 3 mặt hàng và không giới hạn tối đa mặt hàng đặc sản niêm yết công khai.
4.3. Đối với loại hình dịch vụ tắm biển:
- Địa điểm niêm yết công khai là tại nơi phục vụ dịch vụ tắm biển, điểm xuống các bãi tắm.
- Nội dung niêm yết giá phải rõ ràng, không gây sự nhầm lẫn cho khách.
4.4. Đối với loại hình dịch vụ trông giữ xe đạp, xe gắn máy, ôtô có thu phí, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải đăng ký thuế tại cơ quan quản lý thuế theo quy định; phải niêm yết giá rõ ràng tại nơi ra vào bãi trông giữ xe và thu phí đúng danh mục phí ban hành kèm theo Quyết định số 6734/2004/QĐ-UB ngày 17 tháng 9 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc “thu phí các loại phí: phí chợ, phí trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô, phí bến bãi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”.
5. Thực hiện chế độ một giá dịch vụ lưu trú không phân biệt người Việt Nam, Việt kiều hay người nước ngoài.
Điều 4. Danh mục giá của một số loại dịch vụ
Cho phép các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện mức giá kinh doanh dịch vụ tại phụ lục 1: bảng giá một số loại hình kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được ban hành kèm theo Quy định này.
Điều 5. Cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tiến hành các hành vi sau:
- Cấu kết với tổ chức, cá nhân sản xuất khác để liên kết độc quyền về giá, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
- Bán phá giá hàng hóa dịch vụ.
- Bịa đặt, loan tin không có căn cứ về việc tăng giá hoặc hạ giá gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
- Định giá sai để lừa dối người tiêu dùng hoặc tổ chức cá nhân hợp tác sản xuất kinh doanh với mình.
- Tăng hoặc giảm giá giả tạo bằng cách thay đổi số lượng, chất lượng, địa điểm giao nhận hàng hóa, dịch vụ.
- Lợi dụng thiên tai, địch họa và diễn biến thất thường khác để đầu cơ tăng giá, ép giá.
Điều 6. Xử lý các hành vi vi phạm việc đăng ký giá, niêm yết giá:
Các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh có hành vi vi phạm việc đăng ký giá, niêm yết giá hoặc không thực hiện đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá cả theo Nghị định số 169/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và Thông tư số 110/2004/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2004 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 169/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.
Điều 7. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành:
1. Giám đốc Sở Tài chính hướng dẫn các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện các quy định về việc đăng ký giá, niêm yết giá; chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành về giá tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về đăng ký giá, niêm yết giá theo quy định.
2. Giám đốc Sở Thương mại thực hiện vai trò của Trưởng ban Chỉ đạo bình ổn giá dịch vụ trên địa bàn tỉnh, tổ chức phối hợp giữa các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong công tác bình ổn giá dịch vụ; chỉ đạo Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh phối hợp với các ngành liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát về tình hình niêm yết giá, tránh để xảy ra tăng giá đột biến cục bộ và phân công lực lượng tăng cường kiểm tra trong những ngày cao điểm.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong cộng đồng dân cư địa phương các quy định của pháp luật về công tác bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ và nội dung Quy định tạm thời này; tăng cường kiểm tra, xử lý các nhà nghỉ, nhà trọ vi phạm các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã trực thuộc tham gia tích cực vào công tác bình ổn giá theo kế hoạch chung.
4. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chỉ đạo tổ chức tiếp nhận việc đăng ký thuế của tổ chức, cá nhân kinh doanh loại hình dịch vụ trông giữ xe đạp, xe gắn máy, ôtô có thu phí theo quy định; thực hiện kịp thời các giải pháp về thuế, phí nhằm ngăn ngừa các vi phạm về đăng ký giá, niêm yết giá hàng hóa dịch vụ, nhất là việc tổ chức, cá nhân tự ý nâng giá.
5. Giám đốc Sở Du lịch chỉ đạo tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ và nội dung Quy định tạm thời này tới các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh; phân công cán bộ, công chức tham gia vào các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về công tác bình ổn giá trong lĩnh vực du lịch.
Điều 8. Chế độ thông tin, báo cáo
Định kỳ ngày 20 của tháng cuối quý và sau mỗi đợt cao điểm như các dịp Lễ, Tết, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quy định này về Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Quá trình tổ chức thực hiện gặp vướng mắc, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết./.
Kèm theo Phụ lục 1: Bảng giá một số loại hình kinh doanh dịch vụ; Phụ lục 2: Biểu mẫu đăng ký