CHỈ THỊ
Về việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cấp nước
trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
_____________
Thực hiện Quyết định số 16/2008/QĐ-BXD ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành quy chế đảm bảo an toàn cấp nước.
Nhằm nâng cao chất lượng nước phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và các hoạt động khác, góp phần nâng cao sức khoẻ của người dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành và các địa phương phối hợp thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Sở Xây dựng:
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức và chỉ đạo thực hiện tốt trên địa bàn toàn tỉnh quy chế đảm bảo an toàn cấp nước của Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BXD ngày 31 tháng 12 năm 2008. Theo dõi, tổng hợp, đánh giá, báo cáo tình hình triển khai và rút kinh nghiệm thực hiện.
Rà soát quy hoạch tổng thể cấp nước toàn tỉnh đến năm 2020, nghiên cứu lựa chọn các nguồn nước khai thác lâu dài, lựa chọn công nghệ xử lý các nhà máy phù hợp với từng thời kỳ phát triển, nhằm đảm bảo chất lượng nước cấp của các nhà máy đạt tiêu chuẩn nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt.
Trong quá trình soát xét quy hoạch xây dựng các đô thị, các khu công nghiệp, khu dân cư, bệnh viện, khu chăn nuôi, các bãi thải, khu nghĩa trang… và các khu chức chức năng ngoài đô thị phải tuân theo quy địnhvề bảo vệ nguồn nước.
2. Sở Tài nguyên – Môi trường:
Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng các nguồn nước, định kỳ kiểm tra đánh giá chất lượng các nguồn nước đã được quy hoạch sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh như: các con sông, suối, hồ chứa, các nguồn nước ngầm đang khai thác để phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt tập trung; thông báo diễn biến chất lượng các nguồn nước cho đơn vị cấp nước biết để có biện pháp xử lý phù hợp, hoặc có biện pháp thay đổi nguồn nước khai thác về lâu dài.
Điều tra và quản lý chặt chẽ các nguồn thải, các nguy cơ có thể gây ô nhiễm các nguồn nước, nhất là khu vực thượng nguồn các con sông, suối. Phối hợp xử lý, xử phạt các trường hợp làm ô nhiễm các nguồn nước. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các biện pháp phòng ngừa và khắc phục các vấn đề về ô nhiễm nguồn nước.
Rà soát và quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép khai thác nguồn nước ngầm. những khu vực có thể khai thác nguồn nước mặt, hoặc đã có hệ thống cấp nước tập trung không được cấp phép khai thác nước ngầm, nhằm đảm bảo khai thác hợp lý, tiết kiệm và hạn chếô nhiễm nguồn nước ngầm.
Phối hợp các tổ chức có liên quan, tăng cường tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của mọi người về bảo vệ môi trường và nguồn nước.
3. Sở Y tế:
Kết hợp với đơn vị cấp nước, định kỳ kiểm tra chất lượng nước sạch tại các nhà máy sản xuất nước, trên mạng đường ống cấp nước. nếu có hiện tượng bất thường hoặc nước không đảm bảo chất lượng phải thông báo kịp thời, yêu cầu đơn vị cấp nước đình chỉ việc cấpnước và tìm biện pháp giải quyết.
Quản lý chặt chẽ tình hình, diễn biến các dịch bệnh, thông báo đơn vị cấp nước biết để phối hợp có biện pháp xứ lý nhằm hạn chế các dịch bệnh xảy ra.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Trong khai thác các nguồn nước, phài ưu tiên nguồn nước thô cho các nhà máy sản xuất phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt của nhân dân.
Theo dõi và thông báo cho đơn vị cấp nước biết về tình hình sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh về chủng loại thuốc, lượng dùng, để thao dõi lượng tồn dư trong các nguồn nước và có biện pháp xử lý, nhằm đảm bảo cấp nước an toàn.
Chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn triển khai các dự án nối mạng, mở rộng phạm vi cung cấp nước cho các vùng ông thôn.
5. Công An tỉnh:
Phối hợp với các doanh nghiệp cấp nước trên địa bàn tỉnh trong việc bảo vệ an toàn các công trình cấp nước.
Chỉ đạo Phòng cảnh sát môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa:
Hỗ trợ, tạo điều kiện và tổ chức giám sát việc thực hiện quy chế đảm bảo an toàn cấp nước của đơn vị cấp nước trên địa bàn do địa phương quản lý.
Phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước trên phạm vi địa phương quản lý.
Thông báo kịp thời với Sở Tài nguyên – Môi trường và Cảnh sát môi trường để phối hợp xử lý các trường hợp gây ô nhiễm nguồn nước.
Tăng cường tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và nguồn nước.
7. Các doanh nghiệp cấp nước trên địa bàn tỉnh:
Tổ chức lập và phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn sau khi có ý kiến thống nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn theo đúng lộ trình và nội dung đã được lập và phê duyệt.
Xác định ranh giới, lắp đặt biển báo, tổ chức bảo vệ an toàn nguồn nước, hệ thống cấp nước. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm hại, gây mất an toàn cho hoạt động cấp nước.
Tổ chức sản xuất và cungcấp nước đảm bảo an toàn về mặt chất lượng, cấp nước liên tục và áp lực hợp lý. Nghiên cứu thực tế về điễn biến chất lượng các nguồn nước để có biện pháp xử lý phù hợp, nhằm cấp nước đảm bảo an toàn. Cải tạo, nâng cao năng lực sản xuất và cungcấp nước, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng nước. thường xuyên kiểm tra chất lượng nướctại các nhà máy, trên mạng lưới cấp nước. Thông báo định kỳ tình hình chất lượng nước cho Sở Y tế và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tham gia điều tra, quản lý ô nhiễm các nguồn nước, đề xuất các biện pháp quản lý các nguồn ô nhiễm.
Tham gia tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dânm về bảo vệ môi trường và nguồn nước.
Báo cáo định kỳ 6 tháng /lần cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Xây dựng về tình hình triển khai thực hiện quy chế đảm bảo an toàn cấp nước.
Trong quá trình triển khai thực hiện chỉ thị này, nếu có phát sinh vướng mắc yêu cầu các đơn vị, địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét giải quyết.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.