Sign In

 

CHỈ  THỊ

Về việc tăng cường thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội

trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

__________________

 

Bảo hiểm xã hội là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định đời sống của người lao động và nhân dân khi gặp rủi ro, đau ốm và khi hết tuổi lao động. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và an toàn xã hội.

Sau gần 05 năm triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, kết quả cho thấy nhận thức về bảo hiểm xã hội  của các cấp các ngành, các đơn vị sử dụng lao động và người lao động ngày càng được nâng cao, công tác quản lý nhà nước được tăng cường, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội ngày càng tăng, việc thực hiện chi trả, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động kịp thời hơn và từng bước đổi mới phương thức thực hiện. Tuy nhiên cũng còn một số vấn đề cần được tiếp tục quan tâm thực hiện như việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội kể cả bắt buộc và tự nguyện, công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thường xuyên, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội còn tồn tại dẫn đến việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động chưa kịp thời.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ thị như sau:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh tăng cường kiểm tra việc ký kết hợp đồng lao động, xây dựng quy chế trả lương, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; Tăng cường công tác thanh tra, kiên quyết xử lý đối với người sử dụng lao động cố tình vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Đối với các doanh nghiệp sau khi tiến hành biện pháp xử phạt vi phạm hành chính mà các đơn vị không truy nộp tiền nợ bảo hiểm xã hội, đề xuất với cấp có thẩm quyền thực hiện biện pháp thu hồi nợ qua tài khoản ngân hàng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN ngày 18 tháng 02 năm 2008 của Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về việc hướng dẫn thủ tục buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh.

b) Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh xây dựng chương trình phối hợp, quy trình xử lý các đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật nhanh chóng, dứt điểm và hiệu quả.

c) Chỉ đạo đôn đốc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn.

2. Bảo hiểm Xã hội tỉnh:

a) Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm mục đích làm cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động hiểu biết và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội của Đảng và Nhà nước.

b) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, Cục Thống kê tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp rà soát, xác định số lượng đơn vị và người lao động thuộc đối tượng phải tham gia Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn.

c) Định kỳ hàng quý, trước ngày 20 của tháng đầu quý sau cung cấp danh sách các đơn vị nợ quỹ Bảo hiểm xã hội cho Sở Lao động - Thương binh và Xã  hội và Ban Quản lý các khu công nghiệp để tiến hành thanh, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực Bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định số 86/2010/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội. Khởi kiện ra toà các đơn vị đã thực hiện các biện pháp hành chính mà chưa thực hiện hoặc các đơn vị cố tình chây ỳ nợ đóng Bảo hiểm xã hội, không để tình trạng nợ kéo dài.

d) Phối hợp với các hội đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên minh hợp tác xã, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh…xây dựng kế hoạch triển khai Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

e) Phối hợp Sở Nội vụ xây dựng đề án triển khai tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đối tượng dân quân, tự vệ, trưởng, phó ban dân khóm, ấp…

3. Ban Quản lý các khu công nghiệp:

Phối hợp với các ngành chức năng và thường xuyên kiểm tra việc ký kết hợp đồng lao động, xây dựng quy chế trả lương và tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về lao động và Bảo hiểm xã hội; phối hợp thanh, kiểm tra và kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định.

4. Sở Kế hoạch - Đầu tư:

Tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. Hàng quý cung cấp danh sách các doanh nghiệp đăng ký mới, giải thể, phá sản trên địa bàn cho  Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh để rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký sử dụng lao động và tham gia Bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với những doanh nghiệp vi phạm khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp.

5. Cục Thuế tỉnh:   

Phối hợp, hỗ trợ tích cực cho Bảo hiểm xã hội tỉnh trong việc xác minh thông tin người nộp thuế  phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

6. Sở Tư pháp:

Chủ  trì phối hợp với Sở  Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp có kế hoạch tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế đến các đơn vị có sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn tỉnh. 

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bà Rịa -Vũng Tàu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh:

a) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh tuyên truyền rộng rãi, kịp thời những chính sách mới có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động, người lao động thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

b) Đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền để góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm với người lao động, thực hiện tốt các chính sách lao động việc làm và chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. 

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Tăng cường quản lý nhà nước lĩnh vực Bảo hiểm xã hội trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan có liên quan (Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính, Chi Cục thuế...) phối hợp với Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách Bảo hiểm xã hội đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động. Đặc biệt chú ý doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh.

b) Thường xuyên tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành về thực hiện pháp luật lao động. Kiên quyết xử phạt các đơn vị không trích nộp Bảo hiểm xã hội, trích nộp không đầy đủ hoặc doanh nghiệp nợ, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

c) Xây dựng chỉ tiêu kế hoạch, biện pháp thực hiện Bảo hiểm xã hội tự nguyện tự nguyện theo lộ trình. Tăng cường công tác chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với bảo hiểm xã hội các huyện, tuyên truyền chế độ chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các phường - xã, thị trấn lồng ghép nội dung tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện trong các kỳ sinh hoạt khu phố, tổ dân phố.

9. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh:

Chủ  trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật lao động; tham gia, kiểm tra giám sát việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thành lập các tổ chức công đoàn cơ sở trong các đơn vị, doanh nghiệp… nhằm góp phần bảo vệ các quyền lợi đối với người lao động theo quy định của pháp luật.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Chữ  thập đỏ tỉnh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Liên minh Hợp tác xã: có kế hoạch tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người lao động theo giới, ngành nghề, đoàn thể mình phụ trách hiểu biết về chính sách bảo hiểm xã hội, vận động  hội viên, xã viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

11. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động:

a) Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải xác định rõ trách nhiệm chấp hành Luật Bảo hiểm xã hội, nghiêm túc thực hiện đầy đủ việc trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội để thanh toán kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người thụ hưởng.

b) Tuyên truyền đến người lao động hiểu biết về chế độ bảo hiểm tự nguyện để mở rộng đối tượng đến thân nhân hoặc bản thân họ khi nghỉ việc nếu có nhu cầu có thể tham gia  bảo hiểm xã hội tự nguyện

c) Hướng dẫn người lao động về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp. Khi người lao động mất việc làm, thôi việc, kịp thời chốt sổ, trả sổ bảo hiểm xã hội để người lao động được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

12. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: theo dõi, đôn đốc việc thực hiện. Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội và tham mưu, đề xuất trình Ủy ban nhân dân để chỉ đạo kịp thời nhằm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.  

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành chức năng, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ  thị này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Thanh Dũng