CHỈ THỊ
Về việc triển khai Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn
_____________________
Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), ngày 08 tháng 9 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sau đây gọi là Nghị định 84/2014/NĐ-CP).
Căn cứ Văn bản số 13244/BTC-PC ngày 19 tháng 9 năm 2014 của Bộ Tài chính về việc triển khai Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn.
Nhằm đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sau đây gọi là THTK,CLP); tạo điều kiện để Luật, Nghị định số 84/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành đi vào cuộc sống; Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các doanh nghiệp nhà nước thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn, trong đó cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
I. Tăng cường chỉ đạo, tổ chức, thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:
1. Chỉ đạo rà soát, đối chiếu các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị định số 84/2014/NĐ-CP, chỉ đạo, hướng dẫn sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành; bãi bỏ các quy định không phù hợp trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý.
2. Tổ chức triển khai toàn diện công tác THTK, CLP trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý, trong đó tập trung vào:
a) Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị định số 84/2014/NĐ-CP trong các lĩnh vực sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước, quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
b) Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện kiểm tra, kịp thời làm rõ lãng phí khi có thông tin phát hiện để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý có hành vi lãng phí.
c) Tăng cường công tác kiểm tra việc xây dựng và thực hiện chương trình THTK,CLP; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về THTK,CLP và việc thực hiện chương trình THTK,CLP trong phạm vi quản lý.
d) Đẩy mạnh thực hiện công khai trong THTK,CLP, đặc biệt là công khai các hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí.
3. Tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua tổ chức các chương trình tập huấn, sinh hoạt chuyên đề hoặc phổ biến thông tin pháp luật về THTK, CLP trên các phương tiện thông tin đại chúng..., đặc biệt chú trọng thực hiện các quy định liên quan đến THTK,CLP mới ban hành như: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị định số 84/2014/NĐ-CP, trong đó:
a) Thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THTK,CLP.
b) Tổ chức phổ biến sâu rộng trong nhân dân để nâng cao nhận thức về tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện chương trình THTK,CLP trong dân cư, đồng thời làm tốt vai trò giám sát của các cấp, các ngành trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
II. Xây dựng và thực hiện chương trình THTK,CLP năm 2015 và các năm tiếp theo:
1. Xây dựng chương trình THTK,CLP:
a) Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, chủ động triển khai xây dựng, ban hành chương trình THTK,CLP năm 2015 và các năm tiếp theo trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm, trọng yếu của ngành, lĩnh vực và của địa phương. Đồng thời, thực hiện công khai chương trình THTK, CLP theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày chương trình THTK,CLP được ban hành.
b) Chương trình THTK,CLP của sở, ngành, địa phương cần xác định rõ:
- Các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, lĩnh vực, địa phương năm 2015 gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí (chỉ tiêu tiết kiệm chung của ngành, lĩnh vực, địa phương), dự kiến số giao chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí cho các đơn vị thuộc, trực thuộc.
- Về các chỉ tiêu tiết kiệm năm 2015, lưu ý một số nội dung sau:
+ Đối với THTK,CLP trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản: rà soát các dự án, đặt chỉ tiêu cắt giảm các dự án không thực sự cần thiết đầu tư; số kinh phí tiết kiệm do đấu thầu theo quy định; số kinh phí tiết kiệm được qua thẩm tra, thẩm định quyết toán.
+ Đối với tiết kiệm năng lượng: cần rà soát, đưa ra chỉ tiêu tiết kiệm phù hợp với khả năng của sở, ngành, địa phương.
+ Đối với phương tiện đi lại: Tăng cường quản lý đối với số phương tiện đi lại hiện có; xác định rõ số lượng phương tiện đi lại không đúng chế độ, vượt quá tiêu chuẩn (tổng số tiền) từ đó có kế hoạch điều chuyển, sắp xếp lại (tổng số tiền), số lượng phương tiện cần thanh lý.
+ Đối với các doanh nghiệp nhà nước: rà soát có chỉ tiêu kế hoạch cắt giảm chi phí sản xuất, trong đó tập trung cắt giảm chi phí quản lý, tiết kiệm năng lượng để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
+ Đối với tiết kiệm chi thường xuyên: thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) để tạo nguồn cải cách tiền lương theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2014. Ngoài ra, đối với các khoản chi thường xuyên khác, các sở, ngành, địa phương dự kiến giao cụ thể chỉ tiêu tiết kiệm cho các đơn vị thuộc, trực thuộc căn cứ vào các nhiệm vụ chi cụ thể (công tác phí, hội nghị, hội thảo, văn phòng phẩm...).
- Đề ra các biện pháp cụ thể, tiến độ thực hiện bảo đảm thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí đề ra.
- Xác định rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp THTK,CLP để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra.
2. Tổ chức thực hiện chương trình THTK,CLP:
Giám đốc sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố có trách nhiệm thực hiện nghiêm theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP, trong đó cần tập trung vào:
a) Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trong chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Ủy ban nhân dân tỉnh và chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan, đơn vị mình.
b) Tổ chức triển khai các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó tập trung vào các giải pháp để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí của các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn.
c) Chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp nhà nước thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm đã đăng ký; hàng năm tổng hợp gửi Sở Tài chính để tổng hợp trong báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
III. Báo cáo kết quả THTK, CLP năm 2014 và các năm tiếp theo:
Báo cáo kết quả THTK,CLP được thực hiện theo quy định tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị định số 84/2014/NĐ-CP. Đối với kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014, đề nghị các sở, ngành, địa phương gửi Sở Tài chính trước ngày 30 tháng 01 năm 2015 để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo Bộ Tài chính. Đồng thời, thực hiện công khai kết quả thực hành tiết kiệm và hành vi lãng phí theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP và Điều 5 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Các sở, ngành, địa phưong cần chủ động và thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền được giao. Thực hiện báo cáo đột xuất về tình hình, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền./.