CHỈ THỊ
Về việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp
phòng, chống dịch cúm A(H5N1) trên người
Hiện nay, dịch cúm gia cầm đã có những diễn biến phức tạp và lan rộng ra nhiều vùng trên thế giới. Theo đánh giá, cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới thì khả năng đại dịch cúm trên người rất có thể xảy ra, trong đó Việt Nam được xem là nước có nguy cơ bùng phát dịch cao. Công văn số 9309/BYT-DP của Bộ Y tế ngày 14 tháng 11 năm 2005 cho biết dịch cúm A(H5N1) ở Việt Nam đã gây ra 92 trường hợp mắc và 49 trường hợp tử vong.
Thực hiện Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người, Công văn số 1786/TTg-NN ngày 10/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch ở người; Chỉ thị 02-CT/TU ngày 15 tháng 11 năm 2005 của Ban Thường vụ Tỉnh Ủy về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người, tiếp theo các Chỉ thị số 24/2005/CT-UBND của Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 9 năm 2005 về việc thực hiện biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm qui định về phòng chống dịch cúm gia cầm, Chỉ thị 25/2005/CT-UBND ngày 07 tháng 11 năm 2005 về việc cấm nuôi, xuất nhập, vận chuyển, chế biến kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm, chim cảnh. Nhằm thực hiện tinh thần các chỉ thị trên và chủ động tốt nhất trong việc đối phó với dịch cúm xảy ra ở người, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1-Các Sở, ban, ngành tỉnh
Thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch cúm A(H5N1), tập trung thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, coi đây là biện pháp đặc biệt quan trọng để cho mọi người biết, hiểu rõ về dịch bệnh, tình hình diễn biến bệnh dịch, nguy cơ, hiểm họa của bệnh dịch để có biện pháp tự bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, chủ động tự giác tham gia các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thủ trưởng các Sở, ngành chịu trách nhiệm tổ chức sinh họat về dịch cúm A (H5N1) cho toàn đơn vị mình phụ trách. Nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, tập trung vào những điểm cần ghi nhớ.
2-Sở Văn hóa – Thông tin, Đài Phát thanh – Truyền hình, Báo Đồng Khởi
Tích cực chủ động phối hợp cùng ngành Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tăng thời lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng các chuyên mục về phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người; tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách, các chỉ thị, giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch ở người do Trung ương và tỉnh ban hành (các văn bản hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
3- Sở Y tế
Chỉ đạo tổ chức ngay các đội cơ động chống dịch cúm tại tuyến tỉnh, huyện, thị và xã, phường. Tuyến tỉnh thành lập 5 đội; mỗi huyện, thị xã: 3 đội; mỗi xã, phường, thị trấn: 2 đội. Các đội chống dịch cúm phải được tập huấn thường xuyên, trang bị phương tiện, vật tư chống dịch, có chế độ chống dịch phù hợp và diễn tập để phòng khi đại dịch xảy ra. Thành phần và nhiệm vụ của đội cơ động chống dịch cúm theo quy định số 1812/QĐ-BYT ngày 23/05/2005 của Bộ Trưởng Bộ Y tế.
Chỉ đạo tất cả các đơn vị, cơ sở y tế từ tỉnh đến huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn, các bệnh viện, bệnh xá của quân đội và công an nằm trên địa bàn của tỉnh có kế hoạch cụ thể để phòng chống dịch; thực hiện khẩn cấp các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị hoá chất, thuốc men và nguồn nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận, tổ chức cách ly, điều trị và tham gia chống dịch nếu có dịch lớn xảy ra. Cần xây dựng qui chế phối hợp một cách cụ thể, qui trình xử lý khoa học để phối hợp can thiệp dịch bệnh một cách có hiệu quả nhất.
Chỉ đạo cho hệ thống y tế dự phòng: Cần thiết phải dự trữ cơ số thuốc cúm, vật tư, hóa chất chống dịch; tổ chức tốt việc phát hiện bệnh sớm, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch; có kế hoạch điều hành các họat động khi phát hiện có ca bệnh đầu tiên từ cơ sở; tổ chức triển khai, thực hiện tốt việc trang bị phòng hộ, bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch; thường xuyên phối hợp với cơ quan thú y trong các họat động giám sát, phát hiện sớm dịch cúm ở gia cầm để xử lý kịp thời, không để lây lan và không để lây sang người.
4-Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Theo dõi, đôn đốc việc thành lập, củng cố các chốt kiểm dịch, Trạm kiểm dịch trên các trục đường giao thông chính và có biện pháp kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ của các chốt, trạm kiểm dịch.
Phối hợp cùng ngành y tế và các sở, ban ngành, các địa phương trong việc tuyên truyền, phát hiện, xử lý và triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.
5-Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính
Cân đối ngân sách kịp thời để mua đủ cơ số thuốc dự phòng, các trang thiết bị, phương tiện bảo hộ an toàn cần thiết cho công tác phòng, chống dịch.
6-Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị
Có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các biện pháp khẩn cấp về phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm trên người; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình diễn biến của dịch và biện pháp triển khai phòng chống dịch tại địa phương mình phụ trách; có văn bản chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch cụ thể và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm trên người ở các địa phương.
7-Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể
Tổ chức tuyên truyền cho các đoàn viên, hội viên gương mẫu thực hiện chủ trương chính sách của nhà nước và tổ chức vận động sâu rộng trong cộng đồng dân cư để mọi người tự giác hưởng ứng tham gia phòng, chống dịch cúm, tuyên truyền cho nhân dân có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan thú y hoặc cơ sở y tế gần nhất về hiện tượng gia cầm, thuỷ cầm bị chết và vận động người dân cần đi đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm khi có triệu chứng nghi ngờ bị bệnh cúm.
8-Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút
Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch cúm A(H5N1) trên người; tăng cường công tác kiểm tra tuyến cơ sở.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh./.