Sign In

QUYẾT ĐỊNH

 CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Về việc ban hành kế hoạch phối hợp đấu tranh chống sản xuất,

mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng

 

 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

 

          - Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21/6/1994;

 

          - Căn cứ Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27 tháng 10 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT ngày 27 tháng 4 năm 2000 của liên Bộ Thương mại - Tài chính - Công an - Khoa học Công nghệ và Môi trường về đấu tranh chống sản xuất mua bán hàng giả;

          - Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại Du lịch Bến Tre tại Tờ trình số 375/TT-TMDL ngày 17 tháng 7 năm 2000,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

          Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này “Kế hoạch phối hợp đấu tranh chống sản xuất, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng”.

 

          Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Thương mại Du lịch chủ trì tổ chức phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã để triển khai và thực hiện đấu tranh chống sản xuất, mua bán hàng giả, kém chất lượng.

 

          Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thương mại Du lịch, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học CN và MT, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng, Giám đốc Sở Tài chánh Vật giá, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các đơn vị có liên quan và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký./.

         

                                                                          TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

                                                                                          KT. CHỦ TỊCH

                                                                                          PHÓ CHỦ TỊCH

                                                                                                    (Đã ký)

 

                                                                                            Trần Văn Cồn
UỶ BAN NHÂN DÂN                    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    TỈNH BẾN TRE                                         Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

       
   
 
 

 

 

 

 

KẾ HOẠCH

Phối hợp đấu tranh chống sản xuất mua bán hàng giả,

hàng kém chất lượng

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2542/QĐ-UB ngày

14/8/2000 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

 

 
 

 

 

 

                                                        

          Thực hiện Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT ngày 27/4/2000 của liên Bộ Thương mại - Tài chính - Công an - Khoa học Công nghệ và Môi trường về đấu tranh chống sản xuất buôn bán hàng giả.

          Từ thực trạng tình hình sản xuất và kinh doanh tại địa phương. UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp đấu tranh chống sản xuất, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh như sau:

          I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU.

          - Yêu cầu các ngành, các cấp quán triệt thông suốt trong nội bộ ngành mình, địa phương mình, đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân nội dung Chỉ thị 31/1999/CT-TTg của Thủ tướng, Thông tư của liên Bộ và kế hoạch của UBND tỉnh để mọi người đồng tình tham gia đấu tranh, đẩy lùi việc sản xuất mua, bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

          - Đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả đối với việc sản xuất mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xử lý nghiêm minh kịp thời đối với các hành vi vi phạm.

          - Góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hoá, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.

          - Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tránh trùng lắp giữa các lực lượng kiểm tra và không gây ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông hàng hoá.

          II. KẾ HOẠCH PHỐI HỢP KIỂM TRA CHỐNG SẢN XUẤT MUA BÁN HÀNG GIẢ, HÀNG KÉM CHẤT LƯỢNG.

          1- Nội dung phối hợp:

          - Phối hợp trong việc trao đổi cung cấp thông tin, diễn biến tình hình sản xuất mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, quy luật, thủ đoạn hoạt động các các đối tượng sản xuất mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, kế hoạch, biện pháp kiểm tra của từng ngành, từng địa phương.

          - Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn xử lý vụ việc vi phạm.

          - Phối hợp trong việc xử lý đối với các vụ vi phạm về việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng có tính phức tạp.

          - Đề xuất khen thưởng đối với tổ chức cá nhân có thành tích trong việc phát hiện, đấu tranh và xử lý vi phạm..                  

          - Phối hợp với các cơ sở sản xuất kinh doanh hợp pháp để xác định hàng giả, hàng kém chất lượng.

          2- Đối tượng và địa bàn kiểm tra:

          - Đối tượng kiểm tra là hàng giả, hàng kém chất lượng bao gồm hàng sản xuất trong nước, hàng xuất khẩu, nhập khẩu, hàng gia công, chế biến, lắp rắp, đóng gói, để trong kho, bày bán, vận chuyển trên đường, trưng bày giới thiệu, chào hàng, khuyến mãi.

          - Địa bàn kiểm tra trong tỉnh cần chú ý kiểm tra như: thị xã, thị trấn, thị tứ, các tụ điểm sản xuất gia công, chế biến, nơi chứa chấp hàng giả, hàng kém chất lượng, các đầu mối mua bán, phát luồng hàng giả, các cơ sở in nhãn mác, bao bì ấn phẩm giả, các nhóm tiếp thị bán hàng lưu động.

          3- Mặt hàng kiểm tra:

          Hàng giả, hàng kém chất lượng cần tập trung kiểm tra và xử lý các loại hàng hoá sau đây:

          - Lương thực, thực phẩm chế biến, các loại phụ gia thực phẩm, đồ uống.

          - Hàng mỹ phẩm.

          - Thuốc, vacxin và các chế phẩm phục vụ phòng chữa bệnh cho người.

          - Vật tư nông nghiệp, nông thuỷ sản như: các loại cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.

          - Hoá đơn, chứng từ, tiền, các ấn phẩm giả có giá trị như tiền.

          - Vật liệu xây dựng, máy móc phụ tùng, xăng dầu, phương tiện.

          4- Lực lượng tham gia kiểm tra chống hàng giả, hàng kém chất lượng bao gồm:

          - Lực lượng Công an

          - Lực lượng Bộ đội biên phòng

          - Lực lượng Quản lý thị trường

          - Thanh tra chuyên ngành.

          5- Xử lý vi phạm:

          - Khi phát hiện các hành vi vi phạm, các lực lượng kiểm tra phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý theo quy định hiện hành.

          - Yêu cầu việc xử lý phải nhanh chóng, kịp thời và đúng pháp luật.

          - Những vụ việc vi phạm có tính phức tạp thì phối hợp với các ngành chức năng để xử lý.

          - Khi kiểm tra chưa đủ căn cứ để khẳng định là hàng giả, hàng kém chất lượng thì phải lấy mẫu theo đúng quy định, gửi đến cơ quan Nhà nước có chức năng để giám định, thẩm định.

          - Tang vật là hàng giả, hàng kém chất lượng tịch thu được, phải xử lý đúng quy định.

          6- Kinh phí phục vụ công tác chống hàng giả:

          - Ngân sách Nhà nước cấp theo dự toán được duyệt hàng năm.

          - Toàn bộ số tiền xử phạt vi phạm hành chánh thu về ngân sách Nhà nước được để lại chi cho hoạt động chống hàng giả.

          - Các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

          - Một phần hỗ trợ từ nguồn thu chống buôn lậu trên địa bàn.

          III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ.

          1) Sở Thương mại - Du lịch

          - Chủ trì tổ chức phối hợp với các ngành chức năng và UBND huyện, thị triển khai, thực hiện Chỉ thị 31/1999/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 10/ 2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT, làm tốt công tác đấu tranh chống sản xuất, mua bán hàng giả hàng kém chất lượng.

          - Các sở, ban ngành có liên quan cung cấp lực lượng, phương tiện để ngăn chặn, bắt giữ kịp thời các vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc tham gia vào đoàn kiểm tra liên ngành khi cần thiết.

          - Đôn đốc nhắc nhở các cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành tốt việc ghi nhãn hàng hoá.

          2) Chi cục Quản lý thị trường:

          - Xây dựng kế hoạch kiểm tra, tổ chức điều tra, nắm chắc thông tin địa bàn, đối tượng, chủ động phối hợp với các ngành tiến hành kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.

          - Nghiên cứu đề xuất với tỉnh thành lập Đội chuyên trách chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Trước mắt trên cơ sở biên chế hiện có, tổ chức sắp xếp phân công cụ thể từng đội. Xác định công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài của các đội để nâng cao ý thức trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

          - Tổ chức họp với các cơ sở kinh doanh có sản phẩm bị làm giả, để bàn biện pháp phối hợp thực hiện, trước mắt là ngành sản xuất kẹo dừa, con giống thuỷ sản.

          - Tổ chức bồi dưỡng nâng cao ý thức và trình độ cho cán bộ kiểm soát viên trong toàn Chi cục về việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng.

          3) Công an tỉnh:

          - Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tập trung điều tra, phát hiện các đối tượng và ổ nhóm sản xuất mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt chú ý đến các loại hàng có tác hại đến an ninh trật tự xã hội như: giấy tờ hoá đơn, chứng từ, tiền, các ấn phẩm giả như tiền, tem.

          - Phối hợp với Quản lý thị trường và Thanh tra chuyên ngành đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

          4) Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường:

          - Phổ biến kịp thời danh mục hàng hoá Nhà nước quản lý chất lượng, để các cơ sở biết tự giác chấp hành.

          - Cung cấp những văn bản pháp quy, các Tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn cho các đối tượng khác thuộc phạm vi của tỉnh (chưa có Tiêu chuẩn Việt Nam) cho lực lượng kiểm tra làm căn cứ khi kiểm tra và xử lý vi phạm, làm đầu mối chính trong việc kiểm nghiệm và xác định hàng giả.

          - Hướng dẫn và thực hiện việc đăng ký chất lượng hàng hoá theo quy định.

          - Phối hợp các ngành trong việc thực hiện tiêu huỷ hàng giả, hàng kém chất lượng để không làm ảnh hưởng đến môi sinh môi trường.

          5) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Thủy sản:

          - Chủ trì và phối hợp các ngành tổ chức kiểm tra chống sản xuất mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực Nông-Lâm-Ngư như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, thuốc thú y, cây giống, con giống.

          - Tổ chức thu gom các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng để tiến hành tiêu huỷ theo quy định.

          6) Sở Y tế:

          - Chủ trì phối hợp các ngành kiển tra, kiểm soát chống sản xuất mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực y tế như: dược phẩm, dược liệu, vệ sinh an toàn thực phẩm.

          7) Sở Văn hoá thông tin:

          - Chủ trì phối hợp với các ngành kiểm tra chống sản xuất mua bán các loại ấn phẩm giả, các sản phẩm văn hoá, việc thông tin quảng cáo thương mại sai sự thật.  

          8) Bộ đội Biên phòng:

          - Chủ trì phối hợp với các ngành tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các tàu thuyền vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng từ ngoài biển vào đất liền tiêu thụ.

          - Kiểm tra xử lý chống sản xuất mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng ở khu vực biên phòng.

          9) Sở Tài chánh - Vật giá:

          - Nghiên cứu đề xuất với UBND tỉnh trong việc cấp kinh phí cho các lực lượng kiểm tra như: kinh phí hoạt động kể cả kinh phí giám định hàng giả, hàng kém chất lượng, kinh phí mua sắm, sửa chữa phương tiện phục vụ chống sản xuất mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

          - Thực hiện chi khen thưởng theo chế độ quy định đối với tập thể và cá nhân được xét khen thưởng.

          - Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán các nguồn kinh phí phục vụ công tác chống hàng giả.

          10) Các sở, ngành có liên quan: có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra chống sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng đối với hàng hoá, thuộc phạm vi quản lý Nhà nước chuyên ngành, đồng thời phối hợp với các lực lượng có chức năng chống hàng giả để tiến hành thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu.

          11) Các cơ quan thông tin đại chúng như Báo Đồng khởi, Đài phát thanh truyền hình mở đợt tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị 31/1999/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên bộ và kế hoạch của UBND tỉnh và phổ biến kiến thức liên quan đến việc phòng chống hàng giả, kịp thời phản ảnh đưa tin kết quả chống hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh.

          12) Đề nghị các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ ... tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm giúp đỡ các lực lượng kiểm tra và vận động người tiêu dùng tích cực tham gia vào việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng.

          13) Uỷ ban nhân dân huyện, thị:

          - Tổ chức tuyên truyền phổ biến Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên Bộ và kế hoạch của UBND tỉnh cho các cơ sở kinh doanh và nhân dân trên địa bàn, để mọi người tự giác tham gia vào việc chống hàng giả, bài trừ tệ hàng giả.

          - Tổ chức phối hợp và chỉ đạo các ban ngành, huyện thị, chính quyền xã, phường, tích cực tham gia cùng các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.

          - Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và bàn biện pháp thực hiện tiếp theo.

          14) Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh:

          - Tuyệt đối không sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, có trách nhiệm chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện các đối tượng, tụ điểm sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

          - Nghiêm chỉnh thực hiện việc ghi nhãn hàng hoá theo quy định.

          - Khuyến khích các cơ sở sản xuất đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm, chủ động nghiên cứu biện pháp bảo vệ sản phẩm mình như: tem chống giả cho sản phẩm để tránh bị làm giả.

          IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

          - Thành lập Ban chỉ đạo đấu tranh chống sản xuất mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo bao gồm các ngành như: Sở Thương mại - Du lịch, Sở Tài chánh - Vật giá, Công an tỉnh, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thuỷ sản, Chi cục Quản lý thị trường, Sở Văn hoá Thông tin, Sở Y tế, Bộ đội Biên phòng. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo là Chi cục Quản lý trị trường để thực hiện việc phối hợp kiểm tra và tổng hợp tình hình kết quả thực hiện chống hàng giả, hàng kém chất lượng.

          - Sở Thương mại - Du lịch giúp UBND tỉnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Câu lạc bộ người tiêu dùng, nhằm thực hiện chức năng hướng dẫn và bảo vệ quyền lợi chính đáng người tiêu dùng, kịp thời phản ảnh các cơ quan chức năng xử lý những vụ việc vi phạm trong sản xuất kinh doanh hàng giả, góp phần lành mạnh thị trường.

          - Các tập thể và cá nhân có thành tích trong đấu tranh, phát hiện hàng giả hàng kém chất lượng sẽ được xét khen thưởng. Giao các sở, ban ngành và Uỷ ban nhân dân huyện, thị có trách nhiệm theo dõi đề xuất kịp thời. Đồng thời xử lý nghiêm đối với các đối tượng cố tình vi phạm tiếp tay cho việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.

          - Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xây dựng kế hoạch kiểm tra của ngành mình, địa phương mình. Định kỳ tháng, quý, năm hoặc khi có yêu cầu đột xuất phải thực hiện báo cáo tình hình diễn biến và kết quả chống hàng giả, hàng kém chất lượng về UBND tỉnh và Ban chỉ đạo theo dõi tổng hợp để chỉ đạo./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Văn Cồn