Sign In

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm

và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

_______________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Nghị định này quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

2. Nghị định này không áp dụng đối với tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý, giám sát tài chính

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm về quản lý giám sát hoạt động tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ, cam kết của mình theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ quan quản lý nhà nước

Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Chương II
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN

Mục 1
VỐN PHÁP ĐỊNH, VỐN ĐIỀU LỆ, KÝ QUỸ VÀ QUẢN LÝ TÀI SẢN

Điều 4. Vốn pháp định

1. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm:

a) Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ: 300.000.000.000 đồng Việt Nam;

b) Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ: 600.000.000.000 đồng Việt Nam.

2. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm: 4.000.000.000 đồng Việt Nam.

Điều 5. Vốn điều lệ

1. Vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

2. Trong q q quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải luôn duy trì mức vốn điều lệ đã góp không thấp hơn mức vốn pháp định được quy định tại Điều 4 Nghị định này và phải được bổ sung tương xứng với nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ Tài chính quy định cụ thể mức vốn điều lệ bổ sung.

3. Trường hợp thay đổi vốn điều lệ, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải có đơn đề nghị và văn bản giải trình gửi Bộ Tài chính. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị và hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính phải trả lời bằng văn bản về việc chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính phải có văn bản giải thích lý do.

4. Doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực, có số vốn điều lệ thấp hơn mức vốn pháp định quy định tại Điều 4 Nghị định này thì trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm phải bổ sung đủ vốn điều lệ theo quy định.

Điều 6. Ký quỹ

1. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm phải sử dụng một phần vốn điều lệ đã góp để ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam. Tiền ký quỹ được hưởng lãi theo thoả thuận với ngân hàng nơi ký quỹ.

2. Mức tiền ký quỹ của doanh nghiệp bảo hiểm bằng 2% vốn pháp định được quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được sử dụng tiền ký quỹ để đáp ứng các cam kết đối với bên mua bảo hiểm khi khả năng thanh toán bị thiếu hụt và phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày sử dụng tiền ký quỹ, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bổ sung tiền ký quỹ đã sử dụng.

4. Doanh nghiệp bảo hiểm được rút toàn bộ tiền ký quỹ khi chấm dứt hoạt động.

5. Doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực, có số tiền ký quỹ thấp hơn số tiền ký quỹ quy định tại khoản 2 Điều này thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm phải bổ sung đủ số tiền ký quỹ theo quy định.

Điều 7. Các quy định khác về quản lý sử dụng vốn, tài sản

Ngoài các quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải tuân thủ quy định về quản lý sử dụng vốn, tài sản theo quy định của pháp luật liên quan.

Mục 2
DỰ PHÒNG NGHIỆP VỤ BẢO HIỂM

Điều 8. Dự phòng nghiệp vụ đối với bảo hiểm phi nhân thọ

1. Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ phải trích lập dự phòng nghiệp vụ theo từng nghiệp vụ bảo hiểm đối với phần trách nhiệm giữ lại của doanh nghiệp.

2. Dự phòng nghiệp vụ bao gồm:

a) Dự phòng phí chưa được hưởng, được sử dụng để bồi thường cho trách nhiệm sẽ phát sinh trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong năm tiếp theo;

b) Dự phòng bồi thường cho khiếu nại chưa giải quyết, được sử dụng để bồi thường cho các tổn thất đã phát sinh thuộc trách nhiệm bảo hiểm chưa khiếu nại hoặc đã khiếu nại nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết;

Điều 9. Dự phòng nghiệp vụ đối với bảo hiểm nhân thọ

1. Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ phải trích lập dự phòng nghiệp vụ cho từng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tương ứng với trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.

2. Dự phòng nghiệp vụ bao gồm:

a) Dự phòng toán học là khoản chênh lệch giữa giá trị hiện tại của số tiền bảo hiểm và giá trị hiện tại của phí bảo hiểm sẽ thu được trong tương lai, được sử dụng để trả tiền bảo hiểm đối với những trách nhiệm đã cam kết khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

b) Dự phòng phí chưa được hưởng, được sử dụng để trả tiền bảo hiểm sẽ phát sinh trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong năm tiếp theo;

c) Dự phòng bồi thường, được sử dụng để trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết;

d) Dự phòng chia lãi, được sử dụng để trả lãi mà doanh nghiệp bảo hiểm đã thoả thuận với bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm;

đ) Dự phòng bảo đảm cân đối, được sử dụng để trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm do có biến động lớn về tỷ lệ tử vong, lãi suất kỹ thuật.

3. Dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 10. Mức trích lập, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ

Bộ Tài chính quy định cụ thể về mức trích lập, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ quy định tại Điều 8 và Điều 9 Nghị định này.

Mục 3
ĐẦU TƯ VỐN

Điều 11. Nguồn vốn đầu tư

Nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bao gồm:

1. Nguồn vốn chủ sở hữu.

2. Nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.

3. Các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu

1. Việc đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và tính thanh khoản theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được phép đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật đối với phần vốn chủ sở hữu vượt quá mức vốn pháp định hoặc biên khả năng thanh toán tối thiểu, tùy theo số nào lớn hơn.

Điều 13. Nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm

1. Nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm là tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm trừ các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm dùng để bồi thường bảo hiểm thường xuyên trong kỳ đối với bảo hiểm phi nhân thọ, trả tiền bảo hiểm thường xuyên trong kỳ đối với bảo hiểm nhân thọ.

2. Khoản tiền dùng để bồi thường bảo hiểm thường xuyên trong kỳ đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ không thấp hơn 25% tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và được gửi tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.

3. Khoản tiền dùng để trả tiền bảo hiểm thường xuyên trong kỳ đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ không thấp hơn 5% tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và được gửi tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.

Điều 14. Đầu tư vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm

Đầu tư vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này được thực hiện trực tiếp bởi doanh nghiệp bảo hiểm hoặc thông qua uỷ thác đầu tư và chỉ được đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực sau:

1. Đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ:

a) Mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh, gửi tiền tại các tổ chức tín dụng không hạn chế;

b) Mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp không có bảo lãnh, góp vốn vào các doanh nghiệp khác tối đa 35% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm;

c) Kinh doanh bất động sản, cho vay tối đa 20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.

2. Đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ:

a) Mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh, gửi tiền tại các tổ chức tín dụng không hạn chế;

b) Mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp không có bảo lãnh, góp vốn vào các doanh nghiệp khác tối đa 50% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm;

c) Kinh doanh bất động sản, cho vay tối đa 40% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.

Chương III
KHẢ NĂNG THANH TOÁN VÀ KHÔI PHỤC
KHẢ NĂNG THANH TOÁN

Điều 15. Khả năng thanh toán

1. Doanh nghiệp bảo hiểm phải luôn duy trì khả năng thanh toán trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm được coi là có đủ khả năng thanh toán khi đã trích lập đầy đủ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và có biên khả năng thanh toán không thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu quy định tại Điều 16 Nghị định này.

Điều 16. Biên khả năng thanh toán tối thiểu

1. Biên khả năng thanh toán tối thiểu của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ là số lớn hơn của một trong hai kết quả tính toán sau:

a) 25% tổng phí bảo hiểm thực giữ lại tại thời điểm tính biên khả năng thanh toán;

b) 12,5% của tổng phí bảo hiểm gốc và phí nhận tái bảo hiểm tại thời điểm tính biên khả năng thanh toán.

2. Biên khả năng thanh toán tối thiểu của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ:

a) Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn 5 năm trở xuống bằng tổng của 4% dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và 0,1% số tiền bảo hiểm chịu rủi ro;

b) Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn trên 5 năm bằng tổng của 4% dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và 0,3% số tiền bảo hiểm chịu rủi ro.

Điều 17. Biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm

Biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm là phần chênh lệch giữa giá trị tài sản và các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp bảo hiểm tại thời điểm tính biên khả năng thanh toán. Các tài sản tính biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm tính thanh khoản. Các tài sản bị loại trừ toàn bộ hoặc một phần khi tính biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 18. Nguy cơ mất khả năng thanh toán

Doanh nghiệp bảo hiểm bị coi là có nguy cơ mất khả năng thanh toán khi biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu.

Điều 19. Khôi phục khả năng thanh toán

1. Khi có nguy cơ mất khả năng thanh toán, doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động thực hiện ngay các biện pháp tự khôi phục khả năng thanh toán đồng thời báo cáo Bộ Tài chính về thực trạng tài chính, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất khả năng thanh toán và phương án khôi phục khả năng thanh toán.

2. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không tự khôi phục được khả năng thanh toán thì Bộ Tài chính có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện khôi phục khả năng thanh toán, gồm những biện pháp sau:

a) Bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu;

b) Tái bảo hiểm; thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động; đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động;

c) Củng cố tổ chức bộ máy và thay đổi người quản trị, điều hành của doanh nghiệp;

d) Yêu cầu chuyển giao hợp đồng bảo hiểm;

đ) Các biện pháp khác.

3. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không khôi phục được khả năng thanh toán theo yêu cầu của Bộ Tài chính quy định tại khoản 2 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Bộ Tài chính quyết định thành lập Ban Kiểm soát khả năng thanh toán để áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán theo quy định tại Điều 80 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Chương IV
DOANH THU VÀ CHI PHÍ

Mục 1
DOANH THU VÀ CHI PHÍ CỦA DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM

Điều 20. Doanh thu của doanh nghiệp bảo hiểm

Doanh thu của doanh nghiệp bảo hiểm là số tiền phải thu phát sinh trong kỳ bao gồm:

1. Doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm là số tiền phải thu phát sinh trong kỳ sau khi đã trừ các khoản phải chi để giảm thu phát sinh trong kỳ:

a) Số tiền phải thu phát sinh trong kỳ bao gồm:

- Thu phí bảo hiểm gốc;

- Thu phí nhận tái bảo hiểm;

- Thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm;

- Thu phí về dịch vụ đại lý bao gồm giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn, xử lý hàng bồi thường 100%;

- Thu phí giám định tổn thất không kể giám định hộ giữa các đơn vị thành viên hạch toán nội bộ trong cùng một doanh nghiệp bảo hiểm hạch toán độc lập.

b) Các khoản phải chi để giảm thu phát sinh trong kỳ bao gồm:

- Hoàn phí bảo hiểm;

- Giảm phí bảo hiểm;

- Phí nhượng tái bảo hiểm;

- Hoàn phí nhận tái bảo hiểm;

- Giảm phí nhận tái bảo hiểm;

- Hoàn hoa hồng nhượng tái bảo hiểm;

- Giảm hoa hồng nhượng tái bảo hiểm.

2. Doanh thu hoạt động tài chính:

a) Thu hoạt động đầu tư theo quy định tại Mục 3 Chương II Nghị định này;

b) Thu từ hoạt động mua bán chứng khoán;

c) Thu lãi trên số tiền ký quỹ;

d) Thu cho thuê tài sản;

đ) Thu khác theo quy định của pháp luật.

3. Thu nhập hoạt động khác:

a) Thu từ nhượng bán, thanh lý tài sản cố định;

b) Các khoản nợ khó đòi đã xoá nay thu hồi được;

c) Thu khác theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm

Chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm là số tiền phải chi, phải trích phát sinh trong kỳ bao gồm:

1. Chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm là số tiền phải chi, phải trích phát sinh trong kỳ sau khi đã trừ các khoản phải thu để giảm chi phát sinh trong kỳ:

a) Số tiền phải chi, phải trích phát sinh trong kỳ bao gồm:

- Bồi thường bảo hiểm gốc đối với bảo hiểm phi nhân thọ; trả tiền bảo hiểm đối với bảo hiểm nhân thọ;

- Chi bồi thường nhận tái bảo hiểm;

- Trích lập dự phòng nghiệp vụ;

- Chi hoa hồng bảo hiểm;

- Chi giám định tổn thất;

- Chi phí về dịch vụ đại lý bao gồm giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn;

- Chi xử lý hàng bồi thường 100%;

- Chi quản lý đại lý bảo hiểm;

- Chi đề phòng, hạn chế rủi ro, tổn thất;

- Chi đánh giá rủi ro của đối tượng bảo hiểm;

- Các khoản chi, trích khác theo quy định của pháp luật.

b) Các khoản phải thu để giảm chi phát sinh trong kỳ bao gồm:

- Thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm;

- Thu đòi người thứ ba bồi hoàn;

- Thu hàng đã xử lý, bồi thường 100%.

2. Chi phí hoạt động tài chính:

a) Chi phí hoạt động đầu tư theo quy định tại Mục 3 Chương II Nghị định này;

b) Thu nhập đầu tư phải trả cho bên mua bảo hiểm theo cam kết tại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;

c) Chi phí cho thuê tài sản;

d) Chi thủ tục phí ngân hàng, trả lãi tiền vay;

đ) Chi, trích khác theo quy định của pháp luật.

3. Chi phí hoạt động khác:

a) Chi nhượng bán, thanh lý tài sản cố định;

b) Chi phí cho việc thu hồi khoản nợ phải thu khó đòi đã xoá nay thu hồi được;

c) Chi, trích khác theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Các quy định khác về doanh thu, chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm

Ngoài các quy định tại Điều 20 và Điều 21 Nghị định này, các khoản doanh thu, chi phí khác của doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Tách nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ

Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ phải tách riêng nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm thu được của bên mua bảo hiểm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Mục 2
DOANH THU VÀ CHI PHÍ CỦA DOANH NGHIỆP MÔI GIỚI BẢO HIỂM

Điều 24. Doanh thu của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

Doanh thu của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là số tiền phải thu phát sinh trong kỳ bao gồm:

1. Doanh thu hoạt động môi giới bảo hiểm:

a) Thu hoa hồng môi giới bảo hiểm sau khi trừ đi khoản hoa hồng môi giới bảo hiểm, giảm hoa hồng môi giới bảo hiểm;

b) Thu khác theo quy định của pháp luật.

2. Doanh thu hoạt động tài chính:

a) Thu từ hoạt động mua bán chứng khoán;

b) Thu lãi tiền gửi, lãi trên số tiền cho vay;

c) Thu cho thuê tài sản;

d) Thu khác theo quy định của pháp luật.

3. Thu nhập hoạt động khác:

a) Thu từ nhượng bán, thanh lý tài sản cố định;

b) Các khoản nợ khó đòi đã xoá nay thu hồi được;

c) Thu khác theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Chi phí của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

Chi phí của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là số tiền phải chi, phải trích phát sinh trong kỳ bao gồm:

1. Chi phí hoạt động môi giới bảo hiểm:

a) Chi hoạt động môi giới bảo hiểm;

b) Chi mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp;

c) Các khoản chi, trích khác theo quy định của pháp luật.

2. Chi phí hoạt động tài chính:

a) Chi phí cho thuê tài sản;

b) Chi thủ tục phí ngân hàng, trả lãi tiền vay;

c) Chi, trích khác theo quy định của pháp luật.

3. Chi phí hoạt động khác:

a) Chi nhượng bán, thanh lý tài sản cố định;

b) Chi phí cho việc thu hồi khoản nợ phải thu khó đòi đã xoá nay thu hồi được;

c) Chi, trích khác theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Các quy định khác về doanh thu, chi phí của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

Ngoài các quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định này, các khoản doanh thu, chi phí khác của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương V
LỢI NHUẬN VÀ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN

Điều 27. Lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm

1. Lợi nhuận thực hiện trong năm là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm, lợi nhuận hoạt động tài chính và lợi nhuận hoạt động khác.

2. Lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm là khoản chênh lệch được xác định giữa tổng doanh thu trừ tổng chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm.

Điều 28. Lợi nhuận của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

1. Lợi nhuận thực hiện trong năm là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, bao gồm lợi nhuận hoạt động kinh doanh môi giới bảo hiểm, lợi nhuận hoạt động tài chính và lợi nhuận hoạt động khác.

2. Lợi nhuận của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là khoản chênh lệch được xác định giữa tổng doanh thu trừ tổng chi phí của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Điều 29. Nghĩa vụ với ngân sách nhà nước

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải làm đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Phân phối lợi nhuận

Sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định, trích lập quỹ dự trữ bắt buộc, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được phân phối lợi nhuận còn lại theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Quỹ dự trữ bắt buộc

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải trích 5% lợi nhuận sau thuế hàng năm để lập quỹ dự trữ bắt buộc. Mức tối đa của quỹ dự trữ bắt buộc bằng 10% mức vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Chương VI
CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN, THỐNG KÊ
VÀ BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Điều 32. Chế độ kế toán

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải thực hiện ghi chép đầy đủ chứng từ ban đầu, cập nhật sổ kế toán và phản ánh đầy đủ, kịp thời, trung thực, chính xác, khách quan các hoạt động kinh tế, tài chính.

Điều 33. Năm tài chính

Năm tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 cùng năm dương lịch. Năm tài chính đầu tiên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bắt đầu từ ngày cấp giấy phép thành lập và hoạt động và kết thúc vào ngày cuối cùng của năm đó.

Điều 34. Báo cáo tài chính

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có trách nhiệm lập và gửi các báo cáo tài chính, báo cáo thống kê, báo cáo nghiệp vụ định kỳ, đột xuất theo quy định của pháp luật hiện hành và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải được tổ chức kiểm toán độc lập hoạt động hợp pháp tại Việt Nam kiểm toán và xác nhận các vấn đề tài chính trọng yếu quy định tại Nghị định này trước khi nộp Bộ Tài chính.

Điều 35. Kiểm toán nội bộ

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải thực hiện kiểm toán nội bộ đối với các hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

Điều 36. Quản trị tài chính doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện công tác quản trị tài chính theo các nguyên tắc, chuẩn mực do Bộ Tài chính quy định.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện quy chế tài chính, quy chế đầu tư, quy chế kiểm soát và kiểm toán nội bộ và các quy trình thủ tục tương ứng.

Điều 37. Công khai báo cáo tài chính

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải công bố công khai báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.

2. Thông tin công bố công khai phải phù hợp với báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đã được tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán và xác nhận.

Điều 38. Kiểm tra, thanh tra tài chính

Bộ Tài chính thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 39. Hiệu lực của Nghị định

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 43/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 08 năm 2001 của Chính phủ quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Điều 40. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Chính phủ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng