Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt đề án "Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ

em bị bỏ rơi, trẻ em tàn tật nặng, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học và trẻ

em nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng giai đoạn 2005 - 2010"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 23/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề án "Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em tàn tật nặng, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học và trẻ em nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng giai đoạn 2005 - 2010" (sau đây gọi tắt là đề án "Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng giai đoạn 2005 - 2010") với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu của đề án:

a) Mục tiêu tổng quát:

Tiến tới trợ giúp tất cả trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật; từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú trên cơ sở huy động các nguồn lực xã hội, phát triển các hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng.

b) Các mục tiêu cụ thể đến năm 2010:

- Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội, được chăm sóc thay thế tại cộng đồng và được trợ giúp về y tế, giáo dục tăng từ 30% lên 65% (bình quân mỗi năm tăng thêm 15000 trẻ em).

- Số trẻ em tàn tật nặng được chỉnh hình phục hồi chức năng tăng từ 40% lên 70%.

- Thí điểm chuyển 1000 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em tàn tật nặng đang được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước về chăm sóc ở cộng đồng thông qua các hình thức gia đình hoặc cá nhân nhận nuôi dưỡng, nhận đỡ đầu, nhận nuôi con nuôi và chăm sóc tại Nhà xã hội.

- Thí điểm chuyển đổi hình thức chăm sóc tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước sang chăm sóc tại các "gia đình quy mô nhỏ" tại 10 cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.

Đối với những nội dung mới của đề án, như Nhà xã hội tại cộng đồng và chuyển đổi hình thức chăm sóc tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước sang chăm sóc tại "gia đình quy mô nhỏ" tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước, thực hiện thí điểm ở giai đoạn 2005 - 2007; nhân rộng mô hình ở giai đoạn 2008 - 2010.

2. Đối tượng và phạm vi của đề án:

a) Đối tượng của đề án bao gồm:

- Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa.

- Trẻ em bị bỏ rơi.

- Trẻ em tàn tật nặng.

- Trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học.

- Trẻ em nhiễm HIV/AIDS.

b) Phạm vi của đề án:

Đề án được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, nhưng có bước đi phù hợp với từng vùng và từng địa phương.

3. Nhiệm vụ của đề án:

a) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành về chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng.

b) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, giáo dục, kết hợp với vận động cộng đồng hỗ trợ và chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trong giai đoạn 2005 - 2010, bình quân mỗi năm tăng thêm 15000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội tại cộng đồng, thông qua các hình thức sau đây:

- Giải quyết trợ cấp xã hội tại cộng đồng, đồng thời trợ giúp y tế, giáo dục cho 11000 trẻ em/ năm.

- Vận động cộng đồng chăm sóc thay thế 4000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn/năm dưới các hình thức gia đình hoặc cá nhân nhận nuôi dưỡng, nhận đỡ đầu, nhận nuôi con nuôi và chăm sóc tại Nhà xã hội.

c) Hỗ trợ trẻ em tàn tật nặng được chỉnh hình và phục hồi chức năng.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích chỉnh hình phục hồi chức năng cho trẻ em tàn tật, đặc biệt cho trẻ em tàn tật nặng ở các trung tâm chỉnh hình phục hồi chức năng, kết hợp với phục hồi chức năng ở cộng đồng theo một quy trình liên thông.

- Vận động các nhà tài trợ trong và ngoài nước trợ giúp sản xuất dụng cụ chỉnh hình, phẫu thuật và phục hồi chức năng cho trẻ em tàn tật nặng.

d) Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học nghề, việc làm.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học nghề, việc làm tại gia đình và nơi cư trú.

- Xây dựng mô hình hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học nghề gắn với tạo việc làm; liên kết với doanh nghiệp, vận động các nhà tài trợ hỗ trợ thử nghiệm mô hình này ở một số địa phương.

đ) Trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ văn hóa.

- Tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ văn hoá. Đối với trẻ em tàn tật, tạo điều kiện có lớp học, khu năng khiếu, ấn phẩm văn hoá và chương trình thể thao riêng.

- Xuất bản một ấn phẩm văn hoá phục vụ độc giả là trẻ em khiếm thị, sản xuất một bộ phim hoạt hình và xây dựng mô hình điểm trường năng khiếu có trẻ em tàn tật theo học.

e) Thí điểm chuyển trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước về nuôi dưỡng tại cộng đồng thông qua các hình thức gia đình hoặc cá nhân nhận nuôi dưỡng, nhận đỡ đầu, nhận nuôi con nuôi và chăm sóc tại Nhà xã hội.

g) Xây dựng mô hình điểm Nhà xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở cấp xã.

Nhà xã hội là một mô hình mới về chăm sóc trẻ em, do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, cử cán bộ kiêm nhiệm hoặc sử dụng tình nguyện viên quản lý Nhà xã hội. Đối với Nhà xã hội, ngân sách địa phương hỗ trợ một phần chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, còn lại, kinh phí chủ yếu huy động từ cộng đồng. Ngân sách Trung ương hỗ trợ xây dựng Nhà xã hội trong thời gian triển khai thí điểm.

h) Triển khai thí điểm việc chuyển đổi phương thức chăm sóc tập trung trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước sang chăm sóc tập trung tại mô hình "gia đình quy mô nhỏ" ở các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.

i) Thực hiện tập huấn cán bộ làm công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đặc biệt là cán bộ ở cấp cơ sở, về nội dung, phương pháp chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng, công tác xã hội, phương pháp và kỹ năng công tác xã hội.

4. Các giải pháp:

a) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo phong trào chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đặc biệt tại những vùng có đông đối tượng, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

b) Rà soát, phân loại đối tượng và nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách, cơ chế chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở cộng đồng và tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Nâng cao năng lực thu thập, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đáp ứng yêu cầu đánh giá kết quả thực hiện đề án; tham mưu, hoạch định chính sách về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

c) Đẩy mạnh xã hội hoá công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng theo hướng: Huy động mọi nguồn lực tại chỗ, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và khuyến khích các hoạt động tự nguyện, nhân đạo vì trẻ em. Vận động các tổ chức, gia đình và cá nhân nhận chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

d) Tăng cường sự giám sát, đánh giá của các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng tại các địa phương.

đ) Tổ chức kiểm tra, thanh tra các địa phương trong việc thực hiện các chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các nội dung của đề án.

e) Nghiên cứu, tổng kết, đánh giá thực tiễn để hoàn thiện chính sách trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

g) Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, bao gồm các tổ chức đa phương, song phương và các tổ chức phi Chính phủ trên cả ba lĩnh vực kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính để trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

5. Kinh phí: Kinh phí để thực hiện đề án được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và các Bộ, ngành có liên quan:

- Hướng dẫn triển khai thực hiện đề án; chỉ đạo thực hiện các nội dung của đề án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Chỉ đạo cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong đề án; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện đề án.

- Tổ chức sơ kết định kỳ, tổng kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện đề án.

2. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trong việc đẩy mạnh các hoạt động nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của đề án, hướng vào việc phòng ngừa và ngăn chặn trẻ em lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

3. Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo cơ quan thông tin các cấp đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai chương trình giáo dục hòa nhập cho trẻ em tàn tật; hoàn thiện chính sách và chỉ đạo các trường thực hiện việc miễn, giảm học phí, các khoản đóng gúp xây dựng trường cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

5. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp tục thực hiện việc miễn, giảm viện phí cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho trẻ em tàn tật.

6. Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí cho các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương để triển khai thực hiện đề án theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện đề án.

7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan huy động các nguồn vốn trong nước, vốn viện trợ và các nguồn vốn khác cho công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

8. Bộ Tư pháp đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật về chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật hôn nhân và gia đình theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân trong và ngoài nước nhận nuôi con nuôi là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; ngăn ngừa các hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi.

9. Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các Đài truyền hình, Đài phát thanh, Đài phát thanh - truyền hình địa phương xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng để phát trên sóng truyền hình, phát thanh quốc gia và địa phương.

10. Các Bộ, ngành khác có liên quan chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

11. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tích cực tham gia triển khai thực hiện đề án này trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức mình.

12. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm:

a) Chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp của đề án trên địa bàn địa phương;

b) Xây dựng các mục tiêu chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

c) Bố trí kinh phí, nhân lực và cơ sở vật chất để thực hiện đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phạm Gia Khiêm