Sign In

CHỈ THỊ

Về việc nghiêm cấm khai thác con Sâm đất (con Chặt khoai) và các loài động thực vật làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và môi trường sinh thái

____________________

Trong những tháng đầu năm 2006 đã xảy ra tình trạng nhiều người dân vào Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú chặt cây, đào bới đất rừng để khai thác con Sâm đất hay còn gọi là con Chặt khoai, có tên khoa học là Sipunculus nudus. Việc khai thác tùy tiện trên đã gây thiệt hại đến tài nguyên rừng và đất rừng. Nếu không có biện pháp ngăn chặn triệt để, tình trạng trên sẽ lây lan khắp lâm phần rừng phòng hộ và đặc dụng, gây nguy hại cho hệ sinh thái rừng ngập mặn của tỉnh nhà.

Để khắc phục tình trạng trên nhằm thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 506/CĐ-TTg ngày 30/3/2006, và các quy định của Chính phủ tại Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 về việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp, Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg ngày 08/3/2006 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép, và Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 về việc thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện một số việc như sau:

1. Nghiêm cấm mọi hình thức khai thác, vận chuyển, mua bán con Sâm đất và các loài động thực vật khác có xuất xứ từ rừng gây thiệt hại đến tài nguyên rừng và môi trường sinh thái.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Rừng phòng hộ và Đặc dụng, Chi Cục Kiểm lâm nghiêm túc thực hiện đầy đủ các chức năng nhiệm vụ được giao trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi làm thiệt hại đến tài nguyên rừng. Khi phát hiện phải có trách nhiệm báo cáo và thông tin cho Ủy ban nhân dân huyện, xã sở tại biết để phối hợp xử lý, khắc phục tình trạng tự ý đưa tin thiếu chuẩn xác, mang tính ước định chủ quan, phóng đại sự việc gây khó khăn trong quản lý.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nắm rõ về lợi ích của loài sâm đất trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, nếu loài sâm đất thực sự đem lại nhiều hiệu quả thì có đề xuất cụ thể.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp huyện, xã nơi có hệ sinh thái rừng ngập mặn thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp thuộc địa phương mình quản lý. Khi có báo cáo, đề nghị của các cơ quan chức năng thì phải phối hợp, huy động các lực lượng thích hợp của địa phương tham gia vào công tác bảo vệ rừng, không để người dân xâm nhập rừng chặt cây, phá rừng, đào bới đất rừng, khai thác các loài động thực vật trái phép. Kể từ khi triển khai Chỉ thị này nếu nơi nào còn xảy ra tình trạng người dân vào rừng gây hư hại rừng như đào bới đất rừng để khai thác con Sâm đất và các loài động thực vật khác thì Chủ tịch UBND huyện, xã đó phải bị xử lý kỷ luật về trách nhiệm quản lý rừng.

4. Các ngành chức năng quản lý, sử dụng, phát triển rừng và chính quyền địa phương phải có kế hoạch phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền pháp luật, vận động nhân dân có ý thức tham gia bảo vệ rừng và ngăn chặn các hành vi vi phạm rừng.

5. Thủ trưởng các Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh, Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại, Chi Cục Kiểm lâm, Ban quản lý dự án Rừng phòng hộ và Đặc dụng, Chi Cục Quản lý thị trường và Thủ trưởng các đơn vị liên quan theo chức năng của mình có kế hoạch tổ chức triển khai, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung Chỉ thị này./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Quốc Bảo