• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/04/2021
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/2024
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Số: 21/2020/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bến Tre, ngày 31 tháng 12 năm 2020

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2016/TT-NHNN

ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia

                                      

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;

Căn cứ Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng;

Căn cứ Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 16/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia (gọi tắt là Thông tư số 37/2016/TT-NHNN).

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia

1. Khoản 2 Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Đối tượng áp dụng:

Là thành viên, đơn vị thành viên, thành viên gián tiếp của Hệ thống TTLNH, Đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH, Tổ chức chủ trì hệ thống bù trừ điện tử, các đơn vị liên quan của Ngân hàng Nhà nước.”.

2. Bổ sung khoản 35 vào Điều 2 như sau:

“35. Tổ chức chủ trì hệ thống bù trừ điện tử (sau đây gọi là Tổ chức chủ trì BTĐT) là tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử và được tham gia, kết nối trực tiếp vào Hệ thống TTLNH để thực hiện quyết toán bù trừ điện tử.”.

3. Khoản 1 Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Các thời điểm áp dụng trong Hệ thống TTLNH được quy định như sau:

a) Thời điểm Hệ thống TTLNH bắt đầu nhận Lệnh thanh toán giá trị cao, Lệnh thanh toán giá trị thấp và kết quả quyết toán ròng từ các hệ thống khác: 8 giờ 00 phút của ngày làm việc;

b) Thời điểm Hệ thống TTLNH bắt đầu nhận Lệnh thanh toán ngoại tệ: 9 giờ 00 phút của ngày làm việc;

c) Thời điểm ngừng nhận Lệnh thanh toán giá trị thấp, thời điểm ngừng nhận yêu cầu xử lý kết quả quyết toán ròng từ các hệ thống khác: 16 giờ 30 phút đối với ngày làm việc bình thường, 17 giờ 00 phút đối với 02 ngày làm việc cuối tháng;

d) Thời điểm ngừng nhận Lệnh thanh toán giá trị cao, Lệnh thanh toán bằng ngoại tệ: 17 giờ 00 phút đối với ngày làm việc bình thường, 17 giờ 45 phút đối với 02 ngày làm việc cuối tháng;

đ) Thời điểm hoàn thành thực hiện xử lý các Lệnh thanh toán đã nhận trong hàng đợi quyết toán (nếu có): tối đa 30 phút kể từ thời điểm Hệ thống TTLNH ngừng nhận Lệnh thanh toán;

e) Thời điểm thực hiện các công việc cuối ngày (kiểm tra các điều kiện đối chiếu, thực hiện đối chiếu, xác nhận số liệu với Trung tâm Xử lý Quốc gia): ngay sau thời điểm được quy định tại điểm đ Khoản này.”.

4. Điểm a khoản 1 Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“ a) Trường hợp do yêu cầu công việc, Hệ thống TTLNH phát sinh lỗi tại Trung tâm Xử lý Quốc gia, việc quyết toán bù trừ chưa thành công do thành viên thiếu số dư hoặc do các nguyên nhân khác từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;”.

5. Khoản 1 Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Trung tâm Xử lý Quốc gia dự phòng hoạt động thay thế cho Trung tâm Xử lý Quốc gia khi Trung tâm Xử lý Quốc gia bị sự cố không thể vận hành bình thường hoặc do chuyển đổi theo kế hoạch nhằm đảm bảo tính sẵn sàng hoạt động của Hệ thống TTLNH.”.

6. Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 25. Xử lý kết quả quyết toán ròng từ các hệ thống khác

1. Hệ thống TTLNH được phép tiếp nhận và xử lý kết quả quyết toán ròng từ Hệ thống bù trừ tự động (ACH), Hệ thống bù trừ thẻ và các Hệ thống thanh toán bù trừ khác.

2. Việc xử lý kết quả quyết toán ròng được thực hiện bằng phương thức xử lý theo lô (quyết toán lô) trên cơ sở đủ số dư tài khoản thanh toán của các thành viên tham gia quyết toán. Trong trường hợp tài khoản thanh toán của thành viên không đủ số dư, xử lý theo quy định về hoạt động bù trừ điện tử tại Thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán của Ngân hàng Nhà nước.

3. Khi phát sinh nhu cầu quyết toán lô, Tổ chức chủ trì BTĐT tạo (lập) yêu cầu quyết toán lô có cấu trúc, định dạng dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước quy định (Mẫu số TTLNH-30), ký chữ ký điện tử, gửi Trung tâm Xử lý Quốc gia để xử lý.

4. Tổ chức chủ trì BTĐT được phép hủy lô quyết toán có tình trạng chưa thành công đã gửi Trung tâm Xử lý Quốc gia để quản lý thứ tự ưu tiên và phù hợp với tình trạng số dư của thành viên tham gia lô quyết toán.

5. Khi lô quyết toán được xử lý và hạch toán thành công tại Trung tâm Xử lý Quốc gia, Hệ thống TTLNH tự động tạo và gửi các giao dịch quyết toán lô cho các thành viên, đơn vị thành viên tham gia lô quyết toán. Thành viên, đơn vị thành viên nhận, kiểm soát, in giao dịch quyết toán lô và hạch toán theo quy định của pháp luật hiện hành.

6. Sau thời điểm hoàn thành đối chiếu của Hệ thống TTLNH, các đơn vị in và đối chiếu số liệu quyết toán lô trong ngày để đảm bảo số liệu cân, khớp trên hệ thống. Cụ thể như sau:

a) Đối với Sở Giao dịch:

- Bảng đối chiếu kết quả lô quyết toán nhận từ Trung tâm xử lý Quốc gia (Mẫu số TTLNH-31);

- Báo cáo đối chiếu kết quả quyết toán lô (Mẫu số TTLNH-32).

b) Đối với Tổ chức chủ trì BTĐT:

- Bảng tổng hợp kết quả quyết toán lô gửi đến Trung tâm xử lý Quốc gia (Mẫu số TTLNH-33);

- Bảng đối chiếu kết quả lô quyết toán nhận từ Trung tâm xử lý Quốc gia (Mẫu số TTLNH-31).

c) Đối với các thành viên, đơn vị thành viên tham gia lô quyết toán:

Bảng đối chiếu kết quả quyết toán lô (Mẫu số TTLNH-34).

7. Xử lý báo cáo quyết toán lô sai sót.

Nếu có sai sót đối với báo cáo, đối chiếu quyết toán lô, các đơn vị phải liên hệ với Đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH để cùng phối hợp xử lý.

8. Để sử dụng dịch vụ quyết toán ròng cho các hệ thống khác, Tổ chức chủ trì BTĐT phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Gửi văn bản đăng ký sử dụng dịch vụ quyết toán ròng (Mẫu số TTLNH-29) qua mạng máy tính hoặc nộp trực tiếp hoặc theo đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước (Đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH)

b) Yêu cầu về nguồn nhân lực:

- Có tối thiểu 02 cán bộ vận hành được Ngân hàng Nhà nước cấp chứng chỉ hoặc giấy xác nhận đã tham gia đào tạo về quy trình xử lý nghiệp vụ và quy trình vận hành Hệ thống TTLNH;

- Đối với cán bộ được giao trách nhiệm hoặc uỷ quyền thực hiện truyền, nhận dữ liệu quyết toán, ký duyệt lô quyết toán phải có chữ ký điện tử do Ngân hàng Nhà nước cấp theo quy định tại Thông tư về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước;

c) Yêu cầu về kỹ thuật:

- Có hệ thống chính và hệ thống dự phòng đối với phần mềm, cơ sở dữ liệu;

- Có tối thiểu 01 đường truyền chính và 01 đường truyền dự phòng độc lập về hạ tầng cáp truyền dẫn kết nối đến Hệ thống TTLNH;

- Có tối thiểu 02 Chữ ký điện tử được kích hoạt thành công (01 Chữ ký điện tử truyền thông và 01 Chữ ký điện tử của Người ký duyệt);

d) Thành viên tham gia quyết toán phải là thành viên Hệ thống TTLNH;

đ) Có văn bản thỏa thuận trước gửi Ngân hàng Nhà nước (Đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH) về việc thực hiện nghĩa vụ quyết toán bù trừ giữa Tổ chức chủ trì BTĐT và thành viên tham gia quyết toán. Văn bản thỏa thuận này phải bao gồm nội dung ủy quyền vô thời hạn và không hủy ngang cho Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) được chủ động trích (ghi Nợ) tài khoản thanh toán của mình và xử lý tài khoản ký quỹ (khi thiết lập hạn mức BTĐT) để thực hiện việc quyết toán ròng hoặc nghĩa vụ chia sẻ rủi ro trong trường hợp thành viên quyết toán lập giấy nhận nợ ngân hàng thiếu vốn quyết toán ròng không đủ khả năng trả nợ vay theo quy định về hoạt động bù trừ điện tử tại Thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán của Ngân hàng Nhà nước;

e) Có xác nhận của Sở Giao dịch về việc thành viên Hệ thống TTLNH đã thực hiện ký quỹ để thiết lập hạn mức bù trừ điện tử theo quy định hiện hành tại Thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán của Ngân hàng Nhà nước.

9. Khi có sự thay đổi thành viên Hệ thống TTLNH tham gia dịch vụ quyết toán ròng từ các hệ thống khác, Tổ chức chủ trì BTĐT gửi văn bản đăng ký danh sách thay đổi các thành viên tham gia dịch vụ quyết toán ròng từ các hệ thống khác (Mẫu số TTLNH-35) qua mạng máy tính hoặc nộp trực tiếp hoặc theo đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước (Đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH).

10. Khi không có nhu cầu sử dụng dịch vụ quyết toán ròng Hệ thống TTLNH, Tổ chức chủ trì BTĐT gửi văn bản đề nghị ngừng sử dụng dịch vụ quyết toán ròng (Mẫu số TTLNH-36) qua mạng máy tính hoặc nộp trực tiếp hoặc theo đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước (Đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH).

11. Đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH thực hiện đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước khi có sự thay đổi về Tổ chức chủ trì BTĐT và thành viên Hệ thống TTLNH tham gia dịch vụ quyết toán ròng từ các Hệ thống khác.”.

7. Khoản 4 Điều 27 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“4. Đối với kết quả quyết toán ròng từ các hệ thống khác xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Thông tư này.”.

8. Điểm c khoản 2 Điều 28 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“c) Trường hợp sau khi thực hiện các biện pháp quy định tại điểm a, b Khoản này mà vẫn không đủ để thu hồi dư nợ cho vay thanh toán bù trừ quá hạn, Sở Giao dịch thực hiện chia sẻ cho các thành viên tham gia quyết toán bù trừ còn lại trong phiên quyết toán bù trừ (trừ Kho bạc Nhà nước) và thông báo khoản tiền phân bổ cho từng thành viên. Số tiền phải chia sẻ của mỗi thành viên tham gia quyết toán bù trừ còn lại được xác định theo công thức:

Số tiền phải chia sẻ của thành viên thứ 

Trong đó:

A: Tổng số tiền phải chia sẻ dư nợ cho vay thanh toán bù trừ quá hạn còn lại của các thành viên.

Bi: Số tiền trung bình phải trả giá trị thấp của thành viên thứ i trong 20 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh khoản vay vốn thanh toán bù trừ trở về trước.

C: Tổng số tiền trung bình phải trả giá trị thấp của các thành viên tham gia chia sẻ dư nợ cho vay thanh toán bù trừ quá hạn còn lại trong 20 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh khoản vay vốn thanh toán bù trừ trở về trước.

n: Là tổng số thành viên phải chia sẻ.

i: Có giá trị từ 1 đến n.

Trong trường hợp thành viên mới tham gia sử dụng gửi Lệnh thanh toán giá trị thấp Hệ thống TTLNH chưa đủ 20 ngày làm việc thì sẽ căn cứ trên số ngày làm việc của thành viên đó trên Hệ thống TTLNH.”.

9. Điểm a khoản 1 Điều 39 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“a) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước khi có nhu cầu tham gia Hệ thống TTLNH thực hiện gửi văn bản đăng ký tham gia (Mẫu số TTLNH-01) qua mạng máy tính hoặc nộp trực tiếp hoặc theo đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước (Đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH).”.

10. Điểm d khoản 1 và khoản 4 Điều 40 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“d) Yêu cầu về kỹ thuật:

- Có hệ thống chính và hệ thống dự phòng đối với phần mềm, cơ sở dữ liệu;

- Có tối thiểu 01 đường truyền chính và 01 đường truyền dự phòng độc lập về hạ tầng cáp truyền dẫn kết nối đến Hệ thống TTLNH;

- Có tối thiểu 02 Chữ ký điện tử được kích hoạt thành công (01 Chữ ký điện tử truyền thông và 01 Chữ ký điện tử của Người ký duyệt);”.

 “4. Trước khi sử dụng dịch vụ Hệ thống TTLNH, đơn vị thành viên thuộc Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước gửi qua mạng máy tính hoặc nộp trực tiếp hoặc theo đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước (Đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH):

a) Văn bản (trừ các đơn vị thành viên thuộc Ngân hàng Nhà nước) về việc cầm cố, ký quỹ giấy tờ có giá hoặc ký quỹ bằng tiền để thiết lập hạn mức nợ ròng trong TTLNH có xác nhận của Sở Giao dịch trong trường hợp đăng ký sử dụng dịch vụ gửi Lệnh thanh toán giá trị thấp;

b) Hợp đồng ủy quyền hoặc văn bản thỏa thuận trước đáp ứng các yêu cầu quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư này về việc thanh toán Nợ giữa các thành viên trong trường hợp đăng ký sử dụng dịch vụ gửi Lệnh thanh toán Nợ;

c) Văn bản đăng ký bổ sung sử dụng dịch vụ Hệ thống TTLNH cho thành viên, đơn vị thành viên (Mẫu số TTLNH-26) trong trường hợp bổ sung sử dụng dịch vụ Hệ thống TTLNH.”.

11. Bổ sung khoản 5 vào Điều 40 như sau:

“5. Đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH thực hiện đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước khi có sự thay đổi về thông tin sử dụng dịch vụ Hệ thống TTLNH của các thành viên, đơn vị thành viên.”.

12. Khoản 1 Điều 41 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Khi có nhu cầu ngừng một hoặc một số dịch vụ gửi Lệnh thanh toán, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước gửi qua mạng máy tính hoặc nộp trực tiếp hoặc theo đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước (Đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH) văn bản đăng ký ngừng dịch vụ gửi Lệnh thanh toán (Mẫu số TTLNH-27).”.

13. Khoản 1 Điều 42 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Thành viên hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ thanh toán (nếu có) phát sinh trong việc tham gia Hệ thống TTLNH, các khoản phí thường niên và phí thanh toán (nếu có) và có văn bản rút khỏi hệ thống (Mẫu số TTLNH-02) gửi qua mạng máy tính hoặc nộp trực tiếp hoặc theo đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước (Đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH).”.

14. Bổ sung khoản 3a vào Điều 42 như sau:

“3a. Đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH sau khi nhận được văn bản đề nghị rút khỏi Hệ thống TTLNH, thực hiện tạm dừng dịch vụ gửi Lệnh thanh toán của thành viên, đơn vị thành viên theo đề nghị, đồng thời có văn bản gửi Sở Giao dịch hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi thành viên, đơn vị thành viên mở tài khoản thanh toán để phối hợp thực hiện việc xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ thanh toán (nếu có) phát sinh trong việc tham gia Hệ thống TTLNH, các khoản phí thường niên và phí thanh toán (nếu có).”.

15. Bổ sung điểm r vào khoản 2 Điều 43 như sau:

“r) Thông báo tình trạng nhận được từ Trung tâm xử lý Quốc gia đối với việc xử lý, hạch toán Lệnh thanh toán cho khách hàng (nếu có).”.

16. Khoản 5 Điều 45 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“5. Thực hiện thu hồi các khoản nợ thanh toán (nếu có) phát sinh trong quá trình tham gia Hệ thống TTLNH, các khoản phí thường niên và phí thanh toán (nếu có) của thành viên, đơn vị thành viên Hệ thống TTLNH thuộc phạm vi quản lý nghiệp vụ phát sinh tại đơn vị, đồng thời có văn bản xác nhận gửi Đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH tình trạng hoàn thành nghĩa vụ này khi thành viên đề nghị rút khỏi Hệ thống TTLNH.”.

17. Điều 46 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 46. Vụ Tài chính – Kế toán

Chịu trách nhiệm về nghiệp vụ kế toán đối với các đơn vị thành viên thuộc Ngân hàng Nhà nước tham gia Hệ thống TTLNH.”.

18. Bổ sung khoản 5 vào Điều 50 như sau:

“5. Thực hiện thu hồi các khoản nợ thanh toán (nếu có) phát sinh trong quá trình tham gia Hệ thống TTLNH, các khoản phí thường niên và phí thanh toán (nếu có) của thành viên, đơn vị thành viên Hệ thống TTLNH thuộc phạm vi quản lý nghiệp vụ phát sinh tại đơn vị, đồng thời có văn bản xác nhận gửi Đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH tình trạng hoàn thành nghĩa vụ này khi thành viên đề nghị rút khỏi Hệ thống TTLNH.”.

Điều 2.

1. Thay đổi cụm từ “Cục Công nghệ tin học” thành “Cục Công nghệ thông tin” tại các khoản 30 Điều 2, khoản 2 Điều 8, khoản 3 và khoản 4 Điều 35, khoản 1 Điều 44, Điều 48 Thông tư số 37/2016/TT-NHNN.

2. Thay thế Mẫu số TTLNH-29 ban hành kèm theo Thông tư số 37/2016/TT-NHNN bằng Mẫu số TTLNH-29 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Bổ sung các Mẫu số TTLNH-30; Mẫu số TTLNH-31; Mẫu số TTLNH-32; Mẫu số TTLNH-33; Mẫu số TTLNH-34; Mẫu số TTLNH-35; Mẫu số TTLNH-36 ban hành kèm theo thông tư này.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các thành viên, Tổ chức chủ trì hệ thống bù trừ điện tử chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 4. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2021.    

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Nguyễn Kim Anh

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.