THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm của chủ phương tiện,
thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên
và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa;
Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 như sau:
“2. Lập sổ danh bạ thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, lập sổ nhật ký hành trình và sổ nhật ký máy đối với phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần từ 250 tấn trở lên hoặc phương tiện chở khách có sức chở từ 50 (năm mươi) khách trở lên theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.”
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2, khoản 4, khoản 6, khoản 11, khoản 12 Điều 6 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Quản lý, bảo đảm an toàn về người, phương tiện và tài sản trên phương tiện; nắm vững tình trạng kỹ thuật, thời hạn hoạt động và chu kỳ sửa chữa của phương tiện. Đối với thuyền trưởng phương tiện mang cấp VR-SB, phải lập phương án tập luyện về cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng và tổ chức huấn luyện, hướng dẫn việc sử dụng thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng cho thuyền viên mới ngay khi xuống phương tiện; mỗi quý, tổ chức tập luyện về cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng phương tiện ít nhất một lần cho thuyền viên.”
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Quản lý sổ nhật ký hành trình, danh bạ thuyền viên, danh sách hành khách (nếu có) và sổ sách, giấy tờ cần thiết khác của phương tiện, tổ chức việc ghi chép và thường xuyên kiểm tra việc ghi chép sổ sách. Hàng ngày phải ký xác nhận nội dung nhật ký hành trình theo quy định.”
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Tổ chức phân công, giám sát, đôn đốc thuyền viên hoàn thành nhiệm vụ. Trường hợp phương tiện có nhiều hơn một thuyền phó, trách nhiệm của từng thuyền phó do thuyền trưởng phân công cụ thể.”
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 như sau:
“6. Trong trường hợp phương tiện có nguy cơ bị chìm đắm hoặc bị phá huỷ thuyền trưởng phải tận dụng mọi khả năng cho phép để trước hết tổ chức cứu hành khách và sau đó cứu thuyền viên. Thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời phương tiện sau khi đã tìm mọi cách cứu sổ nhật ký hành trình, nhật ký máy và các tài liệu quan trọng khác của phương tiện.
Khi phương tiện có người rơi xuống nước, phải kịp thời áp dụng các biện pháp có hiệu quả để tìm, cứu người bị nạn, đồng thời thông báo cho cơ quan tìm kiếm, cứu nạn hoặc chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn. Nếu phương tiện hoạt động trên biển, phải thông báo cho Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải hoặc Đài Thông tin duyên hải hoặc Cảng vụ hàng hải nơi gần nhất, thông báo cho phương tiện, tàu thuyền khác đang hành trình gần khu vực đó tìm kiếm, cứu nạn; chỉ được phép cho phương tiện rời khỏi khu vực có người rơi xuống nước sau khi đã cố gắng tìm kiếm nhưng xét thấy không còn hy vọng, trừ trường hợp gây nguy hiểm cho phương tiện và những người khác trên phương tiện. Thời gian và các biện pháp đã tiến hành tìm cứu phải được ghi vào nhật ký hành trình.”
đ) Sửa đổi, bổ sung khoản 11 như sau:
“11. Tổ chức phân công, thực hiện kê khai các nội dung theo yêu cầu và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi phương tiện chuẩn bị cập, rời cảng, bến. Trước khi khởi hành, phải có bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng chức danh trên phương tiện. Trước giờ rời cảng, bến phải kiểm tra, đôn đốc các bộ phận thuyền viên có liên quan chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ chuyến đi; chỉ rời cảng, bến khi phương tiện bảo đảm an toàn, chuẩn bị đầy đủ cho chuyến đi và được phép của cơ quan có thẩm quyền. Thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến thời tiết trong khu vực mà phương tiện sẽ đi qua.”
e) Sửa đổi, bổ sung khoản 12 như sau:
“12. Trực tiếp phụ trách một ca làm việc, trực tiếp điều khiển phương tiện qua những khu vực nguy hiểm; ngoài giờ đi ca, nếu thuyền phó hoặc máy trưởng đề nghị hoặc khi xảy ra sự cố, tình huống khẩn cấp, sự việc bất thường, thuyền trưởng phải có mặt ở vị trí chỉ huy để kịp thời giải quyết công việc.”
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 7 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Trực tiếp phụ trách các công việc thuộc bộ phận boong. Trực tiếp phụ trách và tổ chức bảo quản, bảo dưỡng các phương tiện, thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đảm bảo các trang thiết bị luôn ở trạng thái kỹ thuật tốt, sẵn sàng hoạt động, khi phát hiện có sự cố phải lập tức báo cáo thuyền trưởng.”
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Lập kế hoạch chuyến đi, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, giám sát thuyền viên thực hiện đúng kế hoạch chuyến đi và nhiệm vụ trực ca, phương tiện mang cấp VR-SB khi hoạt động trên tuyến vận tải ven biển phải chuẩn bị đầy đủ hải đồ được cập nhật mới nhất theo quy định, phân công trực ca trình thuyền trưởng duyệt.”
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 6 Điều 9 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Quản lý, nắm vững tình trạng kỹ thuật hệ thống động lực; tổ chức phân công, giám sát thuyền viên bộ phận máy trong quá trình vận hành. Trường hợp phương tiện có nhiều hơn một máy phó, trách nhiệm của từng máy phó do máy trưởng phân công cụ thể.”
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 như sau:
“6. Quản lý các hồ sơ, tài liệu kỹ thuật thuộc bộ phận máy và tổ chức ghi chép sổ nhật ký máy. Hàng ngày kiểm tra việc ghi chép và ký xác nhận nhật ký máy.”
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 20 như sau:
“3. Cơ quan đóng dấu treo và dấu giáp lai các trang sổ nhật ký hành trình và sổ nhật ký máy: Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ hàng hải hoặc đại diện Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa hoặc đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa.”
6. Thay thế Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa bằng Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
7. Bãi bỏ khoản 8 Điều 4 và khoản 1, khoản 2 Điều 20 Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2023.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.