• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 23/02/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 16/04/2009
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 94/2004/QĐ-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bến Tre, ngày 20 tháng 1 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Về việc sửa đổi một số điều của Quy chế cho vay có bảo đảm

bằng cầm cố giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước Việt

Nam đối với các ngân hàng ban hành kèm theo Quyết

định số 1452/2003/QĐ-NHNN ngày 03/11/2003 của

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12/12/1997; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 10/2003/QH11 ngày 17/6/2003 và Luật Các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12/12/1997;

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tín dụng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi một số điều của Quy chế cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1452/2003/QĐ-NHNN ngày 03/11/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước như sau:

1. Điều 7 được sửa đổi như sau:

"Điều 7. Tài sản cầm cố

Tài sản cầm cố bao gồm:

1. Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước;

2. Trái phiếu Chính phủ, gồm:

a) Tín phiếu Kho bạc,

b) Trái phiếu Kho bạc,

c) Trái phiếu công trình Trung ương,

d) Trái phiếu ngoại tệ,

đ) Công trái xây dựng Tổ quốc,

3. Các giấy tờ có giá khác được sử dụng làm tài sản cầm cố do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ."

2. Điều 16 được sửa đổi như sau:

"Điều 16. Xử lý tài sản cầm cố khi phải thu hồi nợ bắt buộc

Việc xử lý tài sản cầm cố khi phải thu hồi nợ bắt buộc thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc xử lý tài sản cầm cố của các ngân hàng vay vốn tại Ngân hàng Nhà nước."

3. Điều 19 được sửa đổi như sau:

"Điều 19. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Vụ Chính sách tiền tệ:

a) Xác định mức cung ứng tiền cho mục tiêu tái cấp vốn hàng quý, hàng năm, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định, bao gồm cả mức cung ứng dành cho nghiệp vụ cầm cố giấy tờ có giá và thông báo tới các đơn vị liên quan;

b) Phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cho vay cầm cố.

2. Vụ Tín dụng:

a) Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị vay vốn của ngân hàng có trụ sở chính tại Hà Nội;

b) Trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đề nghị vay cầm cố giấy tờ có giá của các ngân hàng; chuyển bản gốc bộ hồ sơ đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đến Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước hoặc chuyển văn bản ủy quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tới chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan qua máy Fax và theo đường bưu điện;

c) Thông báo tới ngân hàng đề nghị vay vốn về việc chấp thuận hay không chấp thuận cho vay cầm cố giấy tờ có giá;

d) Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện việc cho vay cầm cố giấy tờ có giá.

đ) Hàng tháng tổng hợp các thông tin, số liệu về nghiệp vụ cho vay cầm cố giấy tờ có giá phát sinh tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và gửi Vụ Chính sách tiền tệ.

3. Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước:

a) Thông báo công khai lãi suất cho vay cầm cố tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước;

b) Căn cứ vào bộ hồ sơ đã được Thống đốc phê duyệt (do Vụ Tín dụng gửi), làm thủ tục ký hợp đồng cho vay cầm cố giấy tờ có giá, thực hiện cho vay và thu hồi nợ gốc và lãi theo quy định tại Quy chế này;

c) Thực hiện việc lưu giữ, bảo quản, bàn giao an toàn hồ sơ, tài liệu, tài sản cầm cố và thực hiện hạch toán theo quy định;

d) Hàng tháng tổng hợp các thông tin, số liệu về nghiệp vụ cho vay cầm cố giấy tờ có giá, phát hiện kịp thời các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện gửi Vụ Tín dụng để tổng hợp báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

4. Vụ Kế toán - Tài chính hướng dẫn hạch toán cho vay cầm cố giấy tờ có giá;

5. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Thông báo công khai lãi suất cho vay cầm cố tại trụ sở chi nhánh Ngân hàng Nhà nước,

b) Tiếp nhận và kiểm tra bộ hồ sơ đề nghị vay vốn của ngân hàng xin vay trên địa bàn;

c) Trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt mức cho vay tối đa thông qua Vụ Tín dụng (gửi qua máy Fax của Vụ Tín dụng đồng thời gửi Vụ Tín dụng bản chính văn bản trình Thống đốc và bản sao bộ hồ sơ đề nghị vay vốn của ngân hàng);

d) Thực hiện nghiệp vụ cho vay cầm cố sau khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ủy quyền bằng văn bản (bản Fax); thu hồi nợ gốc, lãi theo quy định tại Quy chế này;

đ) Thực hiện lưu giữ, bảo quản, bàn giao an toàn hồ sơ, tài liệu, tài sản cầm cố và thực hiện hạch toán theo quy định;

e) Hàng tháng tổng hợp các thông tin, số liệu về nghiệp vụ cho vay cầm cố, phát hiện kịp thời các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện gửi Vụ Tín dụng để tổng hợp báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước."

4. Bãi bỏ khoản 4 Điều 3 và khoản 5 Điều 8.

5. Thay thế 05 mẫu, biểu đính kèm Quyết định số 1452/2003/QĐ-NHNN ngày 03/11/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bằng 05 mẫu, biểu đính kèm Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc (Giám đốc) các ngân hàng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thống đốc

(Đã ký)

 

Lê Đức Thuý

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.