• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 21/09/2003
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 178/2003/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bến Tre, ngày 3 tháng 9 năm 2003

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Phê duyệt Đề án Tuyên truyền Chương trình tổng thể cải cách

hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ  

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

 

QUYẾT ĐỊNH: 

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tuyên truyền Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010.

Điều 2. Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai thực hiện Đề án này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Đề án Tuyên truyền Chương trinh tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010

(Ban hành kèm theo Quyết định số 178/2003/QĐ-TTg

ngày 03tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ)

 

Phần I

MỤC TIÊU, YÊU CẦU TUYÊN TRUYỀN CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH

HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2001 - 2010

 

I. Mục tiêu

1. Cán bộ, công chức, các tầng lớp nhân dân có nhận thức đầy đủ, rõ ràng và thống nhất về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, cụ thể là:

Thực trạng nền hành chính nhà nước; những thuận lợi, khó khăn trong công cuộc cải cách hành chính.

Mục tiêu của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

Nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

Quan điểm, kế hoạch cụ thể và biện pháp tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

Nhiệm vụ của các cấp, các ngành và của toàn dân trong việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

2. Cán bộ, công chức có thái độ tích cực, động cơ đúng đắn, thực sự tham gia hăng hái vào công cuộc cải cách hành chính nhà nước và kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức thực sự là những người có vai trò quyết định đến sự thành công của công cuộc cải cách hành chính.

Khơi dậy ý thức tự giác rèn luyện, tu dưỡng, đề cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

3. Các cấp uỷ đảng, tổ chức chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể cũng như đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức hành chính hành động nhất quán để tạo ra động lực và bước phát triển mới trong công cuộc cải cách hành chính.

II. Yêu cầu

1. Thực hiện công tác tuyên truyền có hiệu quả và theo đúng lộ trình đã xác định trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

2. Phổ biến, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, thường xuyên, liên tục, rộng khắp, nhiều tuyến, nhiều chiều, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và nhiệm vụ của từng đối tượng, trên từng địa bàn, từng ngành, từng địa phương.

3. Gắn công tác tuyên truyền với việc thực hiện các Chương trình hành động thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; lồng ghép việc tuyên truyền cải cách hành chính nhà nước với việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, về đổi mới hệ thống chính trị, cải cách lập pháp, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; gắn việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể với các hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

4. Đáp ứng có hiệu quả nhu cầu hiểu biết của cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân những kiến thức cơ bản về cải cách bộ máy nhà nước và cải cách hành chính nhà nước, góp phần nâng cao dân trí, phát triển và hoàn thiện toàn diện con người mới xã hội chủ nghĩa, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Phần II

ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, HÌNH THỨC VÀ CÁC BIỆN PHÁP TUYÊN TRUYỀN CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2001 - 2010

I. Đối tượng tuyên truyền

Đối tượng tuyên truyền về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001- 2010, gồm toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị Việt Nam và mọi tầng lớp nhân dân.

II. Nội dung tuyên truyền

1. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức:

Nội dung trọng tâm của công tác tuyên truyền đối với đội ngũ cán bộ, công chức:

Nội dung Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước: cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công.

Nội dung cụ thể của 7 chương trình hành động thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; kế hoạch hàng năm của Chính phủ về cải cách hành chính.

Những vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vai trò của Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp, các ngành trong quản lý kinh tế - xã hội; tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp; quy chế làm việc của Chính phủ, của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp; quy chế công vụ và chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức; kinh nghiệm của nước ngoài về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Các mô hình, cơ chế đang thí điểm trong quá trình cải cách hành chính, các điển hình tốt trong cải cách hành chính ở Trung ương và địa phương.

Những cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt và chưa tốt công tác cải cách hành chính.

Những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, nguyên nhân cần khắc phục trong quá trình thực hiện cải cách hành chính nhà nước.

Ngoài những vấn đề chung như đã nêu ở trên, nội dung tuyên truyền có trọng tâm phù hợp với đặc thù của từng loại đối tượng cán bộ, công chức, cụ thể là:

a) Đối với người lãnh đạo các cấp ủy đảng, tổ chức chính trị - xã hội:

Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới từng bước hệ thống chính trị, bảo đảm sự đồng bộ giữa cải cách kinh tế, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và đổi mới phương thức, nội dung lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội đối với nhiệm vụ triển khai công tác cải cách hành chính ở từng cấp, ngành, lĩnh vực, từng đơn vị đến từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên.

b) Đối với cán bộ, công chức hành chính:

Phổ biến, quán triệt nội dung các vấn đề liên quan đến kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

Tuyên truyền, giáo dục về quyền và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức công vụ của người cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước.

Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn công chức, chế độ tuyển dụng, khen thưởng, kỷ luật, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt đối với công chức trong bộ máy hành chính nhà nước.

Tuyên truyền, phổ biến Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động ở cơ quan.

c) Đối với cán bộ cấp cơ sở:

Tuyên truyền những quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp cơ sở.

Trách nhiệm của cán bộ cơ sở trong giải quyết công việc của công dân, tổ chức.

Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Những mô hình tốt về cải cách hành chính ở cấp cơ sở.

d) Đối với viên chức sự nghiệp:

Chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xã hội hoá, tình hình thực hiện.

Quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm của viên chức sự nghiệp.

Tiêu chuẩn viên chức sự nghiệp, chế độ tuyển dụng, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ, chính sách có liên quan.

Cơ chế tổ chức, nhân sự và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp nhà nước.

Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động ở cơ quan.

đ) Đối với cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước:

Vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế theo quan điểm của Đảng.

Nội dung cải cách kinh tế kết hợp với cải cách hành chính.

Quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước.

2. Tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân:

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; 7 chương trình hành động thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

Các kết quả đạt được qua quá trình thực hiện cải cách hành chính nhà nước.

Các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong mối quan hệ với cơ quan hành chính nhà nước.

Thủ tục hành chính trong giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính nhà nước với công dân trên các lĩnh vực: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký kinh doanh, công chứng, hộ tịch, hộ khẩu, xuất nhập cảnh, xử phạt vi phạm hành chính, khiếu nại tố cáo, ...

Trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết các công việc của công dân.

III. Một số hình thức, biện pháp chung tuyên truyền về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước

1. Huy động và sử dụng mọi phương tiện thông tin đại chúng như các đài phát thanh, đài truyền hình, các báo viết ở Trung ương và địa phương, các tạp chí, tập san chuyên ngành trong việc tuyên truyền, phổ biến về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước. Củng cố, phát triển, mở rộng đội ngũ làm công tác tuyên truyền phổ biến cải cách hành chính.

2. Tổ chức biên soạn và phát hành rộng rãi các tài liệu, tờ gấp thông tin về cải cách hành chính, thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước phù hợp với từng mục tiêu, yêu cầu, nội dung tuyên truyền, phổ biến đến từng loại đối tượng.

3. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến và quán triệt nội dung, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức.

4. Đưa nội dung cải cách hành chính nhà nước, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước một cách thích hợp vào chương trình giảng dạy chuyên đề hoặc ngoại khoá của hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

5. Đưa nội dung thông tin về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước một cách thích hợp vào chương trình họp báo định kỳ của Chính phủ.

 

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Cơ quan chỉ đạo

Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước đến các cấp, các ngành và toàn xã hội.

II. Cơ quan đầu mối tổng hợp

Bộ Nội vụ, cơ quan thường trực công tác cải cách hành chính của Chính phủ có nhiệm vụ làm đầu mối tổng hợp trong các hoạt động liên quan đến công tác phổ biến, tuyên truyền Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

III. Nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp

1. Theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước và các chương trình hành động thực hiện Chương trình tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và trên cơ sở Đề án này, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bám sát tình hình và nhiệm vụ cải cách hành chính của bộ, ngành, cấp mình, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến về công tác cải cách hành chính.

2. Chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các cơ quan thông tin đại chúng, mạng lưới thông tin cơ sở để tổ chức tuyên truyền về cải cách hành chính, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

3. Chú trọng phổ biến, quán triệt, tổ chức và hướng dẫn thực hiện công tác cải cách hành chính của bộ, ngành, cấp mình đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc.

4. Huy động, bố trí và sử dụng cán bộ làm công tác liên quan trực tiếp đến cải cách hành chính, lựa chọn đội ngũ cán bộ có năng lực và trình độ hiểu biết về Nhà nước và pháp luật, về hành chính nhà nước thực hiện và theo dõi việc tuyên truyền, phổ biến về cải cách hành chính nhà nước.

5. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để lồng ghép thích hợp công tác tuyên truyền Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được xác định trong Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 - 2007 ban hành kèm theo Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.

6. Sáu tháng và một năm, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện và đề ra phương hướng tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến về cải cách hành chính gửi về Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi quản lý trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm cá nhân về tổ chức công tác phổ biến, tuyên truyền cải cách hành chính và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

Ngoài nhiệm vụ chung, các bộ, cơ quan, tổ chức dưới đây có các nhiệm vụ cụ thể sau:

a) Bộ Nội vụ:

Theo dõi, tổng hợp, đánh giá định kỳ hàng năm về tình hình thực hiện công tác tuyên truyền, kịp thời đề xuất phương hướng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ điều chỉnh, bổ sung các biện pháp, hình thức tuyên truyền thích hợp.

Tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

Tổ chức hội thảo, tập huấn kịp thời cho các đối tượng có liên quan trong công tác tuyên truyền cải cách hành chính theo từng chuyên đề, phù hợp với yêu cầu triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

b) Bộ Văn hoá - Thông tin:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình tăng cường thông tin tuyên truyền về cải cách hành chính nhà nước, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

c) Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Chỉ đạo việc tăng cường công tác giảng dạy và học tập về Nhà nước và pháp luật, về hành chính nhà nước và cải cách hành chính nhà nước trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

d) Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các đài phát thanh và truyền hình địa phương:

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam mở chuyên mục phát sóng định kỳ về cải cách hành chính nhà nước, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước mỗi tuần một lần, thời lượng phát sóng mỗi lần ít nhất 15 phút.

Thông tấn xã Việt Nam chỉ đạo các phân xã trong và ngoài nước, các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

Các đài phát thanh và truyền hình địa phương thực hiện phát sóng định kỳ, thường xuyên các chương trình có nội dung liên quan tới công tác cải cách hành chính ở địa phương và toàn quốc, mỗi tuần phát sóng một lần, thời lượng mỗi lần ít nhất 15 phút.

đ) Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, các viện nghiên cứu, trường đại học:

Tăng cường công tác nghiên cứu lý luận về Nhà nước và pháp luật, hành chính nhà nước, cải cách hành chính nhà nước và việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010.

e) Các trường hành chính, chính trị thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Tăng cường công tác nghiên cứu, giảng dạy về cải cách hành chính nhà nước, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010.

g) Các báo viết, tạp chí, tập san ở Trung ương; các báo viết, tạp chí, tập san của bộ, ngành; các báo viết của địa phương:

Mở chuyên trang, chuyên mục về tình hình thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010.

IV. Kinh phí thực hiện tuyên truyền

Kinh phí cho công tác tuyên truyền Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 do ngân sách nhà nước đảm bảo. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lập dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền trong dự toán ngân sách hàng năm gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.