CHÍNH PHỦ
Số:
32/2001/NĐ-CP
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bến Tre,
ngày
5 tháng
7 năm
2001
|
NGHỊ ĐỊNH
Hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh Thương phiếu
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Thương phiếu ngày 24 tháng 12 năm 1999;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thương phiếu.
2. Các quy định của Pháp lệnh Thương phiếu và Nghị định này điều chỉnh các quan hệ thương phiếu phát sinh từ hoạt động thương mại, trong đó có sự tham gia của một hoặc một số tổ chức tín dụng vào quan hệ thương phiếu với tư cách là người chấp nhận cho vay để thanh toán thương phiếu hoặc người bảo lãnh cho người bị ký phát, người phát hành thương phiếu tại nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng của Nghị định này bao gồm:
1. Người tham gia quan hệ thương phiếu với tư cách của người ký phát, người phát hành, người bị ký phát, người chuyển nhượng, người thụ hưởng, người bảo lãnh, người nhận cầm cố phải là các doanh nghiệp quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Thương phiếu, trừ trường hợp người nước ngoài tham gia quan hệ thương phiếu với tư cách là người thụ hưởng.
2. Tổ chức tín dụng không được tham gia vào quan hệ thương phiếu với tư cách là người phát hành, người ký phát.
Điều 3. Thời hạn thanh toán thương phiếu
Thời hạn thanh toán thương phiếu do người bán hàng hóa, người cung ứng dịch vụ thương mại và người mua hàng hóa, người nhận dịch vụ thương mại thoả thuận xác định và ghi trên thương phiếu, nhưng không quá 180 ngày đối với các thương phiếu sử dụng trong hoạt động thương mại trong nước và không quá 364 ngày đối với thương phiếu sử dụng trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam với thương nhân nước ngoài, trừ thương phiếu được ký phát để thanh toán ngay khi xuất trình. Trường hợp vượt quá thời hạn trên phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản.
Điều 4. Thương phiếu ghi trả bằng ngoại tệ
1. Thương phiếu chỉ được ghi trả bằng ngoại tệ khi phát sinh từ hoạt động thương mại, trong đó một bên tham gia là người không cư trú.
2. Thương phiếu ghi trả bằng ngoại tệ theo quy định tại khoản 1 Điều này được thanh toán bằng ngoại tệ khi người thụ hưởng cuối cùng được phép thu ngoại tệ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
3. Thương phiếu được ghi trả bằng ngoại tệ nhưng không phù hợp với quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối thì số tiền trên thương phiếu được thanh toán bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán.
Điều 5. Mẫu thương phiếu, ngôn ngữ trên thương phiếu.
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thiết kế, tổ chức in ấn mẫu thương phiếu. Việc cung cấp mẫu thương phiếu cho các doanh nghiệp sử dụng được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2. Thương phiếu do doanh nghiệp phát hành phải được lập bằng tiếng Việt trên mẫu in sẵn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trường hợp quan hệ thương phiếu có yếu tố nước ngoài thì thương phiếu phát hành tại Việt Nam phải được lập bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Điều 6. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. "Quan hệ thương phiếu phát sinh từ hoạt động thương mại" là quan hệ thương phiếu phát sinh trên cơ sở một thương phiếu được phát hành để thanh toán một giao dịch mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ thương mại;
2."Chữ ký của người có quyền và nghĩa vụ trên thương phiếu" là chữ ký bằng tay trực tiếp trên thương phiếu kèm theo việc đóng dấu (nếu có) của người có quyền và nghĩa vụ đối với thương phiếu, hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Chương II
CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 7. Tờ phụ đính kèm thương phiếu
Trong trường hợp sử dụng tờ phụ đính kèm theo thương phiếu theo quy định tại khoản 3 Điều 11 và khoản 3 Điều 17 Pháp lệnh Thương phiếu, thì tờ phụ đính kèm phải có kích thước tương đương kích thước của thương phiếu và được sử dụng để ghi nội dung bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu qua ngân hàng khi thương phiếu không còn chỗ để ghi các nội dung này. Tờ phụ chỉ có giá trị khi được đính kèm theo thương phiếu.
Điều 8. Chấp nhận hối phiếu
1. Việc xuất trình hối phiếu để chấp nhận được coi là hợp lệ khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Do người thụ hưởng hoặc người đại diện hợp pháp của người thụ hưởng xuất trình;
b) Chưa quá hạn thanh toán;
c) Xuất trình đúng địa chỉ của người bị ký phát quy định trên hối phiếu;
d) Hối phiếu được xuất trình trong giờ làm việc của ngày làm việc.
2. Việc xuất trình hối phiếu thông qua bưu điện dưới hình thức thư bảo đảm được coi là xuất trình hợp lệ. Ngày xuất trình hối phiếu để chấp nhận trong trường hợp này được tính theo dấu bưu điện nơi gửi.
3. Người bị ký phát phải ký chấp nhận ngay khi hối phiếu được xuất trình hợp lệ theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều này. Hối phiếu được coi là bị từ chối chấp nhận, nếu không được người bị ký phát ký chấp nhận ngay khi xuất trình, nhưng người bị ký phát phải có văn bản từ chối chấp nhận hối phiếu và nêu rõ lý do.
4. Việc chấp nhận hối phiếu của người bị ký phát được coi là hợp lệ khi được ghi trên hối phiếu đầy đủ nội dung quy định tại Điều 14 Pháp lệnh Thương phiếu.
Điều 9. Phát hành thương phiếu
1. Thương phiếu thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh Thương phiếu và Nghị định này được phát hành theo một trong các trường hợp sau đây:
a) Người bán hàng hoá, người cung ứng dịch vụ thương mại lập, ký phát hành hối phiếu, yêu cầu người bị ký phát là người mua hàng hoá, người nhận dịch vụ thương mại thanh toán số tiền ghi trên hối phiếu và được tổ chức tín dụng bảo lãnh cho người bị ký phát thanh toán khi hối phiếu đến hạn;
b) Người mua hàng hoá, người nhận dịch vụ thương mại lập, ký phát hành hối phiếu và được tổ chức tín dụng ký chấp nhận cho vay để thanh toán tiền cho người thụ hưởng;
c) Người mua hàng hoá, người nhận dịch vụ thương mại là người phát hành lệnh phiếu cam kết thanh toán tiền cho người thụ hưởng và được tổ chức tín dụng bảo lãnh cho người phát hành.
2. Tổ chức tín dụng tham gia quan hệ thương phiếu theo quy định của Nghị định này phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản.
Điều 10. Nghĩa vụ của người có liên quan
1. Người ký phát có nghĩa vụ sau đây:
a) Chịu trách nhiệm cuối cùng về việc thanh toán số tiền trên hối phiếu nếu người bị ký phát từ chối chấp nhận, một phần hoặc toàn bộ số tiền ghi trên hối phiếu được xuất trình đề nghị chấp nhận theo quy định tại Nghị định này;
b) Thanh toán số tiền trên hối phiếu nếu người chấp nhận từ chối thanh toán đầy đủ số tiền ghi trên hối phiếu, khi hối phiếu được xuất trình đề nghị thanh toán đúng quy định;
2. Người bị ký phát chấp nhận hối phiếu có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thanh toán hối phiếu đã chấp nhận;
b) Chịu trách nhiệm cuối cùng về việc thanh toán số tiền đã ký chấp nhận trên hối phiếu;
3. Người phát hành lệnh phiếu chịu trách nhiệm cuối cùng về việc thanh toán số tiền ghị trên lệnh phiếu cho người bán hàng hoá, người cung ứng dịch vụ thương mại hoặc người nhận chuyển nhượng lệnh phiếu khi lệnh phiếu được xuất trình thanh toán đúng hạn tại địa điểm thanh toán ghi trên lệnh phiếu.
4. Người bảo lãnh có nghĩa vụ thanh toán đúng số tiền cam kết bảo lãnh mà người được bảo lãnh không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán thương phiếu khi đến hạn.
5. Người chuyển nhượng thương phiếu có nghĩa vụ thanh toán thương phiếu đối với người thụ hưởng sau mình, nếu thương phiếu không được thanh toán đầy đủ khi đến hạn.
Điều 11. Bảo lãnh thương phiếu
1. Bảo lãnh thương phiếu là việc người thứ ba, sau đây gọi tắt là người bảo lãnh cam kết với người nhận bảo lãnh (người thụ hưởng) sẽ thanh toán toàn bộ hoặc một phần số tiền được ghi trên thương phiếu, nếu đến hạn thanh toán người được bảo lãnh (người bị ký phát hoặc người phát hành hoặc người chuyển nhượng) không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ số tiền ghi trên thương phiếu.
2. Người bảo lãnh cho người phát hành, người chấp nhận có nghĩa vụ thanh toán số tiền đã bảo lãnh khi thương phiếu không được người phát hành, người chấp nhận thanh toán đầy đủ số tiền ghi trên thương phiếu.
3. Người bảo lãnh cho người ký phát có nghĩa vụ thanh toán số tiền đã bảo lãnh khi người ký phát không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thương phiếu đến hạn.
4. Việc bảo lãnh thương phiếu phải lập thành văn bản riêng hoặc ghi trên thương phiếu. Văn bản bảo lãnh thương phiếu không phải có sự công chứng hoặc chứng thực của cơ quan công chứng hoặc ủy ban nhân dân các cấp, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
5. Việc bảo lãnh không được huỷ bỏ, trừ trường hợp sau đây:
a) Thương phiếu không lập trên mẫu in sẵn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
b) Thương phiếu không lập bằng tiếng Việt hoặc tiếng Việt và tiếng Anh trong trường hợp có yếu tố nước ngoài;
c) Hối phiếu thiếu một trong các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh Thương phiếu;
d) Lệnh phiếu thiếu một trong các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 17 Pháp lệnh Thương phiếu.
6. Sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, người bảo lãnh được tiếp nhận các quyền của người được bảo lãnh đối với các bên có liên quan, kể cả tài sản bảo đảm của người được bảo lãnh.
7. Người bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh có quyền yêu cầu người được bảo lãnh, người phát hành, người bị ký phát đã ký chấp nhận liên đới thực hiện nghĩa vụ trả số tiền bảo lãnh đã thanh toán.
8. Việc bảo lãnh của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Nghị định này và các quy định hiện hành khác liên quan đến bảo lãnh ngân hàng.
Điều 12. Cầm cố thương phiếu
Thương phiếu được cầm cố khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Được phát hành phù hợp với quy định của Pháp lệnh Thương phiếu và Nghị định này;
2. Không có cụm từ "cấm chuyển nhượng" trên thương phiếu;
3. Chưa quá hạn thanh toán;
4. Đối với hối phiếu phải được chấp nhận trước khi cầm cố.
Điều 13. Thời hạn và thủ tục cầm cố thương phiếu
1. Thời hạn cầm cố thương phiếu không được vượt quá thời hạn thanh toán còn lại của thương phiếu, kể từ thời điểm cầm cố đến ngày đến hạn thanh toán ghi trên thương phiếu.
2. Thủ tục cầm cố thương phiếu được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thương phiếu và các quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 14. Xử lý thương phiếu được cầm cố
1. Khi người cầm cố thương phiếu hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ được bảo đảm, thì người nhận cầm cố phải hoàn trả thương phiếu cho người cầm cố và ghi trên mặt sau thương phiếu hoặc tờ phụ đính kèm cụm từ "chấm dứt cầm cố".
2. Trong trường hợp người cầm cố không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ được bảo đảm trong thời hạn được các bên thoả thuận, thì người nhận cầm cố trở thành người thụ hưởng thương phiếu. Đến hạn thanh toán thương phiếu, người nhận cầm cố được xuất trình thương phiếu để thanh toán. Nếu số tiền thu được từ việc thanh toán thương phiếu chưa đủ để thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm, thì người cầm cố có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đã cam kết với người nhận cầm cố. Nếu số tiền thu được từ việc thanh toán thương phiếu nhiều hơn số tiền thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm, người nhận cầm cố phải hoàn trả số tiền còn lại cho người cầm cố.
Điều 15. Chuyển nhượng thương phiếu
1. Thương phiếu được chuyển nhượng giữa các doanh nghiệp.
2. Thương phiếu được chuyển nhượng khi người thụ hưởng ký vào mặt sau thương phiếu và chuyển giao thương phiếu cho người được chuyển nhượng. Người được chuyển nhượng trở thành người thụ hưởng kể từ thời điểm nhận được thương phiếu.
3. Khi phát hành thương phiếu, người ký phát hành, người phát hành có thể không cho chuyển nhượng thương phiếu bằng cách ghi trên thương phiếu cụm từ "không chuyển nhượng".
4. Khi chuyển nhượng thương phiếu, người chuyển nhượng có thể không cho chuyển nhượng tiếp thương phiếu bằng cách ghi vào nội dung chuyển nhượng cụm từ "không chuyển nhượng".
5. Người ký phát, người phát hành hoặc người chuyển nhượng không chịu trách nhiệm với người thụ hưởng nhận chuyển nhượng thương phiếu không được chuyển nhượng theo quy định tại khoản 3 và 4 Điều này.
6. Việc chiết khấu, tái chiết khấu thương phiếu của các tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định điều kiện và các loại thương phiếu được tổ chức tín dụng chiết khấu, tái chiết khấu trong từng thời kỳ.
Điều 16. Người thụ hưởng nước ngoài
1. Lệnh phiếu được phát hành hoặc chuyển nhượng cho người thụ hưởng là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam, pháp nhân nước ngoài không được phép hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phải được sự chấp thuận trước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định thủ tục và điều kiện chấp thuận việc phát hành và chuyển nhượng lệnh phiếu cho người thụ hưởng là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam, pháp nhân nước ngoài không được phép hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Điều 17. Xuất trình thương phiếu để thanh toán
1. Khi đến hạn thanh toán ghi trên thương phiếu, người thụ hưởng có quyền xuất trình thương phiếu tại địa điểm thanh toán để yêu cầu người bị ký phát đối với hối phiếu hoặc người phát hành đối với lệnh phiếu thanh toán thương phiếu vào ngày thương phiếu đến hạn thanh toán hoặc trong thời hạn hai ngày làm việc tiếp sau đó. Thương phiếu có thể được xuất trình để thanh toán muộn hơn thời hạn thanh toán ghi trên thương phiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Pháp lệnh Thương phiếu.
2. Thương phiếu có thời hạn thanh toán "ngay khi xuất trình" phải được xuất trình để thanh toán trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày phát hành.
3. Người thụ hưởng có quyền nhờ ngân hàng thu hộ số tiền trên thương phiếu thông qua việc ký "chuyển giao để nhờ thu". Việc nhờ thu phải được người thụ hưởng ghi đầy đủ cụm từ "chuyển giao để nhờ thu", tên ngân hàng thu hộ, ngày chuyển giao để nhờ thu, chữ ký của người nhờ thu. Ngân hàng thu hộ được thu phí theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thủ tục nhờ thu thương phiếu qua ngân hàng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
4. Người thụ hưởng có thể xuất trình thương phiếu để thanh toán qua bưu điện theo hình thức thư bảo đảm. Thời hạn xuất trình thương phiếu để thanh toán trong trường hợp này được tính theo dấu bưu điện nơi gửi.
5. Người bị ký phát, người phát hành phải thanh toán thương phiếu được xuất trình cho người thụ hưởng trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thương phiếu.
Điều 18. Hoàn thành nghĩa vụ thanh toán trong trường hợp người thụ hưởng huỷ bỏ thương phiếu.
1. Việc thanh toán thương phiếu được coi là hoàn thành khi người thụ hưởng huỷ bỏ thương phiếu theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Khi huỷ bỏ thương phiếu, người thụ hưởng phải ghi rõ việc huỷ bỏ thương phiếu trên tờ thương phiếu với cụm từ "huỷ bỏ thương phiếu", ngày huỷ bỏ và ký tên, đồng thời chuyển giao tờ thương phiếu bị huỷ bỏ cho người phát hành, người chấp nhận.
Điều 19. Quyền truy đòi
Người thụ hưởng có quyền truy đòi đối với những người sau đây:
1. Người ký phát, người bảo lãnh trong trường hợp hối phiếu bị từ chối chấp nhận một phần hoặc toàn bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Pháp lệnh Thương phiếu;
2. Người ký phát hoặc người phát hành, người chuyển nhượng, người bảo lãnh, khi thương phiếu đến hạn thanh toán mà không được thanh toán theo nội dung của thương phiếu;
3. Người ký phát, người chuyển nhượng, người bảo lãnh trong trường hợp người bị ký phát bị tuyên bố phá sản hoặc giải thể, nếu hối phiếu đã được chấp nhận;
4. Người ký phát, người bảo lãnh trong trường hợp người ký phát bị tuyên bố phá sản hoặc giải thể, nếu hối phiếu chưa được chấp nhận;
5. Người ký phát, người bảo lãnh trong trường hợp người bị ký phát bị tuyên bố phá sản hoặc giải thể, nếu hối phiếu chưa được chấp nhận.
Điều 20. Thông báo về việc từ chối chấp nhận hoặc từ chối thanh toán
Thông báo về việc từ chối chấp nhận hoặc từ chối thanh toán được coi là hợp lệ khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Việc thông báo được thực hiện trong thời hạn quy định tại Điều 40 Pháp lệnh Thương phiếu;
2. Việc thông báo do người thụ hưởng, người chuyển nhượng hoặc người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền của người thụ hưởng, người chuyển nhượng thực hiện;
3. Việc thông báo phải được thực hiện bằng văn bản.
Điều 21. Chấp nhận truy đòi
1. Khi nhận được thông báo về việc thương phiếu bị từ chối chấp nhận hoặc từ chối thanh toán, người chuyển nhượng, người ký phát, người phát hành có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho người thụ hưởng trong vòng 4 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.
2. Nếu chấp nhận thông báo, người chuyển nhượng đã trả tiền cho người thụ hưởng được quyền truy đòi số tiền đã thanh toán theo quy định của Pháp lệnh Thương phiếu.
Điều 22. Quyền khởi kiện
1. Người thụ hưởng không nhận được số tiền trên thương phiếu có quyền khởi kiện những người có liên quan theo các quy định tại Mục II Chương IV Pháp lệnh Thương phiếu và các quy định của pháp luật.
2. Sau khi khởi kiện hoặc một số người có liên quan mà chưa nhận đủ số tiền ghi trên thương phiếu, người thụ hưởng có quyền khởi kiện tiếp những người có liên quan khác.
3. Người có liên quan bị khởi kiện theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều này có quyền khởi kiện người chuyển nhượng cho mình, hoặc người ký phát, người phát hành, hoặc người bảo lãnh (nếu có) kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ thanh toán.
Điều 23. Thời hiệu khởi kiện
1. Người thụ hưởng có quyền khởi kiện người ký phát, người phát hành, người bảo lãnh, người chuyển nhượng, người chấp nhận về số tiền quy định tại Điều 43 Pháp lệnh Thương phiếu trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày thương phiếu bị từ chối chấp nhận hoặc không được thanh toán hoặc không được thanh toán đầy đủ.
2. Người có liên quan bị khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 44 của Pháp lệnh Thương phiếu có quyền khởi kiện người ký phát, người phát hành, người chuyển nhượng cho mình, người bảo lãnh, người chấp nhận về số tiền được thanh toán quy định tại Điều 43 của Pháp lệnh Thương phiếu trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ thanh toán.
3. Trường hợp người thụ hưởng không xuất trình thương phiếu để thanh toán đúng hạn theo quy định tại Điều 34 của Pháp lệnh Thương phiếu hoặc không gửi thông báo về việc thương phiếu bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán trong thời hạn quy định tại Điều 40 của Pháp lệnh Thương phiếu, thì chỉ có quyền khởi kiện người chấp nhận, người phát hành, người ký phát trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày ký phát hành thương phiếu.
4. Trong thời hiệu khởi kiện quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này, nếu xảy ra trở ngại khách quan ngoài khả năng kiểm soát của người khởi kiện, thì thời gian diễn ra trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Chương III
XỬ LÝ VI PHẠM VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:
1. Phát hành thương phiếu trái với quy định tại Điều 9 Nghị định này;
2. Làm giả thương phiếu, sửa chữa thương phiếu làm sai lệch quyền và nghĩa vụ của những người có liên quan;
3. Không thanh toán thương phiếu hoặc cản trở việc thanh toán thương phiếu khi thương phiếu được xuất trình đúng hạn, đúng địa điểm quy định;
4. Chuyển nhượng thương phiếu đã hết hạn thanh toán hoặc đã bị từ chối chấp nhận;
5. Ký thương phiếu không đúng thẩm quyền.
Điều 25. Xử lý vi phạm
Người nào vi phạm các quy định của Nghị định này, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 26. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
2. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
TM. CHÍNH PHỦ |
Thủ tướng |
(Đã ký) |
|
Phan Văn Khải |