• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 03/06/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2017
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 32/2011/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bến Tre, ngày 19 tháng 4 năm 2011

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam ban hành

kèm theo Quyết định số 51/2005/QĐ-BGTVT ngày 12 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

_______________________________

 

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 06 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 51/2005/QĐ-BGTVT ngày 12 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi là Quyết định số 51/2005/QĐ-BGTVT) như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 51/2005/QĐ-BGTVT như sau:

1. Bổ sung các khoản 14, 15 và 16 Điều 3 như sau:

“14. Kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận công nhận năng lực các trạm thử, phòng thí nghiệm và cơ sở chế tạo liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tàu biển.

15. Xác nhận trạng thái kỹ thuật tàu biển để nhập khẩu.

16. Kiểm tra, cấp giấy chứng nhận thợ hàn, nhân viên kiểm tra vật liệu và chất lượng đường hàn bằng phương pháp không phá huỷ đối với tàu biển.”

2. Sửa đổi Điều 5 như sau:

“Điều 5. Duyệt thiết kế tàu biển, tài liệu hướng dẫn

Duyệt thiết kế tàu biển, tài liệu hướng dẫn là việc xem xét, đối chiếu sự phù hợp của hồ sơ thiết kế tàu biển, tài liệu hướng dẫn với quy định của các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam về phân cấp và đóng tàu biển, về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu và các điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với tàu biển.”

3. Sửa đổi khoản 4 Điều 6 như sau:

“4. Chủ tàu biển có nhu cầu để tổ chức đăng kiểm nước ngoài kiểm tra, phân cấp và cấp giấy chứng nhận kỹ thuật về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tàu biển, phải có giấy đề nghị gửi cho Tổ chức Đăng kiểm Việt Nam theo mẫu nêu tại Phụ lục VII.”

4. Bổ sung các Điều từ 9a đến 9m như sau:

“Điều 9a. Thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho tàu biển

1. Trình tự thực hiện

a) Tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại; nếu hồ sơ đầy đủ thì viết giấy hẹn kiểm tra thực tế theo đề nghị của người nộp hồ sơ về thời gian và địa điểm kiểm tra thực tế.

c) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra thực tế: nếu không đạt thì trả lời tổ chức, cá nhân bằng văn bản; nếu đạt thì cấp giấy chứng nhận theo quy định.

2. Cách thức thực hiện

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính, fax, email hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan Đăng kiểm.

b) Tổ chức, cá nhân nhận kết quả qua hệ thống bưu chính hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan Đăng kiểm.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ

a) Thành phần hồ sơ: giấy đề nghị (bản chính hoặc bản sao chụp trong trường hợp hồ sơ nộp qua fax hoặc email) theo mẫu nêu tại Phụ lục I đối với tàu đóng mới, Phụ lục II đối với cấp lần đầu giấy chứng nhận cho tàu đang khai thác, và Phụ lục III đối với cấp lại giấy chứng nhận cho tàu đang khai thác.

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn giải quyết

Giấy chứng nhận được cấp trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi hoàn thành kiểm tra lần đầu, định kỳ; và trong vòng 01 ngày làm việc kể từ khi hoàn thành kiểm tra hàng năm, trên đà, trung gian, bất thường và bổ sung.

5. Kết quả thực hiện thủ tục

Giấy chứng nhận theo quy định của các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam về phân cấp và đóng tàu biển, về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu và các điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

6. Yêu cầu, điều kiện cấp giấy chứng nhận

Tàu biển được cấp giấy chứng nhận phải thoả mãn các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam về phân cấp và đóng tàu biển, về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu; ngoài ra, tàu biển hoạt động tuyến quốc tế còn phải thỏa mãn các công ước quốc tế (bao gồm các bổ sung, sửa đổi): Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974; Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra năm1973 và Nghị định thư năm 1978; Công ước quốc tế về đo dung tích tàu biển năm 1969; Công ước quốc tế về mạn khô tàu biển năm 1966; Quy tắc phòng ngừa va chạm tàu thuyền trên biển năm 1972 nhằm chỉ dẫn thuyền viên đảm bảo an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với tàu biển.

7. Phí và lệ phí

Mức thu phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính và nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho cơ quan cấp giấy chứng nhận.

Điều 9b. Thủ tục duyệt các tài liệu hướng dẫn tàu biển

1. Trình tự thực hiện

a) Tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại; nếu hồ sơ đầy đủ thì viết giấy hẹn thời gian trả kết quả.

c) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra xem xét tài liệu: nếu không đạt thì trả lời tổ chức, cá nhân bằng văn bản; nếu đạt thì cấp giấy chứng nhận duyệt tài liệu theo quy định.

2. Cách thức thực hiện

Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ và nhận kết quả qua hệ thống bưu chính hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan Đăng kiểm.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ:

a) Thành phần hồ sơ

01 giấy đề nghị (bản chính) theo mẫu nêu tại Phụ lục IV và 03 bản tài liệu hướng dẫn (bản chính hoặc bản sao có chứng thực).

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn giải quyết

Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

5. Kết quả thực hiện thủ tục

Giấy chứng nhận duyệt tài liệu hướng dẫn và đóng dấu duyệt vào tài liệu.

6. Yêu cầu, điều kiện đối với tài liệu duyệt

Tài liệu hướng dẫn tàu biển phải thoả mãn quy định của các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam về phân cấp và đóng tàu biển, về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu; ngoài ra, tàu biển hoạt động tuyến quốc tế còn phải thỏa mãn các công ước quốc tế (bao gồm các bổ sung, sửa đổi): Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974; Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra năm 1973 và Nghị định thư năm 1978; Công ước quốc tế về đo dung tích tàu biển năm 1969; Công ước quốc tế về mạn khô tàu biển năm 1966; Quy tắc phòng ngừa va chạm tàu thuyền trên biển năm 1972 nhằm chỉ dẫn thuyền viên đảm bảo an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với tàu biển.

7. Phí và lệ phí

Mức thu phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính và nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho cơ quan cấp giấy chứng nhận.

Điều 9c. Thủ tục cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế tàu biển

1. Trình tự thực hiện

a) Tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại; nếu hồ sơ đầy đủ thì viết giấy hẹn thời gian trả kết quả.

c) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra xem xét tài liệu: nếu không đạt thì trả lời tổ chức, cá nhân bằng văn bản; nếu đạt thì cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế theo quy định

2. Cách thức thực hiện

Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ và nhận kết quả qua hệ thống bưu chính hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan Đăng kiểm.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ

a) Thành phần hồ sơ

01 giấy đề nghị (bản chính) theo mẫu nêu tại Phụ lục V đối với thiết kế tàu biển đóng mới và Phụ lục VI đối với thiết kế tàu biển hoán cải hoặc sửa đổi; 02 bản tài liệu thiết kế (bản chính) và số bản tổ chức, cá nhân yêu cầu duyệt thêm.

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn giải quyết

20 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ hoặc theo thỏa thuận nếu thiết kế tàu mới hoặc phức tạp.

5. Kết quả thực hiện thủ tục

Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế tàu biển và đóng dấu thẩm định vào tài liệu thiết kế.

6. Yêu cầu, điều kiện đối với thiết kế tàu biển

Hồ sơ thiết kế tàu biển phải thoả mãn quy định của các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam về phân cấp và đóng tàu biển, về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu; ngoài ra, tàu biển hoạt động tuyến quốc tế còn phải thỏa mãn các công ước quốc tế (bao gồm các bổ sung, sửa đổi): Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974; Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra năm 1973 và Nghị định thư năm 1978; Công ước quốc tế về đo dung tích tàu biển năm 1969; Công ước quốc tế về mạn khô tàu biển năm 1966; Quy tắc phòng ngừa va chạm tàu thuyền trên biển năm 1972 nhằm đảm bảo an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển của tàu biển.

7. Phí và lệ phí

Mức thu phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính và nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho cơ quan cấp giấy chứng nhận.

Điều 9d. Thủ tục cấp giấy chứng nhận dung tích tàu biển

1. Trình tự thực hiện

a) Tổ chức, cá nhân hoàn thiện 01 bộ hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại; nếu hồ sơ đầy đủ thì viết giấy hẹn thời gian trả kết quả.

c) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra hồ sơ, đo, tính dung tích và kiểm tra thực tế tại hiện trường và cấp giấy chứng nhận dung tích tàu biển.

2. Cách thức thực hiện

Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ và nhận kết quả qua hệ thống bưu chính hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan Đăng kiểm.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ

a) Thành phần hồ sơ

01 giấy đề nghị (bản chính) theo mẫu nêu tại Phụ lục I đối với tàu đóng mới hoặc Phụ lục II đối với tàu đang khai thác; 01 bộ bản vẽ kỹ thuật thân tàu (bản sao chụp); và 01 giấy chứng nhận dung tích cũ của tàu đối với tàu đang khai thác (bản sao chụp).

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn giải quyết

Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi hoàn thành việc kiểm tra tàu.

5. Kết quả thực hiện thủ tục

Giấy chứng nhận dung tích tàu biển.

6. Yêu cầu, điều kiện thực hiện

Việc đo, tính và cấp giấy chứng nhận dung tích cho tàu phải thoả mãn Quy chuẩn về đo dung tích tàu biển Việt Nam, Công ước Quốc tế về đo dung tích tàu biển năm 1969, hoặc quy định đo dung tích của Panama, kênh Suez, của quốc gia tàu mang cờ quốc tịch.

7. Phí và lệ phí

Mức thu phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính và nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho cơ quan cấp giấy chứng nhận.

Điều 9đ. Thủ tục cấp văn bản uỷ quyền cho tổ chức đăng kiểm nước ngoài kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho tàu biển Việt Nam

1. Trình tự thực hiện

a) Tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại; nếu hồ sơ đầy đủ thì viết giấy hẹn thời gian trả kết quả.

c) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành xem xét hồ sơ: nếu không đạt thì trả lời tổ chức, cá nhân bằng văn bản; nếu đạt thì lập văn bản uỷ quyền theo quy định.

2. Cách thức thực hiện

Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ và nhận kết quả qua hệ thống bưu chính, fax, email hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan Đăng kiểm.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ

a) Thành phần hồ sơ

01 giấy đề nghị ủy quyền (bản chính hoặc bản sao chụp trong trường hợp hồ sơ nộp qua fax hoặc email) theo mẫu nêu tại Phụ lục VII và 01 giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam đối với tàu mới chuyển đăng ký (bản sao chụp).

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn giải quyết

Trong vòng 01 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

5. Kết quả thực hiện thủ tục

Văn bản ủy quyền cho tổ chức đăng kiểm nước ngoài thực hiện kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho tàu biển Việt Nam theo mẫu nêu tại Phụ lục VIII.

6. Yêu cầu, điều kiện thực hiện

a) Chỉ uỷ quyền cho tổ chức đăng kiểm nước ngoài kiểm tra, phân cấp và cấp các giấy chứng nhận theo một hoặc các nội dung sau: kiểm tra và cấp giấy chứng nhận phân cấp theo quy phạm, tiêu chuẩn của tổ chức đăng kiểm nước ngoài được uỷ quyền; theo văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam; theo quy định của các điều ước quốc tế liên quan.

b) Quy phạm, tiêu chuẩn của tổ chức đăng kiểm nước ngoài được uỷ quyền có quy định về chất lượng, an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với tàu biển không được thấp hơn các quy định tương ứng của văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam.

c) Tổ chức đăng kiểm nước ngoài được ủy quyền phải thực hiện kiểm tra và cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế liên quan; thực hiện sự hợp tác, chế độ trao đổi thông tin, báo cáo theo thoả thuận với Cục Đăng kiểm Việt Nam; chấp hành các quy định liên quan khác của pháp luật Việt Nam.

Điều 9e. Thủ tục xác nhận trạng thái kỹ thuật tàu biển để nhập khẩu

1. Trình tự thực hiện

a) Tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại; nếu hồ sơ đầy đủ thì viết giấy hẹn thời gian trả kết quả.

c) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành xem xét hồ sơ: nếu không đạt thì trả lời tổ chức, cá nhân bằng văn bản; nếu đạt thì cấp văn bản xác nhận.

2. Cách thức thực hiện

Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ và nhận kết quả qua hệ thống bưu chính, fax, email hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan Đăng kiểm.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ

a) Thành phần hồ sơ

01 giấy đề nghị (bản chính) theo mẫu nêu tại Phụ lục IX và 01 hồ sơ giám định kỹ thuật tàu (bản chính hoặc bản sao chụp trong trường hợp hồ sơ nộp qua fax hoặc email).

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn giải quyết

Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

5. Kết quả thực hiện thủ tục

Văn bản xác nhận trạng thái kỹ thuật tàu biển để nhập khẩu.

6. Yêu cầu, điều kiện thực hiện

a) Nếu hồ sơ giám định được thực hiện bởi tổ chức hoặc giám định viên độc lập nước ngoài thì tổ chức hoặc giám định viên độc lập đó phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận hoặc đánh giá công nhận có năng lực phù hợp cho việc giám định tàu. Các tổ chức đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận: các thành viên của Hiệp hội các tổ chức đăng kiểm Quốc tế (IACS).

b) Tàu biển phải thoả mãn quy định của các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam về phân cấp và đóng tàu biển, về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu; ngoài ra, tàu biển hoạt động tuyến quốc tế còn phải thỏa mãn các công ước quốc tế (bao gồm các bổ sung, sửa đổi): Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974; Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra năm 1973 và Nghị định thư năm 1978; Công ước quốc tế về đo dung tích tàu biển năm 1969; Công ước quốc tế về mạn khô tàu biển năm 1966; Quy tắc phòng ngừa va chạm tàu thuyền trên biển năm 1972 nhằm đảm bảo an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển.

7. Phí và lệ phí

Mức thu phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính và nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho cơ quan cấp giấy chứng nhận.

Điều 9g. Thủ tục cấp chứng chỉ huấn luyện nghiệp vụ cán bộ quản lý an toàn công ty

1. Trình tự thực hiện

a) Cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn cá nhân hoàn thiện lại; nếu hồ sơ đầy đủ thì thống nhất với cá nhân về thời gian và địa điểm đào tạo.

c) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ.

2. Cách thức thực hiện

Cá nhân có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả qua hệ thống bưu chính hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan Đăng kiểm.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ

a) Thành phần hồ sơ

01 văn bản đề nghị (bản chính) theo mẫu nêu tại Phụ lục X và 01 ảnh mầu cỡ 4 x 6 (cm) chụp trong thời gian không quá 6 tháng trở lại (mặt sau có ghi họ, tên và ngày, tháng, năm sinh).

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn giải quyết

Chứng chỉ được cấp trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc khoá đào tạo.

5. Kết quả thực hiện thủ tục

Chứng chỉ huấn luyện nghiệp vụ cán bộ quản lý an toàn công ty.

6. Yêu cầu, điều kiện thực hiện

Cá nhân phải hoàn thành khoá đào tạo cán bộ quản lý an toàn công ty với kết quả thi cuối khóa đạt yêu cầu.

7. Phí và lệ phí

Mức thu phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính và nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho cơ quan cấp giấy chứng nhận.

Điều 9h. Thủ tục cấp giấy chứng nhận công nhận năng lực trạm thử, phòng thí nghiệm và cơ sở chế tạo liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tàu biển

1. Trình tự thực hiện

a) Tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ: nếu hồ sơ không đạt thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại; nếu hồ sơ đạt thì viết giấy hẹn kiểm tra thực tế theo đề nghị của người nộp hồ sơ về thời gian và địa điểm kiểm tra thực tế.

c) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra thực tế tại địa điểm do người nộp hồ sơ yêu cầu: nếu không đạt thì trả lời tổ chức cá nhân bằng văn bản; nếu đạt thì cấp giấy chứng nhận theo quy định.

2. Cách thức thực hiện

Tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả qua hệ thống bưu chính hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan Đăng kiểm.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ

a) Thành phần hồ sơ

01 giấy đề nghị (bản chính) theo mẫu nêu tại Phụ lục XI và 01 bộ tài liệu chứng nhận (bản sao chụp) bao gồm sổ tay chất lượng và các quy trình làm việc liên quan.

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn giải quyết

Trong vòng 05 ngày làm việc sau khi hoàn thành kiểm tra đạt kết quả theo quy định.

5. Kết quả thực hiện thủ tục

Giấy chứng nhận công nhận trạm thử, phòng thí nghiệm và cơ sở chế tạo.

6. Yêu cầu, điều kiện thực hiện

Đáp ứng thoả mãn quy định của các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam về phân cấp và đóng tàu biển, về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu; ngoài ra, trạm thử, phòng thí nghiệm và cơ sở chế tạo liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tàu biển hoạt động tuyến quốc tế còn phải thỏa mãn các công ước quốc tế (bao gồm các bổ sung, sửa đổi): Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974; Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra năm 1973 và Nghị định thư năm 1978; Công ước quốc tế về đo dung tích tàu biển năm 1969; Công ước quốc tế về mạn khô tàu biển năm 1966; Quy tắc phòng ngừa va chạm tàu thuyền trên biển năm 1972 nhằm đảm bảo an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu biển.

7. Phí và lệ phí

Mức thu phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính và nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho cơ quan cấp giấy chứng nhận.

Điều 9i. Thủ tục cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật cho công-te-nơ, máy, trang thiết bị sử dụng trên tàu biển

1. Trình tự thực hiện

a) Tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ: nếu hồ sơ không đạt thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại; nếu hồ sơ đạt thì viết giấy hẹn kiểm tra thực tế theo đề nghị của người nộp hồ sơ về thời gian và địa điểm kiểm tra thực tế.

c) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra thực tế tại địa điểm do người nộp hồ sơ yêu cầu: nếu không đạt thì trả lời tổ chức cá nhân bằng văn bản; nếu đạt thì cấp giấy chứng nhận theo quy định.

2. Cách thức thực hiện

Tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả qua hệ thống bưu chính hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan Đăng kiểm.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ

a) Thành phần

01 giấy đề nghị (bản chính) theo mẫu nêu tại Phụ lục XII; 01 bộ hồ sơ kỹ thuật (bản chính) bao gồm thông số kỹ thuật và các báo cáo kiểm tra, thử công-te-nơ, máy, trang thiết bị trong quá trình sản xuất.

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn giải quyết

Trong vòng 05 ngày làm việc sau khi hoàn thành kiểm tra đạt kết quả theo quy định.

5. Kết quả thực hiện thủ tục

Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật.

6. Yêu cầu, điều kiện thực hiện

Đáp ứng thoả mãn quy định của các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam về phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép, về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu; ngoài ra, công-te-nơ, máy, trang thiết bị sử dụng trên tàu biển hoạt động tuyến quốc tế còn phải thỏa mãn các công ước quốc tế (bao gồm các bổ sung, sửa đổi): Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974; Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra năm 1973 và Nghị định thư năm 1978; Công ước quốc tế về đo dung tích tàu biển năm 1969; Công ước quốc tế về mạn khô tàu biển năm 1966; Quy tắc phòng ngừa va chạm tàu thuyền trên biển năm 1972 nhằm đảm bảo an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển.

7. Phí và lệ phí

Mức thu phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính và nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho cơ quan cấp giấy chứng nhận.

Điều 9k. Thủ tục cấp giấy chứng nhận thợ hàn, nhân viên kiểm tra vật liệu và chất lượng đường hàn bằng phương pháp không phá hủy đối với tàu biển

1. Trình tự thực hiện:

a) Tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ: Nếu hồ sơ không đạt thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại; nếu hồ sơ đạt thì viết giấy hẹn kiểm tra tay nghề thực tế theo đề nghị của người nộp hồ sơ về thời gian và địa điểm kiểm tra thực tế.

c) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra tay nghề thực tế tại địa điểm do người nộp hồ sơ yêu cầu: nếu không đạt thì trả lời tổ chức cá nhân bằng văn bản; nếu đạt thì cấp giấy chứng nhận theo quy định.

2. Cách thức thực hiện

Tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả qua hệ thống bưu chính hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan Đăng kiểm.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ

a) Thành phần hồ sơ

01 văn bản đề nghị (bản chính) theo mẫu nêu tại Phụ lục XIII và 02 ảnh mầu cỡ 4 x 6 (cm) chụp trong thời gian không quá 6 tháng trở lại (mặt sau có ghi họ, tên và ngày, tháng, năm sinh).

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn giải quyết

Trong vòng 03 ngày làm việc sau khi hoàn tất việc kiểm tra tay nghề đạt kết quả.

5. Kết quả thực hiện thủ tục

Giấy chứng nhận.

6. Yêu cầu, điều kiện thực hiện

Đáp ứng thoả mãn quy định của các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam về phân cấp và đóng tàu biển.

7. Phí và lệ phí

Mức thu phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính và nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho cơ quan cấp giấy chứng nhận.

Điều 9l. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận phù hợp hệ thống quản lý an toàn của công ty tàu biển theo Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế

1. Trình tự thực hiện

a) Công ty tàu biển hoàn thiện hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn công ty tàu biển hoàn thiện lại; nếu hồ sơ đầy đủ thì viết giấy hẹn đánh giá thực tế theo đề nghị của người nộp hồ sơ về thời gian và địa điểm đánh giá.

c) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá hệ thống quản lý an toàn tại công ty tàu biển: nếu không đạt thì trả lời công ty tàu biển bằng văn bản; nếu đạt thì cấp giấy chứng nhận theo quy định.

2. Cách thức thực hiện

a) Công ty tàu biển nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính, fax, email hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan Đăng kiểm.

b) Công ty tàu biển nhận kết quả qua hệ thống bưu chính hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan Đăng kiểm.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ

a) Thành phần hồ sơ: giấy đề nghị theo mẫu nêu tại Phụ lục XIV (bản chính hoặc bản sao chụp trong trường hợp hồ sơ nộp qua fax hoặc email).

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn giải quyết

Giấy chứng nhận được cấp trong vòng 01 ngày làm việc kể từ khi hoàn thành đánh giá công ty.

5. Kết quả thực hiện thủ tục

Giấy chứng nhận.

6. Yêu cầu, điều kiện cấp giấy chứng nhận

Hệ thống quản lý an toàn của công ty tàu biển phải thoả mãn quy định của Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế.

7. Phí và lệ phí

Mức thu phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính và nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho cơ quan cấp giấy chứng nhận.

Điều 9m. Thủ tục cấp Giấy chứng quản lý an toàn theo Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế cho tàu biển

1. Trình tự thực hiện

a) Công ty tàu biển hoàn thiện hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn công ty tàu biển hoàn thiện lại; nếu hồ sơ đầy đủ thì viết giấy hẹn đánh giá thực tế theo đề nghị của người nộp hồ sơ về thời gian và địa điểm đánh giá.

c) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá hệ thống quản lý an toàn tại tàu biển: nếu không đạt thì trả lời công ty tàu biển bằng văn bản; nếu đạt thì cấp giấy chứng nhận theo quy định.

2. Cách thức thực hiện

a) Công ty tàu biển nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính, fax, email hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan Đăng kiểm.

b) Công ty tàu biển nhận kết quả qua hệ thống bưu chính hoặc trực tiếp tại trụ sở.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ

a) Thành phần hồ sơ: giấy đề nghị theo mẫu nêu tại Phụ lục XV (bản chính hoặc bản sao chụp trong trường hợp hồ sơ nộp qua fax hoặc email).

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn giải quyết

Giấy chứng nhận được cấp trong vòng 01 ngày làm việc kể từ khi hoàn thành đánh giá tàu.

5. Kết quả thực hiện thủ tục

Giấy chứng nhận.

6. Yêu cầu, điều kiện cấp giấy chứng nhận

Hệ thống quản lý an toàn của tàu biển phải thoả mãn quy định của Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế.

7. Phí và lệ phí

Mức thu phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính và nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho cơ quan cấp giấy chứng nhận.”

5. Thêm cụm từ “trạm thử, phòng thí nghiệm” vào sau cụm từ “sửa chữa tàu biển,” tại tiêu đề của Điều 11, khoản 2 Điều 11 và khoản 1, khoản 2 Điều 12.

6. Bãi bỏ Phụ lục 1 và Phụ lục 2 của Quy định này.

7. Bổ sung các Phụ lục mới từ I đến XV.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hồ Nghĩa Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.