• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 16/09/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 12/02/2014
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ CÔNG AN
Số: 05/2011/TTLT-BCA-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bến Tre, ngày 2 tháng 8 năm 2011

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 54/2008/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chế độ,

chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân

_____________________________

 

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 54/2008/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân;

Thực hiện Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công an;

Bộ Công an và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân như sau:

Mục 1

PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), chế độ miễn học phí, chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất đối với thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân (sau đây gọi là thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ);

2. Thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ bao gồm: bố, mẹ đẻ, người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp; bố, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của vợ hoặc chồng.

Điều 2. Đối tượng không áp dụng

1. Thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ (quy định tại khoản 2, điều 1, mục I) thôi hưởng các chế độ, chính sách quy định tại Thông tư này khi hạ sĩ quan, chiến sĩ xuất ngũ; trở thành học viên các trường Công an nhân dân; hy sinh, từ trần; bị tước danh hiệu Công an nhân dân hoặc bị trả về địa phương.

2. Thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc đối tượng quy định tại khoản 2, điều 1, mục I nếu đã thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc theo quy định của pháp luật về BHYT thì không được cấp thẻ BHYT theo quy định tại Thông tư này.

Mục 2

CHẾ ĐỘ CỤ THỂ

Điều 3. Chế độ cấp thẻ BHYT

1. Thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ quy định tại khoản 2, điều 1, mục I Thông tư này nếu không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc thì được cấp thẻ BHYT.

Mức đóng BHYT hàng tháng bằng 4,5% mức tiền lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định tại thời điểm mua thẻ BHYT.

2. Thủ tục kê khai, mua, cấp thẻ BHYT đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ:

a) Hạ sĩ quan, chiến sĩ có thân nhân đủ điều kiện cấp thẻ BHYT có trách nhiệm kê khai (theo mẫu số 01/TK-BHYTTN, kèm theo), nộp cho đơn vị nơi đang công tác.

b) Công an các đơn vị, địa phương quản lý hạ sĩ quan, chiến sĩ có trách nhiệm lập danh sách (theo mẫu số 02/BC-BHYTTN và 03/DS-BHYTTN, kèm theo) để mua và cấp thẻ BHYT đối với thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ.

c) Thẻ BHYT của thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ được đơn vị mua, cấp một lần tương ứng với thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ (tối đa 36 tháng);

d) Thời gian hoàn thành thủ tục cấp thẻ BHYT đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ không quá 45 ngày kể từ ngày nhập ngũ.

3. Trong thời gian phục vụ tại ngũ, nếu hạ sĩ quan, chiến sĩ có thân nhân đủ điều kiện được hưởng chế độ BHYT thì quy trình kê khai, mua, cấp thẻ BHYT bổ sung đối với thân nhân được thực hiện như quy định tại khoản 2, điều 3, mục II trên. Thời hạn sử dụng thẻ BHYT tương ứng với thời hạn phục vụ tại ngũ còn lại của hạ sĩ quan, chiến sĩ.

4. Trường hợp thân nhân có nhiều hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ tại ngũ (kể cả trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân) thì trách nhiệm kê khai, mua, cấp thẻ BHYT đối với thân nhân do hạ sĩ quan, chiến sĩ nhập ngũ trước thực hiện. Khi hạ sĩ quan, chiến sĩ nhập ngũ trước không thuộc đối tượng áp dụng (quy định tại khoản 1, điều 2, mục I Thông tư này) thì việc kê khai, mua, cấp thẻ BHYT bổ sung đối với thân nhân do hạ sĩ quan, chiến sĩ nhập ngũ sau thực hiện.

5. Trường hợp hạ sĩ quan, chiến sĩ xuất ngũ; trở thành học viên các trường Công an nhân dân; hy sinh, từ trần; bị tước danh hiệu Công an nhân dân hoặc bị trả về địa phương thì đơn vị quản lý hạ sĩ quan, chiến sĩ (từ cấp trung đoàn và tương đương trở xuống) có trách nhiệm thu hồi thẻ BHYT còn thời hạn sử dụng của thân nhân và gửi về đơn vị, địa phương nơi đã mua thẻ BHYT để thông báo với cơ quan bảo hiểm xã hội. Đối với trường hợp thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ hiện đang sử dụng thẻ để điều trị bệnh tại các cơ sở y tế thì tiếp tục được bảo lưu thực hiện cho hết đợt điều trị.

Điều 4. Chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất

1. Thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ quy định tại khoản 2, điều 1, mục I Thông tư này được trợ cấp khó khăn đột xuất trong các trường hợp sau:

a) Bị tai nạn, ốm đau từ một tháng trở lên hoặc phải điều trị tại bệnh viện từ 15 ngày trở lên được trợ cấp mức 300.000 đồng/suất/lần nhưng không quá 02 lần trong một năm;

b) Có nhà ở bị cháy, đổ, sập, hư hỏng nặng, lũ cuốn trôi hoặc nơi ở của gia đình nằm trong vùng mất an toàn bởi điều kiện tự nhiên gây ra cần phải di dời được trợ cấp mức 300.000 đồng/suất/lần nhưng không quá 02 lần trong một năm;

c) Bị chết, mất tích được trợ cấp khó khăn mức 600.000 đồng/suất.

Trường hợp, cùng một thời điểm hạ sĩ quan, chiến sĩ có nhiều thân nhân đủ điều kiện trợ cấp khó khăn theo các trường hợp nêu trên thì được trợ cấp tương ứng với các mức nêu trên.

Ví dụ: Đồng chí Nguyễn Văn B, chiến sĩ phục vụ có thời hạn tại Công an tỉnh L; tháng 6 năm 2008 nhà ở của gia đình bị hư hỏng nặng do thiên tai gây ra và có thân nhân bị chết, gia đình đồng chí B được trợ cấp khó khăn như sau: trợ cấp nhà bị hư hỏng 300.000 đồng; trợ cấp thân nhân bị chết 600.000 đồng. Tổng số tiền được trợ cấp là 900.000 đồng (chín trăm nghìn đồng).

2. Trường hợp gia đình có nhiều hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn thì hạ sĩ quan, chiến sĩ nhập ngũ trước thực hiện việc kê khai hưởng trợ cấp khó khăn đối với thân nhân. Nếu nhập ngũ cùng một thời điểm thì người có thứ bậc cao nhất trong gia đình có trách nhiệm kê khai đối với thân nhân hưởng trợ cấp khó khăn.

3. Thủ tục giải quyết trợ cấp khó khăn đột xuất:

a) Hạ sĩ quan, chiến sĩ có thân nhân đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp quy định tại khoản 1, điều 4, mục II Thông tư này có trách nhiệm kê khai (theo mẫu số 04/TK-TCKKĐX, kèm theo) và có một trong các giấy tờ sau:

- Xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi gia đình cư trú về mức độ thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn hoặc các trường hợp bị tai nạn, ốm đau từ 01 tháng trở lên;

- Bản photo “Giấy chứng tử” của thân nhân (đối với những trường hợp có thân nhân từ trần) hoặc “Giấy xuất viện” của thân nhân do cơ sở y tế cấp (đối với trường hợp có thân nhân điều trị tại cơ sở y tế);

b) Đơn vị quản lý trực tiếp hạ sĩ quan, chiến sĩ (đại đội, tiểu đoàn) kiểm tra, xác nhận và đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định trợ cấp khó khăn đột xuất.

c) Căn cứ tờ khai của hạ sĩ quan, chiến sĩ và các giấy tờ nêu trên, Công an các đơn vị, địa phương (cấp Cục; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) nơi hạ sĩ quan, chiến sĩ đang công tác, xem xét, quyết định trợ cấp khó khăn đột xuất đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ theo quy định.

d) Thời gian hoàn thành thủ tục trợ cấp khó khăn đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định.

Điều 5. Chế độ miễn học phí

1. Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập và cơ sở giáo dục phổ thông công lập được miễn học phí.

2. Thủ tục thực hiện chế độ miễn học phí

a) Hạ sĩ quan, chiến sĩ có con được hưởng chế độ miễn học phí, có trách nhiệm khai (theo mẫu số 05/TK-MHP, kèm theo), báo cáo đơn vị trực tiếp quản lý (đại đội hoặc tiểu đoàn) xác nhận, gửi cấp trung đoàn và tương đương trở lên để được cấp “Giấy chứng nhận đối tượng được hưởng chế độ miễn học phí” đối với thân nhân (theo mẫu số 06/GCN-MHP, kèm theo);

b) Đơn vị cấp Trung đoàn và tương đương trở lên, căn cứ tờ khai và đối chiếu với lý lịch của hạ sĩ quan, chiến sĩ để xét, cấp “ Giấy chứng nhận đối tượng được hưởng chế độ miễn học phí” và gửi về gia đình nơi con của hạ sĩ quan, chiến sĩ cư trú, học tập.

c) Thời gian hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận miễn học phí không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định.

3. Gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ có trách nhiệm nộp cho cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập “Giấy chứng nhận đối tượng được hưởng chế độ miễn học phí”. Cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập căn cứ “Giấy chứng nhận đối tượng được hưởng chế độ miễn học phí” thực hiện chế độ miễn học phí đối với đối tượng được hưởng và quyết toán theo chế độ tài chính hiện hành.

Thời gian hưởng chế độ miễn học phí đối với con của hạ sĩ quan, chiến sĩ được tính từ ngày cấp “Giấy chứng nhận đối tượng được hưởng chế độ miễn học phí” đến hết thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, chiến sĩ.

4. Khi con của hạ sĩ quan, chiến sĩ không đủ điều kiện hưởng chế độ miễn học phí (thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, điều 2, mục I Thông tư này) thì đơn vị quản lý hạ sĩ quan, chiến sĩ (cấp trung đoàn và tương đương trở lên) có trách nhiệm gửi thông báo về địa phương (nơi con của hạ sĩ quan, chiến sĩ học tập) để phối hợp với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập ngừng thực hiện chế độ miễn học phí đối với con của hạ sĩ quan, chiến sĩ kể từ ngày hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc đối tượng qui định tại khoản 1, điều 2, mục I Thông tư này.

Mục 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm lập dự toán kinh phí đảm bảo chế độ cấp thẻ BHYT, trợ cấp khó khăn đột xuất đối với thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ để tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của đơn vị mình gửi về Bộ Công an và thực hiện chi trả, thanh quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật trong lĩnh vực an ninh.

Điều 7. Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công an để thực hiện chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất và chế độ BHYT bắt buộc đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ theo quy định tại Thông tư này.

Điều 8. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện chế độ miễn học phí đối với con của hạ sĩ quan, chiến sĩ trên địa bàn quản lý.

Điều 9. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền cấp thẻ BHYT kịp thời đối với đối tượng theo quy định tại Thông tư này.

Điều 10. Kinh phí thực hiện chế độ cấp thẻ BHYT, chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ được Ngân sách Nhà nước đảm bảo và tính trong dự toán Ngân sách Nhà nước hàng năm của Bộ Công an.

Kinh phí thực hiện chế độ miễn học phí đối với con của hạ sĩ quan, chiến sĩ do ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Điều 11. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 9 năm 2011. Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BCA-BTC, ngày 14/4/2009 của Bộ Công an - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 54/2008/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân.

Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Bộ Công an để xem xét giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Công Nghiệp

Đặng Văn Hiếu

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.