• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/01/2000
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 05/2000/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bến Tre, ngày 5 tháng 1 năm 2000

QUYẾT ĐỊNH

Về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 95/1998/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 1998

của Thủ tướng Chính phủ về xử lý thanh toán nợ giai đoạn II

________________________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Theo đề nghị của Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương và Bộ Trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay sửa đổi, bổ sung quy định của các Điều 5, 7, 20, 25, 30 của Quyết định số 95/1998/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý thanh toán nợ giai đoạn II.

1. Điều 5 đoạn mở đầu sửa lại như sau:

"Điều 5. Các khoản nợ ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động, cơ quan tài chính cùng cấp chủ trì xử lý. Trường hợp vượt thẩm quyền thì trình cấp có thẩm quyền quyết định".

Việc phân loại nợ ngân sách Nhà nước để xử lý (các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 của Điều 5) không thay đổi.

2. Điều 7, đoạn mở đầu được sửa đổi và bổ sung như sau:

"Điều 7. Khi các khoản nợ Ngân hàng đã lên lưới thanh toán, có xác nhận của Ban thanh toán nợ địa phương, các Ngân hàng căn cứ hướng dẫn của Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương xem xét, xử lý: nếu là khoản nợ phải thu của Ngân hàng thì các Ngân hàng Thương mại quyết định xử lý từ nguồn Quỹ dự phòng tài chính của mình, nếu thiếu thì hạch toán vào kết quả kinh doanh và báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Những khoản nợ chuyển từ vốn vay thành vốn ngân sách cấp, Ngân hàng Thương mại báo cáo Liên Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để xử lý theo quy định.

Định kỳ hàng tháng Ngân hàng Thương mại báo cáo tiến độ xử lý thanh toán nợ về Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương, Bộ Tài chính.

3. Điều 20 sửa lại như sau:

"Điều 20. Đối với các khoản nợ của Dự trữ Quốc gia, căn cứ vào kết luận xử lý của Ban thanh toán nợ địa phương (được xoá nợ, hoặc giao lại cho địa phương), Cục Dự trữ Quốc gia chịu trách nhiệm xử lý và tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương và Bộ Tài chính để quyết định giảm vốn cho Cục Dự trữ Quốc gia, và định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình thực hiện với 2 cơ quan nêu trên".

4. Điều 25 sửa lại như sau:

"Điều 25. Đối với doanh nghiệp vay vốn nước ngoài có bảo lãnh của các Bộ, ngành, địa phương nhưng không trả được nợ; các Bộ, ngành, địa phương chủ trì đàm phán với chủ nợ nước ngoài để giảm số nợ phải trả (nợ gốc và lãi) đến mức thấp nhất để tổ chức bán nợ theo quy định hoặc có kế hoạch bố trí vào ngân sách cùng cấp để có nguồn trả nợ nước ngoài, doanh nghiệp mua lại nợ hoặc được ngân sách trả thay nợ nước ngoài có trách nhiệm hoàn trả ngân sách. Nếu có khó khăn, các Bộ, ngành, địa phương báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định".

5. Điều 30 sửa lại như sau:

"Điều 30. Các bên chủ nợ, con nợ, người bảo lãnh và người kế thừa chịu trách nhiệm xử lý thanh toán nợ theo Quyết định này. Trường hợp con nợ đang chấp hành án phạt tù, chưa thực hiện phần bồi thường về mặt kinh tế theo quyết định của toà án thì các khoản nợ này được giao cho Sở Tài chính địa phương theo dõi để thu dần qua cơ quan thi hành án. Cơ quan quyết định, hoặc được uỷ quyền thành lập doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc xử lý thanh toán nợ.

Các doanh nghiệp Nhà nước được xử lý một lần, hoặc nhiều lần các khoản nợ không đòi được vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 5 năm. Nếu việc xử lý vào kết quả sản xuất, kinh doanh mà doanh nghiệp giảm lãi, hoặc bị lỗ tương ứng với số nợ không đòi được của doanh nghiệp đưa xử lý vào kết quả sản xuất kinh doanh năm đó thì:

- Doanh nghiệp vẫn được quan hệ vay vốn trong các Ngân hàng Thương mại như trước khi xử lý nợ.

- Vẫn được hưởng Quỹ tiền lương như trước khi hạch toán khoản nợ khó đòi vào kết quả sản xuất, kinh doanh.

- Vẫn giữa nguyên hạng của doanh nghiệp.

- Vẫn được trích các Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi như trước khi xử lý nợ theo quy định của chế độ hiện hành.

Đối với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động có nợ lẫn nhau nếu không trực tiếp thanh toán được thì cơ quan tài chính chủ trì xử lý tăng vốn cho đơn vị mắc nợ và giảm vốn cho doanh nghiệp là chủ nợ.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ quản lý ngành và Hội đồng quản trị Tổng công ty 91 là cơ quan chỉ đạo, đề xuất biện pháp xử lý, trường hợp vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trong Quyết định số 95/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trái với nội dung quy định của Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định này. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm triển khai thực hiện Quyết định này.

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.