THÔNG TƯ
Quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin,
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động (sau đây gọi là ứng dụng di động) quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (sau đây gọi là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP).
2. Thông tư này không áp dụng đối với các ứng dụng di động trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, các ứng dụng mua bán, trao đổi tiền, vàng, ngoại hối và các phương tiện thanh toán khác, các ứng dụng thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán và dịch vụ tài chính, ứng dụng trò chơi trực tuyến, ứng dụng đặt cược hoặc trò chơi có thưởng. Các ứng dụng này chịu sự điều chỉnh của pháp luật quản lý chuyên ngành tương ứng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thông tư này áp dụng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam thông qua các ứng dụng di động, bao gồm:
a) Thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng bán hàng;
b) Thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
c) Thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để bán hàng hóa, dịch vụ;
d) Tổ chức, cá nhân thực hiện việc phản ánh trực tuyến trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.
2. Thương nhân, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này là thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam; thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Ứng dụng di động là ứng dụng cài đặt trên thiết bị di động có nối mạng cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để mua bán hàng hóa, cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ, bao gồm ứng dụng bán hàng và ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
2. Ứng dụng bán hàng là ứng dụng thương mại điện tử trên thiết bị di động do thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.
3. Ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là ứng dụng thương mại điện tử trên thiết bị di động do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại, bao gồm ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng đấu giá trực tuyến và ứng dụng khuyến mại trực tuyến.
4. Ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử là ứng dụng di động cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu ứng dụng có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.
5. Ứng dụng khuyến mại trực tuyến là ứng dụng di động do thương nhân, tổ chức thiết lập để thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại.
6. Ứng dụng đấu giá trực tuyến là ứng dụng di động cung cấp giải pháp cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu ứng dụng có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó.
7. Chức năng đặt hàng trực tuyến là chức năng của ứng dụng di động cho phép khách hàng khởi đầu quá trình giao kết hợp đồng theo những điều khoản được công bố trên ứng dụng đó, bao gồm cả việc giao kết hợp đồng với hệ thống thông tin tự động.
8. Sản phẩm nội dung số là các văn bản, dữ liệu, hình ảnh, âm thanh được thể hiện dưới dạng số, được lưu giữ, truyền đưa trên môi trường mạng.
Điều 4. Nguyên tắc thông báo, đăng ký ứng dụng di động
1. Thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng di động có cả chức năng bán hàng và chức năng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử chỉ thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định tại Mục 2 Chương IV Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và quy định tại Mục 2 Chương II Thông tư này.
2. Với một ứng dụng di động, thương nhân, tổ chức, cá nhân chỉ thực hiện thủ tục thông báo hoặc đăng ký một lần cho các phiên bản ứng dụng khác nhau.
Điều 5. Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng bán hàng
1. Thông báo với Bộ Công Thương theo quy định tại Mục 1 Chương II Thông tư này.
2. Cung cấp đầy đủ các thông tin sau trên ứng dụng:
a) Tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân;
b) Số điện thoại, địa chỉ thư điện tử hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác.
3. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử trên ứng dụng di động:
a) Tuân thủ các nghĩa vụ về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng quy định tại Mục 1 Chương V Nghị định số 52/2013/NĐ-CP;
b) Thông báo cho người tiêu dùng về việc ứng dụng của mình sẽ thu thập những thông tin gì trên thiết bị di động khi được cài đặt và sử dụng;
c) Không được phép mặc định buộc người tiêu dùng phải sử dụng các dịch vụ đính kèm khi cài đặt và sử dụng ứng dụng của mình.
4. Thực hiện các quy định tại Điều 8 và Điều 9 Thông tư này nếu ứng dụng bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
5. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.
6. Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.
7. Trong trường hợp sử dụng ứng dụng bán hàng để kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, thì phải đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đồng thời công bố trên ứng dụng số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Điều 6. Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
1. Đăng ký với Bộ Công Thương ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử theo quy định tại Mục 2 Chương II Thông tư này.
2. Xây dựng và công bố trên ứng dụng những thông tin sau:
a) Phạm vi trách nhiệm của thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng trong những giao dịch được thực hiện qua ứng dụng này;
b) Quyền và nghĩa vụ của các bên trong các giao dịch được thực hiện qua ứng dụng;
c) Cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các bên liên quan đến giao dịch được thực hiện qua ứng dụng;
d) Chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng ứng dụng theo quy định tại Điều 69 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP;
đ) Biện pháp xử lý với các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thực hiện qua ứng dụng.
3. Yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người sử dụng ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử để bán hàng hóa, dịch vụ cung cấp các thông tin theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 29 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP khi đăng ký sử dụng dịch vụ.
4. Lưu trữ thông tin đăng ký của các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng và thường xuyên cập nhật những thông tin thay đổi, bổ sung có liên quan.
5. Thiết lập cơ chế cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng thực hiện được quy trình giao kết hợp đồng theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Thông tư này nếu ứng dụng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
6. Thực hiện các trách nhiệm quy định tại Điều 41 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP nếu ứng dụng có chức năng tương tự như website khuyến mại trực tuyến.
7. Thực hiện các quy định tại Mục 4 Chương III Nghị định số 52/2013/NĐ-CP nếu ứng dụng có chức năng đấu giá trực tuyến.
8. Áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân và thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
9. Ngăn chặn và loại bỏ khỏi ứng dụng các thông tin bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
10. Loại bỏ khỏi ứng dụng những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.
11. Yêu cầu người bán các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trên ứng dụng của mình phải cung cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ đó (trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh).
12. Cung cấp thông tin, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật sử dụng ứng dụng của mình.
13. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Điều 7. Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để bán hàng hóa, dịch vụ
1. Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 29 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP cho thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng ứng dụng.
2. Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP nếu cho phép khách hàng thực hiện việc đặt hàng trực tuyến.
3. Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên ứng dụng.
4. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử.
Điều 8. Giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến qua ứng dụng di động
1. Việc giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến qua ứng dụng di động thực hiện theo các quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Trường hợp đối tượng của hợp đồng là sản phẩm nội dung số hoặc dịch vụ trực tuyến và việc trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng được thể hiện bằng việc giao sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ thì cơ chế rà soát và xác nhận phải đáp ứng các quy định sau:
a) Hiển thị tên sản phẩm hoặc dịch vụ, tổng số tiền khách hàng phải trả cho hàng hóa, dịch vụ đó và phương thức thanh toán sẽ được áp dụng;
b) Cho phép khách hàng sau khi rà soát những thông tin trên được lựa chọn hủy hoặc xác nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
Điều 9. Thanh toán trực tuyến qua ứng dụng di động
1. Nếu ứng dụng di động có chức năng thanh toán trực tuyến, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải thiết lập cơ chế để khách hàng rà soát và xác nhận thông tin chi tiết về từng giao dịch thanh toán trước khi thực hiện thanh toán.
2. Thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng di động có chức năng thanh toán trực tuyến phải thực hiện các trách nhiệm quy định tại Điều 74 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.
Chương II
THỦ TỤC THÔNG BÁO, ĐĂNG KÝ ỨNG DỤNG DI ĐỘNG
Mục 1.
THÔNG BÁO ỨNG DỤNG BÁN HÀNG
Điều 10. Đối tượng thông báo ứng dụng bán hàng
Đối tượng thông báo là chủ sở hữu ứng dụng bán hàng, bao gồm:
1. Thương nhân.
2. Tổ chức mà trong chức năng, nhiệm vụ có bao gồm việc tổ chức hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc tiến hành các hoạt động thương mại điện tử.
3. Cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân và không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh.
Điều 11. Thông tin thông báo và quy trình thông báo ứng dụng bán hàng
1. Thông tin thông báo ứng dụng bán hàng bao gồm:
a) Tên ứng dụng;
b) Địa chỉ lưu trữ hoặc địa chỉ tải ứng dụng;
c) Các thông tin quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e khoản 2 Điều 53 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.
2. Quy trình thông báo ứng dụng bán hàng được thực hiện theo quy trình thông báo website thương mại điện tử bán hàng quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử (sau đây gọi là Thông tư số 47/2014/TT-BCT).
Điều 12. Cập nhật, thay đổi, chấm dứt thông tin đã thông báo
1. Thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng bán hàng có nghĩa vụ cập nhật thông tin thông báo theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 47/2014/TT-BCT.
2. Trong trường hợp có sự thay đổi một trong các thông tin quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư này hoặc ngừng hoạt động của ứng dụng bán hàng đã thông báo, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải thông báo về Bộ Công Thương trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi có sự thay đổi thông tin hoặc ngừng hoạt động.
3. Quy trình thay đổi, chấm dứt thông tin đã thông báo về ứng dụng bán hàng được thực hiện theo quy trình áp dụng với website thương mại điện tử bán hàng quy định tại Điều 11 Thông tư số 47/2014/TT-BCT.
Mục 2. ĐĂNG KÝ ỨNG DỤNG CUNG CẤP DỊCH VỤ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Điều 13. Đối tượng đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
Đối tượng đăng ký là thương nhân hoặc tổ chức hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại hoặc hỗ trợ doanh nghiệp, sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này.
Điều 14. Hồ sơ đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
1. Đơn đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
2. Bản sao được chứng thực quyết định thành lập (đối với tổ chức), giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư (đối với thương nhân).
3. Đề án cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.
4. Quy chế quản lý hoạt động của ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các nội dung sau:
a) Các nội dung quy định tại Điều 38 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP;
b) Quy trình xử lý, thời hạn xử lý khi nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
5. Mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia mua bán hoặc tổ chức đấu giá, khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ trên ứng dụng đó.
6. Các điều kiện giao dịch chung áp dụng cho hoạt động mua bán hoặc tổ chức đấu giá, khuyến mại hàng hóa, dịch vụ trên ứng dụng (nếu có).
Điều 15. Quy trình đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
Quy trình đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được thực hiện theo quy trình đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quy định tại Điều 15 và Điều 16 Thông tư số 47/2014/TT-BCT.
Điều 16. Sửa đổi, bổ sung thông tin đã đăng ký
1. Trường hợp có sự thay đổi một trong các thông tin liên quan tới ứng dụng đã được đăng ký dưới đây, thương nhân, tổ chức phải thông báo về Bộ Công Thương trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày có sự thay đổi thông tin:
a) Thay đổi tên, địa chỉ lưu trữ ứng dụng hoặc địa chỉ để tải ứng dụng;
b) Các thay đổi khác quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 1 Điều 56 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.
2. Việc sửa đổi, bổ sung thông tin được thực hiện theo quy trình sửa đổi, bổ sung thông tin đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quy định tại Điều 17 Thông tư số 47/2014/TT-BCT.
Điều 17. Hủy bỏ, chấm dứt đăng ký
1. Bộ Công Thương chấm dứt đăng ký đối với ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong các trường hợp sau:
a) Theo đề nghị của thương nhân, tổ chức thiết lập ứng dụng;
b) Thương nhân, tổ chức ngừng hoạt động hoặc chuyển nhượng ứng dụng cho thương nhân, tổ chức khác;
c) Quá 30 ngày kể từ ngày được xác nhận đăng ký mà ứng dụng không có hoạt động hoặc thương nhân, tổ chức không phản hồi thông tin khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu trong thời hạn do cơ quan đó ấn định.
2. Thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khi ngừng hoạt động hoặc chuyển nhượng ứng dụng phải thông báo cho Bộ Công Thương trước 7 ngày làm việc để chấm dứt đăng ký. Việc thông báo này được thực hiện trực tuyến qua tài khoản truy cập hệ thống đã được cấp khi tiến hành đăng ký hoặc bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin).
3. Thương nhân, tổ chức bị hủy bỏ đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong các trường hợp sau:
a) Thực hiện các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP;
b) Không thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại Điều 57 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và tiếp tục tái phạm sau khi đã được Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin) nhắc nhở;
c) Bị đình chỉ hoạt động thương mại điện tử theo quyết định xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Không thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại Điều 6 Thông tư này và tái phạm sau khi đã được Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin) nhắc nhở.
4. Thông tin về các ứng dụng bị hủy bỏ đăng ký sẽ được công bố trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Điều 18. Đăng ký lại ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
1. Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận chuyển nhượng ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, thương nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng ứng dụng phải tiến hành đăng ký lại ứng dụng. Việc đăng ký lại ứng dụng thực hiện theo Điều 13, Điều 14 và Điều 15 Thông tư này.
2. Ứng dụng bị hủy bỏ đăng ký thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm d khoản 3 Điều 17 Thông tư này được làm thủ tục đăng ký lại sau khi thương nhân, tổ chức đã khắc phục các hành vi vi phạm dẫn đến bị hủy bỏ đăng ký.
Điều 19. Nghĩa vụ báo cáo định kỳ của thương nhân, tổ chức đã đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
Thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có nghĩa vụ báo cáo định kỳ theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 47/2014/TT-BCT.
Chương III
CÔNG BỐ THÔNG TIN TRÊN CỔNG THÔNG TIN QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Điều 20. Công bố danh sách các ứng dụng di động đã thực hiện thủ tục thông báo và đăng ký
1. Ngay sau khi ứng dụng di động hoàn thành thủ tục thông báo hoặc đăng ký theo các quy định tại Thông tư này và nhận được xác nhận của Bộ Công Thương, thông tin về ứng dụng sẽ được đưa vào danh sách ứng dụng đã thông báo hoặc đăng ký để công bố công khai trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.
2. Thông tin công bố bao gồm:
a) Tên ứng dụng và loại hình ứng dụng theo thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương;
b) Địa chỉ lưu trữ ứng dụng hoặc địa chỉ để tải ứng dụng;
c) Tên và thông tin liên hệ của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng;
d) Số đăng ký kinh doanh của thương nhân, số quyết định thành lập của tổ chức hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân sở hữu ứng dụng.
3. Khi một ứng dụng di động bị chấm dứt hoặc bị hủy bỏ đăng ký, thông tin về ứng dụng sẽ bị rút khỏi danh sách quy định tại khoản 1 Điều này và chuyển sang chế độ ứng dụng đã chấm dứt đăng ký hoặc chuyển vào danh sách ứng dụng vi phạm quy định của pháp luật theo quy định tại Điều 21 Thông tư này.
Điều 21. Công bố danh sách các ứng dụng di động vi phạm quy định của pháp luật
1. Bộ Công Thương công bố trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử danh sách các ứng dụng di động vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử.
2. Thông tin công bố bao gồm:
a) Tên ứng dụng, địa chỉ lưu trữ ứng dụng hoặc địa chỉ để tải ứng dụng;
b) Tên và thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng di động;
c) Hành vi vi phạm của thương nhân, tổ chức, cá nhân và hình thức xử phạt, mức độ xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 22. Tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về ứng dụng di động có dấu hiệu vi phạm pháp luật
1. Bộ Công Thương tiếp nhận phản ánh của tổ chức, cá nhân về các hành vi sau trên ứng dụng di động:
a) Vi phạm các quy định về thông báo và đăng ký ứng dụng di động;
b) Vi phạm các quy định về giao kết hợp đồng và thanh toán trực tuyến qua ứng dụng di động tại Điều 8 và Điều 9 Thông tư này;
c) Vi phạm các quy định về trách nhiệm của người sở hữu ứng dụng bán hàng hoặc ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này;
d) Vi phạm các quy định về trách nhiệm của người sử dụng ứng dụng di động để bán hàng hóa, dịch vụ tại Điều 7 Thông tư này;
đ) Các vi phạm khác quy định tại Điều 4 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh được thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 31 Thông tư số 47/2014/TT-BCT.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23. Trách nhiệm thi hành
1. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tiếp nhận và giải quyết các thủ tục thông báo, đăng ký ứng dụng di động và công bố thông tin trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử theo các quy định tại Thông tư này.
2. Các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp tham gia công tác quản lý nhà nước đối với ứng dụng di động theo thẩm quyền.
3. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin trong việc thẩm tra, xác minh các thông tin thông báo, đăng ký; theo dõi, cập nhật và công bố thông tin trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Điều 24. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 3 năm 2016.
2. Các ứng dụng di động được thành lập và hoạt động trước ngày Thông tư này có hiệu lực phải tiến hành thông báo hoặc đăng ký theo quy định tại Thông tư này trong vòng 60 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có phát sinh vướng mắc, thương nhân hoặc các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Công Thương để xem xét, xử lý./.